Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 03/12/2022, 07:55 AM

Tôi tu kể từ đấy

Tu - nhiều người cứ nghĩ là phải đến chùa, là có pháp danh, là mặc áo lam, là Phật tử. Còn tôi tự nhủ với mình. Tu là sửa. Giống như đại tu, trung tu, tiểu tu một chiếc xe bắt đầu hư hỏng, bệ rạc sắp nằm đường.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôi mắc chứng hen (hen suyễn) từ khi biết ngồi - ba, bốn tháng tuổi gì đó. Mẹ tôi bảo thế. Từ bé thể trạng thuộc loại tệ nhất thiên hạ. Dùng nhiều thuốc tây, có Dexa người bủng bủng, beo beo, phì nộn. Rất lạ, khoảng tuổi hai mươi, từ Saigon, hồi hương về Bình Dương sau 1975, lao động, ruộng nương, tôi hết bệnh, lập gia đình. 

Duyên may đưa đến, tôi vào cơ quan rồi dần trở thành viên chức nghề báo. Căn bệnh xưa kia tưởng đã vĩnh biệt, thế mà nó trở lại khi tôi tuổi bốn mươi. Có lẽ đời sống của một viên chức, hội họp, đình đám, trà rượu, nhậu nhẹt...Những năm năm mươi, tôi luôn thủ sẵn Ventolin (ống khí dung) trong túi. 

Lại là duyên may, tôi gia nhập Trường Sinh Học Dưỡng Sinh (TSH) sau đủ phương pháp Tây Y, Đông Y. Đến đâu cũng được bảo đây không phải bệnh nan y, nhưng nhiều người lại xác quyết “nó” sẽ theo bạn cho đến khi xuống huyệt mộ. Buồn. Đó là năm tôi năm mươi lăm tuổi. Theo TSH, tôi tập thiền, khỏe nhiều, nhưng chứng hen không dứt hẳn, cứ như nó gắn bó thân thiết với tôi lắm vậy. 

Ba năm sau, tôi nhất quyết xin hưu. Tôi nghỉ trước hai năm theo chế độ một phần, muốn dành hết phần đời còn lại cho công việc có ý nghĩa ở Trung tâm Dưỡng Sinh, vừa tích cực chữa trị, vừa giúp người giúp đời.

Nhờ chút kiến thức, tôi được phân công làm tư vấn cho CLB K (Ung Thư) và Tiểu Đường của Trung Tâm. Tại đây, tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên. Có một học viên hỏi tôi: “Học thiền để trị bệnh hay để giác ngộ, chú”. Tôi trả lời không một chút đắn đo: “Trước là trị bệnh, sau là giác ngộ”. 

Câu trả lời giống như một người lên đồng không hơn không kém. Nhưng thật lòng, khi ấy những hiểu biết của tôi về đạo Phật mới chỉ là những lắp ghép, vụn vặt, không hệ thống, chỉ chút ít để tranh biện, hý luận. Chính thế, câu trả lời lại trở thành một vấn nạn, một băn khoăn, một duyên lành đã đẩy tôi về phía chánh pháp. 

Có thể nói, tôi bắt đầu tu từ đấy. Tất cả những kiến thức của tôi về Khí Công Y Đạo, về Thiền, về thập chỉ liên tâm, về Tâm Năng Dưỡng Sinh, về ... đủ mọi  thứ  y học, y thuật  cứ hao mòn, sụp đổ dần...

Tôi từ giả TSH. Nhiều đồng môn hỏi sao vậy. Anh đang giúp rất nhiều người đấy. Chỉ có tôi hiểu mình đang làm gì. Câu Lạc Bộ K (ung thư) và Tiểu Đường rồi lần lượt ra đi, không công bố nhưng vẫn giải thể. Tôi bảo tôi tu. Bạn bè đồng môn cười. Thì TSH cũng là tu tập đấy thôi. Bạn bè quý nhau, cũng đùa vui tí chút. Tu chùa nào? Pháp danh gì? Tại gia hay xuất gia? Rất nhiều câu hỏi nửa đùa nửa thật. 

Hỏi chỉ để mà hỏi. Nhưng lại chẳng ai hỏi: Tại sao phải tu? Tu để làm gì? Tu là sao? 

Những câu hỏi có vẽ ngớ ngẩn này rất quan trọng, rất cần thiết, rất cấp bách đối với những người đang tu, những người mãi mê, say sưa bám chấp hình thức. Tu hình thức và tu nội dung có nhiều sai biệt, trái ngược 180 độ, đáng bàn lắm, nhưng thôi. Hãy để yên cho những tín đồ luôn sẵn sàng tử vì đạo khi bị chạm đến những sân hận, thủ chấp,kiến chấp, chạm đến cái khó dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu đầy tràn. Và đặc biệt bệnh tật đang được nuôi dưỡng hay đã phát tác, cứ phải liên tục thuốc men, liên tục truy tìm thực phẩm chức năng.

Chính câu trả lời của tôi với một học viên đã đưa tôi đến với chánh pháp, đưa đến  câu hỏi này. Tu là gì? Đơn giản tu là sửa. Tôi đang sửa, đang đi về hướng của sự rốt ráo, giải thoát. Trong tôi còn nhiều kỷ niệm với TSH. Xem như TSH đã giúp cho tôi bước vào hành lang của điện thờ Phật Tổ. Vì vậy, bước hẳn vào trong là bước tiến chứ không phải bước lùi. Tôi tự hào và tiến bước.

Quay lại với câu hỏi của học viên kia: “Học thiền để chữa bệnh hay để giác ngộ?”. Nếu là bây giờ, tôi có thể giúp bạn có câu trả lời thỏa đáng. Giúp bạn hiểu biết, có chánh tri kiến, để lựa chọn hướng đi. Đó là: “Bạn chữa được bệnh tức đã giác ngộ. Giác ngộ tức đã chữa được bệnh. Chữa được bệnh tức bạn đã “diệt sạch lậu hoặc”. Không ai có thể tu với một cơ thể đầy lậu hoặc, bệnh tật, suy nhược, hạ liệt. Phật giáo không yếm thế. Chỉ những người nông cạn, thiếu hiểu biết mới bảo Phật Giáo là yếm thế. Đoạn trừ lậu hoặc, diệt sạch được phiền não, ly được dục, con đường phía trước là ôm phao vượt sang bờ bên kia, bến bờ của giải thoát. Tinh tấn. Mạnh mẽ. Nhẹ nhàng. Dứt khoát

Thực ra hướng khởi sự của TSH là cái hấp dẫn, cái mà mọi học viên đang cần, rất cần. Có điều TSH không đi đến chỗ rốt ráo mà loanh quanh như kiến bò miệng chén với mê tín, tâm linh, thần bí, huyễn hoặc. Có đến 99% những người đến với thiền, để trị một căn bệnh nào đó: đau nhức vai gáy, thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình, bệnh thần kinh “giả”, bệnh gan, mật, bệnh tim, bệnh phổi, bênh ung thư, bệnh tiểu đường...Hàng trăm thứ bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nặng, phải khiêng vào thiền đường. Họ chỉ biết sức khỏe, chẳng biết giác ngộ là gì cả. Cậu học viên rất trẻ đã cho tôi bài học nhận thức

Đối diện với bệnh tật, với lậu hoặc, ác nghiệp, những người bệnh trầm kha thấm thía, thèm khát một  đời sống an nhiên, tự tại.  Không phải đồng tiền, không phải sự giàu sang. Đáng thương cho hậu thế khi chánh đạo soi đường mà con người vẫn còn lầm lạc vào con đường tà đạo.

Chỉ có Đức Phật, giữa sự mê lầm, tăm tối của loài người, ngài từ bỏ ngai vàng, từ bỏ  vương quốc, để đi tìm đạo. Gặp nhiều thầy, nhưng rồi Đức Phật đều vứt bỏ tất cả để tìm cho mình hướng đi đến an tịnh đạo lộ, vô thượng tối thắng. Cuối cùng, đến những người thầy trước đó cùng thừa nhận, khuyến dụ Đức Thế Tôn. “Hiền giả, hãy ở lại đây, hai chúng ta cùng chăm sóc hội chứng này!". 

Trong Đại kinh Saccaka. Đức Phật luận đàm với Saccaka, một người biện luận thiện xảo, hay luận chiến và trước đó đã từng dè biểu Phật-Pháp-Tăng.

“Này Aggivessana, dầu cho lời nói của Ông có vẻ trịch thượng và khiêu khích, nhưng Ta sẽ trả lời cho Ông”. 

“...Như vậy, này Aggivessana, Alara Kalama là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ". Như vậy, này Aggivessana, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.”

Nhiều người bảo đến với đạo hay thiền là đến với sự vô cầu, vô chấp và rồi cứ thế không chấp thiện,  chấp ác, cứ loanh quanh trên miệng chén với tham sân đang chịu sự ức chế mà nằm im. Và rồi bệnh sinh từ đây chẳng hay chẳng biết lại than trời trách đất: Rằng tôi có sống ác với ai đâu!!?

“...do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt...”

Sau khi Đức Phật chứng đắc, ngài đã tuyên ngôn rất rõ ràng:

Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhứt thiết thế gian

Sinh, lão, bệnh, tử.

Chiến thắng được tất cả, vượt thoát được tất cả những lậu hoặc, dính mắc, ngài để lại cho đời lời tuyên ngôn hùng hồn. Con đường tam vô lậu học là khắc tinh của tam độc (tham, sân, si). Bạn cứ kiểm chứng xem mình có làm hao mòn, có trừ diệt tam độc chưa, có hết những dấu hiệu của phiền não chướng, của dục lậu, tham đắm chưa...Đến với đạo, tôi chỉ, tác ý, chỉ nhiếp tâm một điều rõ nhất trong từng sát na.

*Bài dự thi trên được gửi từ Phật tử Nguyễn Công Dinh, địa chỉ: 137/21 Lê Hồng Phong tổ 49 Khu 5 Phú Lợi -TDM Bình Dương.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Người đàn bà xa lạ và hành động "cảm thông thiên ức Phật"

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:41 09/05/2024

Sáng nay, trên đường đi làm ngang qua ngôi chùa cổ tôi thấy một người đứng chắp tay lễ Phật trước cổng chùa đóng kín, trong không gian vắng vẻ, trong lành, rợp bóng cây xanh và hơi nước ẩm ướt của trận mưa đêm, thấy bình an đến lạ.

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Xem thêm