Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 08/04/2014, 21:19 PM

Giỗ Tổ Hùng Vương - Niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trước đây, hiện nay và mai sau luôn là điểm tựa tâm linh của muôn người đất Việt. Hành hương về Đền Hùng là niềm tin thiêng liêng trở về với cội nguồn dân tộc.

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

Đã là người Việt Nam không ai là không biết đến câu ca ấy và đến ngày Giỗ Tổ hàng triệu bước chân của con Lạc cháu Hồng lại nô nức hành hương về Đền Hùng, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc. Từ nhiều năm nay tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương đúng với tầm vóc là lễ hội lớn của dân tộc. Đặc biệt, sau khi "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2012, lễ hội Đền Hùng năm Qúy Ty  2013, đã được tổ chức rất trang trọng,  thiêng liêng, hoành tráng gắn với việc vinh danh gây ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng bào và du khách.
 
Theo thống kê của BQL Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, từ mùng 1 Tết Nguyên Đán đến giữa tháng 2 âm lịch đã có hơn 1 triệu lượt người hành hương về Đền Hùng  dâng hương tri ân công đức Tổ tiên. Ảnh: Đinh Vũ

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và  Du lịch năm 2005, toàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng ở các địa phương trong tỉnh, trong đó  Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng lâu đời nhất.

Theo dòng chảy của thời gian, trải qua bao biến cố thăng trầm, di sản văn hóa của dân tộc vẫn trường tồn và ngày càng phát triển. Nếu lấy Đền Hùng làm tâm điểm và mở rộng ra xung quanh với bán kính vài chục km, ta thấy dày đặc các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể: Đó là kho tàng văn hóa dân gian với biết bao truyền thuyết lịch sử, tục hèm  thờ cúng , nghi thức lễ hội, trò diễn hội làng... liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Từ huyền thoại lịch sử về Cha Lạc Long Quân kết duyên cùng Mẹ Âu Cơ sinh ra đồng bào ta trong "Bọc trăm trứng", đến những việc trọng đại quốc gia: Chọn đất đóng đô, cầu người hiền tài giúp vua giúp nước đánh  giặc ngoại xâm, chọn người kế vị, cầu mùa màng tốt tươi đến việc thường ngày: Dạy dân cấy lúa, chăn tằm ươm tơ, làm bánh  nấu mật, ca hát giao duyên... Mỗi một truyền thuyết đều gắn với một địa danh, một lễ hội cụ thể ở vùng Đất Tổ. Đến Phú Thọ,  nghe các câu chuyện kể về thời các Vua Hùng, xem các di vật khảo cổ ta có thể hình dung một cách rõ nét về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, đánh giặc giữ làng và nhiều phong tục tập quán của ông cha ta từ buổi đầu dựng nước. Ngoài tín ngưỡng và lễ hội Đền Hùng, còn có những lễ hội dân gian rất đặc sắc gắn với các thời đại Hùng Vương liên quan tới Đền Hùng và vùng phụ cận của Đền Hùng.

Tại khu vực Đền Hùng hiện vẫn còn bảo lưu khá nhiều dấu tích về thời dựng nước. Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh có Điện Kính Thiên (điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh), tương truyền đây là nơi các Vua Hùng lên tế lễ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa , muôn dân no đủ , cũng là nơi thờ thần Núi, thờ hạt Lúa thần. Trên đỉnh núi Trọc lớn nằm liền kề núi Nghĩa Lĩnh có hòn đá Cối Xa (còn gọi là đá Ông, đá Bà) gắn với nghi thức cầu sinh thực khí. Tại Đền Trung theo truyền thuyết là nơi các vua Hùng bàn việc nước, cũng là nơi Hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy trong cuộc thi chọn người kế vị thời vua Hùng thứ 6. Khu vực Đền Hạ tương truyền nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở thành 100 người con trai là nguồn gốc của cộng đồng người Việt. Đền Giếng là nơi thờ hai công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ 18...

Khởi nguyên là tín ngưỡng thờ thần Núi và suy tôn thờ Vua Hùng - người có công cao như núi mà sau này các triều đại nhà nước phong kiến đã truy phong những mỹ tự ghi tại các bài vị thờ ở đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Bước sang  thế kỷ XV triều Lê, là giai đoạn lịch sử có sự phát triển đặc sắc trên nhiều phương diện trong đó có việc đề cao Nho giáo với tư tưởng trung hiếu. Vì vậy, việc tôn vinh di tích Đền Hùng và các Vua Hùng có công dựng nước đã phát triển lên một tầm cao mới trong hệ tư tưởng văn hóa Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông năm Hồng Đức nguyên niên ( 1470) đã cho soạn thảo Ngọc phả Hùng Vương, phong cho dân làng Cổ Tích - Hy Cương là "Dân trưởng tạo lệ" miễn phu phen tạp dịch để thờ phụng các Vua Hùng. Hàng năm nhà nước cấp 1 quan tiền và 3 đấu gạo cộng với hoa lợi từ ruộng đất mà vua ban không phải nộp thuế để làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đến triều Nguyễn việc phụng thờ Hùng Vương càng được đề cao. Hàng năm triều đình cử các quan đại thần về Giỗ Tổ và cấp tiền tu bổ xây dựng đền thờ, lăng mộ Hùng Vương ở Núi Hùng (lăng Vua Hùng thứ 6 được xây vào năm 1874); và quy định xuân thu nhị kì hàng năm dân chúng mở hội làm lễ tế. Hùng Vương được đưa vào hàng Thượng đẳng thần và cho rước linh vị vào thờ tại miếu  "Lịch Đại Đế Vương" ngay giữa kinh đô Huế. Năm 1917 triều Nguyễn quy định rõ ngày Quốc lễ  là ngày 10-3 âm lịch hàng năm, định lệ 5 năm một lần tổ chức chính hội, năm lẻ là hội lệ. Ngày Giỗ Tổ năm hội lệ, quan tuần phủ tỉnh Phú Thọ về Đền Hùng làm chủ lễ, quan tri phủ, tri huyện làm bồi tế; năm tổ chức hội chính quan Thượng thư bộ lễ của triều đình làm chủ lễ, bồi tế là quan tuần phủ, quan tri huyện sở tại.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 quy định các ngày nghỉ lễ trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương toàn dân và viên chức được nghỉ một ngày. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng cùng đoàn đại biểu Chính phủ lên dự lễ Giỗ Tổ, cụ Huỳnh kính cẩn dâng lên ban thờ các Vua Hùng ở Đền Thượng tấm bản đồ Việt Nam và một thanh kiếm thể hiện ý chí của toàn dân tộc quyết tâm giữ gìn bảo vệ đất nước mà Tổ tiên đã gây dựng nên. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 19- 9-1954 trên đường về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Đền Hùng kính cáo Tổ tiên, tại đây Người đã nói câu nói bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Trong những năm cuối của thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng đã được Đảng, nhà nước ta tôn vinh ở tầm cao mới, thể hiện ở các văn bản quy định tổ chức Đền Hùng theo nghi thức cấp nhà nước vào các năm chẵn, cấp tỉnh vào các năm lẻ cùng các quy định về tôn tạo bảo vệ di tích Đền Hùng, rừng quốc gia Đền Hùng.... sao cho xứng tầm là di tích xếp hạng đặc biệt của quốc gia, để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trước đây, hiện nay và mai sau luôn là điểm tựa tâm linh của muôn người đất Việt. Hành hương về Đền Hùng là niềm tin thiêng liêng trở về với cội nguồn dân tộc. Điều đó làm cho mỗi người dân thêm tự hào về truyền thống và lịch sử văn hóa Tổ tiên cha ông để lại; thấy rõ trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa để có sức sống mãnh liệt lâu bền không chỉ cho hôm nay mà cả muôn đời sau.

Tác giả: Trần Văn Quang/Nguồn: Báo Phú Thọ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm