Hoa và rác
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta chế tạo ra khá nhiều rác rến. Chúng ta biết loại rác nào có thể được chuyển hóa mau chóng thành đất, thành hoa, và loại rác nào phải đợi rất lâu mới có thể chuyển hóa ra đất, ra hoa.
Tôi nhớ cách đây chừng 10 hay 12 năm, trong khi hướng dẫn một khóa tu ở Mỹ, miền Nam California, tôi thấy thiền sinh ở đó dâng một bình hoa lên bàn Phật. Bình hoa hôm đó vừa có hoa mà vừa có rác. Có lẽ một thiền sinh nào đã nghe giảng về tính cách tương tức giữa rác và hoa, cho nên hôm đó đã dâng lên bàn thờ Phật một bình hoa khá đẹp, trong đó có nhiều yếu tố rác.
Cố nhiên là có những cành hoa, nhưng có những thứ thật sự là rác. Ví dụ như có những chiếc lá khô, những vỏ trứng, một vỏ chuối, một ít bụi đất, và để ý cho kỹ thì thấy có một mảnh nylon ở trong bình hoa. Đây là một điều hết sức cách mạng! Vì khi dâng hoa lên đức Thế Tôn, mình chỉ dâng hoa thôi, ai mà dâng rác! Nhưng trong trường hợp này, vị thiền sinh đó đã dâng hoa và dâng luôn cả rác!
Tấm lòng "Hoa sen" của người đàn ông cả đời làm từ thiện
Có những thứ rác có thể được chuyển hóa thành hoa rất mau chóng, như những chiếc lá khô kia, hay những vỏ chuối kia. Chỉ trong vài tháng là chúng thành hoa. Nhưng có những thứ rác mình phải mất nhiều thì giờ hơn, nhiều công phu và tâm lực hơn, thì mới chuyển thành hoa được. Trong trường hợp một tờ Nylon thì không thể nào được chuyển thành hoa nhanh như là một vỏ chuối, hay một vỏ cà rốt. Khi chúng ta dùng những tấm tã làm sẵn để quấn cho em bé, những tấm tã có bọc nylon, disposable nappy, dùng xong thì liệng bỏ đi, thì chúng ta biết rằng ít nhất là 200 năm nữa, cái tã đó mới mục đi, mới trở thành đất, và sẵn sàng để trở thành hoa trở lại.
Có rất nhiều thứ rác mà khi đã tạo ra rồi thì chúng ta phải chờ đợi rất lâu mới có thể chuyển chúng thành hoa được. Vì vậy mà ta phải rất cẩn thận.
Ví dụ như rác nguyên tử. Không phải là cần 200 năm mà hàng chục ngàn năm, mới có thể được chuyển thành hoa. Mỗi lò nguyên tử, mỗi nhà máy biến điện chạy bằng nguyên tử, hàng năm sản xuất rất nhiều rác nguyên tử. Năm 1966 một lò nguyên tử thương mại được thành lập tại West Valley, New York. Chỉ sau 6 năm hoạt động, lò này đã sản xuất ra 600 ngàn gallons chất phế thải có độ phóng xạ cao (High-level Radioactive waste), và người ta phải dùng đến 20 ngàn thùng bằng thép để chất chứa. Đó là chưa kể những chất lỏng phóng xạ phế thải cũng từ lò này, mà người ta phải làm đông lạnh lại và cần rất nhiều ống thủy tinh để chứa. Vì vậy năm 1972 lò này bị đóng cửa, và vào cuối thế kỷ thứ 20, Hoa Kỳ không còn cho phép lò biến chế nguyên tử (Fuel reprocessing plants) được thành lập trên đất Mỹ.
Hiện ở Âu Châu có biết bao nhiêu lò phát điện nguyên tử như vậy. Quý vị cứ tưởng tượng, hàng năm mỗi máy tạo ra cho chúng ta 3 thước khối thứ rác độc hại mà vài ngàn năm sau chưa chắc chúng đã được chuyển đổi thành đất! Đó là chưa kể những rác nguyên tử ít độc hại hơn, không phải chôn sâu mà chỉ nhốt chúng vào trong những thùng chứa bằng bê-tông.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và quan điểm về Phật giáo dấn thân
Khi nghĩ tới những rác nguyên tử chôn sâu trong lòng đất đó, ta thấy tâm ta không an lạc. Tại sao? Tại đó là những món quà mà thế hệ của chúng ta đang để lại cho con cháu sau này. Những món quà quá độc hại và càng ngày càng nhiều!
Chúng ta có liên hệ gì đến việc đó hay không? Có! Tại vì mỗi ngày chúng ta có sử dụng điện! Điều quan trọng nhất là chúng ta phải ý thức rằng chúng ta đang góp phần tạo ra những loại rác rến ghê gớm như vậy cho con cháu của chúng ta! Có thể một ngày mai, khi có cơ hội để chúng ta nói lên được, hay chúng ta làm được một cái gì để chận đứng đà phá hoại này, thì chúng ta nên mở miệng ra, nên hành động, và nên chọn lựa. Chúng ta nên có chánh niệm, nên có ý thức hiện chúng ta đang làm gì và đang để lại cho con cháu chúng ta những gì ở trong tương lai.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta chế tạo ra khá nhiều rác rến. Chúng ta biết loại rác nào có thể được chuyển hóa mau chóng thành đất, thành hoa, và loại rác nào phải đợi rất lâu mới có thể chuyển hóa ra đất, ra hoa. Cũng vì lý do đó mà tại Làng Mai chúng ta được học rằng phải có chánh niệm trong việc sử dụng các bao nylon khi mua phẩm vật. Ví dụ khi đi chợ, thay vì đi hai tay không, chúng ta đem theo một cái giỏ bằng vải, bằng mây để đựng những thức chúng ta mua, thay vì sử dụng túi nylon của người bán hàng.
Đứng về phương diện chất độc của tâm ý thì cũng vậy. Mỗi ngày chúng ta có thể tạo ra những rác rến. Chúng ta có những sợ hãi, những lo buồn, những hồi hộp, đủ để làm cho chúng ta khổ. Trong khi đó còn có những người chuyên môn tạo ra những sản phẩm gọi là “văn hóa”, cung cấp thêm cho chúng ta sự sợ hãi, sự lo buồn, sự hồi hộp, sự thèm khát.
Ví dụ những sản phẩm phim ảnh. Có những phim được làm ra, bán rất chạy, những phim đó đầu độc tuổi trẻ, đầu đọc người lớn, tạo thêm những sợ hãi, những hồi hộp, những lo lắng, những giận hờn. Nhưng chúng ta lại rất thích tiêu thụ! Tại vì chúng ta thấy trống rỗng ở trong con người của chúng ta, chúng ta không chịu nổi, chúng ta bắt buộc phải mở máy để coi những phim như vậy. Chúng ta bắt buộc phải mua những cuốn video đó. Chúng ta bắt buộc phải mua những cuốn sách đó, và trong khi tiêu thụ, chúng ta làm cho tình trạng rác rến của chúng ta càng ngày càng lớn.
Bảo vệ hành tinh – quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Chính sách của chúng ta để chăm sóc rác rến, không phải là một chính sách thông minh, và càng ngày khung cảnh sống của chúng ta càng nhỏ hẹp. Sống không chánh niệm thì chúng ta có thể vung vãi những đau buồn, những giận ghét, những thù hận, những đen tối ở trong ta ra chung quanh ta. Đó cũng là một hình thức làm ô nhiễm môi trường sinh sống của con người. Chúng ta làm ô nhiễm thân thể và tâm hồn chúng ta đã đành, nhưng chúng ta cũng làm ô nhiễm luôn môi trường sinh hoạt của những người đang sống quanh ta. Mỗi khi chúng ta có giận, có buồn, có ganh, có ghét, có tuyệt vọng, có bực bội là chúng ta đang vung vãi rác của chúng ta lên những người chung quanh. Như vậy là rất tội nghiệp cho họ. Vì vậy cho nên mỗi người trong chúng ta phải có một phương pháp, một chính sách bảo quản rác của chính mình, làm thế nào để rác đó đừng xâm chiếm, đừng tàn hại, đừng làm hư hỏng môi trường sinh hoạt của những người khác.
Chánh niệm giúp cho chúng ta nhận diện được cái gì là rác, cái gì là hoa. Cái nào là rác mình có thể quản lý được, mình có thể chuyển thành hoa được, và những rác nào mình không có khả năng chuyển hóa, không có khả năng quản lý, và mình phải cần tới tăng thân, cần tới thầy, tới bạn mới có thể quản lý và chế tác nó trở lại thành hoa.
Khi vị thiền sinh kia dâng lên đức Thế Tôn một bình hoa, trong đó có rác và có hoa, thì vị ấy có tâm niệm mà mình có thể diễn dịch như sau: Bạch đức Thế Tôn, con biết rằng bình hoa mà con dâng lên đức Thế Tôn hôm nay, có cả hoa lẫn rác. Những hoa này nếu không bảo tồn, ngày mai cũng thành rác, và những rác này, nếu biết phương pháp, thì ngày mai cũng sẽ thành hoa. Sở dĩ con hiến cúng lên đức Thế Tôn bình hoa vừa có hoa vừa có rác này, là vì con có chánh niệm, con không sợ hãi, con nghĩ rằng con biết rác là rác, biết hoa là hoa. Những hoa kia con cố gắng để làm cho nó còn là hoa càng lâu càng tốt. Và những rác kia con biết nó là rác và con sẽ tìm cách chuyển hóa nó để mai mốt nó trở lại thành hoa.
Đó là cái tuệ giác mà người thiền sinh kia dâng cúng lên đức Thế Tôn. Cái đó gọi là tuệ hương. Có giới hương, thì sẽ có định hương, rồi có tuệ hương. Khi cúng dường như vậy là mình cúng dường cái trí tuệ của mình và công đức sẽ vô lượng.
Trình diện trước đức Thế Tôn, chúng ta biết rằng trong ta có cái thậm tâm, có sự cung kính, có sự quay về nương tựa, nhưng trong ta cũng có những phiền ảo, những buồn giận.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Kiếp người trong hơi thở
Trong chúng ta ai cũng có rác hết! Sự thật là có hoa thì có rác. Điều không chấp nhận được là mình biết mình có rác, mà mình không làm gì để bảo quản rác đó, và để chuyển rác đó thành hoa. Đó mới là điều không chấp nhận được. Còn chuyện mình có rác, có thể được đức Thế Tôn chấp nhận, được thầy chấp nhận, được sư anh chấp nhận, sư em chấp nhận. Ai cũng chấp nhận rằng mình có quyền có rác, nhưng người ta không chấp nhận được chuyện người tu mà không thực tập để chuyển hóa rác. Chúng ta không chống đối rác, tại vì chúng ta biết rác đóng vai trò của nó trong sự nuôi hoa. Vì vậy chúng ta phải học phương pháp bảo quản rác để có thể sử dụng rác đó mà nuôi lớn những bông hoa của chúng ta. Đó là giáo lý về sự tương tức giữa rác và hoa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Các tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Kiến thức 21:00 14/11/2024Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau. Tất cả những tôn hiệu này đều xuất hiện sau khi Ngài tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.
“Muốn biết nhân đời trước hãy xem quả đời này”
Kiến thức 15:20 14/11/2024Ngày nay tai nạn trong đời sống rất nhiều, thường gặp phải những chuyện không vừa ý, quả báo bệnh khổ, chết yểu. Nguyên nhân là gì?
Chúng ta mãi “quanh quẩn trong vòng buồn giận”
Kiến thức 14:45 14/11/2024Có thể ta đã từng mắc kẹt vào những tranh chấp được mất, thị phi và lao đao trong ghét thương buồn tủi; và ta đã "Xem thường bảo vật trong tay" như sức khỏe, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ... Để rồi "Dày đạp lên trên hạnh phúc" mà đi, thật xót xa vô cùng.
Tâm lìa tướng ngôn ngữ
Kiến thức 13:20 14/11/2024Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn.
Xem thêm