Bà Hồ Thị Thu (58 tuổi, người ở thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) mỗi ngày dùng đến gần chục tiếng đồng hồ để ngồi thiền. Bà ngồi bất động, muỗi đốt no bụng máu rồi lặng lẽ bay đi hay rụng xuống xung quanh, bà cũng kệ. Cháy nhà chết người xung quanh, bà cũng kệ.
Bà bảo, sách viết, người Ấn Độ nói, kẻ nào mỗi ngày ngồi thiền dăm ba tiếng đã được xem như cái gì đó giống như “Phật sống” rồi. Bà có thể ngồi im như tượng cả ngày, các luân xa (huyệt đạo) khai mở, bà đang tự chữa bệnh cho mình và tính đến nay đã chữa bệnh cho hơn 6 vạn người trong xã hội. Cái phương pháp chữa bệnh đó đã được thế giới biết đến không ít. Bà chỉ nặng lòng hơn, chỉ quyết liệt và đắm say hơn để quên thân xác mình, quên tất tật mọi thứ của đời mình, mà hiến dâng vì hạnh phúc cho những người cùng bệnh, cùng khổ.
Người ta khỏi bệnh, thấy lối trị bệnh ấy sao mà “màu nhiệm” đến khó tin, người nọ mách người kia. Lúc nào cũng có hàng trăm người đến nhà bà xin được học thiền trị bệnh, có hàng đoàn người nô nức đến chắp tay bà tạ ơn cứu mạng, bà chỉ mỉm cười nói một câu hài hước bằng tiếng xứ Phù Cát vô cùng khó nghe…
Rồi bà lặng lẽ cầm danh sách những bệnh nhân mới đến, đôn đáo đi tìm công an Cát Hiệp để đăng ký tạm trú. Chứ hễ kê sót trường hợp nào là người ta đến xử phạt nặng lắm. Năm ngoái (vì bệnh nhân đến lúc nửa đêm, không kịp khai báo), chồng bà là ông Võ Ngọc Anh đã phải bán một lứa lợn lấy tiền nộp phạt.
Bà Thu hiện là Phó Chủ tịch Hội Tâm năng dưỡng sinh tỉnh Đắc Lắc, bà đi khắp cả nước trị bệnh cứu người miễn phí.
Thuê xe ôtô 45 chỗ, cả làng vào suối nước nóng xin học thiền
Bà Thu bảo (và người viết bài này cũng là người đã 4 năm theo môn phái thiền chữa bệnh của bà, từng đi theo bà mở lớp chiêu sinh, nên biết rất rõ) bà đã từ cõi chết trở về với căn bệnh ung thư phổi, đã di căn sang gan, đã suy tim, suy thận mạn, bệnh viện trả về để chờ mai táng từ cách đây hơn 20 năm. Thế nên, sau khi được tiếp cận với môn học trong 21 tháng 14 ngày liên tục tại tỉnh Bình Dương, thấy mình được sống, đã sống khỏe suốt 23 năm qua (!) - bà đã coi như mình nợ phương pháp chữa bệnh “thần kỳ” này một kiếp sống.
Cô Hồ Thị Thu sắc sảo, tảo tần bán gạo nước lẻ tẻ kiếm ăn lần hồi ở xã Cát Hiệp cát trắng như tuyết năm xưa xem như đã chết. Người đàn bà ngồi im như tượng Hồ Thị Thu bây giờ, tóc bạc rồi, thỉnh thoảng lại thổ ra một bụm máu tươi do bệnh ung thư phổi chưa bao giờ khỏi hẳn – đã có một kiếp sống khác. Bà là một tín đồ của môn học kia. Thầy đã trao cho bà sự sống, bà xuống núi và đi khắp nhân gian trao truyền bí quyết cứu rỗi đồng loại đó, bà sẽ tình nguyện làm điều này cho đến hơi thở cuối cùng.
Tính đến nay, hơn 6 vạn người trên khắp cả nước, từ Bắc chí Nam, lên Tây Nguyên, dọc miền Trung đã tìm đến bà Thu để học thiền. Bà từng mở lớp với nhiều… tổng biên tập báo; lớp ở Quảng Nam thì toàn… công an. Lớp ở Đắc Lắc, Bình Định thì đủ thành phần, trong đó lãnh đạo tỉnh cũng kha khá. Người viết bài này, trong lúc bệnh trọng, khó tin là mình có thể tiếp tục sống sót, đã theo một lớp bà Thu dạy khai mở huyệt đạo rồi ngồi thiền ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đến nay bệnh đã cơ bản được khống chế.
|
Đông đảo người ngồi thiền và học thiền tại nhà bà Thu. |
Lúc đầu, ở thị trấn Đông Phú và xã Sai Nga trong huyện Cẩm Khê có vài người bệnh nặng, thuốc tây thuốc ta bó tay, họ nghe đồn có “cô Thu” ở Phù Cát chữa bệnh mà chả dùng thuốc thang gì, không thu đồng nào của người học, không nhận tiền cảm ơn của người khỏi bệnh. “Chỉ việc ngồi im như tượng là xong” - một người tặc lưỡi nói vẻ hài hước. Thế là không còn đâu bấu víu, không còn gì để hy vọng, họ có bệnh thì… vái bừa đi.
Họ bắt xe khách vào Phù Cát. Giữa suối nước nóng Hội Vân nóng 85 độ C. Ngâm gà xuống một lúc là chín, thả trứng sống nhúng xuống là ăn ngon lành, họ được dạy ngồi thiền. Thiền trong vườn điều xanh ngát, trong khi chồng và con cô Thu vẫn loanh quanh xách bình thuốc sâu đi chăm sóc hoa màu, vẫn nuôi gà lợn như bất cứ nông hộ nào khác. Họ tự bỏ tiền ra nuôi sống cái dạ dày mình, mỗi tháng đóng vài nghìn đồng tiền cho người cháu của bà Thu trả cho cán bộ quản lý điện nước khi người ta đến thu. Tuyệt nhiên không mất gì nữa. Và nhiều người đã khỏi bệnh.
Bà con choáng váng. Có nguyên lãnh đạo huyện Cẩm Khê, người nhà đương kim lãnh đạo huyện, hiệu trưởng nhà trường, giáo viên, cán bộ các ban ngành cùng tham gia học thiền. Dần dà đông quá, bà con thuê cả những chiếc xe khách 45 chỗ đi trọn gói vào xã Cát Hiệp tìm “cô Thu” nhờ “dang tay độ thế”. Số người học đông quá, tính kỹ ra, mỗi người phải mất tiền triệu, vài triệu, thậm chí cả chục triệu nếu đi máy bay và ở nhà nghỉ.
Bà Thu ngẫm thấy thương, thấy quyến luyến, và bà nghĩ, tại sao mình không đi tàu bay ra ngoài Hà Nội, bắt xe khách lên Cẩm Khê dạy cho bà con? Một chuyến đi của “cô” sẽ giúp cho bà con mình đỡ tốn hàng trăm, đến năm sáu trăm triệu đồng.
Khắp cả Việt Nam, cứ thấy ai lấy một xu của người học, thì kẻ đó không phải đệ tử của “cô Thu”
Khi bà Thu có mặt, tôi cũng là vị khách duy nhất lặn lội từ thủ đô theo học. Lúc ấy phần vì túng quẫn với sự bế tắc của bệnh tật: Hở van tim, hay ngất vặt, dạ dày bị phù nề xung huyết, uống thuốc nhiều sinh ra sỏi thận với các cơn đau thận cấp phải đi cấp cứu, đấy là chưa kể bệnh trào ngược cực kỳ khó chịu, kèm theo các hệ lụy liên tục gây mất tiếng nói, đau rát cổ xuyên ngày đêm, vai cổ gáy lúc nào cũng đau như bị tra tấn. Đôi lúc người đơ ra như tượng, đau đến mức đã ngồi thì ngồi im và không tự nằm xuống được; đã nằm thì nằm im không tự ngồi lên được. Thuốc tây và các đơn kê bừa bãi của bác sĩ làm bệnh của tôi ngày càng nặng, bệnh nọ bị hậu quả của thuốc tây làm cho xọ sang bệnh kia, đặc biệt là triệu chứng trầm cảm, liên tục muốn tự tử hoặc giết người mỗi khi phẫn uất.
Bấy giờ, tôi nghĩ một cách hoài nghi: Học cũng chẳng mất gì, biết đâu “phúc chủ lộc thầy” nó lại khỏi bệnh. Hoặc ngồi im như tượng, thoát khỏi tục lụy trần gian một thời gian, có khi bớt stress, tự cơ thể mình hàn gắn vết thương cho mình. Hoặc giả dụ bà Thu có phù phép ma tà vô lý quá, thì cũng được… cái phóng sự đích đáng!
Bờ sông Hồng hun hút gió, những rặng xoan chín mọng thơm ngòn ngọt rụng quả xuống lối quê rồi quả xoan ủng lên men hoài nhớ... Sương lơ mơ phủ dọc con đê sông Hồng, cái rét của năm 2008 ấy như cắt da cắt thịt. Bàn tọa và đùi người học thiền cứng như đá vì máu tụ, vì lạnh cóng của cái nền nhà kho hợp tác xã ẩm thấp. Hàng trăm người tụ tập xem cô Thu, cô dẫn theo một số môn đệ đã qua học “cấp 3” (cấp cao) trong môn học để phụ giúp cô truyền dạy, mở huyệt đạo cho học viên mới. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, tất cả đều mang phong cách của nhà Phật.
Lặng lẽ và nhân từ, không khoa trương, cũng không cố làm ra vẻ giản dị. Người tụ tập đông đến mức, trước đó, những người tổ chức đón “cô Thu” ra Cẩm Khê đã phải báo cáo, xin phép chính quyền bằng văn bản và được sự đồng ý cẩn thận. Chúng tôi nghe giảng, bà Thu nói suốt từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, từ tối đến khuya. Lý do là người theo học quá đông, thay vì mở một lớp như dự kiến, bà phải mở ba lớp sáng, chiều, tối.
Khóa học kéo dài một tuần, vừa lý thuyết, vừa thực hành ngồi thiền cùng bà Thu; rồi bà Thu và các “tông đồ” trực tiếp mở luân xa trên đỉnh đầu, trước trán, dọc sống lưng mỗi học viên. Người ta có 7 luân xa, bà Thu chỉ có quyền năng mở 6 luân xa. Bà ngồi thiền chăm chỉ hơn học viên, một là để gương mẫu, hai là hằng ngày hằng giờ bà vẫn phải ngồi như tượng để tự cứu mình khỏi đủ thứ bệnh nan y khác.
Chúng tôi học suốt một tuần, bà Thu giảng say sưa, nói như thổ huyết ra, nói trong nước mắt về những trải nghiệm chết lâm sàng của mình; rằng tôi là hồng nhan bạc mệnh thế đó, rồi tôi đi học thiền trong… nghi ngờ, được chăng hay chớ. Thế rồi tôi thoát án tử hình ung thư, cả làng cả nước đến xem tôi, họ tưởng tôi là hồn ma hiện về. Bà khuyên các học viên cần có tâm thế rũ bỏ, hỉ xả, từ bi, tha thứ, bớt tham sân si đi. Tất cả bệnh tật từ cái việc con người ta ham hố, không thanh thản, không cho đầu óc mình được nghỉ ngơi mà ra.
Lúc ngồi thiền, cần tập trung “quán tưởng”, từ bỏ hết mọi lo toan thường nhật, hãy nghĩ đến môn học, nghĩ đến tấm gương “ông tổ môn học”: Tiến sĩ y khoa Đasira Narada - một con người thành đạt và thông tuệ, người gốc ở Sri Lanka, người từ bỏ quyền quý tột đỉnh để vào hang núi, vào mênh mông sa mạc tuyết trắng ngồi thiền suốt 18 năm, tìm cách mở luân xa cho mình và bí quyết (chìa khóa, tần số) khai mở giúp người khác. Nghĩ đến một lối sống thanh thản, vị tha, hiến dâng cho cộng đồng, bà Thu đặc biệt không bao giờ chấp nhận lấy tiền, hay quà gì của bất cứ ai. Bà bỏ tiền ra thuê nhà nghỉ rẻ tiền ở phố huyện để dạy thiền, “tiết kiệm vài trăm triệu cho bà con” khỏi phải đi hơn nghìn cây số vào Phù Cát theo học.
Nhiều bô lão (hầu hết người học thiền là người già) đem rau cỏ thịt thà đến, bà Thu từ chối, “con nhận của cô, thì chẳng lẽ không nhận của người khác? Coi như hôm nay con đã nhận của cô, từ mai cô đừng mang cho con nữa nhé”. “Thôi, con trả rau và cá cho bà, chỉ xin bà cho con cái rổ nhựa này, con vẫn đi mua rau, nhưng chưa kịp mua rổ. Thịt cá thì con ăn chay trường, thiết gì cái đó, các cụ cầm về giúp con”.
Bà Thu tuyên bố ở tất cả các lớp học: Tôi dạy thiền giúp đời, cũng là để giúp tôi thực hiện lời tâm nguyện với thầy tôi, với môn học đã cứu sống tôi. Cả nước này, có nhiều cơ sở do đồng môn, hoặc học trò của tôi đang dạy. Nhưng có một cách để kiểm tra xem người ta có phải là người của môn phái tôi, học trò tôi hay không, hỏi rằng họ có thu tiền của học viên hay không! “Cô Thu” và môn đệ của cô, thề với trời đất, nói sai thì trời tru đất diệt, không bao giờ tôi lấy tiền/quà của người bệnh, của học trò, dưới bất cứ hình thức nào. Chúng tôi làm việc vì cái tâm, vì lòng biết ơn môn học. Nó rất khoa học, không có gì dị đoan, tà đạo hay thần bí cả.
Tác giả: Đỗ Doãn Hoàng/Nguồn: www.laodong.com.vn