Đạo Phật Việt Nam có những bản sắc riêng, mang theo nhiều yếu tố của văn hóa dân tộc. Đạo Phật Việt Nam có một đức Quan Âm rất Việt Nam, là đức Quan Âm Thị Kính, đó là một cống hiến của Phật giáo Việt Nam cho Phật giáo thế giới. Trong Kinh Phổ Môn, chúng ta nghe rằng tình thương được biểu hiện ra nhiều hình thái. Dù dưới nhiều hình thái khác nhau nhưng nếu có con mắt quan sát, chúng ta có thể nhận diện được đó là biểu hiện của tình thương. Quan Âm là tình thương, chúng ta rất cần tình thương. Vậy nên chế tác nuôi dưỡng tình thương là sự thực tập.
Pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh tại Trung tâm Văn hóa Liễu Quán, Huế (ngày 10/03/2005)
Quan Âm là tình thương, là khả năng lắng nghe, hiểu, chấp nhận, thương yêu và cứu độ. Avalokiteśvara (hay Avalokiteśhvara) là tên đức Quan Âm bằng tiếng Phạn. Avalokita nghĩa là người có khả năng nhìn sâu và lắng nghe một cách sâu sắc để có thể hiểu và thương, để có thể chấp nhận. Eśvara nghĩa là người đã đạt tới tự do, tự tại. Avalokiteśvara dịch theo người xưa là Quan Thế Âm nhưng trong những thế kỷ gần đây, từ thế kỷ thứ bảy dịch là Quán Tự Tại. Nhờ có sự quán sát sâu sắc, có sự lắng nghe sâu sắc mà mình đạt tới cái hiểu và cái thương, làm cho mình thật sự trở thành một con người tự do.
Xin các thầy và các sư cô Làng Mai xướng tụng danh hiệu Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn để bắt đầu buổi nói chuyện ngày hôm nay. Các thầy và các sư cô sẽ xướng tụng không phải chỉ bằng miệng mà bằng trái tim. Trước hết thầy Pháp Niệm sẽ xướng bài tán dương đức Quan Thế Âm bằng tiếng Việt:
Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây.
Sau đó đại chúng sẽ cùng xướng tụng danh hiệu Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn, Namo Avalokiteśvara. Chúng ta được mời tham dự, không phải là để tụng theo, nhưng để có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta có những căng thẳng, những đau nhức trong cơ thể, chúng ta có thể ngồi thoải mái và buông thư để cho năng lượng của tình thương đi vào thì những đau nhức, những căng thẳng đó sẽ biến mất.
Nếu chúng ta có những nỗi khổ, niềm đau trong lòng mà chưa chuyển hóa được, chúng ta có thể mở trái tim ra, cho năng lượng của tăng thân, cũng như năng lượng của đức Bồ Tát đi vào trong người của mình, để nhận diện ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau đó.
Nếu chúng ta có một người thân đang bị bệnh, nằm ở nhà thương hoặc một nơi nào đó không đến được, chúng ta muốn truyền năng lượng tốt đẹp này về cho người đó thì chúng ta chỉ cần nghĩ tới người đó, hình dung tới người đó hoặc là gọi tên người đó một cách thầm lặng thì năng lượng này sẽ được truyền về nhanh chóng. Điều kiện thành công của sự thực tập là có mặt thật sự thân và tâm trong giây phút hiện tại. Buông thư để cho năng lượng của đức Bồ Tát có cơ hội thấm vào cơ thể và tâm hồn của mình. Xin mời chư vị tôn đức, quý vị phật tử, quý vị quan khách nghe chuông và thực tập theo dõi hơi thở.
Thở vào tôi biết rằng mình đang còn sống.
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.
Con cái ở đâu thì ông bà ở đó
Tôi có biết một anh chàng họa sĩ người Huế sống ở Hoa Kỳ. Ngày xưa anh đã rời quê hương một cách rất khó khăn. Anh ta xin làm bồi trên một chiếc tàu thủy để có thể đi qua một nước Tây phương và nghĩ rằng mình sẽ có tương lai ở đó. Vào đêm anh từ giã bà mẹ, hai mẹ con khóc. Bà cụ là một phụ nữ Huế, không biết đọc, không biết viết, nhưng bà đã dặn đứa con trai như thế này: Này con, khi mà con sang bên nớ, mỗi khi thấy nhớ mẹ nhiều lắm, con đưa bàn tay lên, con nhìn bàn tay con cho kỹ, con sẽ thấy bớt nhớ mẹ.
Trong suốt mấy mươi năm ở bên Mỹ, không có cơ hội trở về Việt Nam, anh ta thường đưa bàn tay lên để nhìn ngắm theo lời bà mẹ căn dặn. Anh cảm thấy được an ủi rất nhiều. Cố nhiên bà mẹ Việt Nam đó chưa bao giờ học triết học, chưa từng học khoa học nhưng bà có tuệ giác của cha ông để lại, bà biết rằng: Mình có mặt trong bàn tay của đứa con trai mình.
Chúng ta biết rằng tất cả những gia tài di truyền của tổ tiên mà ông bà cha mẹ chúng ta đã tiếp nhận đang có mặt đích thực trong từng tế bào của cơ thể mình. Đó là một sự thật, rất khoa học. Tất cả những kinh nghiệm, trí tuệ, hạnh phúc của tổ tiên, của ông bà, của cha mẹ đã được trao truyền cho chúng ta. Tất cả những khổ đau, những khó khăn, những bức xúc của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng đã trao truyền cho chúng ta. Tổ tiên chúng ta, kể cả thế hệ tổ tiên trẻ nhất là cha mẹ đang có mặt một cách đích thực trong từng tế bào của cơ thể.
Bà mẹ kia tuy không biết triết học, không biết khoa học, nhưng đã đạt được tuệ giác đó: Này con, mỗi khi con nhớ mẹ, con chỉ cần đưa tay lên nhìn thì con sẽ thấy đỡ nhớ. Bà không nói rõ nhưng lời dặn dò đó đã ẩn chứa ý nghĩa: Mẹ đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của con. Sự thật khoa học đó hiện bây giờ đã được mọi người chấp nhận.
Chúng ta thường hay nói với nhau: Con cái ở đâu thì ông bà ở đó. Điều này cũng là một sự thật rất khoa học. Ông bà đi theo con cái, không phải là đi sau lưng hoặc bên phải hoặc bên trái hoặc trước mặt mà ông bà đi theo ngay trong từng tế bào của cơ thể của mình. Chúng ta đi đâu là chúng ta đem tổ tiên, ông bà đi theo đó. Điều đó có thể hiểu một cách rất là khoa học. Chúng ta đi Mỹ thì tổ tiên đi Mỹ. Chúng ta đi Hà Lan thì tổ tiên đi Hà Lan. Chúng ta đi Úc thì tổ tiên đi Úc. Chúng ta lên thiên đường thì tổ tiên sẽ lên thiên đường. Chúng ta xuống địa ngục, tổ tiên cũng sẽ xuống địa ngục với chúng ta.
Những con ma đói của thời đại
Xã hội của chúng ta trong cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, con người có cảm tưởng là mình mất gốc, mình cảm thấy bơ vơ, lạc loài, mình không thấy được sự liên hệ giữa mình và tổ tiên, ông bà cha mẹ mình. Có những người trai trẻ lớn lên giận cha, giận mẹ, phủ nhận văn hóa của mình, phủ nhận dân tộc, đất nước của mình, vì họ đã gánh chịu quá nhiều khổ đau. Có những thanh niên Tây phương khi giận cha tới mức có thể tuyên bố như thế này: Ông đó hả! Tôi không có muốn có gì liên hệ tới ông đó hết! Nói như vậy không có nghĩa là những người thanh niên Việt Nam có ý nghĩ và lời nói như vậy. Khi mình cảm thấy rằng những đau khổ của mình là do cha mẹ mình gây ra thì mình thù hận cha mẹ và không muốn có liên hệ gì tới cha mẹ nữa. Đó là những con người phóng thể, những con người không có gốc rễ. Khi chúng ta không có gốc rễ, chúng ta không thể nào có hạnh phúc được.
Thời đại chúng ta đã chế tạo ra không biết bao nhiêu con ma đói. Những con ma đói bằng xương bằng thịt đàng hoàng. Nó đi trong xã hội, đi trong cuộc đời, đi kiếm một chút hiểu và một chút thương, đi kiếm một nơi nương tựa nhưng hoàn toàn bơ vơ. Chúng ta chỉ cần bỏ một chút thì giờ nhìn quanh là nhận diện ra được những con ma đói đó. Đói ở đây không phải đói cơm hay đói áo mà là đói hiểu biết và đói tình thương. Cái hiểu đó, cái thương đó gia đình đã không cung cấp được cho họ.
Họ không tin vào hạnh phúc gia đình. Họ nghĩ rằng hạnh phúc gia đình là một ảo tưởng, là một cái không bao giờ có. Từ khi sinh ra, họ chưa bao giờ thấy ở trong gia đình có hạnh phúc. Cha làm khổ mẹ, mẹ làm khổ cha, cha đay nghiến mẹ, mẹ đay nghiến cha. Tất cả những cái đó đã gây ra những vết thương rất sâu đậm nơi người con trai, người con gái. Khi giữa cha mẹ không có truyền thông, giữa cha con không có truyền thông, cha không nhìn mặt con được, con không nói chuyện với cha được, làm sao có hạnh phúc? Gia đình không phải là chỗ người trẻ muốn trở về. Người trẻ đi tìm quên lãng ở những lĩnh vực khác. Người trẻ sa vào hầm hố của tội ác, tội phạm, ma túy, trác táng.
Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng 33 thanh niên tự tử. Họ tự tử không phải là vì thiếu cơm thiếu áo mà vì họ lâm vào trạng thái tuyệt vọng. Trong cuộc đời của họ, chưa bao giờ họ tiếp nhận được hiểu và thương từ gia đình, từ xã hội. Cuộc sống đối với họ không có một ý nghĩa nào hết. Họ nghĩ rằng muốn chấm dứt khổ đau, phương pháp duy nhất còn lại của họ là chấm dứt cuộc đời mình. Mỗi ngày 33 thanh niên Pháp tự tử, con số đó hơi nhiều đối với tôi. Các nước khác ở Âu châu tình trạng cũng tương tự.
Tôi không biết tại Việt Nam mỗi ngày có bao nhiêu thanh niên Việt Nam tự tử? Bao nhiêu gia đình, trong đó cha không truyền thông được với mẹ, con không truyền thông được với cha và mọi người trong gia đình không cảm thấy có hạnh phúc? Con số đó càng ngày càng tăng, tỉ số những cặp vợ chồng ly dị ngày càng tăng. Ở Hà Lan, nghe nói rằng tỉ số những cặp vợ chồng ly dị trên 50%. Cấu trúc gia đình ở tại xã hội Tây phương bây giờ rất lỏng lẻo và mong manh. Cấu trúc đó có thể tan rã bất cứ lúc nào.
Ngày xưa chúng ta có một gia đình vững chãi hơn nhiều. Khi có những khó khăn ở trong gia đình, mình có thể chạy sang nhà ông chú, bà thím, ông bác để tỵ nạn, sau đó chúng ta có thể trở về nhà được. Nhưng bây giờ gia đình trở thành nhỏ xíu, mỗi gia đình sống ở một căn hộ nhỏ hẹp trong chung cư. Những gia đình đó được gọi là gia đình hạt nhân (nuclear family), rất là nhỏ, chỉ có hai vợ chồng, một đứa con hoặc hai đứa con.
Khi mình cảm thấy không nương tựa được vào gia đình, không có gốc rễ trong gia đình, không có gốc rễ trong truyền thống tâm linh, không có gốc rễ trong xã hội và văn hóa của đất nước thì mình trở thành một con ma đói. Xã hội Tây phương hiện giờ sản xuất rất nhiều con ma đói. Trung tâm tu học của chúng tôi ở tại Pháp quốc và Mỹ quốc luôn luôn tiếp nhận những con ma đói. Không khó khăn gì hết, mình chỉ nhìn họ một phút đồng hồ là biết rằng đó có phải đích thực là ma đói hay không. Nhìn cách họ đi, cách họ ngồi, cách họ nhìn, cách họ nói chuyện là mình có thể biết được họ có phải là ma đói hay không. Họ đói tình thương, đói hiểu biết và họ hoàn toàn bơ vơ.
Tu tập để làm gì?
Trong những năm hành đạo ở tại Tây phương, chúng tôi đã giúp không biết bao nhiêu người Tây phương trở về được với gia đình của họ, tái lập lại được truyền thông với cha mẹ và xây dựng lại được tình thân ở trong gia đình. Chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con hòa giải được với nhau. Chúng tôi đã sử dụng những yếu tố của văn hóa Việt Nam để làm chuyện đó. Tôi nói với một người thanh niên: Anh muốn nói rằng anh không có liên hệ gì với cha của anh, điều đó rất là buồn cười. Nếu có thì giờ, anh nhìn lại một chút xíu, anh thấy rõ ràng anh là sự tiếp nối của cha anh, anh chính là cha anh đó. Anh hãy nhìn một hạt bắp mà người ta mới gieo xuống đất, năm ngày sau hạt bắp sẽ nẩy mầm và có một cây bắp con biểu hiện với hai ba lá.
Khi cây bắp con biểu hiện ra rồi, mình không thấy hình tướng của hạt bắp nguyên sơ nữa. Hạt bắp coi như đã chết để cho cây bắp được sinh ra, nhưng mà kỳ thật hạt bắp đâu có chết, hạt bắp chỉ luân hồi thành cây bắp. Không có cái chết, tự tính của hạt bắp là vô sinh là bất diệt. Khi anh là người có trí tuệ, anh nhìn vào cây bắp, anh có thể thấy được hạt bắp, không phải với tướng cũ mà với tướng mới của nó. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, cây bắp chính là hạt bắp. Khi cây bắp lên được một thước rưỡi, cây bắp có bông và hai trái bắp, đó cũng là sự tiếp nối của hạt bắp ban đầu. Khi nhìn cờ bắp và những trái bắp mới, ta phải thấy được hạt bắp ban sơ.
Cũng vậy, anh nhìn vào anh coi, anh sẽ thấy rằng anh là sự tiếp nối của cha anh, anh là sự tiếp nối của mẹ anh. Anh chính là cha anh, anh chính là mẹ anh. Đây là một sự thực hiển nhiên. Anh phải công nhận là cha anh, mẹ anh đang có mặt một cách rất hiện thực trong từng tế bào của cơ thể anh. Anh không thể nào lấy con người của cha anh ra khỏi con người của anh được. Anh không thể nào lấy mẹ anh ra khỏi con người của anh được. Như vậy, anh giận cha anh tức là anh giận chính bản thân anh. Anh không có nẻo thoát.
Anh nên sử dụng những phương pháp của chúng tôi đề nghị để hòa giải với cha anh trong anh trước. Thật là vô vọng nếu anh muốn lấy cha anh ra khỏi anh. Đó là điều anh không thể nào làm được vì anh là sự tiếp nối của ba anh, anh chính là ba anh. Cho nên, anh không có con đường nào khác, chỉ có một con đường duy nhất là hòa giải với cha anh trong anh.
Đó là phương pháp quán chiếu, thấy mình là sự tiếp nối của cha, thấy mình là cha. Có thể cha mình trong quá khứ, trong thời thơ ấu đã không được may mắn, đã bị bầm dập, đã không được thương yêu, không được chăm sóc. Do đó những vết thương của tuổi thơ nơi cha mình chưa bao giờ lành cả. Cha mình chưa có cơ duyên gặp được chánh pháp, gặp được một thầy, một sư cô hay một vị lãnh đạo tinh thần giúp cho cha có thể nhận diện vết thương, ôm ấp vết thương và chuyển hóa vết thương. Vậy nên cha mình đã trao truyền cho mình nguyên vẹn vết thương mà cha mình đã tiếp thu. Khi có niềm đau, nỗi khổ mà chúng ta không có biện pháp để trị liệu và chuyển hóa, chắc chắn chúng ta sẽ trao truyền niềm đau nỗi khổ đó cho con cháu chúng ta. Chắc chắn là như vậy.
Cho nên sự tu tập rất quan trọng. Tu tập để làm gì? Để nhận diện những niềm đau, nỗi khổ trong ta, để có thể trị liệu, có thể chuyển hóa và không tiếp tục trao truyền lại cho những thế hệ tương lai. Nếu mình là một người cha hay, một người mẹ giỏi, mình chỉ muốn trao truyền những cái hay cái đẹp, cái hạnh phúc của mình thôi. Muốn như vậy phải có sự tu tập. Nếu là một người thầy giỏi, mình chỉ trao truyền những cái đẹp, những cái hay, những tuệ giác, những từ bi của mình thôi. Còn những yếu kém, những khổ đau mình phải biết ôm ấp, phải biết chuyển hóa, phải biết trị liệu trước khi mình trao truyền cho thế hệ tương lai.
Làm chính trị cũng tu được
Mỗi chúng ta đều có hai gia đình. Thứ nhất là gia đình huyết thống, trong đó có ông bà cha mẹ. Di sản di truyền mà chúng ta tiếp nhận là từ cha mẹ, từ ông bà huyết thống nhưng mỗi chúng ta cũng còn có một gia đình tâm linh vì mỗi người trong chúng ta đều có chiều hướng tâm linh trong cuộc sống. Nếu không có chiều hướng tâm linh trong cuộc sống thì cuộc sống của mình sẽ khô cằn, nghèo đói, khổ đau. Vì vậy mỗi người chúng ta đều nên có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Giả sử vua Trần Thái Tông mà không có chiều hướng tâm linh trong đời sống, vua đã không thể nào trở thành một vị vua như đã trở thành. Năm 20 tuổi, vua bị thái sư Trần Thủ Độ bắt ép phải bỏ người yêu là công chúa Chiêu Hoàng để cưới người chị ruột của Lý Chiêu Hoàng, vì Trần Thủ Độ nóng lòng muốn có sự kế tiếp cho dòng dõi nhà Trần. Thấy Lý Chiêu Hoàng lâu quá chưa có thai nên muốn phế Chiêu Hoàng để cho vua cưới người chị của Chiêu Hoàng đã có thai sẵn với An Sinh Vương Trần Liễu (An Sinh Vương Trần Liễu rất căm giận, về sau đã tổ chức hải quân để chống lại triều đình).
Trần Cảnh làm vua nhưng việc triều chính hoàn toàn do Trần Thủ Độ quyết định. Vua bị ép phải buông người yêu Lý Chiêu Hoàng ra để cưới người chị dâu làm vua đau khổ tột cùng. Vua đã bỏ ngai vàng tìm lên núi Yên Tử để xin xuất gia với Thiền sư Viên Chứng. Sau mấy ngày tìm kiếm, Trần Thủ Độ phát hiện ra là vua đang ở trên núi và ông lên núi ép vua phải trở về. Ông dọa vị thiền sư rằng: Nếu thiền sư không khuyên vua về kinh thì ông sẽ thiết lập cung điện ngay trên núi.
Viên Chứng Thiền sư đã tâu với vua Trần Thái Tông rằng: Bệ hạ trong khi làm vua vẫn có thể tu tập được, vẫn có thể có được một đời sống tâm linh. Bây giờ, dân muốn bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được, bệ hạ cứ về đi, cứ làm vua đi, cứ đóng vai trò lãnh đạo chính trị cho đất nước. Nhưng bệ hạ vẫn có thể mỗi ngày nghiên cứu và thực tập giáo lý của đức Thế Tôn. Không phải chỉ ở trong núi mới tu được, ở kinh thành cũng tu được. Mình là nhà chính trị, mình cũng có thể vừa làm chính trị vừa tu. Đó là lời khuyên của quốc sư Viên Chứng ở núi Yên Tử. Nhớ lời quốc sư nên từ đó mỗi đêm, sau một ngày làm việc nặng nhọc về chính trị, quân sự, vua đều chong đèn lên để học kinh và ngồi thiền. Trần Thái Tông đã sáng tác nhiều tác phẩm, trong đó có một tác phẩm gọi là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi để vua tự thực tập bằng nghi thức của mình. Vua đã thực tập bái sám và ngồi thiền sáu lần một ngày.
Nếu không có chiều hướng tâm linh đó, vua đâu có đủ sức mạnh để có thể hoàn tất được sứ mạng của một nhà chính trị như vậy. Nói một cách khác hơn, từ hồi 20 tuổi vua đã biết tu, vua đã biết đem vào trong đời sống của mình một chiều hướng tâm linh để có đủ sức mạnh đối phó với những khó khăn dồn dập cho một nhà chính trị còn trẻ thiếu kinh nghiệm. Nhờ đó mà vua chịu đựng được những đau khổ, vượt thắng được những khó khăn và trở thành một ông vua thành công trong lĩnh vực dựng nước, giữ nước và giáo dục quốc dân.
Chúng ta biết rằng mỗi chúng ta ngoài gia đình huyết thống, phải có một gia đình tâm linh. Nhờ gia đình tâm linh, chúng ta được nuôi dưỡng trong đời sống tâm linh của mình. Ta biết làm thế nào để nhận diện, ôm ấp, trị liệu, chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của ta, ta mới có thể phục vụ được cho gia đình, quốc gia, xã hội một cách thành công, vững chãi, hữu hiệu.
Nếu chúng ta đọc sử thời Lý và Trần, chúng ta thấy rằng tất cả các vua Lý, các vua Trần đều có tu, đều có thực tập thiền. Các vị đó không đợi lớn tuổi, về hưu mới bắt đầu thực tập. Họ thực tập ngay từ khi còn ấu thơ. Ngay vua Trần Nhân Tông, vua thứ ba của triều Trần, từ hồi còn là chú tiểu đồng đã theo học với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tuệ Trung Thượng Sĩ tức là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung, anh cả của tướng Trần Hưng Đạo. An Sinh Vương Trần Liễu trước khi chết có dặn dò các con của ông phải trả thù cho cha nhưng những người con của An Sinh Vương Trần Liễu đã không nghe lời cha.
Từ Hoàng hậu Thiên Cảm cho đến Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tất cả những người con của An Sinh Vương đều hết lòng phò tá triều đình trong công cuộc dựng nước, giữ nước và đánh đuổi ngoại xâm. Họ có một ý hướng đoàn kết rất mạnh. Nhờ ở sự thực tập đạo Phật đã giúp cho họ tha thứ được những lỗi lầm, chuyển hóa được nội kết, khổ đau, thù hận, để cùng nhau góp sức xây dựng một đất nước hùng mạnh, vững chãi, có khả năng chống lại với sự đe dọa của phương Bắc.
Tiếp nối và trao truyền
Tôi nhắc lại một vài sự kiện lịch sử trên để quý vị nhớ tới sự thật là mỗi chúng ta đều phải có hai gia đình, gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Gia đình huyết thống trao truyền cho mình bằng con đường huyết thống và gia đình tâm linh trao truyền cho mình bằng con đường văn hóa. Sự trao truyền bằng con đường văn hóa tâm linh cũng đi thẳng vào trong từng tế bào của cơ thể. Tây phương bây giờ ưa dùng hai danh từ đi đôi với nhau là nature và nurture. Nurture tức là sự nuôi dưỡng. Nature tức là tiên thiên và nurture là hậu thiên. Cha mẹ sinh ra mình với cái hình hài này tức là tiên thiên. Thầy mình trao truyền cho mình những yếu tố của nếp sống tâm linh đạo đức tức là hậu thiên. Cả hai đường lối trao truyền đều đi thẳng vào trong từng tế bào của cơ thể.
Tôi không có con cái huyết thống nhưng tôi có rất nhiều con cháu tâm linh. Không ngày nào mà tôi không trao truyền những gì tôi cho là hay nhất, đẹp nhất của cuộc đời tôi. Gia đình tâm linh của tôi là một gia đình rất lớn. Bất cứ một tư duy nào, một ngôn ngữ nào, một lời nói nào hay bất cứ một hành động nào đều là những phẩm vật để trao truyền.
Nếu tư duy của ta đi đôi được với trí tuệ và từ bi, với sự bao dung, với sự hòa ái thì tư duy đó là một phẩm vật trao truyền cho con cháu tâm linh. Nếu lời nói của ta đi đôi được với sự hòa ái, với tình thương và sự hiểu biết, đi đôi với sự an ủi và khả năng gây niềm hy vọng, niềm tin yêu thì lời nói đó là một phẩm vật trao truyền. Nếu như hành động của mình đi đôi với ý chí muốn bảo vệ sinh mạng, muốn cứu đời, giúp người thì hành động đó là một phẩm vật trao truyền.
Mỗi tư duy của tôi đều mang chữ ký của tôi thì tôi không thể nói: đó không phải là tư duy của tôi. Rõ ràng nó mang chữ ký của tôi, tôi không thể nào chối cãi: đó không phải là tư duy của tôi. Nếu tư duy mang tính tham sân si là một tư duy tiêu cực và nếu tôi trao truyền tính đó lại cho con cho cháu thì tội nghiệp cho chúng. Con cháu tôi là sự tiếp nối của tôi, là tôi cho nên tôi rất cẩn thận để tư duy của tôi luôn luôn là chánh tư duy. Chánh tư duy tức là tư duy đi theo với hiểu, thương và bao dung.
Mỗi lời nói của tôi mang theo chữ ký của tôi. Tôi không thể nói rằng: đó không phải là câu tôi đã nói. Nếu lời nói đó có thể gây hoang mang, có thể gây hận thù, tôi không muốn trao truyền, tôi không muốn được tiếp nối bằng một lời nói như vậy. Sự tu tập giúp cho tôi chỉ trao truyền những gì đi đôi với tinh thần từ bi, trí tuệ, hiểu biết, bao dung và thương yêu.
Những hành động của tôi cũng vậy. Mỗi hành động của tôi đều mang chữ ký của tôi, tôi không thể nào chối bỏ được. Hành động bảo vệ sự sống, xây dựng tình huynh đệ là phẩm vật đáng được trao truyền, đáng được tiếp nối.
Luân hồi là như vậy, luân hồi là được tiếp nối. Mình muốn luân hồi cho thật đẹp thì mình phải chế tác những tư tưởng rất thiện gọi là chánh tư duy, mình phải chế tác những ngôn ngữ rất đẹp gọi là chánh ngữ và mình chế tác những hành động rất cao cả thì gọi là chánh nghiệp. Chỉ có những người tu họ mới biết rằng họ đang trao truyền chánh tư duy hay tà tư duy, chánh ngữ hay tà ngữ, chánh nghiệp hay tà nghiệp. Vì vậy đời sống tâm linh, chiều hướng tâm linh rất quan trọng cho mỗi người.
Làm cha, làm mẹ mình phải có chiều hướng tâm linh. Làm thầy giáo, làm cô giáo mình phải có chiều hướng tâm linh. Làm thương gia, làm kỹ nghệ gia mình phải có chiều hướng tâm linh. Làm nhà văn học, làm nhà chính trị mình phải có chiều hướng tâm linh để mình chỉ trao truyền những gì tích cực mà không trao truyền những gì có tính cách tiêu cực. Vì không muốn được tiếp nối một cách không đẹp đẽ cho nên mình cương quyết chỉ trao truyền những gì có tính cách tích cực.
Chuyển hóa
Tôi nói với người thanh niên Âu châu: Anh nhìn lại coi, anh đặt câu hỏi tại sao cha anh có nhiều khổ đau, có nhiều hận thù, có nhiều bạo động, có nhiều tuyệt vọng. Cha anh có muốn như vậy không? Hay vì cha anh đã là nạn nhân của một xã hội, của một gia đình mà trong đó người ta không chế tác được chất liệu hiểu, chất liệu thương, chất liệu bao dung, chất liệu nuôi dưỡng. Nếu cha anh may mắn gặp được một người bạn hay là một người thầy có đời sống tâm linh dồi dào, chỉ dẫn cho cha anh phương pháp nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau trong ông ấy, ông ấy đã có thể chuyển hóa rồi và ông ấy đã không trao truyền những tiêu cực đó cho anh.
Nếu cha anh chưa có may mắn đó, anh phải biết nhìn ông bằng con mắt xót thương: Tội nghiệp cho ba, ba chưa bao giờ có cơ hội, ba chưa bao giờ được ai giúp đỡ. Ông nội, bà nội đã làm khổ ba, không có khả năng để giúp ba. Bạn bè của ba cũng chưa có cái cơ hội để giúp ba, tội nghiệp cho ba! Còn mình, mình đã có cơ hội tiếp xúc với những bậc đạo sư, những người anh, những người chị, những người bạn có chiều hướng tâm linh tốt giúp cho mình nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau trong mình.
Vua Trần Thái Tông năm 20 tuổi ôm ấp niềm đau đó, được may mắn gặp Viên Chứng quốc sư ở trên núi Yên Tử. Viên Chứng quốc sư đã khai sinh đời sống tâm linh cho vua Trần Thái Tông. Từ đó trở về sau, vua Trần Thái Tông đã có con đường tu học, đã có một chiều hướng tâm linh trong đời sống của mình, đời sống của một vị vua, đời sống của một nhà chính trị. Vì vậy vua Trần Thái Tông đã có cơ hội nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Do đó vua Trần Thái Tông đã có thể tạo nên sự đoàn kết trong dòng họ, trong triều đình để thành công như một ông vua lớn của triều đại nhà Trần.
Nếu cha chúng ta không có cơ hội vì cha chúng ta không được may mắn thì tại sao chúng ta phải giận cha, phải thù hận cha? Chúng ta phải phát ra lòng đại bi: Tội nghiệp ba quá đi, ba chưa bao giờ gặp được một vị như là Thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử, ba chưa bao giờ được tiếp xúc với chánh pháp, ba chưa bao giờ tiếp xúc được với những pháp môn tu tập, nó giúp cho ba có thể nhận diện được những nỗi khổ, niềm đau, ôm ấp những nỗi khổ, niềm đau đó để mà chuyển hóa, để mà trị liệu. Bây giờ mình phải giúp ba và mình phải thực tập cho được. Sau khi thực tập thành công rồi, hòa giải được với ba trong từng tế bào của cơ thể thì mình có thể giúp cho ba hóa giải và trị liệu được một cách rất là dễ dàng.
Những người thanh niên đó đã nghe lời tôi, đã tu tập, đã chuyển hóa và đã trở về để giúp cho thân phụ và thân mẫu của những người đó. Khi mình giúp cho một thanh niên, một thiếu nữ chuyển hóa được những khổ đau và trở về hòa giải được với cha mẹ thì niềm vui, hạnh phúc của mình rất lớn. Hạnh phúc của mình không nằm ở chỗ có uy quyền, có tiền bạc, có danh vọng hay có sắc dục mà ở chỗ mình thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, mình giúp được cho rất nhiều người chuyển hóa được nỗi khổ, niềm đau và hòa giải được với người thương của họ.
Còn tiếp...
Thiền sư Thích Nhất Hạnh