Hai ngã đường
Tu là sửa, tôi tự nhủ với mình như thế. Giống như đại tu, trung tu, tiểu tu một chiếc xe bắt đầu hư hỏng, bệ rạc sắp nằm đường. Nhiều người cứ nghĩ là phải đến chùa, có pháp danh, mặc áo lam, là Phật tử hay phải xuất gia, xuống tóc mặc áo tu sĩ thế mới gọi là tu.
Mỗi người cứ đúng... theo cách của mình khi chọn lấy hướng đi. Đôi khi lại cảm thấy thương hại người khác vì họ không nhìn giống mình. Và quan trọng hơn, có lúc người ta sẵn sàng công kích, sỉ vả người khác vì... khác mình.
Tôi cũng từng như thế. Nhưng, bắt đầu điềm tĩnh hơn, thoáng hơn, thấu đáo hơn khi tôi bắt đầu tu thật sự. Trong bài trước tôi có nói đến cơ duyên đưa tôi đến đường tu. Đó là câu hỏi của một học viên TSH: “Học thiền để chữa bệnh hay để giác ngộ chú?”. Tôi đã trả lời như lên đồng rằng: “Trước là hết bệnh sau đó giác ngộ” khi đó những hiểu biết về Phật giáo trong tôi chỉ là những lắp ghép, vụn vặt chỉ để tranh biện, hí luận, chủ yếu từ bộ Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa và từ điển Phật học. Chính thế, câu trả lời lại trở thành một vấn nạn, một băn khoăn, một duyên lành đã đẩy tôi về phía chánh Pháp. Đừng sợ đúng, hãy biết mình sai chỗ nào trong cuộc sống để: Tu, tôi đã đến cái đúng ở thư viện Chơn Như (Trảng Bàng-Tây Ninh) từ đó.
Mỗi một cuộc đời là sự hợp duyên với mọi điều, với vạn pháp để hành động, để quyết định. Cứ nhìn xem con người túa ra mọi ngã tìm cho mình hướng đi.
Con đường của Đức Phật là khoa học nhân văn
Và họ đang trở thành cái họ muốn “Gieo hành vi, gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận” , luật hấp dẫn bao giờ cũng đúng, cũng chính là nhân quả, anh sẽ là cái anh muốn. Họ tiến bước đi theo cái lẽ của sự thành đạt, sự giàu sang. Họ tiến bước đi theo một lý tưởng nào đó, mong muốn tạo nên danh phận, tạo nên sự nghiệp, tạo nên người hữu ích cho xã hội. Họ tiến bước đi theo tham vọng, đua đòi, sống thụ hưởng. Họ tiến bước đi theo khoái lạc, ham muốn...Tất cả mọi ngã đường đều theo trình tự nhân quả.
Cuối cùng thì tôi chỉ lưu tâm đến hai hướng của cuộc đời: Một chăm lo diện mạo của tâm thức. Hai quan tâm đến khỏe mạnh về thể chất. Một lo về phần hồn, đi tìm sự an nhiên về tinh thần trong các tu viện, đạo tràng, thiền đường. Tôi không bàn đến những hiện tượng lợi dụng lòng tin của con người trong hoạt động mê tín cầu cúng, bói toán mà chỉ nói đến những Phật tử, tu sĩ có tư duy có lòng tin, tìm cầu chánh Pháp. Hai lo về phần xác, những người bệnh tật ngặt nghèo đi tìm hướng để chữa trị bệnh tật, tu sửa cho cái thể chất ngày một suy kiệt. Trong cuộc đời tôi chứng kiến hai hướng đi như thế, họ không nhập làm một, đó là thực tế.
Và tôi đã bừng ngộ trước câu hỏi của một cậu bé bằng tuổi con mình. “Học Thiền để trị bệnh hay để giác ngộ”. Mặc dù về lý thuyết TSH nói đến sự toàn diện thể chất và tinh thần, nhưng thực tế đầy khiếm khuyết cho thấy con đường đó không đi đến giác ngộ mà đầy những tủn mủn, vụn vặt, hiềm khích, đố kỵ. Ở đấy cái danh làm mờ nhòe tất cả, ở đấy vẫn tồn tại cái ta, của ta, bản ngã của ta chứ không hoàn toàn như bài thơ trên vách của tất cả các thiền đường các phái, các pháp môn.
Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống chan hòa với những người chung sống…
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi xem thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
HT. Thích Hạnh Hải
Bài thơ chính là sự giác ngộ, thấu triệt tứ vô lượng tâm. Đáng buồn là nó vẫn chỉ là bức ảnh thư pháp trang trí cùng với những khẩu hiệu, nội qui chứ không ai xem đó là tôn chỉ, là lời nhắc nhiếp tâm trong hành động. Nhưng có một điều ít người biết, thời điểm cực thịnh của Trung Tâm Dưỡng Sinh TSH Bình Dương, mỗi khóa 6 buổi học đều đặn có đến hàng chục Phật tử, hàng chục tu sĩ (đa phần là Ni sư) khu vực miền Tây, chủ yếu An Giang, các tỉnh khác miền Đông cũng có nhưng không nhiều. Mỗi lớp học chen vào vài chục áo lam, áo nâu khiến ai cũng quan tâm, đáng chú ý cũng có trường hợp là trụ trì các chùa.
Hiện tượng này gieo vào lòng các giảng huấn sự tự đắc về hướng đi của mình. Nó có vẻ là chánh đạo mới thu hút nhiều Phật tử, tu sĩ đến vậy. Mặc khác, cũng chính hiện tượng đó khiến tôi sau câu hỏi của học viên vừa nêu bắt đầu tự vấn thật nhiều chánh đạo ở đâu?
Riêng những tu sĩ, Phật tử tìm đến TSH, đa phần họ còn rất trẻ trong độ tuổi 30. Hình ảnh họ khiến tôi nghĩ đến Đức Thế Tôn sau những lần tìm đến những đạo sư Àlàra Kàlama và Uddaka Ràmaputta. Miệt mài tu tập các pháp và đều nhận được sự trọng thị, khẩn thiết của bậc đại sư: “Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!"
Nhưng Đức Phật đã từ chối. Ngài đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, đi tìm sự giải thoát rốt ráo chứ không phải những pháp của ngoại đạo.
Cuối cùng, ngài đến Uruvela (Ưu lâu tần loa). Tại đây, “Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này Aggivessana, rồi Ta tự nghĩ: "Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn". Và này các Tỷ-kheo, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ rằng: "Thật đáng cố gắng tinh tấn ở nơi đây".
Thời Đức Phật với sự hỗn loạn của lục sư ngoại đạo, sự mê tín tràn ngập, con người tìm kiếm năng lực thần thông, pháp thuật, quyền năng, yoga, của Thiền cũng giống như ta hiện nay. Chỉ có điều, Đức Phật là người tìm ra hướng đi giữa tăm tối, mê muội. Khi chứng đắc Ngài đã tuyên bố rõ ràng và đảnh lễ giáo pháp đã chiến thắng Sanh-Lão-Bệnh-Tử. Để rồi vài thập kỷ sau, ánh sáng mờ dần vì sự pha trộn, chia chẻ của tà giáo, chúng ta mất dấu, mày mò đi tìm chánh Pháp hoặc cúi đầu đảnh lễ tà sư ngoại đạo, mới thật đáng thương, thật buồn cười cho sự ngu muội đến vô hạn đó.
Những lời nôm na, đơn giản của Đức Thế Tôn lại bị pha tạp, thay đổi bằng những lý thuyết đậm màu sắc huyễn hoặc, mê tín, thần quyền năng siêu năng lực.
“Hãy thắp đuốc lên mà đi. Ta chỉ là người hướng đạo”
“Sau khi ta tịch diệt, hãy lấy giới luật và giáo Pháp của ta làm thầy”
“Giới luật còn là đạo ta còn, giới luật mất là đạo ta mất”
Nhìn những tu sĩ trẻ, những người chăm lo phần hồn bỗng thấy khiếm khuyết trong đạo để tìm đến TSH, tìm con đường chí thiện, an tịnh đạo lộ, vô thượng tối thắng. Tôi chợt thương, chợt nghĩ đến mình. Không có con đường nào có thể khu biệt, chiết tách thân tâm. Nhất tâm là định/Tứ niệm xứ là định tưởng/Bốn tinh cần là định tư cụ...
Thân đoạn diệt ác pháp, dứt trừ những chướng ngại, dính mắc, thanh tịnh, an nhiên
Tâm đoạn dứt phiền não, không thủ chấp, tà kiến, tranh biện hơn thua
Đức Phật dạy: Được thân người là khó, nhận được chánh Pháp còn khó hơn. Chúng ta không tìm, chúng ta đặt lòng tin vào chỗ mà Đức Phật đã khuyến cáo:
1. Chớ có tin vì nghe truyền thuyết
2. Chớ có tin vì nghe truyền thống
3. Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn
4. Chớ có tin vì nghe king tạng truyền tụng
5. Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình
6. Chớ có tin vì đúng theo một lập trường
7. Chớ có tin vì đánh giá hời hợt dữ kiện
8. Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình
9. Chớ có tin vì nơi xuất phát có u quyền
10. Chớ có tin vì bậc sa môn là đạo sư của mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Xem thêm