Hãy giữ con và gọi chúng tôi!
"Chỉ cần cứu được một đứa bé, thấy hơi thở của đứa bé thôi thì gần như mệt nhọc, công sức của anh em thấy được đền đáp, là động lực để anh em trong CLB tiếp tục công việc của mình", anh Lê Thành Trung, trưởng nhóm CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội tâm niệm.
Trong 8 năm qua đã có hơn 230 đứa trẻ được cứu sống, được chăm sóc trong vòng tay yêu thương mang tên “gia đình”. Đáng chú ý hơn chỉ trong tháng 10-2018 cứu được 3 cháu và tháng 11 cứu được 7 cháu liên quan đến vụ phá thai, anh Trung nhẩm tính.
Công việc tưởng chừng nghe khó khăn, nhưng anh Lê Thành Trung, trưởng nhóm CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội tâm sự việc này thực ra rất dễ.
"Chúng tôi đi đâu cũng luôn để lại thông điệp: Các bạn cần sự trợ giúp, hãy liên hệ đến số điện thoại của chúng tôi là 0917.894.444. Như một tổng đài để người các địa phương, nhất là người nghèo rơi vào bế tắc, CLB sẽ có cách cho họ lời khuyên và giải quyết cho họ", anh Trung nói về hướng đi của CLB suốt 26 năm qua, tạo cơ hội cho mọi người cùng thực hiện những điều có ích cho xã hội.
Tìm đến những người phụ nữ lầm lỡ
Hàng ngàn trường hợp được giúp đỡ - con số mà các thành viên của CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội cũng không thể nhớ hết. Mỗi trường hợp là mỗi câu chuyện, hoàn cảnh mà mọi người trong nhóm thấy cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ họ. Những người khó khăn, những bà mẹ lầm lỡ tự tìm đến anh Trung, tìm đến CLB như "chiếc phao cứu sinh" trong thời khắc khó khăn nhất.
Mỗi ngày, chiếc điện thoại của anh Lê Thành Trung luôn trong tình trạng mở. Anh sẵn sàng lắng nghe những cuộc điện thoại lạ, thậm chí có những cuộc điện với giọng khẩn thiết: "Cứu lấy con em".
Những người phụ nữ tìm đến anh Trung, tìm đến ngôi nhà của CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội đều có mong muốn tìm ra giải pháp cho khó khăn mà họ đang gặp phải. Trưởng nhóm cho biết, anh phải phân loại các trường hợp nguy cấp ra sao, gặp tình huống gì để sàng lọc, từ đó hẹn gặp và lắng nghe câu chuyện của người đó.
"Có người chỉ cần cho họ vài lời khuyên là có thể vượt qua được, nhưng có người phải tìm ra giải pháp dài. Chúng tôi khuyên họ giữ lại con khi mang thai quá lớn rồi thì phải cho họ chỗ ăn, chỗ ở, giúp họ tiền sinh con, tiền nuôi con và xin cho họ một công việc để có thể nuôi được con.
Không đơn thuần dừng lại ở lời khuyên, vì như thế là vô nghĩa và họ chẳng bao giờ tin các bạn đâu. Lắng nghe rồi, phải cho họ cách giải quyết", anh Lê Thành Trung chia sẻ về những việc làm CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội giúp đỡ những người phụ nữ lầm lỡ trong nhiều năm qua.
Rồi anh đưa cho chúng tôi xem những bức hình về hai đứa bé mới được cứu trong tháng 10. Người đàn ông ngoài tuổi tứ tuần trầm ngâm khi nhắc đến hai người mẹ trẻ sinh con xong thì bỏ trốn, CLB phải gửi một cháu bé đến nhờ các sơ ở một mái ấm Nam Định nuôi dưỡng, cháu bé còn lại đang được một tình nguyện viên nhận nuôi sữa.
"Hiện các cháu đều khỏe mạnh, rất ổn", đôi mắt người đàn ông ánh lên niềm vui khi nhắc đến những đứa trẻ may mắn được cứu sống.
Các bạn lỡ mang bầu, lỡ có con, không sao cả. Một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra có một đứa con là vô cùng quý giá và quý giá hơn rất nhiều hơn cả tính mạng của mình, đừng dại dột vì chiều theo ý định của ai đó, hoặc bị áp lực nào đó mà từ bỏ điều hạnh phúc nhất của người phụ nữ là được làm mẹ.
Tại sao những người phụ nữ lầm lỡ lại “phá thai”?
Suốt nhiều năm gắn bó, giúp đỡ các bà mẹ trẻ, anh Lê Thành Trung tâm niệm, quan trọng nhất là phải lắng nghe, hiểu được câu chuyện của họ. Hàng ngàn trường hợp tìm đến anh vì bị ép phá thai do áp lực của những người xung quanh. Không một bà mẹ nào muốn giết con cả, nhưng tại sao họ vẫn làm điều đó?
"Phải đặt mình vào vị trí của họ, chỉ như thế mình mới lắng nghe và hiểu tại sao họ lại gặp hoàn cảnh như thế, tại sao có hành động như vậy. Cũng giống như câu chuyện của cô gái ở Linh Đàm, tại sao vứt con từ tầng 31 xuống chứ không làm cách khác? Chỉ khi hiểu được rồi thì lúc đó chúng ta đi giải quyết, gỡ rối cho họ", anh Trung chia sẻ.
Không chỉ giúp đỡ những bà mẹ trẻ lầm lỡ, mỗi tối anh em tình nguyện viên trong nhóm đều lên đường đi thu nhận thai nhi từ các bãi rác, từ phòng khám… Thai nhi được nhận về nếu lớn quá sẽ được các tình nguyện viên tắm rửa cẩn thận, mặc quần áo và bọc bằng vải sạch, thai nhi nhỏ sẽ được bọc bằng vải. Công việc này chỉ kết thúc khi đồng hồ điểm nửa đêm.
Trên Facebook của anh Trung đăng một dòng trạng thái với con số gây đau lòng: tháng 11, hơn 200 thai nhi được anh em tình nguyện viên thu nhận từ các phòng khám, từ các bãi rác trong vòng chưa đầy 20 ngày.
Làm việc tốt nhưng nhóm thừa nhận gặp không ít khó khăn. Trước hết từ chính áp lực xã hội đàm tiếu vì sao lại giúp đỡ những người phụ nữ như vậy, sức ép từ chính gia đình của cô gái đó, thậm chí bị các cò mồi phòng khám dọa đánh vì làm mất mối làm ăn của họ.
Chính người đứng đầu nhóm cũng cho biết, anh từng có một người bạn gái nhưng chia tay vì cô không chịu được áp lực nhìn thấy anh giúp đỡ các cô gái khác. Nhiều tình nguyện viên khác cũng phải giấu kín công việc này vì gia đình phản đối. Khó khăn, công sức bỏ ra nhiều kèm theo những nguy hiểm nhưng các thành viên của nhóm tâm sự, nếu không làm thế thì các con sẽ bị vứt vào các bãi rác, vứt xuống cống.
"Chỉ cần cứu được một đứa bé, thấy hơi thở của đứa bé thôi thì gần như mệt nhọc, công sức của anh em thấy được đền đáp, là động lực để anh em trong CLB tiếp tục công việc của mình", anh Lê Thành Trung, trưởng nhóm CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội tâm niệm.
Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Trẻ phá thai đa phần ở độ tuổi rất trẻ, 13-19 tuổi.
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới, trong đó 70% là ở tuổi vị thành niên.
Ước tính cứ 4 ca thì có 1 ca là phá thai không an toàn, chiếm 13% nguyên nhân tử vong cho người mẹ.
Tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức, trong đó đối tượng nạo phá thai chủ yếu là học sinh, sinh viên.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM
Tin tức 22:17 21/11/2024Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.
Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang
Tin tức 15:30 21/11/2024Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Nét đẹp tri ân của Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại Hà Nội
Tin tức 13:31 21/11/2024Tối 20/11, tại Hội trường Bảo tàng Học viện PGVN tại Hà Nội đã trang nghiêm tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan
Tin tức 09:45 21/11/2024Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.
Xem thêm