Thứ tư, 26/02/2020, 08:53 AM

Học thiền để thay đổi cuộc đời

Thiền Vipassana thuộc về giáo huấn của Đức Phật. Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật đã giải thích tỉ mỉ bốn phép quán: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Vipassana thuộc về Phật giáo.

> Khám phá thêm những kiến thức thú vị về Thiền định tại đây

Tháng 5/2007, Thiền sư Ajahn Suphan đã sang Việt Nam lần đầu tiên theo lời mời của chùa Nguyên Thủy, Q,2,TP. HCM, được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, hướng dẫn hai khóa tu thiền Minh sát tuệ (Vipassana), VHPG đã gặp gỡ thầy. Phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát, nụ cười từ ái. Cuộc phỏng vấn của VHPG với Thiền sư Ajahn Suphan được thực hiện bằng tiếng Anh. Bên tách trà kỳ này giới thiệu cùng quý độc giả về thiền Minh sát tuệ và những điều cần lưu ý khi thực tập thiền.

PV: Thưa thiền sư, xin thầy giới thiệu cho độc giả Việt Nam vài nét về thiền Minh sát (Vipassana)?

thien-su-ajahn-suphani

- Thiền sư Ajahn Suphan (A.Suphan): Nguyên tắc căn bản của thiền Minh sát (thiền quán) là phát triển chánh niệm của người thực tập. Người tu thiền Minh sát phải liên tục giữ chánh niệm, tỉnh giác trong khi đi, đứng, nằm, ngồi – tức là trong bốn oai nghi. Người đó cũng phải liên tục giữ chánh niệm tỉnh giác như vậy trong tất cả mọi hoạt động khác trong ngày.

Chữ Vipassana có nhiều nghĩa khác nhau và một trong các nghĩa đó là “biết rõ chân lý để sống hợp với quy luật của tự nhiên”. Có người nghĩ rằng họ tới thiền viện, ngồi xếp bằng rồi nhắm mắt lại và thế có nghĩa là họ đang hành thiền Minh sát. Không phải như vậy. Ý nghĩa đích thực của thiền Minh sát là nhận chân được thực tại, được bản chất của sinh tồn, quy luật của cuộc sống và trực nhận được ba tướng: khổ, vô thường, vô ngã. Vipassana giúp cho hành giả sửa chữa những nhận thức sai lầm về cuộc sống để thấy được cái quy luật của cuộc sống và của tự nhiên. Vipassana có thể thay đổi được cuộc sống con người, giúp cho con người đoạn diệt được phiền não – tham, sân, si – và đạt tới chân lý tối thượng.

PV: Xin thiền sư cho biết nguồn gốc của thiền Minh sát?

- A.Suphan: Thiền Vipassana thuộc về giáo huấn của Đức Phật. Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật đã giải thích tỉ mỉ bốn phép quán: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Vipassana thuộc về Phật giáo. Tứ niệm xứ với bốn phép quán là cách thức để hành giả tu tập và phát triển chánh niệm. Bốn phép quán này là đủ để rèn chánh niệm, đoạn diệt phiền não và trực nhận ba tướng: khổ, vô thường, vô ngã của hiện hữu.

Đức Phật dạy rằng bốn phép quán có thể giúp ta tu rèn lối sống đạo hạnh của bậc thánh nhân và đạt tới Niết bàn. Hành giả tu Vipassana có thể nhập dòng thánh. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào căn cơ của hành giả. Khi người ta nhận thấy được sự vô nghĩa của cuộc sống bon chen thì họ tìm đến pháp này và họ có thể đạt tới giác ngộ, giải thoát. Có ba yếu tố trợ duyên cho hành giả tu thiền tuệ:

- Các hạnh Ba la mật mà hành giả đã  tích lũy qua nhiều kiếp.

- Việc hành giả giữ giới trong sạch và phát triển định.

- Tuệ giác giúp hành giả nhìn thấy sự vật, hiện tượng như chúng đang là.

Hành giả có Ba la mật và Giới, Tuệ phát triển đầy đủ là người đã hội đủ các yếu tố chủ yếu hỗ trợ cho việc hành thiền.

Tùy theo căn cơ mà các hành giả tu thiền với các động cơ, mục đích khác nhau. Người thì hành thiền với mục đích phục vụ cho công việc riêng của họ, người thì tu thiền với mục đích phục vụ cộng đồng, giúp đỡ cho mọi người khác.

Năm yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới việc tu thiền và phát triển chánh niệm: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Hành giả phải cần có tín – có nghĩa là người đó phải có lòng tin vào chính bản thân mình, tin rằng mình có thể đạt tới giác ngộ, giải thoát. Người đó phải tin Luân hồi Nhân quả: Cuộc sống hiện tại của chúng ta phụ thuộc vào những ý nghĩ, lời nói, việc làm thiện hoặc bất thiện của chúng ta trong quá khứ. Hành động hiện tại có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta – có nghĩa là chúng ta có thể tác động tới tương lai và thay đổi cuộc đời mình. Vipassana có nghĩa là trí tuệ, hiểu ngộ – tự do và giải thoát.

PV: Thưa thiền sư xin thầy cho biết về việc hành thiền Vipassana ở Miến Điện, Thái Lan và một số nước phương Tây?

Thiền Vipassana

- A.Suphan: Vipassana chỉ có một, về mặt lý thuyết mà xét. Về nguyên tắc thì không có sự khác biệt nào cả. Toàn bộ việc tu thiền Vipassana là dựa trên bốn phép quán được giải thích tỉ mỉ trong kinh Tứ Niệm Xứ. Tuy nhiên, có sự khác biệt về mặt kỹ thuật giữa các truyền thống khác nhau. Điều này phụ thuộc vào thiền sư, cách tu tập của thiền sư và năng lực, tính cách, khí chất của thiền sinh.

Thông thường người tu thiền lựa chọn thiền viện dựa vào tính cách, đặc điểm tâm lý của cá nhân họ hoặc thông tin mà họ có được. Sau khi có được thông tin cần thiết, họ tới thiền viện ở các nước khác nhau. Ngày nay có rất nhiều thiền viện trên khắp thế giới. Một số thiền viện có xu hướng nhấn mạnh nghi lễ, nghi thức, còn một số khác thì chú trọng nguyên tắc dạy thiền hoặc việc trao truyền thông tin hoặc đề cao vai trò của việc hướng dẫn tỉ mỉ từng bước một. Một số thiền viện có thể coi trọng việc giúp thiền sinh đưa những gì họ học được vào cuộc sống và muốn cho thiền sinh có điều kiện tu tập theo khả năng riêng của từng người, theo sở thích cá nhân.

Mặc dù một số khác biệt như đã nêu, khi chuẩn bị đi tu thiền, các hành giả cũng phải tuân theo một số nguyên tắc chung:

– Có thông tin đúng đắn

– Việc hành thiền phải dựa trên nền tảng của bốn phép quán: thân, thọ, tâm, pháp

– Hành giả phải có khả năng áp dụng cho được những gì đã học vào cuộc sống hàng ngày.

Phương pháp dạy có thể khác nhau phụ thuộc vào môi trường tu học nhưng các nguyên tắc căn bản thì không thay đổi

Hiện nay có nhiều thiền viện được mở ra ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các trung tâm này cung cấp cho hành giả những thông tin cần thiết và hướng dẫn kỹ thuật tu Vipassana. Một số thiền viện do các chùa hoặc các hành giả cư sĩ hướng dẫn; cũng có những khóa tu thiền được tổ chức ngay tại nhà riêng – các khóa tu ở những nơi này thường được tổ chức theo truyền thống Nguyên thủy. Các khóa thiền, các thiền viện có thể hoạt động dựa vào tiền đóng góp tự nguyện, cúng dường mà không thu tiền của người học.

PV: Thầy có thể nhận xét về việc tu thiền của các thiền sinh ngoại quốc tại các nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông?

- A.Suphan: Để tìm được một thiền viện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của mình, thiền sinh phải có được thông tin đầy đủ, chính xác. Thứ nữa, họ phải tìm hiểu các nội quy, quy tắc và các hướng dẫn hành thiền của thiền viện vì trong đó các nguyên tắc dạy thiền của các vị thầy được thể hiện cụ thể, rõ ràng.

Các thiền sinh ngoại quốc có mặt mạnh và mặt yếu riêng của họ. Ưu điểm lớn nhất của họ là thường có động cơ tu thiền mạnh mẽ. Yếu điểm thường gặp ở họ là họ không có được niềm tin tôn giáo (đạo Phật) mạnh mẽ. Khi tín (niềm tin – BT) yếu thì tấn (siêng năng, nỗ lực – BT) cũng không thể đi xa được. Họ chỉ có lòng tin vào khoa học, kỹ thuật và cách nhìn của họ thường rơi vào tình trạng phiến diện, không có tính trọn vẹn, tổng hòa. Họ tranh cãi, lý luận quá nhiều và có xu hướng nặng ganh đua để đạt tới thành công. Tu thiền Vipassana là để đạt tới hiểu ngộ cần thiết cho sự phát triển ở bên trong, thế nhưng họ lại hướng tới sự thành đạt ở bên ngoài và quá chú trọng tới điều đó.

Ngày nay đạo Phật được lan truyền rộng rãi ở phương Tây và ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc tu thiền. Trong thời đại của khoa học và kỹ thuật, họ gặp nhiều khó khăn, bế tắc; nhiều người cảm thấy cô đơn, buồn chán (đặc biệt là ở Mỹ) và họ tìm tới các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy với những mục đích khác nhau: hành thiền Vipassana, tìm hiểu một nền văn hóa khác, một truyền thống khác v.v… Tuy nhiên, nhiều người trong số họ hiểu sai về nguyên tắc của thiền Minh sát và cách tu thiền Minh sát. Ví dụ, họ không hiểu ý nghĩa của một trong ba tướng: vô ngã; và họ không hiểu tại sao hành giả lại không nên dính mắc vào cái ngã của mình. Họ thắc mắc khi xem các nghi lễ vì họ không hiểu mục đích chính của các nghi lễ là làm giảm bớt bệnh chấp ngã ở nơi hành giả. Họ cho rằng việc giữ giới không cho các thiền sinh có sự đụng chạm về thể xác (như ôm nhau chẳng hạn) là phạm vi nhân quyền. Họ giữ cái nhìn sai lệch về ý nghĩa, mục đích của việc giữ giới…

PV: Xin thầy giải thích rõ thêm về sự khác biệt giữa thiền chỉ (Samatha) và thiền quán, tức thiền Minh sát (Vipassana). Nhiều hành giả mới bắt đầu thực tập còn lầm lẫn giữa hai loại thiền này?

Thiền Vipassana 2

- A.Suphan: Thiền chỉ có từ trước khi đạo Phật ra đời. Nhiều người ở Ấn Độ (ví dụ như tín đồ đạo Hindu) đã đạt được mức định cao nhất. Khi Đức Phật tìm ra Thiền quán (Vipassana), Ngài thấy rằng thiền chỉ có khả năng hỗ trợ cho việc tu thiền quán. Vì vậy Đức Phật dạy rằng có hai cách tu thiền quán. Một là, người ta có thể tu  thiền chỉ và dùng thiền chỉ để hỗ trợ cho việc tu thiền quán. Hai là, hành giả có thể tu thiền quán mà không cần phải tu thiền chỉ. Họ chỉ cần tu tập để phát triển chánh niệm và phát triển sự tỉnh giác khi quán sát đối tượng. Họ chỉ cần thấy sự vật, hiện tượng như chúng đang là mà không cần có định thật sâu. Sự khác biệt chủ yếu giữa thiền chỉ và thiền quán là ở chỗ, mặc dầu thiền chỉ có thể giúp hành giả giảm bớt phiền não nhưng khi người đó quay trở lại với đời sống thường ngày thì phiền não lại nổi lên. Khác với thiền chỉ, thiền quán có mục đích là triệt tận gốc phiền não thông qua con đường phát triển chánh niệm tỉnh giác để đạt tới trí tuệ bát nhã, tức là đạt tới trực nhận ba tướng: khổ, vô thường, vô ngã của hiện hữu.

PV: Thưa thiền sư, từ kinh nghiệm dạy thiền của mình, xin thầy cho biết một số nhận xét của thầy về mặt mạnh và mặt yếu của thiền sinh Việt Nam?

- A.Suphan: Về mặt yếu: vì nhiều thiền sinh Việt Nam mà tôi trực tiếp hướng dẫn ở Thái Lan cũng như ở Việt Nam biết thiền chỉ trước khi tu thiền quán nên họ có những cách nhìn sai lệch về việc phải tu thiền quán thế nào, tại sao phải tu thiền quán và về nguyên tắc cơ bản của thiền Vipassana. Thứ nữa, họ thích ngồi hơn là thiền hành và vì vậy mà không đạt được cân bằng ngũ căn. Thứ ba, họ có xu hướng tập trung chỉ vào một đối tượng và vì thế mà không chú ý để quán sát sinh diệt của các phương pháp và không thấy rằng mọi thứ đầu liên quan phụ thuộc lẫn nhau. Họ quên rằng ngoài bốn oai nghi chính còn có các oai nghi phụ cũng cần phải được quan sát liên tục. Vì thế khi đi thiền hành, họ không chú ý quan sát các oai nghi phụ để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Thái độ hành thiền Minh sát đúng đắn là khi nhận biết một đối tượng thì hành giả ngay lập tức phải nhìn thấy các hiện tượng có liên quan khác. Tuy nhiên, các thiền sinh Việt Nam sau một thời gian hành thiền đã có một số tiến bộ và tự họ có thể có một số điều chỉnh khi cần thiết. Ưu điểm: đa số các thiền sinh dự khóa tu ưa thích hành thiền. Nhiều người trong số họ đã tu thiền định nên có định lực tốt và đó là yếu tố cần thiết để duy trì và phát triển chánh niệm.

Khi hành thiền Minh sát, hành giả cần cảm thấy niềm vui. Họ phải thực sự yêu thích việc hành thiền. Ở giai đoạn sơ cơ, hành giả chưa cần phải quan tâm nhiều tới việc trở thành thánh nhân. Họ chỉ cần phát triển chánh niệm để tu tâm sửa tính, là một người tốt ngày càng có ít phiền não và biết sống trong yêu thương, đồng thuận với mọi người khác. Rồi sau đó họ có thể tiếp tục tu để đạt các trình độ cao hơn, tiến tới đoạn diệt phiền não và trở thành thánh nhân. Với một cái tâm thánh thiện, họ có thể làm việc để giúp mọi người khác trên con đường đ5t tới chân lý tối hậu.

PV: Xin thầy cho các hành giả Việt Nam muốn ra nước ngoài tu tập thiền Minh sát một vài lời khuyên?

- A. Suphan: Trước hết, khả năng diễn đạt, nghe, hiểu tiếng Anh là rất quan trọng. Thứ hai cần đem theo một ít tư trang và tiền bạc. Thứ ba, họ cần biết rằng họ đi tu thiền để học một cái gì đó mới chứ không phải cái cũ – cái họ đã quen thuộc rồi. Vì vậy họ cần phải mở rộng tấm lòng và trí tuệ để chấp nhận sự khác biệt về văn hóa. Là những người muốn tìm kiếm chân ký, nếu họ vẫn còn dính mắc, bám chặt lấy nền văn hóa của mình thì họ sẽ không học hỏi được.

PV: Xin cảm ơn thầy

Hiếu Thiện thực hiện và chuyển ngữ (Văn hóa Phật giáo)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"

Phỏng vấn 11:25 17/12/2024

Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

Phỏng vấn 09:37 12/12/2024

Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.

Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”

Phỏng vấn 11:39 11/12/2024

Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…

Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây

Phỏng vấn 15:56 07/12/2024

Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.

Xem thêm