Hiểu đúng về Thiền
Thầy sẽ không phê phán hay bình phẩm về bất cứ quan niệm về thiền của ai, vì đó là quyền tự do tư tưởng của họ. Nếu con muốn biết Thầy thấy thiền như thế nào thì Thầy chỉ trình bày thấy biết của mình thôi:
Thiền không phải là chủ nghĩa hiện sinh mà trong Kinh Brahmājāla Đức Phật xếp vào một trong 62 tà kiến gọi là “hiện tại lạc luận”, chỉ biết sống hưởng thụ dục lạc trong hiện tại để thỏa mãn thị hiếu của cái Ta ảo tưởng.
Thiền không phải là thực hiện một quan điểm theo tư kiến của mình hay của ai khác, vì mọi quan điểm đều là tục đế, không phải là thực tánh vô ngôn mà thiền thể nghiệm.
Thiền là vượt qua mọi ảo vọng, trở về trọn vẹn với chính mình trong cô đơn tuyệt đối để giáp mặt với thực tại và thấy ra trong đó nhân duyên của tất cả nỗi khổ niềm vui, những ưu tư sầu muộn, đồng thời thấy ra sự tịch lặng vô sanh.
Thiền là tánh biết thấy pháp vận hành như nó là chứ không phải như cái Ta lý trí nghĩ là, do đó Phật dạy: “Nội tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh”.
Thiền là thái độ nhận thức đúng bản chất của đời sống, chứ không phải để đạt được điều như ý. Khi cái Ta muốn đạt được điều như ý thì ngay đó đã bất như ý rồi.
Thiền không mô phỏng theo cái đúng đã được quy định thành mẫu mực, mà phát hiện từ cái sai để điều chỉnh nhận thức và hành vi chân thiện mỹ.
Thiền là thấy ra hai mặt của cuộc sống: thành và bại, được và mất, hơn và thua, vui và khổ, thiện và ác, đúng và sai v.v... mà tâm vẫn rỗng lặng, hồn nhiên, trong sáng, chứ không phải là thái độ nhị nguyên chọn lựa cái mình yêu thích, vừa lòng hay thỏa mãn. Nếu con sống thuận pháp thì tất nhiên con cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, an lạc nhưng đó không phải là mục đích của thiền.
Thiền là thắp sáng thực tại để không bị mê mờ, quờ quạng hay chìm đắm trong bóng tối của tà kiến và tham ái.
Thiền không tách rời cũng không đồng hóa với bất cứ trạng thái nào dù là thiên đàng, cực lạc hay địa ngục, mà là thái độ sáng suốt, định tĩnh, trong lành có thể ung dung tự tại trong bất cứ trạng thái nào.
Thiền không đặt ra điều kiện để thỏa hiệp, dù thỏa hiệp với ai hay thỏa hiệp với điều kiện của chính mình. Lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào thì không còn là thiền, là hạnh phúc, là tình yêu nữa.
Thiền là mở toang tâm hồn để không còn chỗ nào để bám trụ. Còn chỗ để bám trụ thì vẫn còn bản ngã, thời gian và đau khổ.
Thiền là thái độ hành động tích cực thuận theo nguyên lý của đời sống, nhưng không rèn luyện, tạo tác, loại bỏ, hay lưu giữ điều gì, vì thiền thấy ra tánh không (suññatā) của vạn pháp. Khi đã rơi vào hữu ý, hữu tất, hữu cố, hữu ngã (có ý đồ thì phải có điều kiện, có chấp thủ và có cái ta ảo tưởng) trong tiến trình trở thành (bhava: hữu) của luân hồi sinh tử .
Thiền là sống tùy duyên thuận Pháp, vô ngã vị tha, mà các thiền sư gọi là “Nhập lâm bất đạp thảo, nhập thủy bất động ba” nên chỉ sống lợi lạc cho đời mà không làm tổn hại đến ai.
Thiền nói hoài không hết nhưng không nói thì thiền vẫn là thiền.
Vậy đọc xong con nên quên hết đi cho tâm rỗng lặng trong sáng thì lập tức thiền tự đến một cách sống động hồn nhiên mà con không cần mất công xác định nó là gì...
Nguồn: trungtamhotong.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm