Lễ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, (còn gọi là
lễ chịu tuổi), là lễ Tết lớn nhất trong năm của người Khmer. Năm nay
Tết được diễn ra trong 3 ngày từ 12 đến 14/4 (tức đầu tháng Chét của
người Khmer).
Từ cả tuần trước tết, không khí tết Chôl Chnam Thmây ở những vùng có đông đồng bào Khmer đã rất sôi nổi. Cũng giống như người Việt gói bánh chưng, bánh tét là một nét văn hoá của người Khơme. Cận tết Chôl Chnăm Thmây, nhà nào cũng đỏ lửa nồi bánh tét vừa để dành vui những ngày tết vừa để tiếp đãi bạn bè, khách đến thăm trong những ngày tết.
Thông thường trong ngày thứ nhất, người Khmer sẽ chọn ra một giờ tốt (7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, hay 12 giờ đêm tùy theo từng năm), mọi người tắm gội, ăn mặc đẹp và mang theo lễ vật vào chùa làm lễ rước lịch “Maha Sangkran”. Lễ này được vị Acha hướng dẫn mọi người xếp hàng đi ba vòng quanh chính điện làm lễ, sau đó mọi người lễ Phật tụng kinh mừng năm mới. Đêm xuống, trai gái trong phum, sóc tụ tập về sân chùa, tham gia các sinh hoạt vui chơi giải trí, múa dù-kê, rô-băm, lâm-thôl...
Vào ngày thứ hai, phật tử làm lễ dâng cơm buổi sáng cho các sư sãi. Theo tục lệ nhà chùa, vào ngày sóc, vọng, ngày Tết, lễ... các tín đồ đi chùa lạy phật và dâng cơm mời các nhà sư, đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn cho những người làm ra hạt thóc, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói và sau khi ăn, các sư sãi làm lễ chúc phúc cho phật tử.
Buổi chiều, là lễ đắp núi cát, mọi người tìm cho mình mớ cát sạch đem đến chùa, theo chỉ dẫn của vị Acha, tất cả những người có mặt sẽ đắp thành ngọn núi nhỏ ở chín hướng. Núi cát là tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới sau 5-6 tháng khô hạn. Tiếp theo là phần lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể.
Tất cả các nghi lễ này đến ngày nay được gìn giữ gọi là Anisong Puôn Phnom khsach, nghĩa là “Phúc duyên đắp núi cát” - Đây là một tập tục lưu truyền theo sự tích về một người làm nghề săn bắn từ lúc trẻ đến già đã giết rất nhiều loài thú. Ông được một nhà sư hướng dẫn tích phước bằng cách đắp núi cát, về già ông luôn ám ảnh bởi những loài thú mà ông đã săn bắn, chúng lúc nào cũng đòi mạng ông, nhưng nhờ tích phước từ việc đắp núi cát nên ông tỉnh táo bảo các loài chim muông hãy đi đến hết những hạt cát mà ông đã đắp, sau đó hãy đòi nợ ông. Nhưng do ông đã đắp quá nhiều núi cát nên các loài thú không tài nào đi hết, nên bọn chúng kéo nhau đi và từ đó ông thợ săn già cố gắng tích đức cho đến một ngày ông về với cõi Phật.
Ngày Tết thứ ba là ngày lễ tắm Phật: Lễ này được diễn ra sau khi các tín đồ dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư sãi. Lễ được tổ chức theo nghi lễ là dùng nước tinh khiết có ướp nước hoa cùng nhang đèn cúng Phật. Họ dùng những nhành hoa vẫy những giọt nước hoa lên tượng Phật, sau đó là tắm cho các nhà sư cao niên.
Kế tiếp, các nhà sư đến những ngôi tháp dựng hài cốt, các nghĩa trang, làm lễ cầu siêu cho vong linh người đã khuất và cuối cùng là lễ tắm tượng Phật tại gia. Sau nghi lễ, các con cháu mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lễ, xin tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ, để sang năm mới mọi người trong gia đình phấn đấu tốt hơn. Sau ba ngày lễ Tết, mọi sinh hoạt của cộng đồng người Khmer trở lại bình thường và sẵn sàng bước vào vụ mùa mới.
Tết cổ truyền của người Khmer năm nay được tổ chức vào 3 ngày cuối tuần tại hai chùa Wat Buddharangsi và War Khmer tại vùng Springvale South bao gồm các buổi biểu diễn của các ca sĩ người Cam-pu-chia cùng với các món nghi lễ truyền thống tắm Phật, dâng lễ, múa hát, các trò chơi và các món ăn truyền thống.
Phatgiao.org.vn tổng hợp những hình ảnh đẹp trong lễ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer:
Tịnh Phương (tổng hợp)