Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 16/01/2023, 09:18 AM

Liều thuốc của đau khổ là gì?

Thường chúng ta cho rằng nguyên nhân làm chúng ta đau khổ là đến từ người kia, anh ta làm tôi đau khổ, cô ta làm tôi đau khổ, tôi là nạn nhân của bạo lực, đang là nạn nhân của hoàn cảnh… Nhưng có thật sự là nguyên nhân chỉ toàn đến từ hoàn cảnh hay những người khác hay không?

Nhớ rất rõ, là ngày rằm tháng bảy Vu lan, tôi đang đi dạo trong chùa để tìm việc để hỗ trợ anh chị cũng như cô chú làm công quả cho chùa. Đang ung dung sải bước, qua bên hông Chánh Điện đột nhiên một con chim sẻ nhỏ từ đâu bay xuống đất, người đi lại thì rất đông, sợ bị người ta đạp chết, nên tôi nhặt con chim lên, tôi ra sức dục con chim để nó có thể bay đi nhưng nó vẫn nằm yên trong hai lòng bàn tay tôi. Lúc đó tôi nghĩ thầm chắc con chim này đã bị giam cầm quá lâu, hôm nay người ta thả nó nhưng do bị thương nên chắc không bay được, tôi bợ con chim vào khu vực ở ngoài tòa pháp luân để làm lễ, vừa niệm Phật hướng mắt về khu vực làm lễ rồi quay lại hướng mắt vào con chim nhỏ, tôi bất giác rưng rưng.

Sau khi niệm Phật xong tôi thấy nó có dấu hiệu yếu dần đi, tôi loay hoay chạy khắp chùa để tìm các thầy trợ giúp, nhưng hầu như mọi người cũng đang tất bật cả, tôi không biết trông vào ai, tôi chỉ biết tự ôm lấy nó vào lòng và niệm Phật, hy vọng các ngài sẽ giúp nó khỏe hơn, hay ít nhất các ngài cũng sẽ dẫn dắt nó. Sau một hồi niệm Phật, con chim cũng đã ra đi để lại thân xác bé nhỏ, tôi bất giác ngồi ở đó khóc, lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy một sinh mạng bé nhỏ đã ra đi trong tay mình và tôi cảm thấy đau trong lòng mà tôi cũng không biết phải diễn tả nó như thế nào khi không thể cứu hay giúp gì cho nó. Cũng chiều hôm đó, tôi gặp hai ông bà cụ đi với nhau, ông đi xuống khó khăn nên bà đã nhờ những thanh niên lại giúp đỡ, tôi và anh kia thấy vậy chạy lên mấy bậc thang để đỡ ông xuống. Theo như lời bà cụ dặn dò chúng tôi, ông từng bị tai nạn vừa phải phẫu thuật não nên cơ thể rất yếu, không khéo ông sẽ bị ngã. Xuống đến nơi, ông chầm chậm, khó khăn mở miệng: “A Di Đà Phật”, rồi từ từ khom người xuống để ngỏ ý cảm ơn nhưng ông xém ngã khuỵu xuống đất may mà đỡ kịp. Sau hai sự việc đó, tôi ngồi một góc rồi khóc, ngẫm lại vạn vật vô thường, nghĩ  đến mình hay ba mẹ mình một ngày nào đó rồi cũng sẽ như vậy.

Đến bây giờ tôi suy xét lại, mọi chúng sanh từ khi sinh ra là đã khổ, dù là người hay là con vật gì đi nữa thì chúng ta vẫn không tránh khỏi sự khổ. Đức Phật cũng đã từng nói: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Họ ghen tị, hờn giận, buồn tủi,… những cảm xúc tiêu cực làm con người ta đau khổ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nói ra để chúng ta nhìn nhận lại thì ai cũng khổ như ai, những con vật cũng khổ khi bị săn bắt, giết hại. Trong chúng ta không ai là hoàn hảo cả, tôi biết tôi có những năng lực, tài năng, cũng như những phẩm chất tốt đẹp… nhưng đồng thời trong tôi cũng có những yếu kém, những tiêu cực và những hạn chế,… 

Nếu chịu nhìn kỹ ta sẽ thấy được những người mà mình cho rằng họ đang làm khổ mình đó, họ đang bị tổn thương, họ cũng đang trải qua những cái đau khổ mà mình không thể cảm nhận được. Khi thấy rồi chúng ta sẽ HIỂU hơn, khi HIỂU rồi chúng ta sẽ THƯƠNG.

Nếu ta nói họ là những người làm cho mình bị thương, nhưng chắc gì những vết thương đó do họ mà ra. Nếu chịu nhìn kỹ lại chúng ta sẽ thấy, có phải người trực tiếp gây ra khổ đau cho mình vô tình lại là chính bản thân mình không? Có phải mình đã suy nghĩ quá nhiều, suy diễn quá nhiều? Có khi người ta không làm gì mình mà mình lại đau, mình lại tủi thân hoặc có khi người ta chửi, đánh mình, bản thân mình lại ôm hận, sinh tâm ganh ghét, báo thù… rồi tự giam mình vào những mớ bồng bông tiêu cực rồi vô tình mắc kẹt lại trong những khổ đau.

Nói gì thì nói, ta vẫn là những con người bình thường, không phải là các bậc thánh nên không thể dứt bỏ những cảm xúc hay những nỗi đau đó, nhưng chính vì là con người, ta phải biết suy nghĩ và kiểm soát, ta nhận thức được ta không hành động theo bản năng như những con vật, vì là con người nên ta có thể chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó. Chúng ta cũng nên biết là một ngày đẹp trời không ở lại mãi với ta và đồng thời cũng chẳng có cơn mưa nào là kéo dài mãi.

Bây giờ thì bình tĩnh, hãy nhắm mắt lại, nằm hoặc ngồi, hít một hơi thật sau và thở ra một hơi thật nhẹ. Tập nhìn sâu vào bên trong mình và tự an ủi mình rằng: “Tôi ơi! Tôi biết trong tôi đang có những khổ đau, trong tôi đang bắt đầu có những tiêu cực”, chúng ta đừng vội, chúng ta đừng ném hết những cái tiêu cực trong mình đi, chúng ta dang nhẹ đôi tay và ôm lấy nó vào lòng và nói với bản thân mình rằng: “Tôi biết rằng bạn luôn ở trong tôi, bạn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng không sao, bây giờ đã có tôi ở đây, không việc gì phải đau khổ nữa cả, bạn đã là bạn của tôi trong quá khứ, bạn đang là bạn của tôi ở hiện tại và bạn sẽ còn là bạn của tôi trong tương lai”. Ta hãy xoa dịu lấy nó như những bà mẹ bỏ hết công việc nhà để vỗ lấy con mình khi nó đang khóc, chính nhờ năng lượng yêu thương đó mà em bé mới ngớt khóc đi và dần chìm vào giấc ngủ.

Bản thân một bông hoa là sự kết hợp bởi nhiều thứ không phải hoa và ta cũng vậy, cũng từ nhiều yếu tố không phải ta hợp lại. Nhìn vào ta, ta thấy cha của ta; nhìn vào ta, ta thấy mẹ của ta; nhìn vào ta, ta thấy tổ tiên, đất nước, đồng bào, hoa lá, thực phẩm, nguồn nước,… Ta có thể nhận biết con mắt này, cọng tóc này, cái thân này,… không phải là ta, nhưng  ta cũng không thể bỏ bê nó được, nó là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ cũng như tạo hóa đã cho ta. Cho nên ta phải đi tìm hiểu xem cái thân này muốn gì, cần gì? Lần nữa khi HIỂU được nó rồi, ta sẽ THƯƠNG yêu lấy nó.

“Tôi cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi; tôi cảm ơn những người đã yêu thương tôi; tôi cảm ơn những người đã ghét tôi; tôi cảm ơn những nguồn nước đã giúp tôi giải khát; tôi cảm ơn những chúng sanh đã hy sinh làm thức ăn cho tôi; tôi cảm ơn những cái cây, những bông hoa, ngọn cỏ đã cung cấp Oxy cho tôi để hít thở hằng ngày; tôi cảm ơn ánh nắng đã ôm lấy tôi mỗi sáng; tôi cảm ơn những người đã ngã xuống vì sự tự do của dân tộc;… Và tôi cũng xin cảm ơn tôi vì đã kiên cường, cố gắng đến hiện tại và còn sẽ cố gắng hơn nữa để đối mặt với những khó khăn trong tương lai”.

Chắc ai trong chúng ta khi gặp bùn đều khinh chê nó là những thứ nhơ bẩn, nhưng khi thấy một hoa sen đẹp ai cũng muốn nâng niu và yêu lấy nó. Nhưng chắc một điều rằng chúng ta đều biết hoa sen mọc lên từ bùn, từ những thứ mà chúng ta cho nó là nhơ bẩn. Tương tự vậy, tiêu cực và đau khổ cũng là một trong những chất liệu cần thiết để xây dựng lên một hạnh phúc.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Hữu Tín; địa chỉ: 212, Đường Phạm Đức Sơn, P16, Q8, TPHCM.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024

Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.

Xem thêm