Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 12/04/2022, 07:24 AM

Hóa giải nghiệp chướng

Theo thuyết Nghiệp của Phật giáo, những tác tạo không chủ ý thì không thể gọi là nghiệp (chúng chỉ là hành động duy tác), vì thế nó chẳng phải là tội lỗi và không chịu quả báo nặng nề.

 Hỏi: Tôi là Phật tử, hiện đang mắc căn bệnh được bác sĩ chẩn đoán là “hội chứng ám ảnh cưỡng chế”. Căn bệnh này khiến tâm ý tôi luôn tự khởi lên những suy nghĩ lệch lạc, xấu xa, bất kính về tín ngưỡng, tôn giáo và tổ tiên cùng những người đáng kính xung quanh. Những ý niệm bất kính ấy khiến tôi thấy tội lỗi vô cùng. Tôi ngày càng căm ghét bản thân mình, thực sự rất đau khổ, lo sợ quả báo xấu vì tội bất kính. Có khi tôi đã nghĩ đến cái chết để tự giải thoát. Tôi rất mong được quý Báo sẻ chia và hướng dẫn giải pháp để hóa giải nghiệp chướng này.

(TRƯỜNG MẪN, truongman...@gmail.com)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bạn Trường Mẫn thân mến!

Theo như tâm sự thì bạn đã được bác sĩ chẩn đoán là có vấn đề về rối loạn tâm thần. Loại bệnh này hiện y học cũng đã có phác đồ điều trị. Nên việc cần làm trước mắt là bạn phải khám bệnh định kỳ tại các chuyên khoa thần kinh, tuân thủ trị liệu theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ngày nay chuyên khoa thần kinh cũng khá phát triển và hỗ trợ điều trị tích cực cho các bệnh nhân có rối loạn tâm thần.

Điều quan trọng tiếp theo là không nên vội chuyển hướng sang cầu cúng hay các phương pháp thần bí trong dân gian như cầu đảo, trừ tà, trục quỷ… vốn thiếu cơ sở y học. Vẫn biết “hữu sự vái tứ phương” nhưng định hướng điều trị không đúng chẳng những tốn kém công sức, tiền bạc mà còn để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Kế đến bạn cần biết rõ những ý niệm bất kính ấy là do bệnh, chúng tự khởi lên do rối loạn tâm thần, chứ bạn không cố ý. Theo thuyết Nghiệp của Phật giáo, những tác tạo không chủ ý thì không thể gọi là nghiệp (chúng chỉ là hành động duy tác), vì thế nó chẳng phải là tội lỗi và không chịu quả báo nặng nề.

Khi đã biết rõ điều này rồi thì bạn cũng không nên quá đau khổ, chán ghét bản thân, nhất là không quá lo sợ về quả báo của tội lỗi bất kính. Những ý niệm xấu xa đó đơn thuần chỉ là những biểu hiện của bệnh tật. Nó tự xuất hiện trong ý nghĩ rồi suy diễn mà không cưỡng lại được chứ không phải là tác ý của bạn.

Cần hiểu đúng căn bệnh với các biểu hiện như vậy để thương bản thân mình hơn mà lo chữa trị. Chết không phải là hết, tự tìm đến cái chết chẳng những không giải thoát khỏi đau khổ mà khiến cho đọa lạc và khổ ải trầm trọng thêm.

Song hành với sự chữa trị là hiểu rõ nguyên nhân và bệnh trạng của mình để tìm cách chuyển hóa. Theo y học, bệnh của bạn có nguyên nhân là các sang chấn tâm lý hay tổn thương thần kinh dẫn đến tâm thần rối loạn. Theo Phật giáo, bệnh có nguồn gốc sâu xa là do nghiệp. Sám hối là cách hữu hiệu nhất để chuyển hóa nghiệp.

Những lúc sức khỏe cho phép, tâm thần ổn định thì bạn cần phát nguyện và thực hành sám hối. Xướng danh hiệu Phật rồi lễ lạy là phương cách sám hối phổ biến nhất. Lạy Phật với tâm thành kính thiết tha, lạy xong thì nguyện cho con được tiêu trừ các tội lỗi, nghiệp chướng trong quá khứ do vô minh ám chướng gây ra. Duy trì lễ sám trong đời sống hàng ngày cho đến khi thân tâm nhẹ nhàng, thanh thản.

Điều cần nhớ là những ý niệm bất kính, phỉ báng Phật Thánh có thể khởi lên trong lúc bạn sám hối. Hãy bình tĩnh ghi nhận chúng một cách rõ ràng rồi tiếp tục việc lễ sám của mình. Trong trường hợp những ý niệm bất kính quá mạnh mẽ thì tạm nghỉ, khi tâm lắng dịu lại tiếp tục.

Không nên chán nản và cảm giác bất lực trước nghiệp chướng nặng nề rồi thối thất công phu sám hối. Bởi nghiệp chướng đã gây từ nhiều đời cao như núi, trong khi công phu lễ sám của bạn thì chỉ bằng hạt cát mà thôi. Vì vậy hãy kiên trì, tinh tấn, bền bỉ sám hối mọi lúc, mọi nơi có thể.

Nếu bạn kết hợp hài hòa giữa chữa trị theo y học và chuyển hóa nghiệp dĩ bằng cách sám hối thì bạn có nhiều hy vọng để bình phục.

Chúc bạn tinh tấn!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?

Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024

Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?

Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?

Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024

Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?

Tượng Phật có từ bao giờ?

Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.

Tu tập trong hoàn cảnh không có Phật

Hỏi - Đáp 10:00 17/11/2024

Tôi thích lạy Phật nhưng vì không có bàn thờ nên tôi tự hình dung Đức Phật trước mặt rồi lễ bái. Tôi tu tập như thế và cảm thấy an yên, được Tam bảo che chở rất nhiều. Có lúc tôi tự hỏi mình tu tập trong hoàn cảnh như thế có đúng Chánh pháp không?

Xem thêm