Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 21/10/2023, 13:40 PM

Giấc mơ kỳ diệu

Xa xa văng vẳng tiếng chuông chùa hòa quyện cùng tiếng kinh cầu trầm bổng du dương, cùng nhịp mỏ đều đều của thời công phu hàng ngày ở ngôi chùa bên kia nghe thật là thanh thoát, làm cho tâm tôi cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu như vơi đi những phiền muộn sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Trong khi lắng nghe từng tiếng kinh cầu, tôi thả hồn theo lời kinh và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.

Trong giấc mơ tôi thấy mình là một nhà sư ẩn tu trong sơn động. Trong sơn động có một mật thất, bốn bên vách đá chỉ có một cửa duy nhất đi vào, là nơi đặc biệt dành riêng cho các sư ẩn tu, không một ai được phép vãng lai. Nơi mật thất có tôn trí tam thế Phật: Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Di Lặc.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Một hôm sau thời tĩnh tọa, sư mở mắt ra thấy một bóng trắng che nửa mặt, ngồi hụp xuống phía sau Ngài Di Lặc.

Sư lên tiếng: ai đó?

Bóng áo trắng cười khúc khích trả lời: con!

Sư hỏi: con là ai?

Con là bạch y nữ nhân. Sư gắt lên, con có biết đây là mật thất, chỗ tôn nghiêm chỉ dành riêng cho tam thế Phật. Con là hạng người nào mà dám hiên ngang vào đây ngồi sau lưng ngài Di Lặc? Hơn nữa con là một nữ nhân, con lấy tư cách gì lên ngồi đó? Con thấy có vô lễ, phạm thượng lắm không?

Thay vì trả lời, bạch y nữ nhân ngạc nhiên, ồ lên một tiếng, rồi buông ra một chuỗi cười dài!...

Chột dạ, sư hỏi: sao con lại cười? lời ta nói không đúng sao?

Bạch y nữ nhân nghiêm mặt nói: rất tiếc Sư đã tu mấy mươi năm, nghiên kinh nấu sử, mà Sư lại quên câu nói của Thường Bất Khinh Bồ Tát: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ thành Phật”. Mỗi lần hướng câu đó đến ai thì Ngài đều chấp tay đảnh lễ, dù kẻ đó là Tăng hay tục.

Bạch y nữ nhân lại hỏi tiếp: Trong đời Sư có lần nào Sư làm hạnh đó với người thế tục chưa?

“... các Ngài sẽ thành Phật”, thì con ngồi sau lưng Ngài Di Lặc có lỗi gì? Vả lại con có ngồi ngang hàng đâu ? Còn nếu nói con là nữ nhân, thì Sư quên Long Nữ trong Kinh Pháp Hoa rồi sao? Long Nữ là súc sanh, loài rồng còn được Đức Phật thọ ký thành Phật. Còn con là nữ nhân loài người lại vô phần hay sao?

Đó là nói về Kinh Pháp Hoa, tư tưởng Sư còn bị vướng như thế, nếu nói đến Kinh Kim Cang Sư còn bị mắc kẹt hơn nữa.

Sư hỏi: mắc kẹt chỗ nào?

Sư quên Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả tướng đều không thật tướng, Sư dính trên cái tướng duyên hợp hư giả của con, thì Sư làm sao thấy được cái thật tướng của vạn pháp. Hơn nữa kinh nói: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Thấy tất cả các tướng mà không phải tướng mới thấy được Phật. Sư thấy Sư là nam, tôi là nữ ư? Đó là tướng nghiệp báo hư huyễn, ngày nào sẽ trả về cho tứ đại thôi. Thậm chí đến hóa thân Phật, Bồ Tát vì lòng từ bi thị hiện trần gian cứu thế độ đời, thân đó còn không thật, hà huống cái thân của tôi và Sư.

Dù thấy tất cả tướng đều hư vọng không thật, duyên sanh vô ngã, dù thấy tất cả tướng mà không phải tướng cũng còn trong giai đoạn quán chiếu hành trì, chớ chưa chứng thật tướng. Sư còn nhớ không, xưa có một hành giả tụng kinh Kim Cang đến câu: Phàm thấy tất cả tướng mà không phải tướng mới thấy được Như Lai”. Có một vị thiền giả đi ngang qua nghe liền nói: Thầy đọc vậy trật rồi.

Vị hành giả hỏi: Sao mới trúng?

Thiền giả trả lời: “Phàm thấy tất cả tướng là thật tướng mới thấy được Như Lai”.

Hành giả nói: Thầy sửa ý kinh rồi.

Thiền giả vừa bỏ đi vừa nói: kẻ ngu làm gì biết đọc kinh. Ý này có phải nói lên ngoài tâm không cảnh, ngoài cảnh không tâm, tâm cảnh nhất như, tâm cảnh là một, chia cắt cái gì?

Con cảnh báo cho Sư biết, ngày nào Sư còn thấy con là tướng nữ, thì có sự nguy hiểm đến cho Sư đó!

Bạch y nữ nhân nói dứt lời. Sư chấp tay dịu giọng: Đa tạ, đa tạ thí chủ.

Bạch y nữ nhân thấy vậy mỉm cười.

Sư có chút thắc mắc lấy làm ngạc nhiên hỏi bạch y nữ nhân: Nơi đây bốn bề vách đá, chỉ có cửa nhỏ được khép kín, gài then khóa chốt chắc chắn, kiến vào không lọt, con vào đây bằng cách nào?

Bạch y nữ nhân miệng mỉm cười nói: Vào bằng cách nào à? Rồi bạch y nữ nhân dịu dàng nói: Sư thấy tôi bằng cái thân tứ đại vật lý này à? Sau khi bỏ thân này tôi mất tôi sao? Kinh Bát Nhã nói: “Sắc tức thị không”, đã là “Không” thì chỗ nào còn bị chướng ngại mà không có mặt. Con báo Sư biết, dù con không còn có mặt trên cuộc đời này, nhưng con vẫn hiện diện trong mật thất của Sư đó! Thì chừng đó Sư mới ngộ trọn câu: “Không tức thị sắc”. 

Sư nghe vậy nói: “Hậu sanh khả úy” khâm phục! khâm phục!

Sư hỏi tiếp: Sự có mặt của con trong mật thất này có dụng ý gì?

Bạch y nữ nhân cười nhẹ nói: Với dụng ý gì à? Hảo ý, hảo sự thôi! Sư muốn biết Sư nhìn đây, nói xong bạch y nữ nhân phất tay áo một cái, từ bàn tay phát ra một ánh quang minh xẹt vào vách đá, kỳ diệu thay hình ảnh đời quá khứ của bạch y nữ nhân liên quan đến Sư như thế nào từ từ hiện ra trên vách đá, như trong phim vậy.

Có một kiếp sư với bạch y nữ nhân là nghĩa huynh, nghĩa muội. Tiểu muội là con của sư phụ, hai người đồng sư môn, được sư phụ truyền cho võ công tuyệt học. Một hôm sư phụ dạy hai người xuống núi để đi hành hiệp giang hồ, cứu khốn phò nguy, trừ gian diệt bạo, phá tà hiển chánh, để mang lại an vui hạnh phúc cho võ lâm.

Trên bước đường hành hiệp có lúc đại ca, có lúc tiểu muội bị đối phương tấn công đưa vào cửa tử, chỉ trong đường tơ kẽ tóc, may thay gặp người đại nghĩa quên cả mạng sống của mình lăn xả vào cứu nguy cho nghĩa huynh và nghĩa muội. Thời gian trôi qua, ân tình của hai người càng ngày càng sâu nặng, nặng hơn non cao, rộng hơn biển cả. Huynh muội có chuỗi ngày dài vui đẹp, sống cạnh bên nhau, vào sanh ra tử, sống chết có nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, lòng vẫn tương kính lẫn nhau, tâm tình huynh muội trong như ngọc, trắng như ngà, sạch như tuyết, tình cảm hai người thật là cao đẹp. Cuối cùng hai người giác ngộ thấy rằng cuộc đời này vô thường, giả tạm chúng ta phải làm cái gì đó, có ý nghĩa hơn, có lợi ích cho tương lai mà không có hại, cuối cùng hai người quyết định rửa tay gác kiếm, thế phát quy y làm đệ tử của đại sư Xuất Trần ở Bạch Liên Tự, Phổ Đà Sơn.

Nghĩa huynh pháp danh Chơn Không, nghĩa muội pháp danh Diệu Hữu. Hai người nương theo Đại sư Xuất Trần một thời gian, được sư phụ truyền cho tâm pháp. Một hôm hai người đến trước Đại Hùng Bửu Điện, quỳ trước đức Từ Tôn phát lời đại nguyện.

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Rồi hai người chí thành nguyện tiếp:

Tuy hai con khác miệng mà đồng lời, xin Đức Từ Tôn chứng minh. Tuy hai chúng con là nghĩa huynh nghĩa muội, mà tình cảm còn hơn cốt nhục, sự an nguy của người kia đó là sự an nguy của chính mình. Trên lộ trình tâm linh cho đến ngày giải thoát, chúng con nguyện sẽ quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ cho nhau đến muôn đời ngàn kiếp. Nếu một trong hai người chưa thành quả giác, thì người kia chưa chịu viên mãn đạo Bồ Đề. Xin Đức Từ Tôn chứng minh cho tâm nguyện của chúng con. Nguyện xong mắt hai người đều trào lệ vì sung sướng, vì nói lên được tiếng nói sâu kín của lòng mình.

Ngày tháng trôi qua, tuổi đời chồng chất, thân tứ đại của hai người bị luật vô thường chi phối, rồi an nhiên trở về cõi vĩnh hằng, tròn xong một kiếp.

Kiếp kế, hai người là anh trai em gái, sống chung dưới mái ấm gia đình cùng cha mẹ, họ rất quan tâm chăm sóc cho nhau. Trong âm thầm nguyện xưa thôi thúc, hai anh em từ giã thế tục, xuất gia vào ẩn tu trong Linh Sơn Tự lại tròn xong một kiếp nữa.

Kiếp kế tiếp, họ là cha con với nhau, huynh là cha, muội là con gái. Người cha hết lòng thương yêu, chiều chuộng, lo lắng chăm sóc giáo dục cho con gái mình. Còn con gái hết mực thương kính cha mẹ, ngoan hiền dễ dạy, chưa một lần làm cha mẹ buồn. Đứa con cực kỳ thông minh, bén nhạy, có những đức tính như từ ái, khiêm cung, lễ độ, thường quan tâm đến người bất hạnh, chia sẻ những gì mình có cho những người khốn cùng. Kỳ lạ, nơi người con gái lại có từ lực, ai tiếp cận đều sanh tâm cảm mến, lại thêm khôn ăn khéo nói, ai nghe cũng đẹp dạ vừa lòng.

Trong đời sống gia đình của cha con họ được nhiều hạnh phúc, nhưng vì nguyện xưa âm ỉ trong lòng, nên họ giác ngộ, thấy cái nhà bọc nhung của họ bên ngoài đang rực lửa bốc cháy, thế là họ từ bỏ gia đình, của cải không chút luyến tiếc, tìm thầy học đạo.

Nghe đại danh của Tôn giả Pháp Tạng ở am An Dưỡng, họ trèo đèo vượt suối đến quỳ dưới chân Đức Tôn giả Pháp Tạng xin được xuất tục nương tựa bóng từ nơi am An Dưỡng cho trọn kiếp.

Sau khi nhận diện qua những tiền kiếp của mình quan hệ cùng bạch y nữ nhân, lòng Sư xúc động bồi hồi, lệ ứa rèm mi, nói trong nức nở nghẹn ngào, người …người … có đại nhân duyên lành với Sư như thế sao???

Bạch y nữ nhân nói: Như vậy Sư đã rõ, con xin kiếu từ.

Sư nói: Con đi nhanh thế!

Bạch y nữ nhân nói: Có gì nhanh chậm, đi hay ở có lúc nào con vắng mặt Sư đâu, và ngược lại.

Sư nói: Con có thể cho Sư thấy chân diện mục của con được không?

Bạch y nữ nhân trả lời: Nếu Sư muốn con sẽ chiều theo ý Sư. Sư xem đây, rồi từ từ vén chiếc khăn che nửa mặt, hiện lên gương mặt tròn đầy phúc đức, ai trông thấy tất phải sanh tâm quý mến.

Thấy diện mục từ ái đó rồi, Sư thốt lên bài thơ:

Người đẹp, đẹp từ hai ánh mắt,

Làm mờ đi, ánh ngọc trân châu.

Làm phai, cả nước hồ thu thấm,

Làm nhạt bao nhiêu vẻ nhiệm màu!

Bài thơ vừa thoáng qua trong đầu, thì thấy bạch y nữ nhân nghiêng mình chắp tay xá chào Sư, rồi vỗ tay một cái, thân mình lắc lư bay thẳng lên xuyên qua nóc đá mất dạng. Bạch y nữ nhân đi rồi để lại cho Sư biết bao cảm kích! Sư thoạt nhớ lại gương mặt đó thấy quen quen, hình như gặp ở đâu rồi, à! Thì ra … bạch y nữ nhân đó là … Sư reo to lên: Nhứt-Kiến-Hỷ! Nhứt-Kiến-Hỷ!

Reo xong giật mình tỉnh giấc, mới biết đó là một giấc mơ!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bài thơ về cơm chùa

Góc nhìn Phật tử 17:16 26/04/2024

Tôi còn nhớ hôm đó, khi mặt trời đã lừ đừ lặn về hướng Tây xa xa có những rặng núi xanh rì, tôi ra khỏi tam quan của chùa để trở về nhà…

Đối trị phiền não khi niệm Phật

Góc nhìn Phật tử 11:05 26/04/2024

Thực ra không phải tới lúc niệm Phật chúng ta mới có phiền não, hoặc nhận biết ra chúng ta đang có, thậm chí quá nhiều phiền não, mà nói cho đúng: phiền não đã có trong chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay.

Trường sinh bất tử qua cái nhìn của nhà Phật

Góc nhìn Phật tử 21:39 25/04/2024

Từ ngàn xưa, con người đã hằng nung nấu, ôm ấp ước mơ được trường sinh bất tử. Tuy nhiên, sự bất tử trường sinh dường như chỉ thấy có được trong những câu chuyện thần thoại hoang đường, hay truyền thuyết mơ hồ viễn vông.

Lành thay nếu được là học trò của Đức Phật

Góc nhìn Phật tử 14:37 25/04/2024

Giả như có một lần úp mặt vào lòng bàn tay suy ngẫm, ta sẽ thấy con người ngay từ lúc thoát thai đã chịu bất công: người rạng ngời tướng tốt ủ yên trong gấm vóc lụa là, kẻ đui què câm điếc lại còn sinh trong gia đình bần tiện.

Xem thêm