Điều phục thân tâm bằng thiền đi
Thiền đi bổ túc cho thiền ngồi rất nhiều. Những lúc mình bất an, mình giận hờn, mình thất vọng, mình bị tổn thương lòng tự ái của mình, là những lúc mình có thể dùng thiền hành để giải tỏa những năng lượng tiêu cực đó.
> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Thiền định
Bắt đầu, mình thấy đi không có an lạc gì cả, tại vì tâm trạng kia cứ bám sát theo mình, nó không chịu buông mình ra. Vì vậy mà mình bước những bước chân không thảnh thơi, không an lạc, không có từng bước gió mát dậy, không có từng bước nở hoa sen! Cái tâm trạng kia nó kềm kẹp mình như một càng cua, làm mình rất đau, đến độ mình nghĩ thiền hành không công hiệu!
Nhưng nên nhớ rằng phương pháp của mình không phải là phương pháp gạt bỏ hay đánh phá cái tâm niệm đó. Nó không phải là một gánh nặng mà mình có thể liệng xuống để mình thảnh thơi. Không thể như vậy được, tại vì nó là mình! Tâm hành đau khổ đó, giận hờn đó, thất vọng đó chính là mình. Vì vậy mình phải theo phương pháp ôm lấy nó. Ôm lấy bằng tất cả thương yêu, ôm lấy bằng tất cả chánh niệm. Chỉ có phương pháp ôm ấp đó thôi. Đừng hy vọng để nó ở nhà và mình đi thiền một mình!
Ví dụ chúng ta là một người mẹ có một đứa con đang khóc. Đứa con đó là ta, nên ta phải ôm lấy nó, ôm lấy bằng tất cả sự trìu mến, sự quan tâm, sự dịu dàng, ưu ái của chúng ta, tại chúng ta biết nó là con của ta.
Ở đây cũng vậy, trong khi đi thiền hành, chúng ta ôm niềm đau của chúng ta một cách rất ưu ái, và năng lượng của chánh niệm, của sự chăm sóc đó từ từ thấm vào niềm đau nỗi khổ của chúng ta, làm chúng dịu xuống, và chúng ta đỡ khổ rất nhiều. Được bà mẹ ôm ấp thì đứa con hết khóc, nằm im. Được chăm sóc, vỗ về thì nỗi khổ niềm đau của chúng ta cũng sẽ dịu xuống, sẽ nằm im. Tâm hành của mình là một em bé, mình phải ôm lấy nó.
Nhưng đâu là hai cánh tay để ôm lấy tâm hành đó? Đó là hai cánh tay của chánh niệm. Chúng ta đã biết rằng trong năng lượng chánh niệm, có năng lượng của sự hiểu biết, của sự thương yêu. Thương yêu ai? Thương yêu niềm đau tức là thương yêu chính mình. Nếu quả thật mình có niệm và có định, thì đi chừng 15 phút là mình đã thấy có sự thay đổi. Có thể một hai phút đầu, thấy đi rất khó, nhưng nếu quyết tâm và biết cách, thì 15 phút sau là đã thấy khác. Sau thời thiền hành 45 phút là mình có thể trở về trạng thái bình thường được, mình sống nổi. Tuy chưa hoàn toàn có hạnh phúc nhưng mình thấy mình sống sót được, mình vượt qua cơn mê được.
Nếu hôm nay là ngày làm biếng và mình có quyền đi thiền hành lâu hơn, thì mình nên đi thêm nữa. Mình có thể đi suốt ngày. Ngày làm biếng là để làm mấy việc đó.
Có khi mình may mắn có người bạn thấy được niềm đau khổ của mình, thấy được nguồn cơn của mình, nên người bạn đó cùng đi thiền với mình. Đi một bên mình mà không nói năng gì cả. Người bạn dùng hết năng lượng chánh niệm, đi từng bước thảnh thơi, an trú, thì bước bên cạnh người đó, mình có một sự nâng đỡ. Mình không cần làm gì hết, chỉ cần đi thật đàng hoàng bên cạnh người kia để biết rằng mình đang có mặt ở đây, thì năng lượng chánh niệm của mình sẽ được năng lượng chánh niệm của người kia phụ vào rất nhiều. Đi một mình thì cũng được, nhưng có khi mình hơi yếu, thành ra với niềm đau có cường độ lớn, nó sẽ tràn ra, lấn áp chánh niệm của mình. Cho nên khi có người bạn đi một bên, mình sẽ được hộ niệm, và mình sẽ được đỡ khổ rất nhiều. Hộ niệm tức là dùng chánh niệm để nâng đỡ người khác, truyền cho người khác một ít chánh niệm của mình, để người đó có đủ năng lượng mà ôm lấy niềm đau, nỗi khổ của họ. Đi thiền như vậy chừng 45 phút là mình thấy niềm đau dịu xuống, và nếu tiếp tục đi thì mình có thể chuyển hóa nó được. Chuyển hóa là khi mình thấy niềm đau nỗi khổ đó phát xuất từ hạt giống đau khổ của mình, và hạt giống đó có thể đã được tưới tẩm bởi mình hay bởi người khác.
Nhờ thực tập thiền đi như vậy, ta bắt đầu thấy rõ hoàn cảnh hơn, thấy rằng sự đau khổ này là do hạt giống đau khổ, giận hờn, tự ái của chính mình mà có. Vậy mà mấy hôm nay mình cứ đổ tội cho người kia làm mình đau khổ. Khi đau khổ, mình thường đổ tội cho một người khác, vì vậy cái đau khổ của mình không bao giờ ngừng được!
Cái khuynh hướng trong mình là đổ tội cho người kia. Mình cứ nghĩ rằng nếu người kia thay đổi, người kia làm cái này, người kia đừng làm cái này, đừng làm cái kia, thì tất cả sẽ được tốt hơn và mình sẽ hết đau khổ. Mình cứ nghĩ rằng tất cả đều tùy thuộc vào người kia, còn mình thì không là gì cả, mình không có một quyền hạn tối thiểu nào đối với niềm đau khổ của mình. Thiền hành cho mình một cơ hội để thấy. Tại vì chánh niệm là ánh sáng, nó cho mình thấy được bản chất của niềm đau, nỗi khổ của mình. Thấy được bản chất của nó, là mình có cơ hội để chuyển hóa nó.
Vì vậy nếu tới Làng Mai và mình có một niềm đau nỗi khổ, thì mình có thể chăm sóc, ôm ấp niềm đau, nỗi khổ đó trong giờ thiền ngồi, và trong giờ thiền đi. Thay vì để thì giờ ra để tâm sự, để tưới tẩm đau khổ của mình, thì mình nên dùng thì giờ đó để thực tập thiền ngồi và thiền đi cho vững. Trong khi đi và ngồi thì hơi thở rất là quan trọng. Hơi thở giữ chánh niệm lại và không để cho mình bị ma bắt. Ma đây là ma thất niệm, ma tán loạn, nó bủa vây chung quanh chúng ta, chỗ nào cũng có hết.
Trong ta còn có một niềm mê tín khác, đó là khi đau khổ thì ta cứ tin rằng nếu thổ lộ được cho một người thì ta sẽ nhẹ cái đau khổ đó đi. Vì vậy mà ta thường đi tìm người để tâm sự. Không có người để tâm sự thì ta thấy khổ thêm ra! Rủi ro là nếu người ta tìm đến, đôi khi cũng có những niềm đau nỗi khổ mà chưa chuyển hóa được, giờ ta trút thêm cho người đó một mớ khổ đau của ta nữa, thì tội nghiệp cho người đó quá! Người đó đến Làng Mai, đâu phải để làm thùng rác cho ta bỏ rác của ta vào!
Sự thật cho chúng ta biết rằng, càng nói thì niềm đau của ta càng được tưới tẩm, cho nên ta càng đau khổ thêm. Cũng như khi tụng kinh, càng tụng những bài đó thì ta càng thấm, cho nên bây giờ càng nói về những nỗi khổ, thì nó lại càng đau thêm. Vì vậy chúng ta đừng tin như vậy nữa, đừng tin rằng tâm sự về cái đó thì mình sẽ bớt khổ. Không! Càng nói thì chúng ta càng thực tập tưới tẩm và nuôi lớn cái khổ của chúng ta mà chúng ta không biết. Than thở có nhiều cái hại. Hại thứ nhất là mình tưới tẩm, mình vun xới cái đau khổ của mình, cho nên cái đau khổ đó sẽ lớn lên. Thứ hai là mình bắt người kia phải làm thùng rác cho mình, rất tội cho họ.
Những lúc ta có sự thăng bằng, nghĩa là không bị những niềm đau nỗi khổ trấn ngự, thực tập thiền đi sẽ rất bổ dưỡng. Tại vì đi ra ngoài, tiếp xúc với thiên nhiên, thở được không khí trong lành, hai chân có cơ hội vận động. Đi như vậy nó có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu rất hay. Hạnh phúc mà ta đạt được trong thời thiền đi đó, sẽ được sử dụng để chuyển hóa những đau khổ của chúng ta, những đau khổ đang nằm trong chiều sâu của tâm thức, và tuy chưa phát hiện, nhưng một ngày kia nó sẽ phát hiện.
Cũng như vào cuối Thu, chúng ta đi cưa củi. Củi đã khô và cưa ra rồi, chúng ta đem vào chất trong kho. Đến khi Đông tới, chúng ta có một số lượng củi khô để cho vào lò sưởi, làm ấm áp mùa Đông của chúng ta.
Cũng vậy, trong cuộc đời của chúng ta có những mùa Đông, những mùa Đông hơi khắt khe, cho nên chúng ta phải dành một ít củi cho những mùa Đông đó. Vì vậy cho nên khi không có vấn đề, khi thở được, mỉm cười được, thì phải cố gắng đầu tư thực tập, bòn vét công đức. Phải đi thiền hành, phải thực tập mỉm cười, phải thở, phải làm lớn lên cái vốn liếng hạnh phúc của mình. Khi đưa những hạnh phúc đó vào trong con người của mình, thì chúng sẽ được cất chứa trong đáy tâm thức, và chúng bắt đầu thực tập, bắt đầu hành động để chuyển hóa những hạt giống đau khổ của mình. Đến khi những hạt giống đau khổ đó cựa quậy thì mình có đủ năng lượng để chăm sóc chúng.
Chúng ta ai cũng có những mùa Đông, cho nên phải biết để dành củi, lo cho mùa Đông của chúng ta. Đừng thấy rằng mình đang sống nổi mà cứ phây phây, không hạ thủ công phu thì rất uổng. Nếu mình sống một cách hời hợt, thì khi những đau khổ kéo tới dồn dập, mình sẽ không có tư lương, không có vốn liếng để đối trị và sống qua được thời gian khó khăn, qua được những mùa Đông buốt giá của cuộc đời mình.
Trích Phương Pháp tu tập Làng Mai - Thiền sư Nhất Hạnh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Xem thêm