Ký sự hành hương đầu năm về chùa Bà Châu Đốc, chùa Phật Tây An và núi Cô Tô
Trong chuyến hành hương đầu năm về miền sơn cước khởi hành vào ngày trăng trung tuần, đoàn chúng tôi đã ghé núi Sam viếng chùa Bà Châu Đốc, chùa Phật Tây An, rồi tiếp tục đến núi Cấm, tiến về núi Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn – An Giang, tại đây chúng tôi đã có những trải nghiệm không thể nào quên.
Khám phá hấp dẫn
Ngọn núi chúng tôi đặt chân đầu tiên đến trong chuyến đi tới Cô Tô là ngọn núi còn có tên gọi tuyệt đẹp: Phụng Hoàng Sơn, với nhiều huyền thoại lưu truyền đến tận hôm nay. Trên đoạn đường đi, chúng tôi thấy xung quanh những vùng đất đang khai thác, những dãy núi mờ mờ hiện ra và phía bên kia lưng chừng núi là hàng chữ Tri Tôn màu trắng, để du khách nhận biết sắp đến điểm dừng chân.
Đoàn chúng tôi, sắp xếp những người lớn tuổi và các bé thiếu nhi thì đi lên núi bằng phương tiện xe Honda, số còn lại khoảng chục người bắt đầu lội bộ lên núi.
Trước khi thực hiện cuộc hành trình chinh phục Núi Cô Tô với độ cao hơn 610 mét, chúng tôi bắt đầu niệm Phật và đọc bài chú ngắn :
Nam Mô Quán Thế Âm
Chư Tôn Đại Bồ Tát
Bát lộ Kim Cang Thần
Khai lộ hộ đệ tử
Án Yết đế tá ha
Thế là từng bước, từng bước nặng nhọc rồi thoăn thoắt tiến lên, một bên là đường dành cho xe, một bên là bậc thang dành cho những người đi bộ. Khi ngưng niệm Phật là chúng tôi pha trò để xua đi cơn mệt mà những bà lão hay đi núi thường căn dặn con cháu phải nói: Khỏe quá, khỏe quá ..
Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫy tay chào những liên hữu cùng đi, đang cố gắng ghì chặt yên xe mà mặt mày không còn chút máu, vì đường lên dốc quá cao, ngoằn ngoèo, nguy hiểm. Tới một cái quán nhỏ lưng chừng núi, chúng tôi dừng chân và uống một ly nước rồi lại tiếp tục leo từng bậc thang rẽ trái để lên chùa Bồng Lai. Lạy Phật xong chúng tôi tranh thủ ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đâu và cùng nhau lưu giữ lại những khoảnh khắc này với nhau.
Chúng tôi đã trò chuyện cùng bà lão mái tóc bạc phơ đôi bàn chân cong quẹo do mấy chục năm bám lấy đất núi từ nhà sang chùa làm bánh bao bán cho những Phật tử và còn cho mượn những cái dĩa để đựng vật phẩm cúng dường. Khi cảm thấy đã khỏe hơn một chút, chúng tôi bước xuống bậc thang của chùa rẽ trái tiếp để lên chùa ông Huyện, thờ 3 vị Mẫu Diêu Trì, nơi đây ngày xưa đã từng bị bom dội xuống chỉ còn trơ lại 1 góc mái. Những Phật tử đến viếng tự nguyện đóng góp để trùng tu lại khang trang và bà Chín là người bám trụ nhiều năm nay, trông coi hương khói. Một nhóm trẻ băng qua đường núi để đến Sân Tiên, truyền thuyết về bàn chân Tiên in trên đá…
Những câu chuyện kỳ lạ
Sau khi cúng bái ăn uống xong, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Dồ Hội (viết theo từ ngữ dân gian của địa phương), lại là những con dốc, những bậc thang dưới những tán cây cổ thụ đầy khí khổng nên chúng tôi cũng không thấy mệt lắm, chiều dần xuống, hơi lạnh từ núi rừng phả ra, những màn khói trắng bay lên ở các khóm lá làm chúng tôi liên tưởng đến những truyện cổ tích xưa, rồi dọc theo triền núi là rừng tre, trúc lúc này là mặt trời sắp lặn, chúng tôi đến điện thờ Mẹ Nam Hải bái lạy, rồi tiếp tục đến điểm cuối trên núi là chùa Bạch Vân – Dồ Hội.
Nơi đây, chúng tôi đã thực hiện thời kinh cầu nguyện quốc thới dân an và cho gia đình, sau đó ăn uống nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cảnh đẹp của núi rừng không thể làm chúng tôi ngủ sớm được, người nào cũng bấm máy, từ chiều tàn, hoàng hôn đến bình minh…. Thế nhưng ngay lúc đó, những ồn ào bên ngoài, khiến chúng tôi chạy ra và thấy trên mỏm đá, một nhóm người tập trung để xem phương thức chữa bệnh của một người xưng là Ông Hổ, gầm rú như một chúa tể sơn lâm, rồi sau đó là bấm vào các huyệt đạo của những người đang có bệnh, đặc biệt là ông đập đầu xuống đá nghe “bưng, bưng” mà đầu không bị sưng hay chảy máu...
Quay sang phía bên kia là một nhóm phụ nữ đang nằm trên mỏm đá, họ nói rằng: Như vậy sẽ hết đau nhức và sát bìa đá đó là vũ khúc của một nam nhân, mềm mại như những nàng tiên trong phim ảnh, mọi người im lặng thưởng thức, chưa hết khi mọi người chuẩn bị đặt lưng xuống để ghi sau một chuyến chinh phục núi cả ngày, thì có tiếng la ó và dồn dập…
Bên kia chỗ nghỉ một cô bé đang giãy giụa, miệng không ngớt gầm gừ… Mọi người gọi cha cô bé tới, ông xốc bé lên, miệng lầm thầm cầu nguyện gì đó và đưa cô bé ra quán nước để uống nhưng trên gương mặt vẫn còn thất sắc. Trước đây, cũng có tình trạng tương tự như vậy với 2 cô bé khác và họ cứ bò quanh mỏm đá đó, cho đến khi mọi người cầu nguyện xong thì trở lại bình thường. Đó là những chuyện kỳ bí không thể lý giải nổi khi đặt chân lên vùng núi Cô Tô.
Trước khi xuống núi, đoàn chúng tôi đến chùa thực hiện thời kinh cầu an cho mọi người, mặt trời dần lên, cái lạnh lui về và chúng tôi lại lội bộ với những chiếc gậy tự tìm để đến lưng chừng núi, ngồi đợi xe đưa xuống núi cho kịp giờ ra đến Tịnh Biên. Một điểm cuối của cuộc hành hương. Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng đẹp, tình huynh đệ, tình người dân miền sơn cước với đồng bằng, những phong cảnh hữu tình tạo nên đôi vần thơ:
Bỏ lại non cao những muộn phiền
Ta về tự tại sống an nhiên
Người đi giữa những màn sương núi
Chẳng thể nào quên lúc tĩnh thiền.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm