Giáo pháp nhiệm màu của Đức Phật đã cứu vớt cuộc đời con
Con bây giờ đã tha thứ cho mẹ, và cũng tha thứ cho cả ba con. Thâm tâm con hy vọng một ngày gặp lại, ba con đã được chư Phật gia hộ trở nên một người thức tỉnh. Phần con hôm nay, đội ơn lòng từ của Phật và quyết định lựa chọn một lối đi vững bền xán lạn hơn trong tương lai.
Con đã từng là một người không tử tế, ít nhất là từ góc nhìn của xã hội đương thời
Lớn lên trong một gia đình tan vỡ, đời con đã sớm nhận nhiều buồn đau. Sau khi ly hôn năm 1996, cha mẹ con lựa chọn đi theo tiếng gọi con tim của mỗi người và trao con lại cho ông bà nội. Ngày ấy mới 5 tuổi, nhưng con sớm đã biết mình là một thân phận bị bỏ rơi. Cha con cưới vợ còn mẹ con thì lấy chồng, mỗi người họ đều toàn tâm toàn ý dồn hết năng lượng cho hạnh phúc mới. Chỉ có con là lăn lóc mà lớn lên, cùng với vòng tay thương yêu của ông bà nội chứ không phải những người thân sinh ra mình.
Và con hận, một mối hận thù ngấm ngầm âm ỉ mà chính con cũng không biết không hay.
Năm 20 tuổi, con rời quê đi Sài Gòn sau khi ông nội con mất. Lao vào dòng chảy bon chen nơi thành thị với nỗi khao khát đổi đời nung nấu trong tim, con đã phải nếm đủ từ thất bại này sang thất bại khác. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, tất cả những gì mà tuổi thanh xuân của con thu lượm được chỉ là mấy chữ mà người đời ném cho – “đồ cái thứ trôi sông lạc chợ…”. Đắm chìm trong nỗi lao lung ca thán đó, con như muốn chết đi khi vào một ngày nọ hay tin đến lượt bà nội mình qua đời. Bà nội đây vốn không phải ruột thịt, mà xưa trước là vú nuôi rồi trở thành mẹ kế của ba con khi ông nội và bà nội ruột con gãy đổ. Bà nội con đây là một người đàn bà hiền lành, chân thành, chịu thương chịu khó và là bà mẹ kế tốt nhất con từng biết trong đời mình. Nuôi con chồng rồi nuôi tới cháu chồng - là con, cả một đời bà hết lòng phụng sự gia đình này mà không một tiếng hờ hững than van. Thế nhưng cuối đời, bà lại bị chính đứa con chồng mà bà hết mực thương yêu đó đuổi ra khỏi căn nhà do một tay bà xây nên. Dạ đúng vậy, đó chính là ba của con. Chính là một trong hai người đã bỏ mặc con cho tạo hóa xoay vần, và khiến con căm hận đầu tiên trong đời vì đối đãi như vậy với bà nội. Quá buồn tuổi vì mất mát lớn lao đó, sau khi lo toan tang sự đủ đầy thì cũng là lúc con rơi vào vực thẳm sa ngã. Đắm chìm trong men rượu, con trở thành một kẻ chỉ biết suốt ngày say sưa. Không có nhà để về vì ba cùng mẹ kế đã ôm trọn gia sản, tẩu tán rồi ra đi tới một chân trời nào đó chẳng ai tìm thấy được. Không định hướng được tương lai và không có mục tiêu sống, con những tưởng đời mình đến thế là hết.
Cho đến khi con gặp lại… “Đức Phật”!
Đúng vậy, con đã gặp lại “Đức Phật” thân thương của con sau một chiều mưa dạo chơi nơi Pháp Hoa tự (bên chân cầu Lê Văn Sỹ, quận 3), vốn là nơi con gởi di ảnh người con gái mình yêu hồi trung học, cô ấy qua đời năm 2014. Hôm ấy con đến để thắp cho cô ấy một nén nhang thì gặp một bác lớn tuổi, tên là bác Tùng. Chính bác Tùng đã tận tình lắng nghe con tâm sự, đã ân cần khơi gợi lại ánh sáng trong lòng con. Bác tặng con một cuốn Tâm Kinh Bát Nhã, mà bây giờ con vẫn còn giữ kỹ lắm. Hồi nhỏ, vốn con đã quy y Tam Bảo tại Phương Liên Tịnh Xứ (Lâm Đồng), vị thầy truyền quy y cho con là trưởng tử của Cố đại lão Hòa thượng Thích Thiền Tâm: Cố Ni trưởng Thích Nữ Thanh Nguyệt. Hồi tưởng lại thì khi đó con còn quá bé để hiểu được phước duyên của mình to lớn nhường nào. Lớn lên, con cũng chỉ biết theo chân bà nội đi đọc tụng sám hối mỗi tối nên dù cho từ nhỏ đã thuộc lòng Đại Bi chú, kinh siêu độ vong nhân… nhưng con cũng chẳng thể hiểu tụng như vậy để làm gì và được gì. Như một con vẹt, con lặp lại lời người lớn dạy chứ chẳng có chút minh triết nào. Và cuộc đời, nó càng cuốn con đi xa hơn khỏi kho tàng Như Lai. Chính nhờ bác Tùng mà con đã tìm hiểu lại kinh điển Phật dạy, con tìm và lắng nghe những bài pháp thoại của các bậc thạc đức cao tăng như là các ngài Thanh Từ, Giác Khang, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Hải Triều Âm, Nhất Hạnh, Pháp Hòa, Minh Niệm… Trải qua “trường kỳ kháng chiến” như vậy, con hiểu được rằng tất cả thực tại ngày nay con trải nghiệm đều là do có sự góp mặt của chính con trong vô thủy quá khứ. Từ đó, con hiểu được nhân quả và gặp lại được “Đức Phật” trong lòng con, dù chỉ sơ khai và còn nhiều thiếu sót. Rồi con quyết định đi học lại, sau chừng đó năm tháng mưu sinh tạm bợ và kinh doanh phá sản. Từ một lớp trung cấp Hướng dẫn viên du lịch, bây giờ khi viết những dòng này thì con đã hoàn thành chương trình Đại học liên thông và còn chuẩn bị thử sức bản thân ở bậc Cao học dù đã qua khỏi tuổi ba mươi mấy.
Và con tưởng rằng mình đã ổn, cho tới khi con gặp lại… mẹ con.
Mẹ con, người đã bỏ con đi hai mươi mấy năm không một lần quay về thăm nom chu cấp, là người đã bỏ mặc con khi con gặp tai nạn bị mất một ngón tay phải nằm bịnh viện. Thế mà ngày gặp lại, mẹ muốn con phải thay mẹ lo lắng chăm sóc cho người em gái nhỏ cùng mẹ khác cha của con. Chuyện gì đến cũng phải đến, lòng ích kỷ của con trỗi dậy rồi nhanh chóng quay lại xuất phát điểm hận thù thời bé thơ. Con trách móc mẹ, nói những lời không nên nói ra và lần này thì đến lượt con rời bỏ cuộc sống của mẹ. Thời điểm đó, con như một kẻ thất trí vì lửa sân hận rực cháy tràn lan. Bạn bè hỏi han, con đều kể về mẹ mình như một người độc ác vô tâm chỉ biết lo lắng cho hạnh phúc riêng mà không đoái hoài gì đến cảm xúc của con. Con những tưởng mình đúng, rồi trở nên một con người không tử tế như đầu đề đã nêu. Tình trạng đó kéo dài khá lâu, mãi cho đến khi chính bản thân con bị đột quỵ và suýt chút mất mạng. Ngày khỏe lại, một người bạn gởi cho con một câu châm ngôn như sau: “Chết một cái chẳng còn ai mà giận hờn.”
Nó thực sự đã làm cho con tỉnh ngộ.
Sau đó, con lần mò giở lại kinh điển và xem những lời Phật dạy về nhân duyên nghiệp báo giữa người với người. Một lần nữa, giáo pháp nhiệm màu của Đức Phật đã cứu vớt cuộc đời con. Con chợt nhận ra, mình đã sai lầm như thế nào. Lòng tràn ngập ân hận thương cảm, con đã khóc rất lâu để rồi quyết định ngồi lại đối thoại với mẹ. Kết quả mẹ và con đã hiểu nhau hơn, dù cả hai thừa nhận rằng rất khó để sống cùng nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Mẹ và con chọn sống xa nhau nhưng thường xuyên quan tâm lẫn nhau, và tha thứ cho nhau. Con bây giờ đã tha thứ cho mẹ, và cũng tha thứ cho cả ba con. Thâm tâm con hy vọng một ngày gặp lại, ba con đã được chư Phật gia hộ trở nên một người thức tỉnh. Phần con hôm nay, đội ơn lòng từ của Phật và quyết định lựa chọn một lối đi vững bền xán lạn hơn trong tương lai. Khắc ghi chữ Hòa trong tim mình, con thành tâm mong năng lượng Bi – Trí của chư Phật có thể lan tỏa đến trong lòng muôn người. Để ai cũng có thể hạnh phúc an lạc, tự do tự tại đi lại giữa cuộc đời này, không chỉ trong kiếp này mà còn ở những kiếp mai sau.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Huỳnh Tấn Hưng; địa chỉ: Phường Bến Thành, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm