Ứng dụng tư tưởng Phật giáo nghiên cứu tình hình tội phạm
Việc đưa tư tưởng của đức Phật vào trong cuộc sống đặc biệt trong công tác phòng ngừa tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp như ngày nay, sẽ giúp cho các nhà quản lý, các nhà Tội phạm học đánh giá, phân tích tình hình tội phạm một cách khách quan, toàn diện và triệt để...
Thế giới luôn vận động và biến đổi không ngừng, ở mỗi xã hội ở các thời kỳ khác nhau con người có nhận thức và hành vi khác nhau. Tội phạm cũng theo đó mà có những đặc điểm khác biệt. Có thời điểm một hành động bị coi là tội phạm, nhưng đến một giai đoạn lịch sử khác thì hành vi đó sẽ không bị coi là tội phạm nữa. Tuy nhiên, dù có bị hình sự hoá hay không thì những hành vi tạo tác đó đều gây tổn hại đến người khác và cộng đồng. Sử dụng tư tưởng Phật học làm phương pháp luận nghiên cứu tình hình tội phạm có giá trị nhân văn sâu sắc.
1. Ứng dụng Phật giáo trong phòng ngừa tình hình tội phạm
Phật giáo cùng với Cơ đốc giáo, Hồi giáo được xem là ba tôn giáo lớn của thế giới ngày nay. Tư tưởng Phật giáo quảng đại tinh thâm, nghĩa lý thâm sâu, đầy đủ tính tư biện, có thể gọi là “bộ bách khoa toàn thư” của triết học phương Đông cổ đại. Phật giáo là vô thần luận. Các tôn giáo lớn trên thế giới không có tôn giáo nào không tuyên dương vị thần khai sáng, tức cho rằng thế giới do một chủ thần sáng tạo. Nhưng Phật giáo lại xuất phát từ lý luận duyên khởi, cho rằng thế giới chỉ là được sinh thành tự nhiên dưới một loạt các điều kiện nhất định. Phật giáo cho rằng, thế giới đã là sản vật của hàng loạt vận động tự nhiên, vậy thì chúng sinh tự nhiên được bình đẳng. Điều là này sự tiến bộ của Phật giáo. Phật giáo đề xướng thông qua nỗ lực của bản thân để giải thoát khỏi nỗi thống khổ, đạt được hạnh phúc viên mãn, tức “mệnh ta do ta nắm giữ, không quyết định ở trời”.
Con người ở phương diện tự nhiên và xã hội đều chịu sự chi phối, tác động của các quy luật khách quan. Đức Phật chỉ cho chúng sinh biết được nguồn gốc của Khổ đau và con đường để giải thoát; Chỉ cho con người thấy sự vô minh và hậu quả mà có đem lại cho bản thân. Với mong muốn đưa tư tưởng của đức Phật vào trong cuộc sống đặc biệt trong công tác phòng ngừa tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp như ngày nay.
2. Vận dụng tư tưởng Phật giáo nghiên cứu tội phạm từ bản năng tự nhiên con người
Tội phạm là một hiện tượng xã hội mang tính chất hình sự – pháp lý, có nguồn gốc và nguyên nhân từ xã hội. Mặt khác, tội phạm là một phạm trù lịch sử, nó gắn liền với Nhà nước và giai cấp.
Khi rời bỏ chính niệm, rời bỏ tỉnh giác thì sẽ sa lầy vào vô minh, từ vô minh dẫn đến sai lầm trong nhận thức, sai lầm trong nhận thức dẫn đến sai lầm trong hành động. Tâm lý con người là một phần thể hiện của Tâm. Sự hình thành và thể hiện tâm lý con người chịu sự chi phối chặt chẽ của sự tác động qua lại giữa hai hệ thống tín (hệ tín hiệu thứ nhất và hệ tín hiệu thứ hai – ngôn ngữ). Trong đó, hệ thống tín hiệu thứ nhất là cơ sở sinh lý của hoạt động trực quan cảm tính, cảm xúc: còn hệ thống tín hiệu thứ hai là cơ sở sinh lý của tư duy, ngôn ngữ, ý thức, tình cảm và các chức năng tâm lý cấp cao của con người. Các hiện tượng tâm lý người có cơ sở sinh lý là hệ thống chức năng thần kinh cử động của toàn bộ não, tâm lý là chức năng của não. Về mặt cơ chế, thì tâm lý có cơ chế phản xạ của bộ não. Nên bộ não sẽ tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, để xử lý điều chỉnh cơ chế tâm lý bên trong (quá trình nhập nội của cá nhân). Khi con người có lối sống xa hoa, lười biếng, dẫn đầu về thối đọa, không xả ly; không cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, thành tựu những gì chưa thành tựu, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, không biết nguồn gốc của khổ, không thấy được con đường đưa đến diệt khổ thì quá trình nhập nội những tư duy chính niệm bị hạn chế. Khi đó, họ chỉ nhập nội những thông tin, những vấn đề nhằm thỏa mãn mong muốn bản thân, để rồi qua quá trình phân tích thúc đẩy thực hiện hành vi đạt được mục đích vị kỷ của cá nhân. Hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm cũng theo đó mà được hình thành.
3. Vận dụng tư tưởng Phật giáo nghiên cứu tội phạm từ khía cạnh bản tính xã hội của con người
Sự thống nhất giữa con người (xã hội) với tự nhiên được biểu hiện chính trong sự thống nhất giữa bản tính tự nhiên và bản chất xã hội của con người. Con người không chỉ là hiện thân mà hơn thế nữa, còn là hạt nhân trực tiếp thực hiện sự thống nhất đó, thông qua quá trình lao động sản xuất xã hội. Con người với tư cách là một thực thể sinh học – xã hội, để tồn tại và phát triển phải tiến hành quá trình trao đổi chất với tự nhiên như bất kỳ một sinh thể nào khác. Mỗi con người chỉ tồn tại và phát triển với tư cách là con người trong mối quan hệ chặt chẽ với xã hội. Chính các hoạt động xã hội đó đã hình thành nên ý thức xã hội. Ý thức xã hội được hình thành và phát triển thông qua ý thức cá nhân. Mặt khác, ý thức cá nhân rất đa dạng, phong phú và luôn mang những nội dung nhất định của ý thức xã hội. Sự phong phú, đa dạng đó là do điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục, quan hệ xã hội, trình độ học vấn của từng cá nhân quy định.
Ảnh hưởng của ý thức xã hội đối với ý thức cá nhân, hoàn toàn không giống nhau. Mỗi cá nhân lĩnh hội, tiếp thu ý thức xã hội theo những cách thức khác nhau, ở những mức độ khác nhau và do đó, tạo động lực cho hành động cũng khác nhau. Trong Tăng Chi BK I. Ch. XVII: Phẩm Chủng Tử – tr. 66-69, Phật có dạy: Này các Tỳ kheo, Ta không thấy có một pháp nào khác, mà do pháp ấy, các niệm bất thiện trong tâm chưa sinhkhởi được sinh khởi và các niệm bất thiện đã sinh khởi sẽ tăng trưởng và phát triển rộng, như trường hợp tà kiến. Với người có tà kiến, các niệm bất thiện trong tâm chưa sinh được sinh khởi và các niệm bất thiện đã sinh sẽ tăng trưởng và phát triển rộng. Này các Tỳ kheo, Ta không thấy có một pháp nào khác, mà do pháp ấy, những niệm thiện trong tâm chưa sinh không được sinh khởi và những niệm thiện trong tâm đã sinh sẽ bị tiêu trừ, như trường hợp tà kiến. Với người có tà kiến, các niệm thiện trong tâm chưa sinh không được sinh khởi và các niệm thiện trong tâm sẽ bị tiêu trừ. Đối với người có tà kiến, bất cứ hành động nào về thân, khẩu, ý mà người này thực hiện theo tà kiến ấy; và bất cứ ý muốn, nguyện vọng, mong ước và các tâm hành có ý thức nào ông ta thực hiện theo tà kiến ấy, thì sẽ đưa đến những ý không toại ý, không ưa thích, không dễ chịu, sẽ đưa đến thiệt hại và đau khổ. Vì sao? Bởi vì tà kiến là ác pháp, sẽ đưa đến thiệt hại và đau khổ. Vì sao? Bởi vì tà kiến là ác pháp. Cũng giống như hạt giống cây nim, cây dưa đắng, cây mướp đắng được gieo vào đất ướt, chúng sẽ biến đổi bất cứ chất bổ dưỡng nào chúng hút được từ đất và nước và sẽ trổ ra những quả đắng, cay, với mùi vị khó chịu; cũng vậy đối với người có tà kiến. Bởi vì, tà kiến là ác pháp.Tà kiến là những suy nghĩ bất thiện về sự vật và con người, người có tà kiến luôn có hành vi xấu, ác tác động đến người khác. Tà kiến là sản phẩm tiêu cực của mặt trái trong sự vận động theo quy luật xã hội.
Sự vận động và phát triển khác nhau đã làm cho xã hội phát triển đa dạng, muôn hình muôn vẻ hình thành nên người tốt, trung thực và người xấu xa, gian dối… Môi trường tâm lý – xã hội sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động của con người khi nó tạo ra các trạng thái tâm lý tiêu cực, buồn chán, mất niềm tin ở con người và đó cũng chính là nguyên nhân gây ra tà kiến. Hiện nay, nền kinh tế thị trường đã tạo nên những vấn đề tâm lý – xã hội có tác động lớn đến con người nói chung và vấn đề tội phạm nói riêng. Khi tâm lý tư hữu, thói tham lam, ích kỷ, vô tổ chức, coi thường pháp luật vốn là bạn đồng hành của nền sản xuất nhỏ, khi bước vào nền kinh tế thị trường chúng lại càng có điều kiện phát triển và manh nha nên nhiều loại tội phạm liên quan đến kinh tế. Bản chất của kinh tế thị trường là cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận. Cùng với sức kích thích của lợi nhuận, tâm lý chạy đua để làm giàu cũng ngày càng ngự trị trong đời sống xã hội. Có nhiều người làm giàu bằng những con đường chính đáng, tuân thủ pháp luật, nhưng cũng không ít người tìm cách làm giàu bằng mọi giá, bất chấp pháp luật và con đường dẫn đến phạm tội là tất yếu. Hay thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, bất hạnh của người khác, đã trở thành đặc điểm tâm lý xã hội tiêu cực cũng chính là nguyên nhân của một số tội phạm (như Tội không cứu giúp người khác khi gặp nạn). Tội phạm được hình thành từ những tà kiến, vì tà kiến là ác pháp nên nó sẽ tạo ra hành loạt các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
Vì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, ý thức xã hội sẽ hình thành nên thái độ sống của con người đối với ý thức xã hội đó. Thái độ sống là biểu hiện ra bên ngoài của nội tâm. Ý thức xã hội với lối sống hưởng thụ, vật chất hoá mọi sự vật, hiện tượng, những giá trị sống tốt đẹp bị gạt bỏ những nếp suy nghĩ phổ biến như vậy sẽ tác động trực tiếp đến suy nghĩ của con người và tất yếu dẫn đến hành vi sai trái. Chính môi trường xã hội đã hình thành nên nhân cách của con người, giáo dục con người. Khái niệm tội phạm cũng luôn vận động và biến đổi cùng với những vận động của xã hội. Nghiên cứu hành vi phạm tội là nghiên cứu những hành vi mang tính cá biệt, chống đối xã hội của con người. Nguyên nhân của những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm của con người cũng đều xuất phát từ tà kiến. Tà kiến cũng được hình thành trong quá trình cá nhân sống trong xã hội mà ở đó môi trường giáo dục từ gia đình đến cộng đồng đều có những lệch lạc về nhận thức và hành vi. Khi vận dụng quan điểm của Phật giáo nghiên cứu tội phạm ở góc độ xã hội cần phải nghiên cứu từ ý thức xã hội với sự sinh khởi của tà kiến trong nó.
Do con người là sản phẩm của xã hội nên chịu sự chi phối của ý thức xã hội. Ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định, khi tồn tại xã hội thay đổi thì ý thức xã hội sớm muộn cũng thay đổi theo. Trong lịch sử tư tưởng đã có nhiều cách lý giải khác nhau về hành vi và hoạt động của con người. Là thực thể sinh học, con người cần có những nhu cầu bản năng tối thiểu để duy trì đời sống cá thể và sự tồn tại của giống nòi. Là thực thể xã hội, con người còn có hệ thống các nhu cầu để tồn tại và phát triển không ngừng. Từ động cơ mục đích này sẽ là yếu tố tiền đề cho mọi hoạt động của con người. Trong thực tế, hành vi phạm tội diễn ra rất đa dạng và phức tạp. Khi thực hiện hành vi phạm tội thì bao giờ cũng có sự tham gia của nhận thức, cảm xúc, ý chí và nhu cầu của người phạm tội. Nhận thức giúp con người xác định được mục tiêu cần hướng tới, cảm xúc làm cho họ gắn với mục tiêu hơn, ý chí giúp họ vượt qua khó khăn trong trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, còn nhu cầu là nguồn gốc bên trong tạo thành động cơ thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Con người có tà kiến thì những suy nghĩ chính niệm chưa sinh khởi cũng không thể sinh khởi, mà thay vào đó là những quan niệm sai lầm về những gì diễn biến đang diễn ra. Niệm bất thiện sinh khởi, thì thiện tâm sẽ bị tiêu trừ. Chẳng hạn như động cơ của tội phạm tham nhũng có thể bao gồm những tà kiến trong nhu cầu của người phạm tội như lòng tham muốn vật chất, ham địa vị, quyền lực cao, hoặc thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí dẫn đến sự không chấp nhận mất cân đối giữa tiền lương với địa vị công việc… Những yếu tố trong tà kiến này khi đã trở thành những giá trị thường xuyên liên tục trong cá nhân thì khi gặp đối tượng, hoàn cảnh điều kiện thuận lợi tác động sẽ trở thành động cơ thúc đẩy, lựa chọn mục đích và thực hiện hành vi phạm tội.
Hơn nữa, hiện tượng tội phạm còn chịu sự tác động sâu sắc của ý thức pháp quyền. Ý thức pháp quyền thể hiện ý chí của giai cấp thống trị xã hội, được thể hiện bằng pháp luật, nhằm điều chỉnh hành vi của con người trong cộng đồng xã hội nhất định. Sự điều chỉnh đó luôn mang tính cưỡng chế thông qua hệ thống pháp luật của Nhà nước. Trong Trường Bộ Kinh I, Kinh số 5: Kinh Kùtadanta, tr 240-243: “Thế Tôn nói với người Bà La Môn Kùtadanta: Đất nước của Đại vương đang bị tàn phá, làng xóm phố xá đang bị tiêu hủy, thôn quê đang bị bọn cướp hoành hoành. Nếu Đại vương nghĩ rằng: Ta sẽ diệt trừ tai họa giặc cướp này bằng án tử hình hay giam cầm tù tội, hay tịch thu của cải, đe dọa, hay trục xuất. Thì tai họa này sẽ không chấm dứt được một cách đúng đắn. Những kẻ sống sót sẽ gây tổn thất cho vương quốc của ngài. Tuy nhiên, với kế hoạch sau đây, ngài có thể loại bỏ hoàn toàn tai họa này. Đối với những người sống trong đất nước này đang tham gia cày cấy và chăn nuôi gia súc, Đại vương hãy phân phối thóc giống và vật dụng; những người nào đang buôn bán, hãy cho họ vốn để làm ăn; những người đang phục vụ trong triều đình, ngài hãy cấp lương bổng đầy đủ để họ sinh sống. Rồi những người này sẽ chuyên chú vào nghề nghiệp của mình, và sẽ không gây tổn hại cho vương quốc của ngài. Lợi nhuận của vương triều sẽ dồi dào; đất nước sẽ thanh bình và sẽ bị bị trộm cướp quấy phá, dân chúng an cư lạc nghiệp, chơi đùa với con cái, sẽ sống trong nhà với cánh cửa mở rộng mà không sợ bị trộm cắp”. Đức Phật đã đưa ra những giải pháp cho việc xây dựng một xã hội ổn định, hạnh phúc trong đó các biện pháp mà ngài đưa ra là những biện pháp phòng ngừa tội phạm rất hiệu quả và nhân đạo. Một xã hội nếu có hệ thống pháp luật đầy đủ, pháp luật được thực hiện nghiêm minh, mọi công dân đều có ý thức tuân thủ pháp luật, Chính phủ quan tâm đến cuộc sống an sinh của người dân, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thì sẽ hạn chế được các hành vi phạm tội. Ngược lại, pháp luật không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không được tôn trọng và thực hiện không nghiêm minh, cuộc sống của người dân không được đảm bảo sẽ có nguy cơ làm gia tăng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật. Nhìn chung, tội phạm có nguồn gốc từ xã hội, bởi thế nó chịu ảnh hưởng trực tiếp của những nhân tố thuộc tồn tại xã hội và ý thức xã hội.
Sự thay đổi của tồn tại xã hội và ý thức xã hội sẽ làm cho tình hình tội phạm biến đổi cả về tình trạng lẫn động thái. Theo đó, vận dụng tư tưởng Phật học nghiên cứu sự tác động của ý thức xã hội đối với vấn đề tội phạm không chỉ giúp ta tìm ra nguyên nhân xã hội của vấn đề tội phạm, mà còn là cơ sở khoa học giúp chúng ta đề ra các biện pháp xã hội nhằm ngăn chặn nguyên nhân phát sinh và phát triển tội phạm.
4. Sử dụng phương pháp điều phục Thân – Tâm của Phật giáo trong kiểm soát hành vi phạm tội của cá nhân
Đưa tư tưởng Phật học áp dụng vào quá trình đánh giá, phân tích và phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay đóng góp to lớn vào công cuộc hoằng dương Phật pháp, đem lại an lạc cho tất cả mọi thành phần trong xã hội, giúp người đã thực hiện hành vi phạm tội, có ý định phạm tội nhận thức được sai trái, điều chỉnh hành vi, ăn năn, hối cải, có con đường làm lại cuộc đời không làm hại người khác. Việc tác động vào hành vi của cá nhân phải được thực hiện từ hai khía cạnh đó là phương diện sinh học và xã hội. Sự hình thành và thể hiện tâm lí con người chịu sự chi phối chặt chẽ của sự tác động qua lại giữa hai hệ thống tín (hệ tín hiệu thứ nhất và hệ tín hiệu thứ hai – ngôn ngữ). Trong đó, hệ thống tín hiệu thứ nhất là cơ sở sinh lí của hoạt động trực quan cảm tính, cảm xúc: còn hệ thống tin hiệu thứ hai là cơ sở sinh lí của tư duy, ngôn ngữ, ý thức, tình cảm và các chức năng tâm lí cấp cao của con người. Như vậy, các hiện tượng tâm lí người có cơ sở sinh lí là hệ thống chức năng thần kinh cử động của toàn bộ não, tâm lí là chức năng của não. Nói cách khác, về mặt cơ chế thì tâm lí là phản xạ của bộ não với các điều kiện tự nhiên và xã hội. Do vậy, các phương pháp phòng ngừa tội phạm phải kết hợp giữa phòng ngừa từ phía xã hội và phòng ngừa từ nội tâm cá nhân. Từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành hữu quan và các tổ chức chính trị xã hội phải tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho các thành viên trong xã hội, kiểm soát tốt tình hình diễn biến của tội phạm, tạo các cơ chế chính sách khuyến khích người dân tố giác tội phạm, tẩy chay các hành vi sai trái; Bên cạnh đó, cần phải xây dựng hệ thống các biện pháp tác động đến tâm lý của người phạm tội nói riêng và của cá nhân trong cộng đồng nói chung nhằm nâng cao tính tự giác, tự điều chỉnh theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.
Định hướng được hành vi tích cực, triệt tiêu các suy nghĩ lệch lạc mà cụ thể là kiểm soát được bản năng sinh học và tà kiến trong suy nghĩa của con người là cơ sở căn bản cho hoạt động phòng ngừa tình hình tôi phạm. Trong Phật giáo có hệ thống Giáo pháp, quy chế Giới luật và có Tứ nhiếp pháp (Bốn phương cách thu phục nhân tâm), có tầm nhìn sâu về thế giới trong đó có Bốn pháp vi diệu, chìa khóa tu tập tâm để tìm đến được con đường giải thoát. Vận dụng tư tưởng mang tầm phổ quát và thâm sâu này, sẽ giúp cho hành giả sắp xếp lại trật trự trong tư duy, kiểm soát được các dục năng thúc đẩy, làm chủ nó, chế ngự nó, không để nó sai khiến thực hiện những việc làm sai quấy. Đức Phật cũng chỉ rõ chính Định luật Nghiệp – Quả là phần chính yếu của của chính kiến. Chính kiến có hai phương diện đó là: Phương diện thế gian thuộc về đời sống trong thế giới này, và phương diện siêu xuất thế gian thuộc về con đường giải thoát. Chính kiến siêu xuất thế gian bao gồm sự hiểu biết về Tứ diệu đế, lý Duyên khởi và Tam pháp ấn là vô thường, Khổ và vô ngã. Chính kiến siêu xuất thế gian này không thể tách riêng với chính kiến thuộc thế gian, mà nó đặt tiền đề và lệ thuộc vào sự hỗ trợ đắc lực của chính kiến thuộc thế gian. Nghĩa là, nó chính là niềm tin vững chắc vào giá trị của quy luật nghiệp quả và diễn biến của nó qua tiến trình tái sinh. Để phân tích quy luật này, đức Phật cũng phân biệt các loại bất thiện nghiệp và thiện nghiệp. Bất thiện nghiệp đó là cách hành xử bất chính, không theo đúng Giáo pháp và Thiện nghiệp là cách hành xử chân chính, theo đúng Giáo pháp. Chúng được biết như là mười con đường của bất thiện nghiệp và thiện nghiệp. Mười con đường này được phân cấp theo ba cánh cửa của hành động là: Thân – Khẩu – Ý. Trước tiên, hãy xét bất nghiệp thiện có ba loại ác hạnh về thân là sát sinh, trộm cắp và tà dâm; bốn loại ác hạnh về lời là nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm; ba loại ác hạnh về ý là tham lam, sân hận, tà kiến. Mười con đường của thiện nghiệp là những gì hoàn toàn ngược lại đó là: Không làm ba ác hạnh về thân, không làm bốn ác hạnh về lời, không tham lam, có nhiều thiện chí và có chính kiến. Theo bài Kinh, mười loại ác hạnh thuộc về bất thiện nghiệp là nguyên nhân làm cho chúng sinh phải tái sinh ở cảnh giới bất hạnh sau khi chết; mười loại thiện hạnh thuộc về thiện nghiệp là nguyên nhân làm cho chúng sinh được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp sau khi chết. Như kinh văn đã chứng tỏ, mười loại thiện nghiệp là trợ lực không những cho sự tái sinh vào Thiên giới, mà còn là trợ lực cho sự đoạn diệt các lậu hoặc và đạt đến giải thoát. Vũ trụ Phật giáo chia làm ba cảnh sắc giới lớn: Dục giới (Kàmadhàtu), Sắc giới (rùpadhàtu), Vô sắc giới (arùpadhàtu). Sự hiện hữu trong mỗi cảnh giới là sản phẩm của nghiệp với tiềm năng hữu hạn nên vẫn chịu sự chi phối của quy luật vô thường. Áp dụng phương pháp và con đường hành trì đó sẽ giúp cho hành giả có thể tiết chế, kiểm soát được dục vọng giác quan. Những cách thức này, đức Phật giảng giải rất rõ ràng và chi tiết trong các bộ Kinh. Điều phục Thân – Tâm chính nằm ở chỗ này. Khi thân tuân thủ nghiêm theo giới luật, không phạm vào nghiệp bất thiện tức là mọi việc làm đều phải theo chính pháp, vì lợi ích chung, các tham lam, thói ích kỷ phải được dẹp bỏ thì Tâm tự khắc được chế phục. Và ngược lại, khi Tâm được chế ngự không được suy nghĩ tà kiến phải theo thiện nghiệp mà hành thì Thân phải theo đó mà thực hiện.
Quán được vô thường của vạn pháp, thấy được lẽ duyên sinh, duyên khởi trong sự thay đổi không ngừng của vật chất và xã hội. Thực hiện những thiện nghiệp là cách giúp cá nhân làm nhiều điều có ích cho xã hội, khi thực hiện được thiện nghiệp thì ác nghiệp sẽ không còn đất để tồn tại. Sự chỉ dẫn này, đưa cá nhân đến những nhận thức đầy đủ về hậu quả của việc làm bất thiện nghiệp do mình tạo
tác gây ra, để con người biết giữ gìn Thân – Khẩu – Ý không tiếp tục làm những việc gây tổn hại cho người khác. Đó chính là cội rễ, là hạt nhân của chuyển biến Thân và Tâm. Thấy được nó, áp dụng nó trở thành phương pháp luận triển khai vào thực tiễn công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm đem lại bình yên và hạnh phúc cho nhân dân, chính là một công đức lớn lao trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, ứng dụng tư tưởng vi diệu của đức Phật phục vụ cuộc sống nhân sinh. Đó cũng chính là thệ nguyện của mỗi phật tử, học giả, cư sĩ khi nghiên cứu Phật học.
Kết luận
Đức Phật đã chỉ ra rằng vật chất không đem lại cho con người hạnh phúc, tự do nếu cứ bám chấp vào nó, mà điều đó chỉ mang đến cho con người phiền não triền miên. Theo đó, con người phải biết cách điều phục Thân – Tâm, đó là cách giúp chúng sinh tự soi lại mình, dần chế ngự được những tham dục đang thiêu đốt, điều tiết được tư duy và hành động. Việc đưa tư tưởng của đức Phật vào trong cuộc sống đặc biệt trong công tác phòng ngừa tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp như ngày nay, sẽ giúp cho các nhà quản lý, các nhà Tội phạm học đánh giá, phân tích tình hình tội phạm một cách khách quan, toàn diện và triệt để từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 đang diễn ra, mang lại an lạc cho cộng đồng.
Tiến sĩ Lê Thị Thu Dung
Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.Hải Phòng
Tạp chí nghiên cứu Phật học – Số tháng 9/2019
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà
Tư liệu 16:15 27/11/2024Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.
Xem thêm