Hãy hiểu rõ cội gốc của phiền não khổ đau, chứ đâu phải muốn tu muốn thiền là được!
Một điều rất đơn giản của việc đánh giá sự tu tập của mình có kết quả hay không, đó là xét xem mình có bớt cáu gắt, tham lam hay không? Có thương yêu cha mẹ, vợ con, bạn bè và những người xung quanh nhiều hơn không? Khi ăn có biết là mình đang ăn và có thấy ngon miệng hay không?
Thiền sẽ chỉ tác dụng, nếu ta hiểu được cội gốc của phiền não, khổ đau
Hiện có nhiều khóa tu được mở ở các chùa và những trung tâm thiền tập cùng với nhiều buổi pháp thoại của các vị thiền sư trong và ngoài nước thu hút đông đảo người quan tâm đến nghe.
Đặc biệt, có những buổi pháp thoại và các khóa tu ngắn ngày dành cho doanh nhân - những người chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong cuộc sống và trong công việc kinh doanh. Các chương trình này có thể giúp học viên cũng như người nghe giảm stress, thư giãn thân tâm, lập lại sự quân bình trong đời sống.
Cảm giác thanh tịnh, an lạc xuất hiện khá rõ trong thời gian được hướng dẫn tu tập hay nghe pháp thoại và có thể kéo dài hơn với những ai biết cách tiếp tục thực hành sau đó.
Tham dự các chương trình này, người tham gia được tách khỏi cuộc sống căng thẳng. Ngoài các vị thiền sư hướng dẫn tu tập, họ hầu như chỉ gặp gỡ bạn đồng tu và họ có cảm giác của người đi ngoài nắng gắt được núp dưới bóng mát của một tán cây to, hoặc như người đang khát cháy cổ được uống một gáo nước giếng mát lạnh: thoải mái và dễ chịu!
Nhưng cảm giác khoan khoái sẽ không kéo dài lâu bởi rồi họ cũng lại phải đi ra nắng, cũng khát nước trở lại, “tham sân si” vẫn hoàn “tham sân si”! Nếu tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, tức là khi trở về đời thường sau những khóa tu, ta vẫn chưa hiểu được cội gốc của phiền não, khổ đau, cũng có nghĩa ta chưa thể vượt thoát được điều gì.
Một điều rất quan trọng sau các khóa tu hay các buổi pháp thoại là ta phải biết sử dụng những hiểu biết đó để tự tu tập thêm. Cố gắng sống tỉnh thức, theo dõi hơi thở, theo dõi những cảm xúc khi chúng dấy lên trong tâm và tập an định tâm. Thực hành như vậy bất cứ khi nào ta nhớ, và ráng duy trì trạng thái tỉnh thức càng nhiều càng tốt. Trên thực tế, với cuộc sống bận rộn và đầy áp lực, doanh nhân khó có thời gian thực hành nhiều.
Chuyện ngồi thiền cũng vậy. Hiện nhiều người vẫn nói mình có ngồi thiền (như thể nếu thú nhận không biết ngồi thiền thì sợ bị chê là “quê”). Thiền trở thành “mốt” thời thượng, biểu hiện của người có đời sống tâm linh tốt đẹp.
Trên thực tế, thực tập thiền định rất khó, bởi nguyên lý của thiền tập là “trực chỉ thân tâm...”, không thể dùng lời nói để giãi bày. Một cách nôm na thì tạm phân việc thực hành thiền thành hai giai đoạn: thực hành “thiền chỉ” để có định và khi có định rồi thì thực hành “thiền quán” cho lòng bi mẫn và tuệ giác phát sinh.
Câu hỏi là ta có thì giờ để ngồi thiền không? Các doanh nhân ngập trong công việc, thậm chí không có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ thì lấy đâu ra thời gian hành thiền? Nếu những người bận rộn có sự tập luyện miên mật đến mức có thể sống tỉnh thức ngay cả khi làm việc căng thẳng thì thật sự rất đáng... bái phục. Số người đạt được như vậy là không nhiều, nhưng không phải không có.
Còn những người khác thì sao? Liệu họ ngồi thiền có đạt đến trạng thái an tịnh (định) được không hay luôn bị bao vây bởi “tâm viên, ý mã” (tâm nhảy nhót như vượn, ý nghĩ rượt đuổi như ngựa)?
Doanh nhân Việt Nam đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng stress toàn thế giới
Kết quả do Công ty Nghiên cứu và Kiểm toán Grant Thornton đưa ra hôm 18/3 cho thấy trong năm 2009 doanh nhân Việt Nam đứng thứ ba trong bảng xếp hàng stress toàn thế giới, chỉ sau đồng nghiệp Trung Quốc và Mexico. (Theo Vnexpress)
Doanh nhân cũng thường phải tham gia nhiều buổi tiệc tùng, ăn nhiều món ngon - nhiều đạm, đường, mỡ, uống nhiều bia rượu nên đầu não dễ mệt mỏi và hôn trầm. Với trạng thái như vậy, làm sao có thể ngồi thiền, làm sao đạt tới định? Chính vì lý do đó mà những người quyết tâm thực hành thiền định thường ăn chay hoặc vẫn ăn mặn nhưng ăn nhẹ nhàng, vừa đủ. Đặc biệt, họ ăn rất ít vào buổi tối và không dùng thức uống có cồn.
Thương trường khốc liệt, gây stress kéo dài làm một số doanh nhân rơi vào trầm cảm, phải sử dụng thuốc ngủ, thuốc hướng thần để điều trị. Những người này nên đến với tu tập thiền định. Tuy nhiên, rất khó ngồi thiền cùng với một túi thuốc điều trị tâm thần kinh như vậy. Do đó, cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh và những vị thiền sư để được hướng dẫn dùng thuốc và cách hành thiền đúng đắn.
Đây là vấn đề rất khó và cần thời gian dài kết hợp tu tập với điều trị chuyên khoa, nhưng là phương pháp hiệu quả đối với các bệnh tâm thần kinh. Nếu có quyết tâm cao, thực hành đúng cách theo sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia, người bệnh sẽ dần dần quân bình được thân tâm và có thể từ từ loại bỏ các thứ thuốc an thần và hướng thần.
Các khóa tu tập ngắn hạn, các bài pháp thoại hay rất cần thiết với mọi người, đặc biệt với các doanh nhân, nhưng đừng vội tự mãn ta là người đã tham dự nhiều khóa tu, nghe nhiều bài pháp thoại, đã ngồi thiền nhiều năm hay là đệ tử của các thiền sư nổi tiếng...
Cần nhớ tu tập của một người bình thường (không phải các vị tu sĩ xuất gia) là để mang lại hạnh phúc và dẹp bỏ lo âu, phiền não. Chính vì vậy, vấn đề cốt yếu là phải tự soi sáng, xem mình đã đạt được những tiến bộ gì trong vấn đề tu tập, hành thiền.
Đơn giản đầu tiên là mình có bớt cáu gắt, tham lam, phiền não hay không?
Một điều rất đơn giản của việc đánh giá sự tu tập của mình có kết quả hay không, đó là xét xem mình có bớt cáu gắt, tham lam, ích kỷ hay không? Có thương yêu cha mẹ, vợ con, bạn bè và những người xung quanh nhiều hơn không? Khi ăn có biết là mình đang ăn và có thấy ngon miệng hay không? Ngủ có ngon giấc hơn không? Khi tỉnh dậy có thấy cuộc đời tươi đẹp và đáng yêu hơn không? Tâm có an tịnh, vững chãi không? Có bớt sợ hãi, phiền não, lo âu hay không? Có bớt tham không?...
Nếu chất lượng cuộc sống về cả thể chất lẫn tâm thần tốt hơn, mạnh mẽ hơn so với khi chưa tu tập thì bạn sẽ được nghe các thiền sư hướng dẫn bảo rằng: “Quý vị bước đầu đã đi đúng đường rồi đó”.
Những người tu tập như chúng ta đang mò mẫm trên con đường thoát khổ: con đường lấy buông xả để tìm hạnh phúc và an lạc. Chúng ta đang đi ngược lại với con đường của đời thường: con đường lấy tích cóp, nắm giữ càng nhiều càng tốt mọi thứ để rồi sinh ra bệnh tật, phiền não, khổ đau. Đi ngược đường cũng như bơi ngược dòng nên rất khó. Thế thôi!
>>Yuval Noah Harari: Thiền định Vipassana đòi hỏi một tinh thần kỷ luật khủng khiếp
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách niệm Phật Dược Sư chữa bệnh
Góc nhìn Phật tử 07:12 25/11/2024Nói về đức Phật Dược Sư thì đa phần người ta nghĩ ngay đến việc chữa bệnh, chớ đều không biết được rằng: Ngoài chữa bệnh ra, danh hiệu của ngài còn giúp cho chúng ta tăng phước, tăng thọ và tiêu trừ tai nạn ngay trong đời này.
Cảm ơn những tháng ngày dưới mái chùa
Góc nhìn Phật tử 16:25 24/11/2024Trong cuộc đời mỗi người, có những nơi không chỉ là chốn dừng chân, mà còn là ngôi nhà nuôi dưỡng tâm hồn, gieo trồng hạt giống an lạc. Với tôi, mái chùa là nơi như thế.
Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi
Góc nhìn Phật tử 08:40 24/11/2024Cuộc sống giống như nhịp điệu của cơn mưa. Khi những giọt nước rơi từ trên trời, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ướt át, lạnh lẽo và trầm lắng.
Hạnh phúc nơi tự thân
Góc nhìn Phật tử 08:20 24/11/2024Đức Phật là bậc tỉnh thức, đã phá trừ tất cả mọi tham đắm, mọi sự ràng buộc ở thế gian để tìm ra được chân như. Người đã đốt lên ngọn đèn trí tuệ, giúp người mê trở về nẻo chánh, và dẫn dắt nhân sanh vượt qua được đau khổ của trần gian, đi đến cuối đoạn đường huy hoàng thanh thoát.
Xem thêm