Thứ bảy, 26/01/2019, 10:35 AM

Đồng tính luyến ái trong Phật giáo cổ Nhật Bản

Phật giáo Nhật Bản ở thế kỷ 7 là thử thách với tín ngưỡng (Shinto) nguyên thủy của Nhật Bản. Không thể có định nghĩa duy nhất của Phật giáo với tình dục, bởi Phật giáo luôn biến đổi qua những văn hóa và thời đại khác nhau, tiếp nhận và định nghĩa lại những yếu tố của văn hóa mà nó du nhập vào.

Đây là bài nghiên cứu Khoa học xã hội và văn hóa nghệ thuật, lịch sử Phật giáo Nhật Bản từ thế kỷ thứ 7.

Đón đọc kỳ sau: Người đồng tính luyến ái có được thọ giới Tỳ kheo không?

Chuyện trong chùa đi vào văn học cổ Nhật Bản

Trước hết, Phật giáo thời kỳ đầu chia ra 2 cách sống thích hợp cho người theo đạo: Là tu sĩ, và cư sĩ.

Tu sĩ, không được phép sinh hoạt tình dục.

Cư sĩ, tuân theo 5 giới, trong đó có giới thứ 3 bị ngăn cấm, đó là Tà Dâm.

Các văn bản Phật giáo thường không giải thích tỉ mỉ rõ ràng thế nào là đúng, thế nào là sai.

Cũng giống như những lĩnh vực khác, khoái lạc tình dục nên được giữ đúng mực. “Hành động đem lại khổ đau và sầu não trong tương lai là hành động không nên làm. Hành động đem lại niềm vui và hạnh phúc là hành động nên làm. (Dhammapada).

Thay vì gán cho một hành động bản chất tốt (punna), hay xấu (paapa), Phật giáo đánh giá hành động ấy là khôn ngoan (kusala) hay không khôn ngoan (akusala).

Trong Phật giáo, dục vọng là một vấn đề, không phải vì nó mang tính xấu, mà vì nó tạo vướng mắc, đau khổ.

Về cơ bản, Phật giáo không đề cao việc duy trì nòi giống, bởi qua đó, chúng sinh chỉ một lần nữa đầu thai vào giới trần tục (Samsara) mà thôi. Điều này xung khắc với những văn hóa Á Đông, coi việc nối dõi tông đường như một nghĩa vụ của tổ tiên.

Nhưng, mặc dù, Phật giáo không coi trọng việc duy trì nòi giống và chưa bao giờ đề cập đến chủ đề này một cách cụ thể, nhưng môi trường dục cảm đồng tính ở các nhà chùa Nhật Bản thậm chí đã tạo ra hẳn một thể loại văn học, Chigo monogatari (chuyện chú tiểu), lấy tình yêu giữa chú tiểu và sư thầy làm đề tài.

Những quan hệ dục cảm đồng tính này bắt nguồn từ cấu trúc gia đình của cuộc sống tu viện. Một trong những đề tài thông dụng của những tích này là chuyện một vị Phật, thường là Kannon, Jizoo hay Monjuschiri, hoá thân thành một chú tiểu trẻ đẹp. 

Chú tiểu dùng sự quyến rũ cơ thể của mình để gần gũi một vị sư già và giúp vị sư đạt được giác ngộ.

Trong tích Chigo Kannon Engi ở thế kỷ thứ 14, Kannon biến thành một chú tiểu và trở thành người tình của một nhà sư đang khao khát có một người bạn đồng hành trong tuổi già.

Sau một số năm khăng khít, chú tiểu qua đời, để lại nhà sư già tuyệt vọng. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù vân của vạn vật. 

Một số học giả cho rằng sự ngợi ca mang tính dục cảm đồng tính đối với những chú tiểu trẻ, quyến rũ cũng ảnh hưởng đến cách thể hiện những vị Bồ tát trong tranh và tượng. 

Dần dần Kannon, Monjuschiri, Jizoo, cũng như những nhân vật lịch sử khác như Kuukai và Shootoku Taishi (một hoàng tử được coi là đã đem Đạo Phật vào nước Nhật) được thể hiện là những “vị thần thiếu niên”, phản ánh những chú tiểu trẻ và đẹp trong các chùa chiền. 

Bài liên quan

Cách nhìn thoáng của đạo Phật Nhật Bản với tình dục

Cách nhìn thoáng của Đạo Phật Nhật Bản đối với tình dục, cũng như với những khía cạnh khác của bản chất con người, bắt nguồn từ quan niệm Upaaya (các biện pháp khôn khéo). Upaaya không đánh giá bản thân các hành động, mà đánh giá mục đích và kết quả của chúng. 

Vì vậy, sự hấp dẫn tình dục, mặc dù trong thời kỳ đầu của Phật giáo bị coi là không trong sạch, có thể được sử dụng như một công cụ để truyền tải Đạo.

Qua đó tu sĩ, mặc dù không được phép quan hệ tình dục với phụ nữ, có thể biện minh (hoặc giải thích) được cho quan hệ của mình với thiếu niên là để tạo nên một gắn bó tâm linh sâu sắc và lâu dài. 

Chú tiểu Daishi, hay Kukai trong hình dạng một trẻ trai xinh đẹp. (Tranh cuộn không rõ tác giả, đầu thế kỷ 14, hiện có ở Viện Nghệ thuật Chicago) (Theo Soi.com.vn)

Chú tiểu Daishi, hay Kukai trong hình dạng một trẻ trai xinh đẹp. (Tranh cuộn không rõ tác giả, đầu thế kỷ 14, hiện có ở Viện Nghệ thuật Chicago) (Theo Soi.com.vn)

Ngoài những chú tiểu đi tu để trở thành nhà sư, còn có nhiều thiếu niên khác lui tới môi trường tu viện, bởi tu viện cũng thường được dùng là trường học cho con cái của tầng lớp trên.

“Những trẻ em này thường được sư thầy yêu mến. Chúng mặc quần áo đẹp đẽ, tỉa lông mày và trang điểm như con gái. Chúng là niềm tự hào của tu viện, và những đứa đẹp nhất và tài hoa nhất thì được khoe khắp trong vùng” (Frederic).

Nhưng sự chiêm ngưỡng mang tính dục cảm đồng giới với một cậu bé học trò và việc cùng chăn gối với cậu là hai việc khác nhau. Vậy với mức độ nào thì cái không khí dục cảm đồng giới ở trong tu viện thực sự dẫn đến những hành động đồng tính luyến ái?

Leupp dẫn ra một loạt những nguồn tư liệu văn học và nghệ thuật, chứng tỏ rằng quan hệ tình dục đồng tính giữa các sư và chú tiểu là rất phổ biến. Để dẫn chứng, ông trích một bản tuyên thệ với 5 điều hứa của một tu sĩ 36 tuổi ở chùa Todaiji tại Nara, viết vào năm 1237: 

Điều: Tôi hứa sẽ tu tại chùa Kasaki tới khi 41 tuổi  Điều: Đã ngủ với 95 đàn ông rồi, tôi hứa sẽ không dâm dục với quá 100 người.  Điều: Tôi sẽ không cặp kè với bất cứ cậu nào ngoài Ryou-Maru.  Điều: Tôi sẽ không giữ con trai lớn tuổi trong giường.  Điều: Tôi sẽ không làm nenja (vai người lớn trong một quan hệ đồng tính luyến ái) cho bất cứ ai trong số con trai lớn và nhỡ tuổi. 

Đáng tiếc Leupp không chú giải bản tuyên thệ này dựa trên quan hệ với những bản tuyên thệ khác cũng được giữ trong chùa.

Mặc dù đây có thể là một ngoại lệ (có 95 người bạn tình vào tuổi 36 thật không phải là ít, nhất là đối với một nhà sư), nhưng giọng văn của những lời hứa rõ ràng là nhẹ nhàng chứ không cực đoan.

Ví dụ, nhà sư cho phép mình có thêm 5 người tình nữa, đó là ngoài quan hệ vẫn được giữ với Ryuo-Maru. Nhà sư cũng ghi thêm là những lời hứa này chỉ đúng cho kiếp này, chứ không áp dụng cho kiếp tới. 

Một dẫn chứng khác là truyện tranh Chigo no sooshi, gồm một loạt 5 truyện có minh hoạ, ra đời khoảng thế kỷ 14 và được giữ trong chùa Daigo-ji.

Điều này không thực tế lắm, bởi trong xã hội Nhật thì sự phân biệt đẳng cấp và coi trọng tôn ti trật tự là rất lớn. Tuy nhiên, việc cuộn tranh này được giữ tại một ngôi chùa như một báu vật quốc gia (tôi khó hình dung Vatican có thể giữ một tác phẩm tương tự trong kho của mình) nói lên rằng trong ý thức hệ của phật tử Nhật Bản - tình dục có một chỗ đứng khác với quan niệm của Thiên chúa giáo.

Một ý thức hệ không đánh giá một hành động là “đúng” hay “sai” về bản chất, mà dựa vào hoàn cảnh và mục đích của nó. Sự khác nhau về văn hoá này được ghi chép lại qua nhiều cuộc gặp gỡ giữa những người truyền đạo Jesuit và những nhà sư Nhật, trong đó tu sĩ Nhật bị chỉ trích là có những tập tục “không thể diễn tả nổi”. 

Đạo đức tình dục của xã hội Nhật tiền hiện đại không đàn áp và lên án đồng tính luyến ái như ở châu Âu, nơi mà đồng tính luyến ái bị ma quỷ hoá và bị truy đuổi bởi Nhà thờ bắt đầu từ thời Aquinas. 

Mặc dù việc săn đuổi sắc đẹp thiếu niên có thể là một trò tiêu khiển thông dụng của một số nhà sư Nhật thời trung cổ, nhưng trong một số văn bản, tình yêu con trai đã được bàn tới trên phương diện siêu hình (metaphysical).

Shin’yuuki hay “Ghi chép của những người bạn tâm huyết”, một văn bản Phật giáo của thế kỷ 17, đưa ra lời giải thích siêu hình tường tận nhất cho tình yêu nam nam.

Bản văn được viết như một sách giáo lý, trong đó một sư thầy trả lời câu hỏi của một chú tiểu về “đạo làm thiếu niên”. Trong đó, sắc đẹp của một thanh niên được coi là có một ý nghĩa siêu hình nếu như cậu bé đáp lại tình yêu do sắc đẹp của cậu mang lại ở một người lớn tuổi.

Trong khi Thiên chúa giáo coi một quan hệ tình dục như vậy là mang tính quỷ Sa tăng, thì ở Nhật Bản thời đó, việc một người đàn ông cao tuổi yêu một thiếu niên được coi là một gắn bó mang tính nghiệp chướng (karma) tốt cho cả hai người. 

Ý niệm cơ bản ở đây là nasake, hay “đồng cảm”, một chữ quan trọng trong cả khái niệm đạo đức lẫn cái đẹp của Nhật Bản. 

Nếu một thiếu niên cảm nhận được sự thành thực trong tình cảm của một người đàn ông cao tuổi hơn, và qua đồng cảm đáp lại tình cảm đó một cách không vụ lợi thì được coi là gương mẫu. Người thầy lý luận rằng thoả mãn dục vọng là cần thiết cho đời sống tình cảm và việc chống lại tình cảm còn đem lại nhiều vấn đề hơn là nghe theo tình yêu của mình. 

Tuy nhiên, ta cũng không nên quên rằng những quan hệ dục tính đồng giới được tác phẩm trên ca ngợi kia chỉ xẩy ra trong một tình huống rất cụ thể: giữa một nam giới lớn tuổi và một thiếu niên trong vòng mấy năm trước khi thiếu niên trưởng thành.

Sau đó, quan hệ đó sẽ mất đi tính tình dục và trở thành một quan hệ tinh thần và được coi là sẽ kéo dài vượt qua cả ranh giới của kiếp hiện tại. Ý nghĩa siêu hình của quan hệ này xuất phát từ ý thức của cả hai người về sự giới hạn thời gian của nó. Vẻ đẹp của tuổi trẻ chỉ kéo dài có vài năm và sẽ mất đi vĩnh viễn, vì vậy việc mong muốn thiết lập một quan hệ chỉ dựa trên sự hấp dẫn thể xác là vô ích. Nhưng vai trò của sự hấp dẫn thể xác trong việc làm khăng khít mối quan hệ hoàn toàn không bị phủ nhận, ngược lại, nó được coi là một điều hết sức tự nhiên. Faure có lý khi ông cho rằng quan hệ tình dục giữa sư và chú tiểu không chỉ giới hạn trong “làm tình”, mà còn đóng vai trò của một “đối thoại”. 

Phật giáo Nhật Bản là nơi tình yêu nam giới lộ diện rõ ràng nhất, là nơi nó đã trở thành một biểu tượng của người đàn ông lý tưởng (chứ không chỉ đơn giản là một mẫu hành động). Điều này rất gần với cái mà Foucault gọi là “kỹ thuật của bản thân” (technologies of the self), khi ông nói về quan hệ đồng tính nam giữa già và trẻ ở thời Hy Lạp cổ.

Nhiều con trai của samurai được đào tạo trong các tu viện Phật giáo. Qua đó, mô hình tình bạn vượt thế hệ và mang tính chất tình dục của Phật giáo đã ảnh hưởng đến quan hệ nam nam trong môi trường thuần giới của samurai.

Điều này đặc biệt xảy ra vào thời Tokugawa (1600-1857), khi phần lớn samurai tập trung ở những thành phố lớn như Edo (Tokio bây giờ), những nơi có ít phụ nữ. Có một mảng văn học rất lớn nói đến “giá trị đạo đức quan trọng của quan hệ tình dục nam nam của những samurai”.

Tác giả “Hoa Azeleas dại”

Tác giả “Hoa Azeleas dại”

Những tuyển tập truyện ngắn như Nanshoku ookagami của Ihara Saikaku (“Tấm gương lớn của tình yêu nam giới”), tuyển tập thơ và truyện như Iwatsutsuji của Kitamura Kigin (“Hoa Azeleas dại”) và những sách đạo đức hướng dẫn sử sự trong tình yêu nam giới như Shin’yuuki (“Ghi chép của những người bạn tâm huyết”) hay Hagakure (“Dưới bóng lá”) vẽ nên một bức tranh cụ thể về cách làm tình lý tưởng trong tình yêu nam giới thời bấy giờ. 

Tương tự như sự diễn tả truyền thống của tình yêu nam nam trong chùa chiền giữa một chú tiểu trẻ và thầy của mình, những bài văn trên lãng mạn hóa tình yêu giữa một wakashu trẻ (một thiếu niên trước khi tới lễ thành niên của mình, vẫn còn tóc trước trán) và một người tình già, nenja (nghĩa đen là người nhớ đến người tình của mình).

Những thiếu niên thường được miêu tả là đẹp, duyên dáng và quyến rũ, trong khi đó người tình cao tuổi thường được thể hiện là giận dữ, trung thành và dũng cảm. Mặt tình dục của những quan hệ này không được chú trọng, mà những yếu tố giáo dục và dạy dỗ được đề cao.

Schalow viết “Những quan hệ này không phải chủ yếu là quan hệ tình dục, mà gồm cả những yếu tố giáo dục, chỗ dựa trong xã hội và hỗ trợ về tinh thần. Hai người cùng thề tôn trọng lý tưởng samurai. Vị trí samurai được tăng sức mạnh nhờ một quan hệ được lựa chọn kỹ càng”.

Tình yêu cùng giới giữa một samurai và một thiếu niên cũng giống như tình yêu giữa chú tiểu và sư thầy ở chỗ tình dục được coi là một pha ngắn trong một quan hệ tình bạn kéo dài cả cuộc đời (sự thương mến của hai người thường được coi là số mệnh bắt nguồn từ duyên nợ của kiếp trước). Những quan hệ này không bị giấu diếm mà xảy ra công khai và phải tuân theo những quy ước nhất định. 

Kuukai – người đứng đầu giáo phái Tachikawa Ryu (774 – 835) của Phật giáo Nhật Bản

Kuukai – người đứng đầu giáo phái Tachikawa Ryu (774 – 835) của Phật giáo Nhật Bản

Lịch sử của dục tính đồng giới trong Phật giáo Nhật Bản thú vị bởi nó chỉ ra rằng “giới tính” cũng như “tình dục” không phải là đặc điểm cố định của cơ thể sinh học. Hơn thế, sex và giới tính là những biến cố văn hóa phức tạp xảy ra với cơ thể, ngược lại với những thực tại “sinh học” phát sinh từ bên trong cơ thể. 

Nhà tâm lý học Nhật nổi tiếng Doi Takeo cho rằng sự khác biệt quan trọng nhất giữa xã hội phương Tây và xã hội Nhật Bản là ở xã hội phương Tây, quan hệ nam nữ là quan hệ được đánh giá cao nhất, trong khi đó Nhật Bản nhấn mạnh đến quan hệ nam nam cũng như nữ nữ.

Doi cho rằng ở Nhật Bản “cảm giác đồng tính luyến ái” phát triển rộng rãi hơn. Đồng tính luyến ái ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp, mà theo nghĩa “khi gắn bó về tình cảm giữa người cùng giới mạnh hơn là với người khác giới”.

Sự gắn bó tình cảm mật thiết này ít khi xẩy ra giữa những người bạn bình đẳng, mà thường mang tính cách mạnh/yếu, ví dụ giữa thầy và trò, giữa thành viên cao tuổi và thành viên trẻ tuổi của một tổ chức, thậm chí giữa bố và con trai hay mẹ và con gái. 

Tôi thấy ý kiến của Doi thú vị bởi những người hoạt động trong phong trào giải phóng phụ nữ và những nhà lý thuyết về giới ở phương Tây đều cho rằng “cái chết” của tình bạn nam nam trong lịch sử hiện đại và sự kỳ thị đồng tính luyến ái liên quan chặt chẽ với nhau.

Bài liên quan

Doi cho rằng sự đề cao quan hệ khác giới, và cái mà Ueno Chizuko, người đấu tranh cho bình đẳng phụ nữ Nhật, gọi là “văn hoá cặp đôi” của phương Tây hiện đại, đã dẫn đến vị trí chủ đạo của quan hệ hôn nhân và sự xuống dốc của những quan hệ cùng giới. Michel Foucault cũng cho rằng trong thế giới của chúng ta quan hệ giữa người với người đã “nghèo nàn” đi bởi sự quan trọng quá mức của quan hệ gia đình: 

“Chúng ta sống trong một thế giới mà luật pháp, xã hội và hiến pháp làm cho những quan hệ của chúng ta trở nên rất ít ỏi, rất nghèo nàn và rất đơn giản. Tất nhiên, chúng ta có những quan hệ cơ bản về hôn nhân và gia đình, nhưng ngoài ra còn có biết bao nhiêu những quan hệ khác nữa có thể tồn tại…”

LaFleur nhận xét: “Ở châu Âu có lẽ không có một điều gì tương tự như việc Phật giáo Nhật Bản sử dụng tình dục như một hình tượng tôn giáo, thậm chí coi chính nó như một hành vi tôn giáo”. Điều nổi bật là có một số xu hướng trong Phật giáo Nhật Bản coi tình dục như một chuyện tính cực, tách khỏi nhiệm vụ sinh sản của nó. Việc tách tình dục ra khỏi nhiệm vụ duy trì nòi giống đã cho phép tình dục trở thành một biểu tượng tôn giáo và được nâng lên khỏi phạm trù gia đình.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Xem thêm