Giáo dục và đào tạo tăng ni sinh hệ trung cấp Phật học: Thách thức và Giải pháp
Giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng trong nhiệm vụ đào tạo người tu sĩ nhằm hướng đến mục tiêu cơ bản: “Duy Tuệ Thị Nghiệp”.
Với định hướng đó, nền giáo dục Phật giáo nói chung, giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo nói riêng hướng đến sự toàn diện. Một nền giáo dục đề cao tri thức, sự hiểu biết đa dạng của Tăng Ni sinh, một nền giáo dục nhập thế gắn với thực tiễn và nhu cầu phát triển của xã hội. Đó cũng là nền giáo dục và đào tạo không trọng bằng cấp, mà luôn đề cao năng lực người học, giáo dục mở, không câu nệ tuổi tác, giới tính. Nền giáo dục ấy định hướng cho người học tinh thần tự giác, tự học. Đồng thời đó cũng là nền giáo dục và đào tạo phát huy trí lực, tuệ lực và pháp lực của người dạy - các bậc giảng sư trực tiếp tham gia vào vào những khâu thiết yếu trong chu trình đào tạo ấy. Để đáp ứng được những mục tiêu, yêu cầu của nền giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo, đòi hỏi phải có phương hướng và giải pháp nhằm phát huy một cách tốt nhất mọi nguồn lực trong mỗi bậc học, cấp học. Chính vì lẽ đó, hệ thống giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo mà hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn thiện đầy đủ các bậc học từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và cử nhân Phật học, riêng Học viện Phật giáo Việt Nam Hồ Chí Minh còn đào tạo Thạc sỹ Phật học.
Ở mỗi bậc học, Tăng Ni sinh được trang bị cho mình những quy chuẩn và kiến thức không chỉ về Phật học mà còn cả về thế học. Đó là quá trình đào tạo nối tiếp nhau, liên tục và không ngừng có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển của Giáo hội và của xã hội. Trong hệ thống giáo dục và đào tạo đó, hệ trung cấp Phật học là bậc đào tạo trung gian, có vai trò quan trọng và nền tảng, vừa là sự kế tiếp, nâng cao so với hệ sơ cấp, nhưng đồng thời cũng là sự chuẩn bị hành trang và những tri thức căn bản nhất có tính nền tảng cho các hệ đào tạo tiếp theo ở bậc Cao Đẳng, Đại học và Sau đại học Phật học.
Giáo dục Phật giáo: Bản chất và giá trị
Trong những năm qua, hệ Trung cấp Phật học được mở rộng đào tạo ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện có hàng chục trường Trung cấp phật học trên hầu hết cả tỉnh thành trong cả nước. Những thành tựu, đóng góp quan trọng của các trường Trung cấp Phật học đào tạo nhân sự cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam là không nhỏ.
Trường Trung cấp Phật học, trước đây được gọi là Trường Cơ bản Phật học với ý nghĩa là cấp học trang bị cho tăng ni những kiến thức cơ bản về Phật học. Đây là một cấp học do Ban Trị sự Phật giáo các địa phương, trên cơ sở điều kiện thực tế về số lượng tăng ni, nhu cầu học học tập, cơ sở vật chất… xin thành lập.
Trước đây, do chưa có quy định cụ thể thống nhất cấp học Trung cấp Phật học nên thời gian đào tạo ở các Trường có khác nhau. Có địa phương cấp học Trung cấp Phật học kéo dài 7 năm chia làm 2 hệ: Hệ trung cấp Phật học I, kéo dài 4 năm và hệ Trung cấp Phật học II kéo dài 3 năm. Có địa phương chia cấp học Trung cấp Phật học làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 3 năm. Hiện nay, theo quy định của Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương, cấp học Trung cấp Phật học đào tạo trong 4 năm. Chương trình, nội dung, giáo trình… do Trường biên soạn trên cơ sở hướng dẫn của Ban Trị sự Phật giáo và Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương theo các bộ môn kinh, luật, luận, sử học và văn học Phật giáo… Chương trình học của hệ Trung cấp gồm hai phần nội điển và ngoại điển. Nội điển là phần cung cấp kiến thức về giáo lý của đạo Phật qua kinh, luận, luật. Ngoại điển là những phần kiến thức xã hội bổ trợ như: văn học, lịch sử, triết học, xã hội học, ngoại ngữ… Đội ngũ giảng sư do Trường đề nghị và được sự hỗ trợ từ Ban Trị sự Phật giáo ở địa phương và Ban Hoằng pháp Trung ương.
Theo quy định trước đây đối với hệ Trung cấp Phật học, tuổi tối thiểu để vào học giai đoạn 1 là 12 tuổi. Những vị xuất gia dưới 12 tuổi cần hành điệu một thời gian trước khi được vào học. Trình độ văn hóa phải qua cấp Tiểu học (cấp 1). Tuổi tối thiểu để vào học giai đoạn 2 là 16 tuổi. Trình độ văn hóa phải qua cấp Trung học cơ sở (cấp II). Theo quy định mới của Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương, hệ Trung cấp chỉ còn một giai đoạn và đào tạo trong thời gian 4 năm, điều kiện với đối tượng tăng ni dự học tương đương hệ Trung cấp Phật học giai đoạn 2. Trong quá trình học tập tại Trường Trung cấp Phật học, các tăng ni sinh phải đồng thời học các môn bổ túc văn hóa theo theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nếu chưa hoàn thành trình độ văn hóa theo yêu cầu. Tăng ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học được cấp văn bằng chứng chỉ của Trưường và đủ điều kiện để học tiếp lên các trình độ Phật học cao hơn.
Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 54 Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật giáo cấp tỉnh thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng Trường Trung cấp Phật học là 32 trường thuộc 32 địa phưương, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu học tập trình độ Phật học căn bản của các tăng ni.
Tuy nhiên, nhìn vào quá trình giáo dục và đào tạo các trường Trung cấp Phật học ở Việt Nam hiện nay cho thấy có khá nhiều thách thức đặt ra:
1. Trình độ Tăng Ni sinh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, có những tỉnh đào tạo hệ sơ cấp, có tỉnh thành không đào tạo hệ sơ cấp mà tuyển thẳng lên hệ trung cấp Phật học. Đây là khó khăn lớn để tổ chức chương trình dạy và học khi trình độ đầu vào không đồng đều.
2. Hệ thống trường Trung cấp Phật học có ở nhiều tỉnh thành, nhưng quá trình đào tạo chưa có sự liên kết, chưa có sự giao lưu trao đổi giữa người học và đặc biệt là đội ngũ giảng sư.
3. Chưa có chương trình đào tạo thống nhất các môn học, hệ thống học liệu và giáo trình, tập bài giảng, sách giáo khoa chung cho hệ thống đào tạo Trung cấp Phật học các tỉnh thành trong cả nước.
4. Các môn học trong chương trình đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học Phật giáo còn có sự chồng chéo giữa các môn học, các học phần. Có những học phần được học ở Sơ cấp, nhưng lên Trung Cấp, Cao Đẳng và Đại học vẫn học lại mà chưa đáp ứng được yêu cầu của sự liên thông giữa các bậc học và tính chuyên sâu cho từng môn học giữa bậc học sơ cấp với các bậc học cao hơn.
5. Cũng giống như tình trạng chung của Giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo. Ở bậc học Trung Cấp còn thiếu về đội ngũ giảng sư, nhân sự quản lý, còn yếu về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.
6. Thực trạng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, bởi vì phần lớn hoạt động của các trường Trung cấp đều dựa trên kinh phí cúng dàng của thiện nam, tín nữ Phật tử, doanh nghiệp… do vậy, tình hình tài chính không ổn định.
7. Mối quan hệ giữa Trường Trung Cấp với các tổ chức chính quyền địa phương chưa thật chặt chẽ, quan hệ với các tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo quốc dân còn yếu, đặc biệt là chưa có quan hệ quốc tế.
8. Những khó khăn trong quy định thời gian đào tạo quá dài. Đối với sơ cấp là 2 năm, Trung cấp là 4 năm, trong khi đó ở bậc Cao Đẳng là 3 năm, Học viện cũng là 4 năm. Do vậy, có thể thấy đây là khoảng thời gian đào tạo tương đối dài so với yêu cầu của bậc học.
9. Hiện nay, phần lớn trong chương trình đào tạo trình độ Trung cấp Phật học vẫn nặng về lý thuyết, kinh điển mà hàm lượng, thời gian thực hành cho Tăng Ni sinh rất ít. Do vậy, Tăng Ni sinh thiếu những kiến thức thực tế cũng như các tình huống tu tập phát sinh trong thực tiễn.
10. Các nội dung thế học, liên hệ với thực tiễn, các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay là một mảng nội dung Tăng Ni sinh trường Trung Cấp Phật học còn chưa được tiếp cận nhiều. Ví dụ, nên chăng đưa các môn Giới thiệu sơ lược về các tôn giáo được Nhà nước thừa nhận pháp nhân; Luật đất đai quy định về cơ sở thờ tự của tôn giáo, vấn đề xung đột tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu… Theo xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay, nên chăng đổi mới hệ thống đào tạo từ niên chế sang tín chỉ để tạo điều kiện cho phân loại Tăng Ni sinh, vừa nâng cao được chất lượng đào tạo Tăng Ni sinh, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo, khuyến khích Tăng Ni sinh có năng lực có thể tốt nghiệp sớm để tiếp tục lên các bậc học cao hơn.
Thông qua những thách thức ban đầu tạm thời đề cập ở trên trong hệ thống đào tạo Trung cấp Phật học, một số giải pháp cần thiết theo chúng tôi là như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, ban hành quy chế đào tạo thống nhất cho các Trường Trung Cấp Phật học trong cả nước ở chương trình đào tạo, sách giáo khoa, giáo trình, đề cương bài giảng, môn học.
Nhân sự là nhân tố quyết định sự thất bại hay thành công của mọi tổ chức và trường lớp, Phật giáo cũng không ngoài quy luật ấy. Nhân sự điều hành trường lớp phải là những người trực tiếp làm việc toàn thời gian cho giáo dục và có khả năng chuyên môn. Cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự tham gia trực tiếp điều hành và quản lý trong hệ thống các trường Phật học. Đặt ra những yêu cầu về chuyên môn và phẩm hạnh. Lựa chọn nhân sự có năng lực lãnh đạo và thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý đối với đội ngũ làm công tác quản lý hành chính. Đặc biệt chú trọng đến kinh nghiệm quản lý và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Giáo dục Phật giáo và giáo dục 4.0
Để thuận lợi cho việc quản lý điều hành và nâng cao hiệu quả trong các hoạt động giáo dục và đào tạo Tăng Ni trong các trường Trung cấp Phật học, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần sớm có giải pháp ban hành quy chế giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo Việt Nam. Quy định về hệ thống giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo, các trường đào tạo Phật học, hướng dẫn về thực hiện quy cách tuyển sinh, đánh giá, kiểm tra và chương trình đào tạo, chế độ đãi ngộ đối với những người làm công tác quản lý, giảng dạy, quy chế đối với Tăng Ni sinh theo học các hệ đào tạo, xác định trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo trong phạm vi toàn quốc. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế thuộc thẩm quyền giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo sự phân cấp và tiến độ thực hiện tại các cơ sở giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh trong cả nước.
Thống nhất các khung chương trình đào tạo và đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra cho từng khung chương trình. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần sớm ban hành quy định cụ thể về đội ngũ nhân sự, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ đối với những người tham gia công tác, quản lý, đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo cho từng chương trình đào tạo đối với từng cấp học: sơ cấp Phật học, trung cấp Phật học, cao đẳng Phật học và đại học và sau đại học Phật học. Bên cạnh đó để thuận lợi cho việc quản lý đào tạo, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần ban hành quy chế đào tạo liên thông giữa các hệ, các cấp Phật học. Ban hành quy chế hướng dẫn, giám sáp và tiến hành sát nhập các trường thuộc các hệ đào tạo Phật giáo. Xây dựng mô hình đào tạo chung, bộ máy tổ chức và điều hành chung cho các hệ đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo trong cả nước theo mô hình liên tỉnh hoặc liên khu. Cần phối hợp với Ban Trị sự các tỉnh thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng giảng dạy và đào tạo, việc thực hiện quy chế đào tạo trong các trường Phật học thuộc các tỉnh thành phố trong cả nước, để có những nắm bắt kịp thời, đề ra những giải pháp cụ thể khắc phục những khó khăn trong việc thực hiện chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Mục tiêu của giáo dục Phật giáo
Thứ hai, mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo, tăng cường các hoạt động xã hội cho Tăng Ni sinh các trường Trung cấp Phật học, mở rộng quan hệ hợp tác và có chế tài phù hợp, khuyến khích tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của chính quyền địa phương và Thiện nam tín nữ Phật tử các cấp đối với Trường, nhất là ở nơi chính quyền sở tại.
Cần tăng cường các quan hệ hợp tác đào tạo. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo với các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước và nước ngoài. Tăng cường trao đổi đào tạo, tạo mọi điều kiện cho Tăng Ni được phép học tại các trường thế tục và người cư sĩ được cho phép vào học tại các trường Phật học. Cần tạo ra hình thức giáo dục và đào tạo đa dạng. Cho phép các cư sĩ có thể tham gia học tập như Tăng Ni sinh trong các trường Phật giáo. Mở rộng, phát triển giáo dục và đào tạo Phật giáo dưới nhiều hình thức như các lớp học ngắn hạn, các lớp dài hạn cấp chứng chỉ Phật học. Đồng thời cần phải có những cải cách phù hợp để đảm bảo chương trình, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Cần có biện pháp để đảm bảo những lợi ích chính đáng về sự tôn trọng công bằng với các đại học thế tục vì hiện tại các đại học thế tục không chấp nhận bằng cấp của Phật giáo trong khi về phía Phật giáo luôn chấp nhận bằng cấp các trường. Đại học Phật giáo cần phải từng bước đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Đẩy mạnh các mô hình hoạt động xã hội cho Tăng Ni sinh. Có thể tổ chức thành các đoàn thể, các hiệp hội Tăng Ni sinh trong các trường trung cấp Phật học. Thành lập Hội Tăng Ni sinh nhằm giáo dục tinh thần đoàn kết, lục hòa, tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh trong cùng một trường và giữa các trường Phật học có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nâng cao tinh thần tập thể và phát huy tài năng, rèn luyện năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức cộng đồng cho Tăng Ni sinh.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, khảo sát thực tế, nhằm trau dồi những kiến thức và bài học thực tiễn cho Tăng Ni sinh, gắn học đi đôi với hành.
Tổ chức các hoạt động xuất bản, báo chí và truyền thông, hội nghị, hội thảo, chuyên đề, tọa đàm nghiên cứu khoa học nhằm quảng bá và thúc đẩy việc tự học hỏi và tự nghiên cứu trong Tăng Ni sinh.
Tổ chức các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện cho Tăng Ni sinh. Giúp cho Tăng Ni sinh có điều kiện tiếp xúc với môi trường bên ngoài, rèn luyện phẩm hạnh và mang ý tưởng Bồ Tát, tinh thần phổ độ chúng sinh áp dụng vào thực tiễn cuộc sống tu hành nhằm tạo thiện duyên cho xã hội. Rèn luyện ý chí, tinh thần vì lợi ích cho mọi người và cho xã hội, tính tự giác, tự kiềm chế, tính nhẫn nhịn và tinh thần từ bi, hỉ xả, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng, xây dựng ý thức cộng đồng cho Tăng Ni sinh.
Tổ chức các hoạt động thảo luận, diễn thuyết, nhằm tăng cường các kỹ năng thuyết trình, tư duy cho Tăng Ni sinh. Đây là những hoạt động giúp cho Tăng Ni sinh không chỉ rèn luyện được các kỹ năng mềm cần thiết mà còn có cơ hội thực tập ngay trên chính bài học, lớp học và cuộc sống ở trường lớp của mình. Rèn luyện tinh thần, thái độ làm việc nhóm cho Tăng Ni sinh. Thông qua những hoạt động này, cũng rèn luyện cho Tăng Ni sinh kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng biện luận, phản biện và lập luận logic, thuyết phục… đây là những kỹ năng mềm cần thiết cho một hành giả tương lai trên bước đường hoằng dương chính pháp.
Tổ chức các câu lạc bộ Thiền cho Tăng Ni sinh. Thiền học và thực hành là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với người tu học Phật pháp. Các câu lạc bộ này không chỉ giúp cho Tăng Ni sinh có điều kiện thực hành những kiến thức Thiền học mà còn áp dụng vào thực tiễn, rèn luyện, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần để đạt tới những giá trị an lạc và giải thoát theo mục tiêu của giáo dục và đào tạo Phật giáo.
Tóm lại, có thể thấy, giải pháp tăng cường những hoạt động xã hội cho Tăng Ni sinh dưới hình thức các tổ chức, các đội nhóm và câu lạc bộ là cần thiết. Đây là những hoạt động giúp bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho Tăng Ni sinh, giúp Tăng Ni sinh hoàn thiện nhân cách sống, ứng xử cộng đồng và hoàn thiện phẩm hạnh của một người tu sỹ Phật giáo. Mặt khác, những hoạt động này cũng giúp cho môi trường giáo dục và đào tạo Phật giáo trở nên đa dạng, sinh động, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường. Chính vì lẽ đó, các trường giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo cần đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi giáo dục của mình ra ngoài xã hội thông qua việc đào tạo, xây dựng các chương trình hoạt động xã hội cho Tăng Ni sinh. Đây cũng chính là những hoạt động gắn kết giữa Tăng Ni sinh và xã hội, là những hoạt động Phật sự thế gian của Phật giáo. Cần tăng cường các giờ học thực hành, tổ chức tham quan cơ sở thờ tự, không chỉ đối với cơ sở của Phật giáo mà còn đến các cơ sở tôn giáo khác nhằm mở mang kiến thức, đồng thời yêu cầu Tanwg Ni sinh viết báo cáo tổng kết, báo cáo thu hoạch sau mỗi chuyến thực tế.
Lợi ích của giáo dục giới luật Phật giáo
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng sư và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy trong hệ thống các trường Trung cấp Phật học.
Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng sư trong hệ thống các trường trung cấp Phật học là một giải pháp quan trọng và cấp thiết. Về giảng sư, Phật giáo chưa có cơ chế biên chế như nhà nước nên cần phải có hợp đồng rõ ràng, thời gian phục vụ và mức lương cụ thể. Như vậy mới đủ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm các vị giảng sư đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo và tạo điều kiện cho họ nghiên cứu.
Cần đào tạo một đội ngũ giảng sư có trình độ sau đại học để đảm bảo chuyên môn và nghiệp vụ đảm trách nhiệm vụ của mình. Hệ thống các trường Phật học cần thông qua Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương sớm xây dựng một kế hoạch phát triển đội ngũ nhân lực giảng dạy và quản lý đào tạo và thành lập quỹ hoặc trung tâm, tiểu ban đào tạo nguồn và phát triển đội ngũ giảng sư. Phối hợp với các tỉnh hội, các hệ đào tạo trong các trường Phật học tổ chức rà soát và giới thiệu, lựa chọn những Tăng Ni trẻ có năng lực được tuyển chọn gửi đi đào tạo trong các trường đại học có uy tín trong nước và nước ngoài. Có chính sách đãi ngộ, chế độ học bổng, hỗ trợ kinh phí đào tạo và cam kết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đội ngũ này sẽ tham gia giảng dạy và quản lý đào tạo trong các trường Phật học trong toàn quốc. Cần tận dụng nguồn nhân lực đã có, các Tăng Ni đã có học vị tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo ở trong và ngoài nước mời về làm giảng sư cơ hữu hoặc giảng sư kiêm nhiệm. Tăng cường trao đổi, hợp tác, giao lưu, mời giảng các chuyên gia, giảng sư có kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy giữa các trường Phật học trong nước và giữa trường Phật học với các trường Đại học trong và ngoài nước. Xúc tiến và mở rộng các chương trình đào tạo quốc tế bằng con đường liên kết mở các hệ cử nhân Phật học, thạc sỹ và tiến sỹ với một số trường đại học Phật giáo có uy tín như Đại học Phật giáo Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan… Chương trình đào tạo theo phương thức liên kết được hai bên xây dựng và bằng chính quy do các trường đại học, học viện Phật giáo nước ngoài cấp, hoặc do các học viện cấp.
Năm hệ thống giáo dục Phật giáo
Đối với hệ thống các trường Trung cấp Phật học do những điều kiện lịch sử nên các trường Phật học ở trong nước so với khu vực, quốc tế, đội ngũ giảng sư còn bộc lộ những hạn chế nhất định về kỹ năng sư phạm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng sư trong hệ thống các trường Phật học cả nước được đặt ra là cấp thiết.
Đối với các trường Phật học hiện nay, cần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phục vụ cho việc học tập và giảng dạy. Về điều kiện trường lớp cần đầu tư xây dựng hệ thống trường sở có đủ các hạng mục công trình như giảng đường, phòng học, thư viện và ký túc xá, khu thể thao, y tế học đường, các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập như mạng vi tính, kết nối Internet, sách báo, phương tiện nghe nhìn cần thiết…
Tăng cường nguồn kinh phí đào tạo, ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ xã hội Việt Nam nói chung mang lại như sự đóng góp của Tăng Ni, sự cúng dàng của Phật tử, các doanh nghiệp, sự giúp đỡ của Nhà nước và chính quyền các địa phương… Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những chủ trương, chính sách tranh thủ sự kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ kinh phí phát triển giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh từ các nguồn bên ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ với những điều phù hợp với pháp luật Nhà nước và tình hình thực tiễn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tóm lại, trên đây là những thách thức và giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh hệ Trung cấp Phật học nói riêng và giáo dục và đào tạo Phật giáo Việt Nam nói chung. Để thực hiện được những phương hướng và giải pháp đề ra đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực rất lớn không chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Tăng Ni, Phật tử mà còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước Việt Nam, của toàn xã hội.
Mời quý Phật tử xem thêm video: "Tu thân theo lời Phật dạy":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Nghiên cứu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Nghiên cứu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Nghiên cứu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Xem thêm