STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
“Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới”.
Đây là thông tin đáng chú ý tại phiên họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, diễn ra vào sáng 14/12 vừa qua, tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10) - Trụ sở BTS Phật giáo TP.
Vị đứng đầu Giáo hội của Thành phố lớn nhất nước - Hòa thượng Thích Lệ Trang nhấn mạnh, chủ trương của Ban Trị sự TP.HCM - sẽ nêu gương trong việc không nhận hoa, quà, phẩm vật chúc mừng trong các hội nghị từ nay về sau.
“Chúng ta cần chất lượng hơn là hình thức”, Hòa thượng Trưởng ban Trị sự TP.HCM, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương nhấn mạnh.
Thật hoan hỉ nếu như chủ trương này được quán triệt trong toàn BTS Phật giáo TP.HCM cũng như các Ban ngành, Phân ban trực thuộc Phật giáo TP; đồng thời lan tỏa mạnh mẽ ra các tỉnh thành để cùng nhau nâng cao chất lượng hoạt động Phật sự hơn là hình thức.
Hoa và quà trong những dịp hội nghị là một phần không thể thiếu trong ngoại giao giữa các ban ngành trực thuộc, giữa cơ quan công quyền với Giáo hội… Trong các buổi lễ hành chính của Giáo hội, một phần quan trọng, đầy trang trọng được điều phối diễn ra ở phần đầu các hội nghị/ hội họp/ lễ khai mạc… chính là nghi thức tặng hoa, quà.
Rất nhiều lẵng hoa, sau này còn có cả những chậu hoa lan… được trao tặng trang nghiêm, làm tăng thêm phần trang trọng cho buổi lễ.
Tất nhiên, những phần hoa, quà được trao chỉ có ý nghĩa tăng thêm phần trang trọng về mặt hình thức, còn thực chất, quan trọng hơn, thậm chí quyết định cho sự phát triển của Phật sự, Phật giáo nói chung không nằm ở đó.
Như Hòa thượng Thích Lệ Trang thì: “Chúng ta cần chất lượng hơn là hình thức”!
Chủ trương này có thể nói là tiếng chuông khiến những ai thực sự quan tâm tới hoạt động Phật sự và sự phát triển thực chất của Phật giáo sẽ giật mình, từ đó đồng lòng tiến hành điều chỉnh một trong những phần hình thức trong nội dung hội họp, lễ nghi hành chính của Giáo hội là tặng hoa, quà, phẩm vật chúc mừng.
Có thể thấy, sau các hội nghị, những lẵng hoa sẽ nhanh chóng héo tàn, thải ra môi trường, tạo gánh nặng cho môi sinh, trực tiếp là các nhân viên dịch vụ công ích. Không ít lẵng hoa được cắm công phu, đắt tiền nhưng chỉ có giá trị ngắn ngủi trong buổi lễ vài tiếng đồng hồ. Có những buổi lễ, cuộc họp mà các ban ngành, đơn vị tặng hoa quá nhiều nhưng thời gian không cho phép mời lên tặng nên buộc phải để xếp hàng lặng lẽ. Thậm chí, có khi không được nhắc qua trong phần cảm ơn của MC-người điều phối về món quà, hoa tặng ấy. Nhưng không có không được.
Do vậy, nếu Ban Trị sự đã có chủ trương, thống nhất, quyết tâm thực hiện thì chắc chắn sẽ nhẹ phần lo cho các cơ quan, ban ngành trong giao tế, lễ tiết này.
Thực tế, việc mua hoa, quà cho các hội nghị, thăm viếng… khá tốn kém này được trích từ tiền quỹ của từng ban ngành. Những phần tịnh tài này tất nhiên từ sự hỉ cúng của các thành viên trong ban, các chùa, Phật tử… Quy chung lại, cũng là tịnh tài từ đàn na tín thí, mạnh thường quân. Thiết nghĩ, chi tiêu của các ban cần thực chất hơn, vào những việc giúp cho Phật giáo phát triển, với những Phật sự có lợi lạc cho đạo, cho đời mới thật đúng với sự hỉ cúng của Phật tử.
Theo đó, thay vì tốn kém cho hoa quà, phẩm vật chúc mừng thì có thể chuyển phần tịnh tài đó thành xây dựng các công trình Phật giáo để nhơn thiên, muôn loại có nơi chốn quay về nương tựa. Hoặc, chuyển hình thức hoa quà thành các hoạt động chăm lo đời sống dân nghèo, tế bần, giúp ngặt, cứu người đang trong cơn bệnh nặng… Tinh thần từ bi của nhà Phật, lời dạy “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” cần được phát huy ngay điểm này.
Tất nhiên, Phật giáo đã làm rất tốt công tác an sinh, mỗi ngôi chùa, mỗi Tăng Ni, mỗi người Phật tử, mỗi Ban ngành của Giáo hội từ Trung ương tới địa phương đã cùng các cấp chính quyền chăm lo đời sống cho người yếu thế một cách tùy duyên.
Song, nếu tiết kiệm hơn, tinh gọn hoa quà để bớt các hình thức và đi vào chất lượng của sinh hoạt Giáo hội thì thật sự là một cải tiến mà bất kỳ Phật tử nào biết được cũng đều nhất trí ủng hộ, hoan hỉ.
Tinh gọn hoa quà để các ban ngành bớt xôn xao lo lắng chi tiêu khoản này, nhất là khi các họp hội, lễ lạt từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương liên tục.
Thực tế, có những địa phương, trong những bối cảnh cụ thể, khi kinh tế suy thoái, dịch bệnh, cũng từng có chủ trương không làm lớn các hoạt động nghi lễ, không lễ đài, dành tiền đó cho Phật sự khác hoặc từ thiện.
Nói thêm về hoa quà, ngoài trong hội họp, tôi biết các vị tôn túc lớn, trong chuẩn bị tang lễ cho mình cũng luôn cẩn trọng lưu tâm: không nhận hoa, lễ cúng, phúng điếu, tổ chức lễ tang nhẹ nhàng, không đọc tiểu sử, không lời điếu văn…
Những tinh gọn theo nguyện vọng cá nhân các bậc thượng sĩ luôn khiến lòng người cảm động, cúi đầu kính phục. Bài pháp cuối cùng của các vị ấy chính sự giản dị, nhẹ nhàng, không dính mắc bởi quá nhiều lễ tiết.
Có vị còn dặn “không xây tháp cho thầy” như Thiền sư Nhất Hạnh, chọn trà-tỳ rồi rải tro cốt để không “chiếm” đất của người sống, vốn ngày càng chật hơn.
Từ ý nguyện cá nhân của việc hậu sự đến chủ trương không nhận hoa quà, phẩm vật chúc mừng trong các hội nghị từ nay về sau của Giáo hội Phật giáo TP.HCM tuy khác nhau chỗ sự, nhưng chỗ lý đều chung một, đó là sự giản dị, bình thường của Phật giáo, nghĩ tưởng đến người mà không chọn vẽ vời thêm việc, đi ngược lại thói quen trông có vẻ bình thường xưa nay.
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Nhập gia tùy tục - chính là nét văn hóa Đại thừa của người Việt ta, là một không gian sống lành mạnh, khả dĩ đưa chúng ta đến thành công, an lạc...
Việc lạm dụng của cải vật chất của đàn na tín thí quả báo không hề nhẹ.
Một quốc gia sẽ không thể có cảnh an dưỡng thực sự khi chung quanh toàn là cánh rừng chết, sông suối ao hồ ô nhiễm và những ngôi nhà chỉ biết sống cho riêng mình.
Nhiều vụ tai nạn giao thông đến từ nguyên do này, đặc biệt vào dịp cuối năm, tiệc tùng, liên hoan liên tục.
Trong dân gian có so sánh như vậy: “Cứu một mạng người, còn hơn xây bảy tòa tháp”.
Suy cho cùng thì cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao cũng là sự lựa chọn của bà ấy.
Đã rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy trong những buổi tôi nói chuyện, chia sẻ tại các khóa tu ở các chùa.