Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 25/12/2019, 09:06 AM

Giới không tà dâm giải quyết vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Những Phật tử thấm nhuần từ bi, tuệ giác của đạo Phật không chỉ đứng về phía những trẻ em bị xâm phạm, ta cũng đứng về phía bên kia nữa.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường luật pháp quốc gia nhằm đối phó với tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều quy định quan trọng mới nhằm bảo vệ trẻ em khỏi XHTD cũng như các hình thức xâm hại khác một cách hiệu quả hơn.

Bài liên quan

Tuy nhiên, hiện nay vấn nạn XHTD trẻ em ở nước ta vẫn ở xu hướng mức báo động và diễn ra ngày càng phức tạp hơn. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc Hội Nguyễn Văn Giàu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của Thường vụ Quốc hội, sáng 8/5/2019 phát biểu: 5 vấn đề xã hội rất nhức nhối hiện nay (trong đó có XHTD trẻ em) ngồi ở nhà cũng nghe nói, đi tiếp xúc cử tri cũng nói, ngồi chơi với bạn cũng nói[1].

Một số thống kê của Tổng Cục Cảnh sát – Bộ Công an nêu rõ thực trạng này. Trong 5 năm từ 2011-2015, ở nước ta phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, số vụ bị XHTD chiếm tới 5.300 vụ, nghĩa là mỗi ngày trung bình có 3 đứa trẻ bị XHTD. Năm 2016, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên toàn quốc đã phát hiện 1.373 vụ XHTD trẻ em, với 1.352 đối tượng. Năm 2018, số vụ án XHTD trẻ em là gần 1.270 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với hơn 1.200 đối tượng xâm hại và hơn 1.140 trẻ em bị xâm hại. Số liệu phản ánh điều đáng mừng là số lượng các vụ án ở mức báo động nhưng có khuynh hướng thuyên giảm dần qua các năm. Song, như chúng ta đã biết những hành vi, vụ việc, XHTD trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự hoặc tố giác mới bị phát hiện, xử lý; lẽ hiển nhiên những con số được thống kê chỉ có thể là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung bàn luận về sự đóng góp của giới không tà dâm (giới thứ 3 của ngũ Giới) trong việc giải quyết vấn đề XHTD trẻ em.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung bàn luận về sự đóng góp của giới không tà dâm (giới thứ 3 của ngũ Giới) trong việc giải quyết vấn đề XHTD trẻ em.

Ngoài ra, dưới khía cạnh tâm lý, XHTD trẻ em là một chủ đề nhạy cảm, đôi khi chúng ta không muốn nghĩ đến, cũng dễ dàng cho qua. Vì vậy mà nhiều người cảm thấy bối rối khi nhắc đến vấn đề này. Chưa kể, một bộ phận còn thờ ơ cho rằng, chuyện chỉ diễn ra ở nơi nào đó chứ không xảy ra với nơi mình sống hoặc con em mình. Thiết nghĩ, việc bàn luận để có thêm thông tin về vấn đề này sẽ giúp cá nhân mỗi phụ huynh, cũng như cộng đồng, bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Bài liên quan

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung bàn luận về sự đóng góp của giới không tà dâm (giới thứ 3 của ngũ Giới) trong việc giải quyết vấn đề XHTD trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, giới không tà dâm có liên hệ trực tiếp đến vấn đề này nên được bàn luận, chứ cả năm giới của phật tử tại gia đều liên quan mật thiết đến nhau và cùng có khả năng bảo vệ trẻ em trước nạn XHTD. Ví dụ theo báo cáo của tổ chức UNICEF năm 2012: Những người chưa thành niên và người lớn đã từng bị XHTD hoặc xâm hại thể chất khi còn là trẻ em, có ý định hay từng cố gắng tự sát cao hơn bốn lần so với những người không có tiền sử bị xâm hại[2]. Những người phật tử thuần thành ý thức được rằng, mình giữ giới không sát sinh tức bảo vệ sự sống cho mọi người nên việc XHTD trẻ em có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng của trẻ. Khi ý thức như vậy họ sẽ không làm tổn hại thân thể, tinh thần trẻ em, ngược lại còn bảo vệ chúng. Hay như nhờ giới không nói dối, họ sẽ không đe dọa, lừa gạt, dụ dỗ trẻ em; nhờ giới không uống rượu, họ sẽ luôn tỉnh táo để không bị dục vọng làm mờ tâm trí mà thực hiện các hành vi bất lợi cho trẻ …

Thế nào là xâm hai tình dục trẻ em

Bài liên quan

Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam[3], điều 1 quy định rõ: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Cũng theo bộ luật này, điều 4, đưa ra khái niệm: XHTD trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Dưới góc độ tâm lý học, đạo đức học và xã hội học, các chuyên gia nhận định khái niệm XHTD nên được hiểu rộng hơn, tức bao gồm cả các hành vi mang tính chất kính dục không phù hợp với lứa tuổi trẻ em chứ không chỉ là hành vi quan hệ tình dục. Ví dụ: hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm); nói chuyện với các em liên quan đến hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục (khẩu dâm); động chạm, vút ve, ôm đều có thể được xem là XHTD.

Từ những phát biểu đó, chúng tôi rút ra hai lưu ý quan trọng khi nói về XHTD trẻ em như sau:

Một, trẻ em là bất kỳ ai dưới 16 tuổi. Điều này có nghĩa nạn nhân của XHTD là bất kỳ trẻ em trai hoặc trẻ em gái nào trong độ tuổi từ 0-16. Đó có thể là thiếu nhi hay thiếu niên, thậm chí trẻ sơ sinh.

Hai, XHTD trẻ em không chỉ là những hành vi hiếp dâm hay có quan hệ tình dục xâm nhập. Nó còn bao gồm cả các hành vi kích dục khác tạo ra cảm hứng về tình dục như sờ mó, hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục và thậm chí không có tiếp xúc trực tiếp như: cho trẻ xem các hình ảnh khiêu dâm, hoặc nói chuyện về hoạt động tình dục với trẻ.

Điểm mấu chốt để bảo vệ con em thành công là tất cả phụ huynh cần phải được tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ và cập nhật về XHTD trẻ em. Hãy tìm hiểu bốn nhóm phương pháp sau để bảo vệ con em mình: 1. Nhận thức rõ về vấn đề XHTD trẻ em. 2. Nói chuyện với trẻ em. 3. Cảnh giác với những gì đang xảy ra. 4. Biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Đây là lời khuyên của các chuyên gia trong Dự án Tuổi thơ là một sáng kiến của Chính phủ Úc nhằm bảo vệ trẻ em khỏi XHTD[4]. Trong 4 nhóm phương pháp này, ở phạm vi bài viết chúng tôi chỉ có thể cung cấp thông tin về nhóm thứ nhất, các nhóm còn lại chúng ta tìm hiểu thêm trên sách báo và mạng xã hội để bảo vệ con em mình tốt hơn.

Hậu quả của việc trẻ em bị xâm hại tình dục

Bài liên quan

Như đã đề cập, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, XHTD trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, luân thường đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài về mặt tinh thần cho trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình và sự ổn định của xã hội.

Một nghiên cứu cho thấy hậu quả lớn nhất khi trẻ bị XHTD là trẻ tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai (84,3%). Trẻ dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường (65,7%). Trẻ khó hoà nhập với xã hội (55,7%). Tổn thương về sức khoẻ thể chất chiếm (69,1%). Gây ra những tổn thương nặng nề tại bộ phận sinh dục: bị nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy máu kéo dài ở bộ phận sinh dục hoặc các tổn thương thể chất khác như đau bụng, đau đầu, mất ngủ… Trẻ có thể bị nhiễm các bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV[5].

XHTD trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, luân thường đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài về mặt tinh thần cho trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình và sự ổn định của xã hội.

XHTD trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, luân thường đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài về mặt tinh thần cho trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình và sự ổn định của xã hội.

Bên cạnh đó, với các em nữ việc bị XHTD có thể khiến mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi (vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh) hoặc gây ra nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau. Những trường hợp đi kèm với bạo lực có thể dẫn tới tử vong.

Tài liệu từ nhi khoa và tâm lý bệnh nhi cho thấy: Nhiều trẻ sau khi bị XHTD có sự hoảng loạn, sợ hãi ngay cả chính người thân của mình, thường xuyên xuất hiện các ảo giác bệnh lý (bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,…). Nghiêm trọng hơn, sau khi bị XHTD không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy không có lối thoát. Một phần do xấu hổ, một phần khác do bị kẻ lạm dụng đe dọa nên các em không dám thổ lộ cùng ai. XHTD còn có khả năng gây ra những lệch lạc giới tính cho các em. Đó là còn chưa kể đến việc nhiều em sẽ nuôi hận trả thù đời thì sẽ càng huy ngại hơn cho xã hội.

Bài liên quan

Khi các em nam bị XHTD thì các em sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý mà có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục. Những ám ảnh về việc bị lạm dụng, đặc biệt là hành vi tình dục đồng giới sẽ khiến các em trở thành những người đồng tính luyến ái. Những lệch lạc giới tính về sau này khi trưởng thành có thể dẫn đến việc quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người. Đối với một số em thì việc lạm dụng làm cho các em trở nên chai sạn và xem chuyện bị lạm dụng là chuyện bình thường. “Theo thống kê của Liên Hiệp quốc thì tỉ lệ người bị xâm hại tình dục thời thơ ấu gặp các trục trặc về tình dục cao hơn nhóm khác 90% biểu hiện ở sự suy giảm ở khả năng tình dục, có xu hướng tình dục đồng giới, và có trường hợp trở thành người mại dâm chuyên nghiệp hay quan hệ tình dục bừa bãi”[6].

Ngoài ra, có thể kể thêm những hậu quả đối với gia đình như: Gia đình bị kỳ thị, bị gạt ra ngoài lề xã hội hay bị chối bỏ, danh tiếng bị đàm tiếu, hình thành nỗi sợ hãi và mất lòng tin, gia tăng gánh nặng tài chính do phải chăm sóc nạn nhân bị xâm hại.

Đóng góp của giới không tà dâm trong việc giải quyết vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Thọ trì ngũ giới là việc làm của người phật tử tại gia khi quyết định bước chân vào đạo, tuy là nấc thang đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng, xác lập một định hướng và phương pháp tu tập rèn luyện nhân cách, trao dồi tình thương yêu và sự hiểu biết, làm cho phẩm hạnh đạo đức của con người ngày một thăng hoa trên lộ trình giác ngộ, giải thoát. Thật thú vị, năm giới này cũng là nền tảng để bảo vệ trẻ em, giải quyết vấn nạn XHTD, trong đó, trực tiếp nhất là giới không tà dâm.

Bài liên quan

Theo định nghĩa của Phật Quang Đại từ điển: “Không tà dâm là 1 trong 5 giới mà người cư sĩ tại gia phải giữ gìn. Tức là cấm chỉ không được xâm phạm tiết hạnh của người phụ nữ đã được người (cha, mẹ, anh em trai, chị em gái, chồng, con, luân lí và luật pháp thế gian…) và pháp (chỉ cho giới của người xuất gia đã thụ và giới 1 ngày của người tại gia đã thụ) bảo vệ, hoặc cấm chỉ nam nữ hành dâm trong những trường hợp: phi chi, phi thời, phi xứ, phi lượng, phi lí. Phi chi tức là hành dâm ở những chỗ trên thân không phải là âm đạo, phi thời là hành dâm khi vợ mang thai sắp sinh, ngày trai giới, hoặc lúc vợ bị bệnh… Phi xứ là hành dâm trong linh miếu, trước chỗ đông người. Phi lượng là hành dâm quá độ. Phi lí là hành dâm không tuân theo lễ pháp thế gian, như tự hành dục, môi giới cho người khác hành dâm…[7]”. Theo đây, thì tà dâm hiểu ngắn gọn là việc hành dâm với những người không phải là vợ hay chồng mình, hoặc ngay cả vợ chồng hành dâm mà không đúng lúc, đúng chỗ, cũng là tà dâm. Lẽ hiển nhiên, hành dâm với trẻ em cũng không ngoại lệ, vì trẻ em là người chưa trưởng thành, thuộc đối tượng được gia đình và pháp luật bảo vệ.

Phật chế giới không tà dâm là đã quy định người phật tử chân chính của Như Lai phải sống đời chính dục, tuyệt đối, không được có các hành vi XHTD trẻ em.

Phật chế giới không tà dâm là đã quy định người phật tử chân chính của Như Lai phải sống đời chính dục, tuyệt đối, không được có các hành vi XHTD trẻ em.

Trong kinh Trung Bộ 1, phẩm Saleyyaka, đức Phật đã đề cập: “Từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Như vậy, này các gia chủ, là thân hành đúng pháp, đúng chính đạo[8]. Thiết nghĩ, bài kinh này đang đề cập đến đối tượng là người nam, song, trong ý nghĩa những người nữ thân hành đúng pháp, đúng chính đạo khi quan hệ với người nam cũng nên như vậy. Và do đó, theo nội dung đoạn kinh thì khi hành dâm với 4 nhóm người nam/nữ sau được xem là phạm giới tà dâm: (1) Người nam/nữ còn đang sống dưới sự che chở của cha mẹ, anh chị, bà con. Tức là quan hệ trước hôn nhân. (2) Người nam/nữ đã lập gia đình. (3) Người nam/nữ được pháp luật bảo vệ (theo quy định của pháp luật Việt Nam trẻ em dưới 16 tuổi và những người không tự nguyện). (4) Đã có gia đình mà quan hệ với nam/nữ hành nghề bán dâm.

Trên đây là các biểu hiện của việc phạm giới tà dâm, trong đó có XHTD trẻ em. Không dừng lại ở đó, Giáo trình Phật học còn chỉ ra bốn điều kiện để tạo thành tội tà dâm, đó là: (1) Có một người (nam hoặc nữ) là người không chính đáng để có quan hệ nam nữ. (2) Phải có ý định quan hệ nam nữ với người không chính đáng đó. (3) Có hành động giao hợp nam nữ. (4) Phải có sự thích thú về việc giao hợp nam nữ đó[9]. Ở điều kiện thứ nhất, chúng ta có thể hiểu người không chính đáng để quan hệ nam nữ, họ chính là trẻ em, người đã có gia đình, người tu hành, người không tự nguyện. Cả ba nhóm người này giới luật Phật giáo cấm, pháp luật Nhà nước cấm và cả đạo đức xã hội cũng cấm, không được hành dâm với họ.

Bài liên quan

Như vậy, Phật chế giới không tà dâm là đã quy định người phật tử chân chính của Như Lai phải sống đời chính dục, tuyệt đối, không được có các hành vi XHTD trẻ em. Trong các điều kiện giới tà tâm, có điều kiện thứ ba quy định, phải có hành động giao hợp, nghĩa là phải có sự xâm nhập của cơ quan sinh dục. Vậy những hành vi dâm ô (chỉ kích dục mà không giao cấu), dụ dỗ, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; cho trẻ em tiếp xúc với văn hóa phẩm, sản phẩm có nội dung khiêu dâm hoặc nói chuyện, tác động vào cơ thể trẻ em nhằm kích động tình dục trẻ em… có phạm giới tà dâm hay không? Đức Phật dạy rằng, nguyên nhân của việc vi phạm giới tà dâm là ham muốn hay nhục dục, thường đi kèm với si mê, mù quáng. Những hành vi đó, tuy chưa phải là giao cấu để phạm tà dâm (đôi khi người ngoài cũng khó nhận ra đó là hành vi tà tâm hay sự yêu thương, nựng nịu) nhưng nó đang bị chi phối bởi tà tâm nhục dục, là động cơ thúc đẩy hành động giao cấu rất dễ dàng nếu điều kiện thuận lợi. Khi nhục dục trở nên lớn mạnh và không còn kiểm soát được nữa thì chuyện giao cấu xảy ra như một hệ quả tất yếu. Mặt khác, giao cấu chưa xảy ra, nhưng cũng đã để lại trong tâm lý trẻ những dấu ấn tiêu cực, tác động bất thường đến nhân cách trẻ sau này.

Trong thời hiện đại, trước những phát sinh mới, để phù hợp với hoàn cảnh mới, Thiền sư Nhất Hạnh đã dẫn giải cụ thể, chi tiết hơn về nội hàm giới thứ ba và viết lại thành giới bảo vệ tiết hạnh, nội dung: “Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội (…) Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa”[10]. Rõ ràng, không còn là sự suy luận hay ẩn sau câu chữ nữa, Thiền sư đã đề cập trực tiếp cụm từ “bảo vệ trẻ em”. Bảo vệ trẻ em nằm trong giới “bảo vệ tiết hạnh” thì chắc chắn là bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn XHTD. Việc làm của Thiền sư đã tạo sự minh bạch, sáng tỏ để phật tử đọc vào liền hiểu ngay việc mình nên làm. Thật tuyệt vời!

Đồng thời, trên tinh thần bảo vệ trẻ em, Thiền sư khuyên chúng ta, những Phật tử thấm nhuần từ bi, tuệ giác của đạo Phật không chỉ đứng về phía những trẻ em bị xâm phạm, ta cũng đứng về phía bên kia nữa. Những người quấy nhiễu trẻ em là những người bệnh, sản phẩm của sự lệch lạc nhận thức, bất ổn. Họ có thể là một ông chú, bà dì, ông, bà, hay cha, mẹ, người thân quen của trẻ. Họ cần phải được theo dõi, giúp đỡ, và nếu có thể hãy giúp họ trị lành. Gợi ý này của Thiền sư mở ra những nhận thức mới về cách xử sự với các đối tượng XHTD. Loại bỏ họ, kỳ thị họ không phải là cách khôn ngoan, mà giúp họ chuyển nghiệp đó mới là cách thông minh để bảo vệ sự an toàn cho những trẻ em khác.

Qua tất cả những gì vừa trình bày, cộng với thực tế cuộc sống đang diễn ra và những gì báo chí đưa tin, chúng ta phải thừa nhận rằng, vấn nạn về xâm hại tình dục, đặc biệt là tệ nạn ấu dâm trẻ em (kể cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái) ở Việt Nam thật sự chấn động dư luận. Điều này gây nguy hại đến trật tự an toàn của xã hội, làm tổn thương và tác động xấu đến thân thể cũng như tâm lý của trẻ em. Để giải quyết vấn nạn XHTD, xã hội đã dùng đến pháp luật nhà nước, các cơ quan bảo vệ trẻ em, sự tuyên truyền từ các kênh thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, giáo dục kỹ năng sống cho phụ huynh-trẻ em, tạo môi trường sinh hoạt, học tập an toàn cho trẻ,…

Riêng với Phật tử, bên cạnh những biện pháp chung của xã hội, Phật tử chúng ta hãy tiếp tục phát huy ảnh hưởng của giới không tà dâm đến mỗi cá nhân, gia đình, xã hội bằng cách tự thân thực hiện, khuyến khích người xung quanh thực hiện tốt đẹp, trọn vẹn giới này. Chúng ta hiểu rằng, thực hiện tốt giới không tà dâm chính là giữ gìn tinh thần trong sáng, thân thể cường tráng, thanh danh thanh bạch và tác phong đàng hoàng. Hơn thế, ta đang bảo vệ con em mình, không lo sợ đổ vỡ tình cảm gia đình, không bị tình địch hãm hại, người đời khinh chê, dư luận lên án; đồng thời, con em của người khác, gia đình người khác cũng được bình yên, xã hội thêm phần ổn định, văn minh, đạo pháp thêm phần huy hoàng, rạng rỡ. Cá nhân mỗi Phật tử hãy không ngừng cập nhật, trang bị thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em và giúp chúng nhận biết, vượt qua các nguy hại của việc bị XHTD. Xin mượn câu nói của Neil Postman, một nhà giáo dục, lý luận truyền thông của Mỹ để kết thúc bài viết này: “Children are the living messages we send to a time we will not see” (Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai).

Chú thích trích dẫn

[1] Hà Vũ (2019), 5 vấn đề căng thẳng nổi lên trong mảng xã hội. Nguồn : http://vneconomy.vn/5-van-de-cang-thang-noi-len-trong-mang-xa-hoi-2019050817211473.htm, bài đăng ngày 08/05/2019.

[2] UNICEF (2012), Child Maltreatment: Prevalence, Incidence and Consequences in the East Asia and Pacific Region.

[3] Luật Trẻ em của Quốc hội, số 102/2016/QH13

[4] Tầm nhìn thế giới Việt Nam (2014), Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em – Hướng dẫn thảo luận với cha mẹ và người chăm sóc trẻ, ISBN: 978-0-9925214-5-5.

[5] Mỹ An (2017), Lập “hàng rào” chặn kẻ đồi bại xâm hại bé gái. Nguồn: https://vietnamtoday.net/lap-hang-rao-chan-ke-doi-bai-xam-hai-be-gai.html. Bài đăng ngày 21/3/2017.

[6] Vũ Thị Thanh Nga (2018), Vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em hiện nay và sự cần thiết của hoạt động tham vấn tâm lý tại trường học. Nguồn: http://hnmu.edu.vn/tin-tuc/van-de-xam-hai-tinh-duc-o-tre-em-hien-nay-va-su-can-thiet-cua-hoat-dong-tham-van-tam-ly-tai-truong-hoc.html

[7] Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật quang Đại từ điển, tập 4, Nxb Phương Đông, tr.5242.

[8] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2012), kinh Trung bộ tập 1, kinh Saleyyaka, số 41, Nxb Tôn giáo, tr.354.

[9] Chan Khoon San, Lê Kim Kha dịch (2013), Giáo trình Phật học, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.304.

[10] Thích Nhất Hạnh (2006), Để có một tương lai, Nxb Văn hóa Sài gòn.

Tác giả: Đại đức TS Thích Không Tú

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2019

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm