Giới thiệu Di Đà cảnh giới hạnh của Thiền sư Chân Nguyên
Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1646-1726) là một tác gia lớn của văn học Phật giáo Việt Nam triều Hậu Lê. Ngài để lại khá nhiều tác phẩm quan trọng được viết bằng hai ngôn ngữ: chữ Hán và chữ Nôm.
Về chữ Nôm, ngài có các tác phẩm như Thiền tông bản hạnh, Quan Âm Nam Hải bản hạnh, Thiền tịch phú, Di Đà cảnh giới hạnh, Tây phương Tịnh độ ca. Hai tác phẩm sau ít người biết đến. Chúng tôi xin giới thiệu Di Đà cảnh giới hạnh mang ký hiệu AB.371 được lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội). Đây là một tác phẩm Nôm, viết theo thể thơ lục bát. Đó là bài hạnh ca ngợi công đức của Phật Di Đà, mô tả cảnh giới Tịnh độ và khuyên con người nên hướng tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Hạnh ở đây chính là bài văn kể hạnh, một thể loại diễn xướng dân gian, được sử dụng rộng rãi trong chốn thiền môn xứ Đông (Hải Dương) (1).
Chân Nguyên vốn là người xứ Đông, lại hành đạo trên chính quê hương của mình nên tác giả khá thấm nhuần các lối diễn xướng dân gian được áp dụng vào chốn thiền môn. Ngài đã soạn khá nhiều bài hạnh để cho các vãi, các già đọc ngâm nga chậm rãi khi cùng tham gia sinh hoạt đạo tràng trong các ngày lễ lớn, những ngày vía của chư Phật, chư Bồ-tát. Mục đích nhằm ôn lại đạo hạnh của các vị Tổ sư phái Trúc Lâm như Thiền tông bản hạnh, kể về cuộc đời Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà, và các vị Bồ-tát có sự ảnh hưởng đến quần chúng Phật tử. Sau đây, xin giới thiệu tập sách.
Lý tưởng Bồ Tát đạo của thiền sư Chân Nguyên trong đoạn thơ nôm của tác phẩm Quán Âm Bản Hạnh
Theo Di sản hán nôm thư mục đề yếu ghi: “Di Đà cảnh giới hạnh 彌陀境界行: In tại một ngôi chùa thuộc huyện Tam Dương, năm Minh Mệnh 5 (1824). 1 bản in, 46tr, 27x16. AB.371. Bài hạnh nôm, thể 6-8, nói về phương pháp tu luyện để thành chính quả”. Dưới có lời chú “Sách soạn vào đời Lê, in vào đời Nguyễn. Một số tờ bị mọt”. Thư mục viết khá ngắn gọn. Chúng tôi xin mô tả kỹ như sau. Sách có 23 tờ, 46 trang, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 8 hàng, mỗi hàng khắc 16 chữ. Chữ khắc rất rõ ràng vuông vắn, nét chân phương nắn nót và lối chữ Nôm viết rất đủ nét và chính xác. Trên gáy đề “Di Đà cảnh giới hạnh 彌陀境界行”, phía dưới đánh số tờ. Tờ đầu mặt trước có hình “Quán cửu phẩm thọ sinh đồ 觀九品受生圖” tức bức tranh xem chín phẩm thọ sinh, nói về việc được thọ sinh theo chín tầng hoa sen. Mỗi tầng có ba vị in theo thế tọa thiền. Mặt b đi vào nội dung tập sách. Dòng đầu tiên ghi “Di Đà cảnh giới hạnh” như tên khắc trên gáy sách.
Trang cuối cùng ghi bài văn ngắn do Thiền sư Chân Nguyên soạn nói về chí hướng cầu sinh Tịnh độ mà ngài hằng nghĩ đến. Hai hàng sau ghi năm in, nơi khắc và thợ đục như sau: “Hoàng triều Minh Mệnh ngũ niên tuế thứ Giáp Thân xuân tiết cát nhật trùng san. Tam Dương huyện xã tự. Hồng Lục xã sử Lỗ san 皇朝明命五年歲次甲申春節吉日重刊三楊縣社寺紅蓼社史刊”. Nghĩa là: Trùng san vào ngày lành tiết xuân năm Giáp Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 hoàng triều. Chùa xã huyện Tam Dương, sử Lỗ xã Hồng Lục in. Năm Giáp Thân là năm 1824, do một ngôi chùa thuộc huyện Tam Dương trùng san. Chúng bỏ trống phần tên của xã và tự nên không khu biệt được chùa nào khắc ván. Bản sách được trùng san, chữ không phải là in lần đầu. Đối chiếu với bản in Thiền tông bản hạnh thì cách bố cục và con chữ khá giống, tức những người khắc ván sử dụng lối phủ bản để thực hiện, lấy giấy của bản in trước dán vào ván rồi đục chữ nên hình thức giống với bản in đợt đầu. Về tác giả và thời gian soạn bài hạnh Dựa vào nội dung sách có hai lần nhắc đến tên Hòa thượng Chân Nguyên hiệu Chính Giác.
Lần đầu xuất hiện ở phần đầu, lời mào của sách: “Chính Giác Hòa thượng Chân Nguyên Thiệu đăng Phật tổ tự truyền Thiền tông”. (câu 11-12). Phía gần cuối nói đến việc soạn hạnh để lưu truyền thì xuất hiện: “Chính Giác Hòa thượng Chân Nguyên Xuất gia thụ ký Hoa Yên thuở nay Tu hành Yên Tử đã chày Niệm Bụt đêm ngày cầu đáo Tây phương”. (câu 715-718). Bài văn chữ Hán ngắn ở cuối sách có nhắc đến tên ngài đầy đủ hơn lối văn Nôm. Bài văn ghi: “Tăng thống Chính Giác Hòa thượng là Tỳ-kheo Chân Nguyên chùa Long Động núi Yên Tử năm 80 tuổi chuyên pháp môn Tịnh độ. Kỳ nguyện: y báo chính báo thường sinh trong nước Cực lạc, bỏ thân nhận thân hiện trong cảnh giới Di Đà. Nguồn chân vắng lặng, tròn đầy thái hư, biển giác tự như, cao siêu ba cõi, Niết-bàn vắng bặt, nhất linh quả chứng Bồ-đề, diệu thể trong lặng, chín phẩm hoa khai làm Phật, được Phật thụ ký, theo duyên độ sinh. Nguyện khắp hữu tình cùng lên chín phẩm”.
Tư tưởng thiền học của Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng trong tác phẩm Thiền tịch phú
Câu đầu cho biết, Thiền sư Chân Nguyên lúc này đã 80 tuổi, và ngài soạn bài hạnh nhằm nói lên ý hướng cầu sinh Tịnh độ của mình, mong muốn sinh về cõi Phật Di Đà. Lời kỳ nguyện đã nói lên hết tâm tư của Thiền sư Chân Nguyên. Để biết hành trạng Thiền sư Chân Nguyên, chúng ta có đến ba tác phẩm ghi về ngài như bài tựa trong sách Kiến tính thành Phật, hành trạng trong Kế đăng lục do Như Sơn soạn và bia tháp Tịch Quang do đệ tử Như Trừng Lân Giác viết. Chú ý đến là tấm bia tháp Tịch Quang được dựng ở hai chùa Lân (Yên Tử) và chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều). Bia tháp ở chùa Quỳnh Lâm lời văn rõ ràng, không bị bào mòn như bia ở chùa Lân núi Yên Tử. Tịch Quang tháp ký có đoạn: “Đến giờ Đinh Dậu ngày Bính Tuất, ngày 28 tháng 10 năm Bính Ngọ (1726) niên hiệu Bảo Thái thứ 7, sư (chỉ Chân Nguyên, tác giả chú) ngồi ngay thẳng mà thị tịch, hưởng thọ 80 tuổi” (2). Ngài viên tịch giờ Dậu ngày 28 tháng 10 năm Bính Ngọ (1726), thọ 80 tuổi. Kết hợp lời đầu và bài văn ngắn cuối sách Di Đà cảnh giới hạnh thì trước đó mấy tháng, ngài đã soạn bài hạnh vào năm 1726. Việc khắc ván Di Đà cảnh giới hạnh phải thực hiện sau khi Thiền sư Chân Nguyên viên tịch.
Những thế hệ học đồ hoặc chư Tăng trong sơn môn thực hiện, để đến năm 1824 một ngôi chùa ở huyện Tam Dương mới thực hiện công việc trùng san, làm cho bài hạnh lưu truyền rộng trong nhân gian. Sơ lược nội dung tập sách: Bài hạnh có 780 câu thơ lục bát và một bài kệ tứ tuyệt bằng chữ Nôm, ít hơn Thiền tông bản hạnh 禪宗本行 14 câu.
Thiền tông bản hạnh khơi mào bằng tiết xuân thì Di Đà cảnh giới hạnh được sáng tác đầu tiết mùa thu. Di Đà cảnh giới hạnh sáng tác cuối đời tác giả nên ngài đã mượn khá nhiều câu hoặc nhiều đoạn của Thiền tông bản hạnh. Đơn cử đoạn đầu sách viết: “Thời vừa đầu tiết thu thiên (3) Thanh phong hạo nguyệt đoàn viên khí hòa Bụt sinh hoàng giác Lê gia Thánh chúa vỗ trị gần xa lai hàng Bốn phương khói tắt lửa lang Phong điều vũ thuận dân khang thái bình Được mùa hải yến hà thanh Gia gia ngưỡng chúc thánh minh cửu trường Dân nông thịnh vượng tàm tang Thóc Hán gạo Đường đại nẫm phong niên Chính Giác Hòa thượng Chân Nguyên Thiệu đăng Phật tổ tự truyền Thiền tông”. (câu 1-12). Như Chân Nguyên giới thiệu mình vốn thuộc dòng Lâm Tế, trụ trì các chùa trên núi Yên Tử nên có quan thiết đến phái Trúc Lâm đời Trần.
Nhiều sách do ngài soạn sử dụng từ “Trúc Lâm Lâm Tế” ý muốn hòa nhập phái Lâm Tế và Trúc Lâm. Nhiều nhà nghiên cứu cho ngài là người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Di đà cảnh giới hạnh như tên của sách vốn đề cao cảnh giới của Phật Di Đà, tức đề cao Tịnh Độ tông nhưng đoạn đầu, Chân Nguyên Thiền sư đã giới thuyết sơ lược về nguồn gốc và lịch sử Thiền tông từ Đức Phật Thích Ca đến các Tổ sư. Ngài chọn ra những vị tiêu biểu như A Nan, Ca Diếp; mấy vị Tổ Trung Hoa như Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Huệ Năng và ba vị Tổ phái Trúc Lâm nhà Trần. Vị cuối cùng được nối kết trong tác phẩm là Hòa thượng Chuyết Công Viên Văn (1590-1644), Tổ sư của tác giả.
Ý muốn dựng lại trang thiền cho được mạch lạc và xác quyết sự truyền thừa của Thiền tông Việt Nam bắt nguồn từ Thiền tông Trung Quốc. Trong sách, Thiền sư Chân Nguyên có nhắc hai lần đến Thiền tổ Chuyết Công như sau: “Lại ơn có Tổ Chuyết Công4 Viên Văn Hòa thượng vốn dòng Thích Ca Vân du phổ hóa Sa-bà Túc duyên hội ngộ Lê gia Việt Hoàng Người lại diễn giáo Nam bang [3b] Hiển dương tượng pháp tuệ quang muôn đời Thiền lâm Thích tử mỗi nơi Ai ai cùng đội ơn người mới khôn Thật dòng Lâm Tế tông môn Liên phương tục diệm trường tồn dõng sinh”. (câu 66-75).
Thiền sư Chân Nguyên: Nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 17
Gần cuối sách, ngài cũng ca ngợi công đức hoằng pháp của Tổ Chuyết Công, làm đạo Phật ở Bắc Hà phát triển, nhất là việc chỉnh đốn chốn thiền môn. “Tào Khê Lâm Tế tông khai, Viên Văn Thiền tổ nước người lại sang Chính pháp lại được trùng quang Địa cửu thiên trường Phật nhật tăng huy”. (câu 760-763).
Thiền sư Chân Nguyên chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền Tịnh song tu. Chính ngài phát biểu trong sách như: “Ma-ha Bát-nhã-ba-la Thiền tông tịnh độ cùng hòa cho minh Tổ sư xưa lãm chư kinh Đều thì khuyến khiển niệm danh Di Đà”. (câu 704-707). Dù cho tu thiền nhưng theo Chân Nguyên xưa các Tổ đã khuyên chúng ta niệm Phật Di Đà để cầu sinh Tịnh độ. Niệm Phật, ngồi thiền mục đích làm cho ba nghiệp thanh tịnh. Chúng chỉ là phương tiện, chứ không phải chân lý nên theo tác giả thì: “Lòng thì tưởng Bụt tương liên Thân thì lạy Bụt cho bền chớ khuy Miệng thì niệm Bụt Di Đà Tam muội chứng được cùng y tu thiền”. (câu 424-427). Ca ngợi pháp môn niệm Phật như là phương pháp hữu hiệu trong việc tu tập, xem pháp môn niệm Phật thù thắng. “Tu hành bát vạn pháp môn Chẳng bằng niệm Bụt chớ còn hồ nghi”. (câu 452-453).
Bản thân tác giả cũng đóng góp khá nhiều Phật sự nhằm “trang nghiêm Phật Tịnh độ” như sách kể ra: “Muốn làm cửu phẩm thắng duyên Nguyện được thân cận Thế Tôn Di Đà Xuất thân phổ khuyến đàn na Hội thiện tri thức cùng hòa phát tâm Kiến khai cửu phẩm Quỳnh Lâm Hoa Yên, Linh Ứng cổ kim lưu truyền”. (câu 720-725). Ngài đã xây dựng ba đài cửu phẩm liên hoa tại ba ngôi chùa như Quỳnh Lâm, Hoa Yên và Linh Ứng. Hiện, chỉ có chùa Linh Ứng tức chùa Đồng Ngọ ở huyện Thanh Hà, Hải Dương còn cây cửu phẩm liên hoa được chế tác bằng gỗ. Đây là một trong ba cây phẩm còn được gìn giữ ở miền Bắc nước ta. Thường cửu phẩm liên hoa có khắc thánh cảnh Tây phương và hải hội chư Phật, Bồ-tát. Mỗi lần tụng kinh, nhiễu đàn thì cây phẩm được người ta cho cử động chạy theo nhịp điệu kinh hành.
Trong sách, ngoài việc ca ngợi pháp môn Tịnh độ, Thiền sư Chân Nguyên còn mô tả đời sống xuất gia của Tăng sĩ thời bấy giờ. Theo ông: “Lời toan đầu Phật xuất gia Thăm tìm cho được minh sư bạn hiền Phật pháp là đại nhân duyên Gặp thầy đức hạnh mới nên thế đầu”. (câu 548-551). Xuất gia tu hành, làm bậc Tăng thì phải trải qua bốn đàn, có thứ bậc rõ ràng. Đàn đầu thọ trì năm giới, trai giới sáu năm, chuẩn bị pháp phục. Đàn thứ hai, đăng đàn thọ mười giới Sa-di. Đàn thứ ba, đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo, trở thành chúng trung tôn: “Tứ phần giới bản xem tường, Nhị bách ngũ thập giới càng trừng thanh Sáu năm cẩn thận tu hành Liên hoa xuất thủy trưởng thành lại toan”. (câu 568-571). Đàn thứ tư, thọ giới Bồ-tát mà theo ông thì sử dụng kinh Phạm võng với “thập trọng tứ thập bát khinh”, tức thọ 10 giới trọng, 48 giới khinh. “Thích gia hà dị Nho gia Bốn trường cùng đỗ thăng tòa trạng nguyên Cao lâu tứ cấp bước lên Giới đàn tứ phẩm phương viên công thành”. (câu 584-587).
Thiền sư Chân Nguyên – bậc thầy hoằng pháp lỗi lạc
Thiền sư Chân Nguyên còn khuyên chúng Thích tử phải siêng năng học tập kinh điển như: “Trước học Di Đà huân tu Lăng nghiêm Thập chú tụng cho làm lòng. Bạt nghiệp tính mới lãng thông, Thủy trừng nguyệt hiện vừng hồng bỗng in”. (câu 592-595). Dựa vào cách trình bày của Thiền sư Chân Nguyên, đem so sánh với đời sống Tăng sĩ bấy giờ nhận thấy quá trình học tập, thọ giới không khác xưa. Do đó, đời sống tu học trong chốn cửa thiền luôn được gìn giữ, bảo tồn, ít có tính cách thay đổi, chỉ thay đổi cho hợp với nhu cầu của đời sống hiện đại.
Tóm lại, Di Đà cảnh giới hạnh do Thiền sư Chân Nguyên soạn nhằm xưng tán công đức của Phật Di Đà, cảnh giới Cực lạc Tây phương cũng như kêu gọi mọi người tham gia vào pháp môn niệm Phật, pháp môn thù thắng, thích ứng với tầng lớp nhân dân lao động. Chủ đích là đề cao Tịnh Độ tông nhưng Chân Nguyên vốn là Thiền sư nên sư kết hợp “Thiền Tịnh song tu”, “Thiền Tịnh song hành” để ghi vào tác phẩm làm cho giá trị của tập sách được nâng cao. Ngài cũng mô tả cho chúng ta thấy được đời sống xuất gia, quá trình tham học cũng như ghi lại một số sử liệu quan trọng về các Tổ sư, công tác in kinh, làm chùa mà ngài trân trọng.
Di Đà cảnh giới hạnh đóng góp vào vườn hoa học thuật của Phật giáo Việt Nam, một tác phẩm đáng được phiên âm, chú thích là cơ sở để nghiên cứu về lịch sử và tư tưởng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII.
Chú thích:
(1) Hải Dương còn gọi là xứ Đông, triều Hậu Lê Hải Dương là một xứ lớn của Đàng Ngoài, bao gồm tỉnh Hải Dương, một phần tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay.
(2) Dựa theo bản dịch của Phạm Văn Tuấn trong bài “Bia tháp Thiền sư Chân Nguyên” in trong Suối Nguồn, số 8, ra tháng 2/2013, tr.254.
(3) Tiết thu thiên: tiết mùa thu. Thiền tông bản hạnh ghi: Tiết xuân thiên.
(4) Tổ Chuyết Công: Hòa thượng người Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, phái Trí Bản Đột Không. Ngài húy Viên Văn hiệu Chuyết Chuyết. Năm 1633, đến Đàng Ngoài hành đạo tại chùa Khán Sơn thành Thăng Long, về phục hưng chùa Phật Tích và Bút Tháp. Ngài được xem là Sơ tổ của thiền phái Lâm Tế Đàng Ngoài.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa
Nghiên cứu 16:00 02/09/2024Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.
Xem thêm