Hành trình dấn thân
Những ai đã, đang và sẽ bước chân trên con đường hoằng pháp của chư Thánh hiền Tăng bao đời trước, hãy giữ cho mình một thái độ đúng đắn, một đôi chân cứng, một đôi mắt sáng và một trái tim mềm, dám xông pha trên mọi miền để đem ánh sáng từ bi và trí tuệ xoa tan đêm tối vô minh.
Thế nào là Hoằng Pháp?
Để trả lời cho câu hỏi này, điều đầu tiên và quan trọng chúng ta cần phải biết thế nào là ý nghĩa của tôn giáo. Trong đạo Phật, câu trả lời chính là “Bát Chánh Đạo” (Maggaṅga) hay cũng được gọi là Trung Đạo (Majjhimā Paṭipadā), đó cũng là ý nghĩa gói gọn của chữ “giáo pháp”(Sasana). Trên tinh thần Bát Chánh Đạo, chúng ta có thể diễn bày theo nhiều cách khác nhau: Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), Tứ Chánh Cần (sammāvayāmā) hay 37 phẩm Trợ Đạo (Bhodhipakkhiya).
Đừng nghĩ rằng chùa chiền và tu viện là tiêu biểu cho giáo pháp, có nhiều nơi chùa to, tượng đẹp, cảnh quan tráng lệ, nhưng giáo pháp hoàn toàn không tồn tại ở đó. Giáo pháp chỉ thật sự có mặt ở nơi nào người ta học tập và hành trì một cách chân chính Bát Chánh Đạo. Đó cũng là câu khẳng định của đức Phật tại vườn Sala xứ Kusinara lúc Ngài sắp Niết Bàn, khi vị du sĩ ngoại đạo Subhadda tìm đến vấn an Ngài, câu nói ấy cũng là nhân là duyên để người du sĩ trở thành đệ tử cuối cùng của Thế Tôn:
“Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh Đạo, thời ở đây không có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng không có đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh Đạo, thời ở đây có đệ nhất Sa-môn, cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda, ở đây có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, cũng có đệ tứ Sa-môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn. Này Subhadda, nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán.”
Giáo pháp được đức Phật thuyết giảng khắp nơi suốt 45 năm tại thế, được ghi lại trọn vẹn trong Tam Tạng Kinh điển (Tipitaka). Vậy làm thế nào để những lời dạy minh triết ấy không bị mai một và hủy diệt bởi thời gian?
Tinh thần dấn thân phụng sự của tu sĩ trẻ
Nghiên cứu và thực hành lời dạy của đức Phật một cách cẩn trọng và chăm chỉ.
Những lời dạy của đức Phật sẽ sớm biến mất trên cuộc đời, nếu chúng ta không để tâm học và hành theo kinh điển. Giáo pháp sẽ không tồn tại đối với người không học hỏi. Giáo pháp sẽ không hữu ích đối với những ai không thực hành. Chính vì thế, chúng ta muốn đạo Phật được duy trì và phát triển thì trước nhất bản thân mình phải phát tâm tìm hiểu về toàn bộ Tam Tạng Kinh điển. Trong Phật giáo có hai phận sự chính, dù là người Phật tử tại gia hay người xuất gia đều phải tuân theo, đó là Pháp Học (Pariyatti) và Pháp Hành (Patipatti). Đó là nói một cách ngắn gọn về phận sự của một người mang trong mình lý tưởng hoằng pháp lợi sinh.
Việc xây dựng tu viện và cơ sở là cần thiết nhưng không phải là chính yếu. Nếu chúng ta không phân định rõ đâu là chính yếu, đâu là thứ yếu, mọi việc làm của mình sẽ có ít giá trị và không khéo sẽ trở thành vô nghĩa. Linh hồn của giáo pháp không nằm ở những ngôi chùa to, những bức tượng lớn, những công trình tráng lệ mang tầm vóc quốc tế. Những lời dạy của đức Phật cũng không phải tồn tại ở những bản khắc trên đá hay những quyển sách dày nơi thư viện, mà “giáo pháp” chỉ thật sự tồn tại trong trái tim của những người biết học hỏi và hành trì. Chính vì thế, chúng ta phải giữ cho mình giáo pháp trong tim, làm được điều này mình mới có thể đem đến lợi ích cho người khác. Đó cũng chính là nghĩa vụ và phận sự của một người hoằng pháp. Chỉ khi nào đi đúng tinh thần hoằng pháp, chúng ta mới thật sự giúp cho giáo pháp tồn tại dài lâu trên cuộc đời này.
Dr.Nandamala Bhivamsa Sayadaw
Thái độ đúng của người hoằng pháp?
Thái độ đúng mực cần phải có của một người dấn thân trên con đường hoằng pháp đến khắp mọi nơi trên thế giới này không phải là thiết lập nên một lãnh địa tôn giáo, một chế độ độc tài về tín ngưỡng, hay một hệ thống chuyên quyền áp đặt theo những luật lệ và niềm tin, mà đó là đem đến cho con người cơ hội để thực hành giáo pháp, từ đó người ta có được niềm an lạc trong hiện tại lẫn một đời sống tốt đẹp trong ngày vị lai.
Việc hoằng pháp lợi sinh trước tiên phải là việc thoát khỏi những phiền não (Kilesa). Bởi lẽ, còn là phàm phu thì không tránh khỏi những lụy phiền của nhân gian. Nếu sức mạnh chánh niệm của một người không đủ, bản ngã của người ấy sẽ lớn dần, đây là nguyên nhân chính dẫn đến những nỗi bất an, sợ hãi và đau khổ. Người làm đạo hay người dấn thân cho đạo trước hết phải tự mình gội rửa và làm mòn đi những phiền não của bản thân.
Muốn cho đạo pháp được phổ biến sâu rộng, đi sâu vào lòng người, phát triển cả về “chất” và “lượng”, thì tầm nhìn của người hoằng pháp phải rộng mở. “Tâm” phải đi chung với “tầm”, tầm nhìn càng rộng, biết nghĩ về ngày sau những thế hệ sau, biết quan tâm đến những vấn đề xa hơn là những điều trước mắt, thì chúng ta mới có được một kế hoạch cho lâu dài. Và “rộng” là không vì lợi ích trước mắt của một vài cá nhân hay một vài tập thể, do đó mang trong mình một trái tim không vị kỷ và tầm nhìn không hạn hẹp mới có thể là người hướng đạo tuyệt vời.
Nhìn vào lịch sử nhân loại, có những tôn giáo đem sức mạnh quyền binh để thôn tính niềm tin của các dân tộc khác, chính thái độ và niềm tin tiêu cực ấy đã mang lại đau thương và chết chóc cho bao người. Lý tưởng của một cá nhân hay tập thể dù đẹp đến đâu, dù ý nghĩa đến đâu nhưng đem đến sự tổn hại và di họa cho người khác thì lý tưởng ấy sẽ trở thành kẻ thù cho nhân loại. Người ta mang danh nghĩa “khai phóng và chuyển hóa” để đấu tranh, và kết quả là máu chảy, nước mắt rơi trên khắp các chiến trường. Tôn giáo của chúng ta đừng bao giờ đi theo vết xe đổ ấy. Con đường mà những người con Phật đi theo là từ bi và trí tuệ, bởi lẽ những giá trị vật chất hay quyền lực đem đến sẽ bị giới hạn trong một thời gian nhất định, còn trái tim yêu thương thì còn mãi với thời gian.
Chính vì vậy, những ai đã, đang và sẽ bước chân trên con đường hoằng pháp của chư Thánh hiền Tăng bao đời trước, hãy giữ cho mình một thái độ đúng đắn, một đôi chân cứng, một đôi mắt sáng và một trái tim mềm, dám xông pha trên mọi miền để đem ánh sáng từ bi và trí tuệ xoa tan đêm tối vô minh.
Ven.Silananda Bhivamsa Sayadaw
(Nguồn dịch: Giáo trình bộ môn Missionary - International Theravada Budhist Missionary University - Myanmar)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm