Hành trình gập ghềnh tới cổng trường đại học của Huy chương Vàng Hoá học Quốc tế
“Chặng đường nào rải bước trên hoa hồng/ Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”; đó có lẽ chính là hành trình gian nan mà Phan Xuân Hành-lớp 12 Hóa Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã phải trải qua để bước tới đỉnh vinh quang ngày hôm nay.
Phía sau thành công của tấm Huy chương vàng Hóa học Quốc tế (IChO) chói lọi là câu chuyện của chặng đường trèo đèo lội suối, vượt ngàn cây số để theo đuổi khát vọng lớn lao…
Mặn chát những giọt mồ hôi
Cậu học trò Phan Xuân Hành sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn Lâm, Hương Sơn - nơi bốn bề “thâm sơn cùng cốc” đầy khó khăn, thiếu thốn. Ngôi nhà nhỏ cheo leo dựa vào đỉnh núi U Bò, thuộc phần đuôi dãy Trường Sơn, hè nóng rát hứng chịu những cơn gió Lào, đông rét run tìm lấy hơi sưởi ấm. Đời sống kinh tế thiếu thốn, người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nghề nông mà sinh sống.
Cũng như bao người dân nơi đây, gia đình Hành gặp không ít vất vả khi phải trang trải cuộc sống. Từ nhỏ khi còn nhỏ, Hành đã phải xa mẹ, để mẹ sang Malaysia để làm công; hai anh em là một tay bố chăm lo, nuôi nấng. Hành bồi hồi nhớ lại, thuở ấy nhà không có đủ thức ăn nên mỗi lần chiên trứng bố lại phải cho vào thật nhiều muối để trứng thật mặn, có vậy mới đủ thức ăn cho cả ngày. Cái mặn chát ấy đến bây giờ vẫn khiến Hành thấy nghẹn lòng, “Mặn lắm, mặn lắm cha à…”
Số tiền mà mẹ làm công có được không khá khẩm là bao, nên ông Phan Sinh Quân - bố Hành đã lặn lội xuống làm ở mỏ đá Hồng Lĩnh. Hai anh em ở cùng ông bà, anh bên nội, em bên ngoại; đôi bên cùng nương tựa, bảo ban lẫn nhau.
Căn nhà bốn phía dựng lên bằng ván, mái lợp tranh lụp xụp không bao giờ đủ ấm; sáng sớm tỉnh giấc chưa được bao lâu, bà cùng cháu lại quây quần bên bếp lửa đã nhen sẵn cho đỡ rét. Cái lạnh thấu xương ấy đã khiến cho Hành nhen lên ngọn lửa quyết tâm phải sống thật ngoan ngoãn, học tập thật chăm chỉ để sau này không còn để bản thân hay gia đình phải chịu cảnh khốn khó, chật vật như thời thơ ấu đã từng.
Phương pháp quán cơ hội để rèn ý chí
Ước mơ về một cuộc sống sung túc, đủ đầy càng tiếp thêm ý chí, nỗ lực để Hành phấn đấu. Từ giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp Huyện năm lớp 8 cho đến giải Nhì học sinh giỏi cấp Tỉnh là một phấn đấu đầy gian truân. Với một học sinh trường làng, để đạt được kết quả ấy là cả một quá trình không hề dễ dàng.
Tiếp xúc và thử thách với những mảng kiến thức mới, học tập cùng những người bạn mới tại ngôi trường điểm của huyện, đã có lúc Hành muốn từ bỏ vì quá căng thẳng và áp lực. Nhưng nhờ có sự chỉ bảo và động viên của thầy cô, Hành đã quyết tâm cố gắng hơn nữa, thử sức mình với cơ hội đặc biệt này.
Thành tựu ấy có ý nghĩa rất lớn đối với các thầy cô và học sinh trong trường, bởi lẽ không ai ngờ rằng, tại nơi ngôi trường hẻo lánh, xa xôi ấy, lần đầu tiên có học sinh tham dự Kì thi HSG Tỉnh môn Hóa học và đạt giải cao đến vậy.
Không dừng lại ở đó, Phan Xuân Hành tiếp tục thử sức bản thân và đăng ký thi vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Kết quả mà anh đạt được vượt cả ngoài mong đợi: trở thành thủ khoa chuyên Hóa năm ấy với số điểm 46,25. Đam mê và quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo khó bần hàn, Hành đã lặn lội 80km để đến với cánh cửa trường Chuyên. Chính tại ngôi trường gắn bó cùng mình ba năm trời, Hành đã làm được những điều “phi thường” hơn bất kì ai.
Rực rỡ những thành tích mới
Đến với một môi trường mới, tiếp xúc và giao lưu cùng thầy cô, bạn bè, tình yêu dành cho Hóa học cũng lớn dần trong Hành. Tham gia vào Đội tuyển tham gia Kì thi Học sinh giỏi quốc gia năm lớp 11 và đạt giải Ba là cơ hội để Hành được thử mình với những kiến thức mới. Nhưng với một con người hiếu học và say mê, kết quả đó không thực sự thỏa mãn anh vì chưa phải là mục tiêu mà bản thân mong muốn. Phải đến một tháng sau, Hành mới lấy lại tinh thần phấn chấn để ôn thi.
Quãng thời gian đáng nhớ ấy có lẽ là kỷ niệm mà anh không thể nào quên trong thời học sinh của mình - những lúc học bài xuyên trưa giữa tiết trời nắng nóng; những lần học online, đọc tài liệu bằng chiếc điện thoại màn hình bé tẹo đã nứt vỡ màn hình; những ngày học bài xuyên đêm đến rã rời.
Mệt mỏi, căng thẳng nhưng không dám chợp mắt; biết bản thân có điều kiện học tập không tốt bằng người khác nên Hành càng tự dặn mình phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa. Từ xuất phát điểm đầy chông gai, Phan Xuân Hành đã tạo nên “kim cương” khi giành được giải Nhất Học sinh giỏi quốc gia vào năm lớp 12, trở thành học sinh đầu tiên của Hà Tĩnh đạt giải Nhất môn Hóa học.
Kỳ tích lại tiếp tục đến với Xuân Hành; vượt qua những thí sinh xuất sắc nhất, Hành đã trở thành một trong bốn học sinh tham gia đội tuyển Quốc gia để dự thi Quốc tế. Những năm tháng tìm hiểu, tiếp cận với kiến thức mới, Hành nhận ra rằng các mảng kiến thức không những khó mà còn rất đỗi bao la.
Để đảm bảo chương trình học, Hành và các bạn còn phải làm quen, mày mò với những tài liệu viết bằng tiếng Anh; đã không ít lần Hành tự ti, buồn bực vì không thể bằng các bạn. Nhưng càng học, Hành càng biết rõ những điều bản thân thiếu sót để sửa đổi, cải thiện. Tấm HCV Quốc tế rực rỡ không chỉ là trái ngọt cho những “lao tâm khổ tứ” để Hành ghi tên mình lên Bảng vàng truyền thống danh giá của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, mà còn đem đến niềm tự hào cho tỉnh nhà, đất nước. Chặng đường trải bước trên hoa hồng đã thực sự đến với cậu học trò miền sơn cước thiếu thốn vật chất, nhưng ý chí học tập lại không bao giờ héo mòn.
Hoang mang những ngã rẽ cuộc đời
Giờ đây, gác lại tấm huy chương rực sáng, Hành đang phải “đau đầu” đứng trước những nẻo cửa lựa chọn trường Đại học phù hợp với mình. Mong muốn trở thành người có ích cho xã hội và đóng góp, cống hiến cho đất nước; nhưng những trở ngại và thiếu hụt vật chất hiện tại khiến chàng trai trẻ phải nghĩ suy mỗi ngày.
Trong khi các bạn đồng trang lứa gần như đã xác định được nguyện vọng và môi trường đại học phù hợp với bản thân, Hành lại vẫn đang hết sức băn khoăn giữa việc nên theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội hay tiếp tục theo đuổi Hóa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đây sẽ là bước đệm để Hành tiến xa hơn trong tương lai, nên anh vô cùng trăn trở không biết đâu là lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Chín năm học phí tại Đại học Y hay du học ngành Hóa tại nước ngoài là một điều khó khả thi khi gánh nặng ấy vẫn chưa phần nào giảm bớt. Thầy Nguyễn Công Hoàn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ: “Gia đình em Hành có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ em đều lao động chân tay vất vả. Trường luôn tạo điều kiện và hỗ trợ em hết sức có thể, tuy nhiên rất kính mong các nhà hảo tâm cũng như các bậc phụ huynh, cựu học sinh cùng chung tay góp sức để giúp đỡ và tạo điều kiện cho em có cơ hội học tập tốt hơn”.
Câu chuyện phấn đấu từ vùng quê nghèo khó đến tấm huy chương quý giá là lời nhắn gửi của Phan Xuân Hành đến các bạn học sinh cũng đang trải qua những khó khăn như anh đã từng - rằng hãy tiếp tục quyết tâm, dám thử thách với mục tiêu để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Niềm tự hào rực sáng của Hà Tĩnh chính là động lực để những thế hệ sau tiếp tục vươn lên, viết nên những “giấc mơ con” chinh phục đỉnh cao mới và khẳng định giá trị chính mình.
Mọi sự quan tâm, tài trợ cho Huy chương vàng Hoá học Quốc tế Phan Xuân Hành, xin vui lòng liên hệ: ông Phan Sinh Quân (SN 1971) hiện tại làm nông, thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, số di động: 094 7294471
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương
Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm