HT.Thích Thanh Từ: Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo
Người xuất gia khi bước chân vào đạo, thường nhớ rõ câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”. Đi tu thì phải nhớ xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, đó là điều căn bản của người tu hành. Nếu chúng ta không xả bỏ vật chất, của cải thế gian thì chúng ta làm sao bước chân vào đạo được.
Đọc lại lời nhắc nhở tu hành của Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Khi vào đạo rồi, nếu chúng ta không xả thân này, không biết hy sinh thân mình, làm lợi ích cho đạo, lợi ích cho chúng sinh thì không xứng đáng là người tu. Cho nên câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với giới tu hành của chúng ta.
Nếu chúng ta tu mà không quên của cải sự nghiệp thế gian, chỉ quý trọng thân này, muốn nó được an vui sung sướng thì chúng ta không thể tiến tu đạo nghiệp được, như vậy chữ tu hiện giờ chúng ta đang ứng dụng có nghĩa là chúng ta phải biết xả bỏ. Xả bỏ của cải thế gian, rồi bước sang xả bỏ cả thân mạng, không quý tiếc. Xả bỏ thân mạng chưa đủ, chúng ta còn phải xả bỏ tam độc. Tam độc tức là tham, sân, si. Nếu chúng ta không xả tam độc thì chúng ta không phải là người tu. Nếu đuổi được tham, sân, si thì chúng ta được nhẹ nhàng, thảnh thơi. Tu dẹp được một cái xấu, bỏ được một điều hại thì chúng ta được nhẹ nhàng, thảnh thơi một phần. Cho nên bước thứ nhất chúng ta tu phải xả bỏ phiền não, mà phiền não đầu là tham, sân, si.
Phát tâm tu, khi nghiệp quả đến có thay đổi từ nặng sang nhẹ không?
Ở tâm chúng ta có tham, có sân, có si, bây giờ muốn cho nó hết thì ai đuổi nó ra? Mỗi đêm chúng ta thắp hương cầu Phật cho con hết tham, sân, si được không? Chắc rằng Phật cho không được vì tham, sân, si trú ngụ sẵn trong nội tâm chúng ta. Muốn đuổi nó thì phải loại ra, phải diệt trừ nó. Phật ở ngoài không làm cho nó hết được. Xin hỏi Ni chúng, chúng ta tu cũng được hai, ba mươi năm, hoặc năm, mười năm, quý vị đuổi ba con rắn độc này ra hết chưa? Bởi vậy, ba thứ độc là căn bản làm cho chúng ta khổ đau, đó là điều thứ nhất.
Thứ hai là xả luyến ái. Tại sao chúng ta phải xả luyến ái, luyến ái là gì? Luyến ái là yêu thương. Yêu thương người này, yêu thương người kia. Yêu thương trong cái ái chứ không phải yêu thương bằng lòng từ bi, chúng ta phải xả bỏ nó, vì Phật thường dạy ái là gốc luân hồi sanh tử. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi sanh tử thì chúng ta phải xả bỏ luyến ái. Vì luyến ái mà con người phải khổ đau, nên trong bát khổ có khổ ái biệt ly. Người nào còn ôm chặt tâm luyến ái thì nhất định người ấy sẽ còn đau khổ. Hàng tu sĩ xuất gia chúng ta phải khéo xả bỏ luyến ái đối với huynh đệ, bạn bè, đối với những người chung quanh. Đừng bị trói buộc, đừng bị sợi dây ái lôi kéo thì chúng ta mới tu đến nơi, đến chốn được. Nếu người xuất gia không xả bỏ được luyến ái thì không thể nào thoát được luân hồi sanh tử. Đây là điều tối quan trọng, Nên Tăng Ni và Phật tử phải cố gắng xả bỏ tâm luyến ái của mình. Tâm luyến ái sạch rồi chúng ta mới hết khổ, mới dứt được vòng luân hồi. Muốn thế, chúng ta phải xả hết, đừng cho căn, trần, thức, ba cái đó cột trói nhau nữa. Đây là điều thứ hai.
Chúng ta tu hay bị trần cảnh lôi kéo, dẫn dắt nên gặp nhiều trở ngại. Mắt duyên với sắc, tai duyên với âm thanh, mũi duyên với mùi hương, lưỡi duyên với vị, thân duyên với xúc chạm. Tất cả những thứ duyên đó, nếu chúng ta kẹt thì sẽ bị nó lôi dẫn, không an ổn được. Người tu luôn luôn phải gỡ, đừng để sáu căn dính mắc với sáu trần. Trong nhà Thiền thường chú trọng điều này. Xưa kia có người hỏi Thiền sư thế nào là giải thoát. Ngài trả lời căn, trần không dính nhau là giải thoát. Người ta cứ nghĩ, tu giải thoát là đi đến một xứ nào xa lạ, kỳ đặc, chứ không ngờ giải thoát là ngay nơi sáu căn không dính với sáu trần. Nếu sáu căn còn dính kẹt với sáu trần thì chúng ta không được giải thoát. Đó là lẽ thật. Tôi hay thí dụ: có người khi đi ra đường, thấy cái gì đẹp liền thích, rồi mong mỏi cho được, vì mơ ước thành ra bị trói buộc. Món đồ đó có dính dáng gì với mình mà bị nó trói buộc; rồi hay đổ thừa: “bị cái đó làm cho tôi phiền não, làm cho tôi bị khổ sở”. Cảnh bên ngoài có thật buộc mình không? Hay tại mình không khéo tu nên bị nó trói buộc. Chúng ta ít khi can đảm nhận trách nhiệm về mình, khi bị trần cảnh bên ngoài quyến rũ, thua nó thì đổ thừa tại ai chứ không phải tại mình! Thí dụ có một số tiền hay một lượng vàng đánh rơi xuống đất, người ấy mừng quá lượm lên; nếu kẻ làm mất xin người ấy trả lại, người ấy có vui không? Lượm được trong tay rồi mà phải trả lại chắc không vui mấy. Nhưng nếu với lòng từ bi, biết rõ không phải của mình, chủ xin lại thì mình hoan hỷ liền.
Đó là tôi nói thí dụ nhỏ, còn nhiều sự việc lớn hơn nữa. Vì vậy, chúng ta tu phải làm sao đừng để cho căn, trần dính mắc nhau. Hồi xưa, lúc Đức Phật còn tại thế có vị tiên tu chứng được ngũ thông. Ông giảng kinh mọi người rất thích, đến Trời Đế Thích cũng tới nghe giảng, Một hôm nghe giảng xong, Trời Đế Thích liền ngồi khóc. Vị ấy thấy lạ liền hỏi: “Tại sao ông nghe tôi giảng kinh mà lại khóc?”. Trời Đế Thích thưa: “Ngài giảng kinh rất hay, nhưng tôi biết tuổi thọ Ngài sắp hết rồi, nên tôi thương khóc”.. Nghe vậy vị tiên giật mình, ông chứng ngũ thông chứ chưa chứng được lậu tận thông nên còn mắc kẹt sinh tử.
Bức thông điệp từ con người của Đức Phật
Vị ấy liền hỏi Trời Đế Thích: “Bây giờ làm sao để thoát khỏi sinh tử?”.
Trời Đế Thích giới thiệu: “Hiện giờ có Đức Thế Tôn hiệu Thích Ca Mâu Ni đang trụ ở tinh xá Trúc Lâm giảng pháp, nếu Ngài đến đó cầu pháp thì Đức Thích Ca sẽ giảmg dạy cho phương pháp giải thoát sanh tử”.
Nghe vậy vị tiên liền tìm đến Đức Phật. Trên đường đi, ông nghĩ không có lễ vật cúng dường thì vô lễ quá. Thấy hai cây ngô đồng đang trổ bông thật đẹp, ông dùng thần thông nhổ hai cây ấy để trên hai bàn tay. Đến tinh xá Trúc Lâm, vào lễ Phật rồi, ông thưa hỏi làm sao được giải thoát sanh tử.
Phật bảo: Buông.
Ông liền buông một tay xuống, rớt một cây ngô đồng.
Phật bảo: Buông. Ông buông một tay nữa, rớt cây thứ hai.
Phật bảo: Buông.
Ông thưa: “Tôi có hai cây ngô đồng. Ngài bảo buông cái thứ nhất, tôi buông bớt một cây. Bảo buông cái thứ hai, tôi buông thêm cây nữa hết rồi, còn gì nữa mà buông?”
Phật nói: “Không phải ta bảo ông buông cây ngô đồng. Cái thứ nhất ta bảo ông buông là buông trần cảnh. Buông thứ hai là buông sáu căn, thứ ba là buông sáu thức. Căn cảnh thức hay là trần căn thức buông hết thì giải thoát”. Vị tiên liền hiểu, lãnh hội trở về tu, được hết sanh tử.
Quý vị thấy, chúng ta tu nếu không khéo xả thì không thể giải thoát sanh tử. Sanh tử là cái khổ đau muôn đời muôn kiếp, chúng ta muốn thoát khỏi nó không gì hơn là phải xả bỏ, đừng để căn, trần, thức cột trói. Đây là gốc của trầm luân, của đau khổ.
Trích bài viết "Người biết tu Phật thì rất nhẹ nhàng, thảnh thơi"
HT. Thích Thanh Từ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
Xem thêm