Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Do đâu mà có pháp môn niệm Phật? 

Muốn tìm hiểu về Tịnh độ tông hay pháp môn Niệm Phật, cần hiểu qua ba bộ kinh của Tịnh độ tông.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Niệm Phật

1. Vô Lượng Thọ Kinh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo kinh này, về thời đức Phật Thế Tự Tại Vương ra đời, có một vị quốc vương Kiều Thi Ca. Vua Kiều Thi Ca nghe đức Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua, xuất gia làm vị tỳ kheo hiệu Pháp Tạng. Một hôm Ngài đảnh lễ Phật, quỳ xuống, chấp tay cầu nguyện Phật chứng minh và phát nguyện 48 lời nguyện. Do nguyện lực ấy, sau nầy thành đức Phật A Di Ðà.

Bài liên quan

Bộ Kinh này cũng gọi là: Ðại Bổn, Ðại A Di Ðà Kinh, Ðại Vô Lượng Thọ Kinh, Lại theo kinh Bi Hoa, về đời vua Chuyển Luân ThánhVương tên Vô Tránh Niệm có vị đại thần Bảo Hải. Vị nầy có người con tên là Bảo Tạng, tướng tốt dị thường sau xuất gia thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Một hôm vua Vô Tránh Niệm nghe Phật thuyết pháp liền phát tâm muốn cúng dường các món ăn uống, y phục cho đức Phật và đại chúng trong ba tháng. Vị đại thần Bảo Hải khuyên vua nên phát tâm cầu đạo vô thượng. Vua liền phát nguyện sau nầy thành Phật sẽ làm giáo chủ một cảnh cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh để giáo hóa chúng sanh. Vua Vô Tránh Niệm phát nguyện xong, đức Bảo Tạng Như Lai liền Thọ Ký cho vua sau nầy sẽ thành Phật hiệu là A Di Ðà và cõi nước của ngài sẽ là cõi Cực Lạc Tây Phương. Vị Ðại Thần Bảo Hải sau nầy cũng thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ bảy Hóa Thành Dụ: Về thời quá khứ rất xa, tại nước Hảo Thành có vị vua tu thành Phật hiệu là Ðại Thông Trí Thắng Phật. Khi còn ở ngôi báu ngài có 16 vương tử, khi nghe ngài đã thành Phật, 16 vị vương tử nầy liền xuất gia theo Phật Ðại Thông Trí Thắng tu hành, được Phật giảng dạy kinh Pháp Hoa, về sau cả 16 vị vương tử nầy đều thành Phật:

Hai vị Phật ở phương Ðông: A Súc và Tu Di Ðính,

Hai vị Phật ở Ðông Nam: Sư Tử Âm và Sư Tử Tướng,

Hai vị Phật ở phương Nam: Hư Không Trụ và Thường Diệt,

Hai vị Phật ở Tây Nam: Ðế Tướng và Phạm Tướng,

Hai vị Phật ở phương Tây  A Di Ðà và Ðộ Nhất Thiết Thế Gian Khổ Não,

Hai vị làm Phật ở Tây Bắc: Ða Ma La Bạt Chiên Ðàn Hương Thần Thông và Tu Di Tướng,

Hai vị làm Phật ở phương Bắc là Vân Tự Tại và Vân Tự Tại Vương,

Một vị là Phật ở Ðông Bắc: Hoại Nhất Thiết Thế Gian Khổ Não

Vị thứ 16 chính là đức Thế Tôn ở cõi Ta Bà này.

2. Kinh Quán Vô Lượng Thọ:  

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ghi lại việc xãy ra khi đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ Xà Quật, do ngài cảm ứng lời cầu nguyện của hoàng thái hậu Vi Ðề Hy (con gái vua Maha Kosala và em vua Ba-tư-nặc xứ Kiêu-tát-la) bị vua A Xà Thế biệt giam ở cấm thất, ngài bảo đức Mục Kiền Liên cùng ngài A Nan đến đó, còn đức Thế Tôn hiện thân nơi ấy, giảng dạy cho bà Vi Ðề Hy phương pháp tu để giải thoát khỏi cảnh giới Ta Bà, bà Vi Ðề Hy nhờ thần lực của đức Thế Tôn, bà đã được thấy suốt nhiều cảnh giới, nhưng bà chọn cảnh giới Cực Lạc. Ðó là cảnh giới của đức Phật A Di Ðà. Ðức Phật đã dạy cho Bà Vi Ðề Hy phép Quán Vô Lượng Thọ.

Tưởng cũng nên nói qua nhân duyên Phật độ cho bà Vi Ðề Hy, hoàng hậu của Vua Tần Bà Sa La (còn gọi là Bình-sa vương 558 - 491 TCN), mẹ của vua A Xà Thế. Thời gian thái tử Tất Ðạt Ða còm tìm thầy học đạo, có đến thành Vương xá, là kinh đô vương quốc Ma Kiệt Ðà do Bình Sa Vương cai trị, Bình Sa Vương thấy ngài là một tu sĩ có tướng mạo cao quý, nên có đến thăm viếng và yêu cầu khi nào Thái Tử đắc đạo, mời trở lại viếng thăm vương quốc Ma Kiệt Ðà. Do đó sau khi thành đạo chẳng bao lâu và sau khi đã độ ông Ca Diếp và Mục Kiền Liên, đức Thế Tôn đã sớm trở lại vương quốc Ma Kiệt Ðà để độ cho Bình Sa Vương, lần gặp gỡ nầy, đức Thế Tôn giảng kinh Túc Sanh Truyện, Bình Sa Vương nghe qua chứng được quả Tu Ðà Hoàn và ngài đã cúng dường rừng trúc để xây dựng Trúc Lâm Tịnh Xá.

Trước kia, khi Hoàng hậu Vi Ðề Hy chưa có con, vua Bình Sa Vương đã đi lễ nhiều nơi để xin thần nhân giúp cho, một hôm có vị thầy tướng cho vua biết, ở ngọn núi Phú Lâu Na có bậc tiên nhơn đạo đức, sau ba năm nữa sẽ thác sanh làm con vua. Vì muốn sớm có con sau đôi ba phen thỉnh cầu mà không được, lần chót vua ra lệnh cho sứ hóa kiếp tiên nhân để sớm đạt được ý nguyện của mình. Do đó trước khi chết, tiên nhân phát nguyện: "Ngày nay vua dùng tâm và miệng sai người giết tôi, nếu tôi sanh làm con vua, cũng dùng tâm và miệng sai người giết vua". Chưa sanh mà đã có oán thù, cho nên A Xà Thế còn có tên là Vị Sanh Oán.

Bài liên quan

Khi đức Thế Tôn đã cao tuổi, Ðề Bà Ðạt Ða anh ruột của ngài A Nan, muốn thống lãnh Tăng đoàn, yêu cầu Phật truyền cho ông ngôi vị ấy, Phật biết Ðề Bà Ðạt Ða không xứng đáng nên chẳng khứng cho, Ðề Bà Ðạt Ða mới liên kết xúi dục Thái tử A Xà Thế cướp ngôi vua cha. Bình Sa Vương dẹp yên, biết con muốn làm vua, chẳng những không bắt tội mà ngài lại truyền ngôi cho A Xà Thế. Lên ngôi xong, A Xà Thế ra lệnh hạ ngục vua cha, không cho ăn uống, nhưng bà Vi Ðề Hy đã vào thăm và lén giấu thức ăn trong người để tiếp tế cho Bình Sa Vương, biết được việc nầy, A Xà Thế hạ lệnh giam bà Vi Ðề Hy ở cấm cung. Chính ở nơi đây, bà đã cầu nguyện đức Thế Tôn chỉ cho biết nguyên nhân, và dạy cho bà cách tu để thoát khỏi cảnh khổ ở thế gian nầy. Ấy là nguyên do Ðức Thế Tôn giảng Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

Còn A Xà Thế, sau khi giam mẹ, ông sai người thợ cạo vào ngục thất để giết vua cha, liền sau đó ông được tin mình có con đầu lòng, lúc ấy ông mới biết tình cha con, ông vào cấm thất hỏi mẹ về tình cảm của vua cha đối với ông, bà Vi Ðề Hy đã kể lại những tình cảm cao cả Bình Sa Vương đã dành cho ông, ông hối hận truyền lệnh thả vua cha, nhưng lệnh của ông đã đến chậm hơn nhiệm vụ của người thợ cạo phải thi hành. Nhân quả đã xong. Ðể răn dạy người tu hành, những hành vi của Ðề Bà Ðạt Ða và vua A Xà Thế đối với Phật và cha mẹ trở thành ngũ nghịch tội, ai mắc phải, bị đọa vào ngục vô gián. Theo kinh Pháp Hoa, Phẩm Ðề Bà Ðạt Ða, đức Thế Tôn cho biết ở một tiền kiếp, Ðề Bà Ðạt Ða đã truyền dạy cho ngài kinh Pháp Hoa, nên ngài đã thọ ký cho Ðề Bà Ðạt Ða thành Thiên Vương Như Lai sau nầy. Còn vua A Xà Thế về sau thành một vị hộ pháp đắc lực, nhất là ông đã yểm trợ cho công cuộc Kiết Tập Kinh Ðiển lần thứ nhất.

Quán Vô Lượng Thọ kinh, đức Phật giảng 16 phép quán tưởng, để được vào Chín Phẩm của đức Phật A Di Ðà, đó là cõi cực lạc hay tịnh độ, nhưng Quán là pháp tu Thiền, Cho nên Quán Vô Lượng Thọ Kinh là pháp Thiền của Tịnh độ. Kinh này cũng còn được gọi là Thập Lục Quán Kinh.

3. Kinh A Di Ðà:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kinh này Phật giảng cho ông Xá Lợi Phất và đại chúng tại Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên, trong kinh nầy đức Phật đã mô tả sơ lược cảnh giới của đức Phật A Di Ðà, khuyên mọi người tu để được vãng sinh về cảnh giới ấy, cương yếu là đoạn kinh sau đây:

- Ông Xá Lợi Phất! Nếu có người trai lành, người gái thảo nào nghe nói về đức Phật A Di Ðà, cố gắng chuyên trì tên hiệu Ngài: hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng chẳng loạn, thì người ấy khi lâm chung sẽ được đức Phật A Di Ðà cùng các bậc Thánh, hiện ra trước người ấy, người ấy khi chết tâm không điên đảo, liền được sinh sang cõi nước cực lạc của đức Phật A Di Ðà.

Có thể nói đây là đoạn quan trọng, chính yếu để phát triển pháp môn Niệm Phật của tịnh độ tông. Kinh Vô Lượng Thọ được gọi là Ðại Bổn A Di Ðà nên kinh nầy còn được gọi là Tiểu Bổn A Di Ðà.

Bài liên quan

Căn cứ vào ba kinh: Vô Lượng Thọ (Khang Tăng Khải đời Tào Ngụy dịch), Quán Vô Lượng Thọ (Cương Lương Da Xá, đời Lưu Tống dịch), A Di Ðà (Thiên Thân soạn, Cưu Ma La Thập, đời Diêu Tần dịch) và bộ Luận Vãng Sanh Tịnh Ðộ (Thế Thân trước tác, Bồ Ðề Lưu Chi dịch), ngài Tuệ Viễn (334 - 416) xiển dương Quán Tưởng Niệm Phật, lập dựng nên tông phái Tịnh độ. Khác với Thiền Tông có truyền thừa, Tịnh Ðộ Tông tôn vinh những vị chứng quả thành Tổ, Phật giáo Trung Quốc đã tôn vinh ngài Tuệ Viễn là Sơ Tổ Tịnh Ðộ Tông, và lần lượt tôn vinh các vị Tổ Tịnh Ðộ Tông như sau:  1. Tuệ Viễn, 2. Thiện Ðạo, 3. Thừa Viễn, 4. Pháp Chiếu, 5. Thiếu Khang, 6. Diên Thọ tự Xung Huyền, hiệu Trí Giác, 7. Tỉnh Thường tự Thứu Vi, 8. Châu Hoằng tự Phật Huệ, hiệu Liên Trì, 9. Trí Húc tự Ngẫu Ích, 10. Hành Sách, 11. Thật Hiền tự Tư Tề, hiệu Tỉnh Am, 12. Tế Tỉnh tự Triệt Ngộ, 13. Ấn Quang.

Trích trong “Pháp Môn Tịnh Độ” của HT Thích Trí Thủ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Đi qua chênh vênh

Phật pháp và cuộc sống 16:19 14/04/2024

Xem lại những tấm hình đã cùng tôi đi qua 1/4 thế kỷ, lúc còn là một cô nữ sinh phổ thông dáng gầy còm, điệu đà và ít cười, ít nói.

May mắn hiểu được nghiệp

Phật pháp và cuộc sống 11:30 14/04/2024

Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Gặp được Phật pháp là một phước duyên của đời người. Vì nhờ gặp được Phật pháp mà ta có cơ hội học được những điều hay lẽ phải giúp ta sống tốt hơn.

Bánh mỳ 0 đồng dành cho người nghèo và người khuyết tật

Phật pháp và cuộc sống 16:55 13/04/2024

Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi sáng, tủ bánh mì 0 đồng tại địa chỉ 296 đường Thống Nhất (TP. Nha Trang) phục vụ cả trăm ổ bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Nha Trang. Tuy trị giá mỗi ổ bánh mì không lớn nhưng chứa đựng tình cảm ấm áp của người cho.

Cách chế ngự hôn trầm và ngủ gục

Phật pháp và cuộc sống 12:34 13/04/2024

Hôn trầm là trạng thái nặng nề của cơ thể và mờ tối của tâm thức, kéo ta vào tâm trạng uể oải, lừ đừ và chán nản. Đây là một tâm lý tiêu cực, trầm nịch làm chướng ngại sự tu tập thiền định cũng như trong sinh hoạt đời thường.

Xem thêm