Gõ cửa thiền
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này.
Đạo Phật đã có mặt trên đất nước ta gần 2000 năm lịch sử. Trải qua bao cuộc thăng trầm, Phật giáo vẫn luôn luôn hiện hữu như một thực tế đồng hành với dòng chảy tiến về phía trước của dân tộc Việt Nam. Làm sao Phật giáo có được cái khả năng dung nhiếp và thích ứng tài tình như thế? Phải chăng đó là nét đẹp, là nếp sống văn minh từng tiềm tàng nơi chốn thiền môn?
Chúng ta đều biết có một nếp sinh hoạt của Phật giáo rất gần gũi và gắn bó với mọi người, đó là tiếng chuông chùa. Vì chuông chùa không phải là thứ chuông bình thường mà là hồng chung hay đại hồng chung, nghĩa là loại chuông lớn. Vì tiếng kêu của nó vang khắp pháp giới, thậm chí ở những cõi địa ngục xa xôi tối tăm nhất cũng có thể nghe được (Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới; Thiết vi u ám tất giai văn). Do đó, nhà chùa không gọi một cách sỗ sàng trịch thượng là đánh chuông, mà là thỉnh chuông, nghĩa là người làm nhiệm vụ ấy phải có thái độ trân trọng, cung kính, ăn mặc tươm tất, đến bên chuông cầm dùi thức chuông, mời tiếng chuông ấy bay theo không gian khắp đến mọi nhà để đánh thức những ai đang còn chìm trong cơn mộng mị:
“Pháp cổ chuyển hồi phù thế mộng.
Phạn chung chàng phá đại gia lung.”
Nghĩa là:
Trống pháp vang lên tan mộng mị
Chuông chùa lay tỉnh khắp nơi nơi.
Thế nên, dù cho những kẻ lãng tử phiêu bạt nơi đâu, mỗi khi nghe tiếng chuông cũng phải giật mình:
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Cũng như chuông, đối với trống chúng ta cũng phải có thái độ kính cẩn, vì đó là trống pháp (pháp cổ) chứ chẳng phải loại trống bình thường; và tiếng ấy được gọi là tiếng trống Bát nhã. Bởi lẽ, nó có khả năng làm cho người nghe phát huy được trí tuệ của chính mình. Thế nên ngày xưa, một số ngôi chùa thường có lệ đánh trống vào mỗi buổi sớm mai, gọi là Chuyển trống, như câu thơ trên đã mô tả.
Không những chuông, trống của nhà thiền thường mang một ý nghĩa cao quí được gọi là pháp khí, tức là dụng cụ để truyền đạt chánh pháp, mà các khái niệm khác như lòng từ bi cũng được thăng hoa trở thành Thuyền từ:
Thuyền từ một lá chơi vơi.
Bể trần chở biết mấy người trầm luân.
Vì nó có công năng chuyên chở chúng sinh đến bến bờ an lạc.
Thế nhưng, khái niệm ấy đôi khi cũng được gọi là cửa từ bi:
Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Đức tính từ bi đã vậy, nhưng đức tính trí tuệ hay Bát nhã cũng là một đức tính rất phổ biến, và cách vận dụng nó cũng thiên hình vạn trạng. Khi nói đến trống, đến thuyền, thì gọi là trống Bát nhã, thuyền Bát nhã; nhưng khi nói về đuốc, người ta gọi là đuốc tuệ:
Thắp đuốc tuệ trên đường mê tăm tối
Dong thuyền từ trong bể khổ trầm luân.
Và đôi khi nó cũng được gọi là kiếm trí tuệ:
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho xong tính thức thuở nay.
Ngoài ra, cách gọi tên của nhà thiền cũng mang một sắc thái đặc biệt; chẳng hạn các vị xuất gia thường tự gọi mình bằng những danh hiệu khiêm hạ, từ tốn như: bần đạo, bần tăng, nghĩa là người tu hành nghèo nàn, hoặc gọi là nạp tăng, ông thầy mặc áo vá.
Thế nhưng, cái nghèo ấy không phải khốn đốn, vất vả, mà lại tự tại thanh cao, đó là cái nghèo mà Thiền sư Huyền Giác đã thố lộ:
Cùng Thích tử, khẩu xưng bần
Thật thị thân bần, đạo bất bần
Bần tắc thân thường phi lũ hạt,
Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.
Nghĩa là:
Cùng Thích tử, miệng xưng nghèo.
Kỳ thực thân nghèo, đạo chẳng nghèo.
Nghèo mới thân thường mặc áo vá.
Nhưng tâm tiềm ẩn hạt minh châu.
Cũng vì tự nhận mình là bần tăng cho nên mới chọn một đời sống khất thực, làm kẻ khất sĩ đi du hóa đó đây, xin vật thực của thiện tín để nuôi thân xác qua ngày. Nhưng việc nuôi sống sắc thân giả hợp phù du chỉ là thứ yếu, là phương tiện, còn mục đích chính là khất cầu Thánh giáo để nuôi lớn pháp thân tuệ mạng. Cái tuệ mạng mà Thiền Sư Huyền Giác gọi là vô giá trân, một thứ châu báu cực kỳ quí giá. Chính vì mục đích khất cầu cho được bảo vật này mà Đức Đạo sư của chúng ta đã từ bỏ ngôi vị của một bậc nhân vương để chọn lấy ngôi vị của một đấng Pháp vương. Và khi đã được ngôi vị Chánh giác thì Ngài sống một nếp sống bình thường, dung dị:
Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Kỳ vị sinh tử sự,
Giáo hóa độ xuân thu.
Nghĩa là:
Một bát xin ngàn nhà,
Độc hành vạn dặm xa.
Vì việc lớn sinh tử,
Đưa người vượt Ta-bà.
Thế nên, việc khất thực không phải mang tính chất vị kỷ – vì cơm áo cho chính mình – mà vì mục đích vị tha, nhằm tạo cơ hội cho chúng sinh có thiện tâm kết duyên lành với Phật pháp, khiến họ bỏ ra một ít tài vật bé nhỏ làm chất xúc tác để vun bón hạt giống trí tuệ đâm chồi nẩy lộc. Một khi mầm trí tuệ phát triển thì ta mới có cơ may đạt đến cảnh giới Tịnh độ; cõi Tịnh độ theo cách trình bày của sơ Tổ Trúc Lâm:
Tịnh độ là lòng trong sạch,
Đâu còn ngờ hỏi đến Tây phương,
Di Đà là tính sáng soi,
Chi phải nhọc tìm về Cực lạc.
Hơn nữa, thí chủ dâng cho các vị khất sĩ những phẩm vật không phải bằng cử chỉ khinh suất, như ban phát một ân huệ, mà trái lại bằng cử chỉ cung kính, lễ độ, được gọi là cúng dường. Thực ra cúng dường có nghĩa là cung cấp phẩm vật để nuôi dưỡng, nhưng ở đây nó được thăng hoa lên một tầng cao hơn để tương xứng với ý nghĩavà vị trí của kẻ cho và người nhận. Do thế, thí chủ chính là kẻ mang ân huệ, còn người nhận mới đích thực là người ban ân huệ. Đó quả là một chuyện nghịch thường. Thế nhưng, mọi người Phật tử đều quán triệt ý nghĩacúng dường, họ thực hiện việc cúng dường này một cách thành tâm, và đầy cung kính. Điều đó nói lên tính chất văn minh của nhà Phật. Bởi lẽ, trên thế gian này có nhiều người tuy vàng bạc châu báu chất đầy nhà, nhưng thực sự họ đang rất nghèo nàn, rất thiếu thốn. Những gì họ đang thiếu là trí tuệ, là Thánh pháp, một thứ giá trịchân thực bất hư mà Đức Vô thượng Chánh giác muốn trao truyền cho những ai khát ngưỡng. Do vậy, khi Đức Phật thuyết pháp thì gọi là Chuyển pháp luân: vận chuyển bánh xe Chánh pháp, hay là Pháp vũ: rưới xuống một trận mưa pháp. Vì người thuyết pháp với một thái độ vô tư, bình đẳng; và những hạt mưa pháp cũng mang tính chất bình đẳng đối với muôn loài, không phân biệt nghèo giàu, lớn nhỏ, không từ chối bất cứ một ai. Trái lại, người tiếp thu thánh pháp thì gọi là mang ơn pháp vũ hay mang ơn pháp nhũ, nghĩa là được thấm nhuần trận mưa pháp, hay được uống dòng sữa pháp. Chất sữa pháp này có thể làm cho người ta tươi tỉnh, an lạc, vơi bớt não phiền trong chốn trần lao:
Lạ chi vừa bén mùi thiền
Mà trăm não với ngàn phiền sạch không.
Thức uống có một công dụng thần hiệu như vậy, thế còn thức ăn thì sao?- Người xuất gia khi ăn uống không giống như người thường, cho nên gọi việc ăn là Thọ trai. Nghĩa là dùng những thức chay lạt, thanh đạm để tạm thời duy trì sắc thân huyễn hóa mà hành đạo. Do đó, đôi khi gọi thức ăn là Dược thực, tức là xem nó có giá trị như một thứ thuốc dùng để chữa trị căn bệnh đói khát mà vượt qua hiểm lộ trần gian đến nơi an lạc. Thế nên, người tu thường quan niệm ăn để sống, chứ không phải sống để ăn.
Tất cả chúng ta đều biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là một quy luật chung cho tất cả mọi loài. Khi sinh ra đời, mỗi người đều mang một nghiệp dĩ mà mình phải chấp nhận, không có quyền lựa chọn. Trái lại, Đức Phật xuất hiện trên cõi đời, về phương diện sinh thể thì giống như mọi người, nhưng về mục đích thì lại khác. Cho nên sự chào đời của Đức Phật không gọi là Sinh một cách bình thường mà được gọi là Đản sinh, hay Khánh đản. Nghĩa là Ngài đem đến một tin mừng, một điềm tốt lành cho mọi chúng sinh trên cõi Ta bà này. Vì Ngài có một sứ mệnh dùng ánh sáng chân lý soi tỏ trần gian, dắt dìu chúng sinh vượt qua sông mê bể khổ. Đó là một sự kiện hy hữumấy nghìn năm mới xuất hiện một lần, cho nên sự đản sinh của Phật được ẩn dụ bằng hình ảnh đàm bát hoa khai - đóa hoa sen nở. Bởi lẽ, đóa sen mọc từ trong chỗ bùn nhơ nhưng lại vượt lên khỏi bùn, tỏa hương thơm ngát. Cũng thế, Đức Phật ra đời trong cõi trần lao khổ lụy, nhưng Ngài đã đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề.
Có sinh ắt có tử, đó là lẽ đương nhiên. Khái niệm tử (chết) là một khái niệm có nhiều tên gọi nhất trong ngôn ngữ Phật giáo.
Điều thú vị là khi nói đến cái chết, người Phật tử không hề tỏ ra nao núng, sợ hãi mà rất thanh thản, tự nhiên, thậm chí còn nói với một ý nghĩa ngược lại. Chẳng hạn một Phật tử qua đời, người ta không gọi là từ trần, tạ thế... mà gọi là vãng sinh, hay siêu sinh, nghĩa là được sinh về một cảnh giới khác, hay sinh lên một cảnh giới cao cả hơn. Đó là nói về trường hợp người Phật tử; thế còn chư Tăng lúc qua đời thì gọi là tịch, tịch diệt hay viên tịch, tức là đã đạt được sự vắng lặng, đã chấm dứt hết mọi khổ lụy, đã hoàn toàn yên tĩnh trong cõi vĩnh hằng. Vì thế mà Thiền sư Từ Minh phát biểu về khái niệm sinh tử một cách rất nên thơ: Sinh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ. Thử hỏi trời lạnh mà được đắp chăn bông, mùa hạ nóng bức mà được cởi áo trần thì còn gì thú vị hơn!
Hơn nữa, đôi khi sự chết còn được gọi là liễu, liễu đạo, nhập Niết-bàn. Nghĩa là đã kết thúc dòng sinh diệt, đạo quả đã viên mãn, đã trở về cõi an tịnh - dứt sạch ba độc tham, sân, si. Cũng có lúc gọi là hóa hay tọa hóa, nghĩa là đã được hóa sinh, hay ngồi an nhiên mà siêu thoát. Rồi từ đó được cụ thể hóa như đàm hoa lạc khứ - hoa sen đã rơi rụng và trôi đi; hay chích lý Tây quy - quảy một chiếc dép trở về cõi trời Tây. Sự tích này nhằm nhắc lại truyền thuyết Tổ Đạt Ma sau khi viên tịch, người ta gặp Ngài quảy một chiếc dép trở về Thiên trúc.
Cuối cùng xin nói về khái niệm Vô Thường, Vô ngã vốn là những khái niệm mang đậm đà bản sắc Phật giáo. Tuy có một số người ngộ nhận cho rằng đạo Phật nhìn đời với một thái độ bi quan, thấy cái gì cũng vô thường, vô ngã; nhưng kỳ thực Phật giáo chẳng những không bi quan mà cũng chẳng lạc quan, mà chỉ là chân thật quan, nghĩa là nhìn vạn pháp đúng như sự thực của nó. Cũng vì thấu đạt chân tướng của vạn pháp vốn hư ảo, cho nên các Thiền sư rất bình thản, tự tại, dám quên mình làm việc lợi ích cho chúng sinh với một tâm nguyện Đại bi, như bài tựa Kinh Lăng già phô diễn:
Thế gian ly sinh diệt,
Do như hư không hoa.
Trí bất đắc hữu vô,
Nhi hưng đại bi tâm.
Nghĩa là:
Đời chia lìa sinh diệt
Như hoa đốm không trung
Vì chẳng thấy có không,
Mà khởi tâm đại bi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm