Lời cầu nguyện của mẹ
Mẹ đã ly thân với bố từ sau cái ngày tôi được sinh ra. Chính xác thì từ hồi tôi lên mười tuổi, mẹ đã không còn qua lại nhà bố nữa. Trước đó thì mẹ vẫn thỉnh thoảng đạp xe chở tôi xuống nhà ông chơi vào mỗi chủ nhật cuối tháng.
Những khi đó, nếu như không để tôi lại vài giờ đồng hồ ngồi chơi với ông rồi đi chợ mua đồ thì mẹ chỉ lẳng lặng kiếm cái ghế ra ngồi ở trước, kiểm tra cái xe đạp Nhật cho tới khi tôi phát chán rồi đòi về. Tôi không biết điều gì đã đẩy mẹ ra xa khỏi bố, nhưng càng lớn lên, tôi càng tìm thấy cho mình nhiều lý do hơn, đủ để không bao giờ hỏi mẹ rằng tại sao mẹ lại chọn cuộc sống như thế này.
Tôi căm ghét người bố của mình, kẻ lúc nào cũng bật cười giả lả trước mẹ nhưng đằng sau đó là một sự lạnh lùng đến tàn nhẫn và đáng sợ, người có thể phút trước vừa cười nói để chứng tỏ mình là một người đàn ông tử tế, nhưng chỉ cần đụng chạm đến cái tôi khổng lồ của ông hay những lợi ích ông tôn thờ, thì nhất định sẽ hóa thành một con quái vật.
Thêm một lý do nữa để tôi chẳng ưa ông nổi, đó là sự tồn tại của ông trong cuộc đời mẹ chẳng đem lại gì cho mẹ cả, ngoài sự thương hại, nếu như không phải là những lời xì xầm bàn tán khó nghe của thiên hạ. Những người cuối cùng đến chia buồn trong đám tang của mẹ dường như chẳng mấy để tâm đến ánh mắt khổ sở của tôi khi đứng cạnh cỗ quan tài.
Lẫn vào tiếng niệm Phật đưa quan của sư thầy là những lời thì thầm của đám đông kể về những lựa chọn đã đưa mẹ đến bất hạnh. Họ thi nhau trưng ra những bộ mặt ái ngại và tội nghiệp dành cho người phụ nữ lấy chồng chỉ để có được một đứa con. Nhưng kết cục cũng chẳng khá khẩm gì hơn sau những hy sinh và toan tính. Đó là tất cả những gì còn lại của mẹ trong lòng người khác hay sao? Tôi thảng thốt nắm chặt di ảnh của mẹ, cố không để lọt vào tầm mắt mình hình bóng của bố đang đứng đợi ở xe tang. Trong thâm tâm, tôi ước gì ông không phải là bố tôi.
Tôi vẫn không sao hiểu nổi mẹ mình. Dù đã ly thân với bố, năm nào đi cúng sao giải hạn đầu năm, mẹ vẫn kiên quyết để tên ông vào trong danh sách cầu an bên cạnh tên của tôi, bà ngoại và mẹ. Nếu như chuyện đó chỉ xảy ra khi tôi còn nhỏ không hiểu chuyện thì đã đành, mãi tới tận lúc tôi vào đại học, mẹ vẫn không gạch bỏ tên ông ra khỏi tờ sớ cầu an đưa cho các sư thầy, sư cô. Lần đầu tôi cảm thấy khó chịu vì phát hiện ra chuyện đó, tôi đã hỏi mẹ rằng tại sao mẹ lại làm như thế với giọng bực bội như thể chính tôi mới là người nên cảm thấy tức giận chứ không phải mẹ.
- Tại sao phải khắc nghiệt với ông ấy chứ? Chỉ là một cái tên trong tờ sớ cầu an đầu năm thôi mà con. Con không nghĩ là mình nên bao dung và mở lòng với nhiều người thì trời Phật mới phù hộ cho mình hay sao?
Trước câu trả lời tự nhiên, tỉnh bơ của mẹ, tôi chẳng có cách gì phản bác lại. Bố tôi luôn cho rằng chính mẹ là người đã nhồi nhét vào đầu óc của tôi những định kiến bất công chĩa mùi dùi về ông, làm chia cắt tình cảm giữa ông và tôi. Chắc ông sẽ há hốc mồm lên và cười khùng khục nếu biết hàng năm mẹ đều ghi tên ông và lời cầu nguyện quan trọng nhất và thậm chí còn bất chấp luôn cả con mắt phán xét của tôi. Thấy tôi đã xuôi xuôi, mẹ dúi vào tay tôi tờ sớ kêu tôi vào đưa cho sư cô trong chùa. Tôi ngán ngẩm đảo mắt mặc kệ mẹ đang lườm mình cháy mặt.
- Dù sao ổng cũng là bố con đấy!
Ngẫm đi ngẫm lại thì chuyện tôi phản ứng thái quá với một lời cầu nguyện trên sớ là vì tôi cảm thấy bất bình thay cho mẹ. Chẳng cần mẹ tôi phải trực tiếp nói ra thành lời thì tôi cũng đã quá hiểu cuộc hôn nhân của mẹ là một sai lầm, và người sai nhiều hơn chính là bố. Người đàn ông ấy không thể yêu thương nổi ai khác ngoài chính ông, dù ông dùng mọi cách để chứng minh điều ngược lại.
Cuộc chiến tranh không hồi kết giữa mẹ và bố khiến tôi nhận ra một điều rằng nếu như bố ít thương chính mình một chút, và mẹ biết cách yêu thương bản thân nhiều hơn thì mọi chuyện sẽ không đi tới mức đó. Mọi thứ bố làm đều chỉ là những lời hứa hẹn suông chưa bao giờ trở thành sự thật, còn mọi thứ mẹ làm lại luôn là những cho đi trong thầm lặng không cần được biết đến hay báo đáp. Nhưng tại sao lại phải như thế?
Tôi lớn lên cùng sự rộng lượng của mẹ, hẹp hòi của bố. Những lời cầu nguyện của tôi trước trời Phật ngay từ khi còn là một đứa trẻ luôn dành cho chính mình trước hết và chủ yếu. “Cầu cho con được học sinh giỏi cuối năm”, “Cầu cho con không bị cô giáo phê bình trong giờ sinh hoạt lớp”, “Cầu cho con không bị trượt môn này”, “Cầu cho con mua được chiếc điện thoại này với giá hời”.
Tôi cảm thấy ổn với chuyện mình cầu xin cho bản thân mình. Lớn thêm một chút nữa, tôi bắt đầu thêm mẹ và bà ngoại vào những lời cầu nguyện của mình, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến họ trước tiên khi chắp tay mở miệng trước Đức Phật. Chẳng hiểu sao tôi lại làm như thế, cho dù thực ra mục đích tôi tới chùa hay đứng trước bàn thờ Phật lúc ấy không hoàn toàn vì mình. Ngay cả khi mẹ đang phẫu thuật trong bệnh viện hay sau thất đầu tiên của ngoại. Tôi lúc nào cũng xin trời Phật cho mình trước hết.
Chính mẹ là người đã dạy cho tôi biết lời cầu nguyện dâng lên trời Phật quan trọng như thế nào. Đó là năm tôi lên lớp hai, phải nằm bẹp dí ở nhà vì sốt siêu vi. Lần đầu tiên tôi ốm nặng đến thế trong đời. Khác với những lần ốm trước, đầu tôi nhức nhối như thể có một bàn tay đang ra sức vặn xoắn trong đó, và cứ mỗi đợt nhói lên trong đầu là cơ thể tôi lại buốt theo. Đứa trẻ là tôi lúc ấy chỉ còn nước ôm đầu ngồi khóc vật vã trong khi bà ngoại cuống cuồng giữa đám thuốc tây và cháo loãng trên sàn nhà.
Hai giờ sáng, mẹ vẫn còn ngồi nắm chặt lấy tay tôi, mắt cụp xuống theo dõi nhiệt kế kẹp dưới nách con trai. Trong cơn mê man, tôi thoáng nghe những lời thì thầm lúc được lúc không, khẽ khàng như tiếng gió nhưng vô cùng êm ái và yên bình hệt một khúc ru. Đến khi trời gần sáng, trong khi tôi cố mở mắt để nói với mẹ rằng mình khát khô cả cổ, tôi mới nhận ra mẹ đã nắm tay tôi cầu nguyện suốt từ nửa đêm tới giờ. Tôi áp mặt vào lòng mẹ để nghe cho rõ hơn lời cầu nguyện ấy:
Xin cho con trai con được khỏe mạnh, hết sốt, tật bệnh tiêu trừ. Con xin Người hãy thương lấy con của con, xin Người hãy cứu giùm con của con.
Những lời cầu nguyện của mẹ thống thiết đến nỗi dù chỉ thầm thì như một làn hơi, một thoáng gió thổi qua, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi tuyệt vọng đang giày vò trái tim của mẹ, khiến mẹ chỉ còn có thể bấu víu lấy thứ mong manh như cơn gió, như làn hơi đó. Sự thành tâm của mẹ như nỗi đau thấu trời, và tôi có thể đọc được trong lời cầu nguyện ấy khao khát được hy sinh, được thay tôi chịu mọi khổ sở.
Tôi tin rằng mình đã hết bệnh vì mẹ đã cầu nguyện cho mình. Từ đó, tôi đều năn nỉ mẹ cầu nguyện giùm mình, nghĩ rằng chỉ cần mẹ mở miệng xin thì trời Phật sẽ ban cho mọi điều đó trở thành sự thực. Tôi chẳng biết trả lời sao với mẹ khi mẹ hỏi:
- Sao con lại có suy nghĩ gì kỳ thế? Nếu mẹ có thể cầu gì được nấy thì mẹ đã cùng con đi du lịch khắp thế giới rồi chứ có đâu giờ này còn đi xe đạp ra đón con tan trường đâu!
Tôi không cách gì diễn tả được với mẹ rằng tôi tin mẹ có năng lực đặc biệt ấy bất kể mẹ chẳng thể đưa tôi đi du lịch vòng quanh thế giới hay chở tôi bằng xe máy. Tôi nghĩ mẹ đã phí phạm lời cầu nguyện của mình cho một gã tồi tệ như bố. Tôi không biết lúc còn nhỏ mình đã ganh tị với ông chỉ vì một cái tên trên tờ sớ.
- Thế tại sao con có thể hết đau đầu và hạ sốt nếu như không phải do mẹ đã cầu nguyện cho con? Chẳng lẽ mẹ không muốn cầu nguyện cho con nữa hay sao? Mẹ hết thương con rồi à?
Tôi phụng phịu từ sau yên xe, cố chường bộ mặt xấu xí nhất mình có thể làm ra phía trước để khiến mẹ mềm lòng.
- Mọi lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim đều sẽ trở thành sự thật. Nếu như con muốn, con cũng có thể tự mình cầu nguyện và bắt gặp kỳ tích.
- Ý mẹ là sao ạ, mẹ sẽ không thèm cầu nguyện cho con nữa hay sao?
- Không, mẹ luôn luôn cầu nguyện cho con, nhưng con cũng phải cầu nguyện với mẹ thì những gì mẹ con mình cầu mới mau được trở thành sự thật. Con hiểu chưa?
Cái ngày tôi cùng mẹ ra khỏi chùa sau cuộc tranh luận nhỏ, tôi cũng ngồi sau mẹ trên chiếc xe máy và hỏi mẹ một câu đại loại tương tự, rằng mẹ có chắc chắn những lời cầu nguyện với trời Phật chỉ cần thành tâm thôi là đủ không. Sau khi dâng sớ mà không thèm giấu che vẻ miễn cưỡng của mình, giờ đây tôi lại nói vọng ra đằng trước:
- Khi cầu nguyện cho bố, mẹ đã thật sự thành tâm chưa? Mẹ có thành tâm như khi mẹ cầu nguyện cho con, cho ngoại không?
Tôi biết mình không nên thốt ra những lời lẽ cay nghiệt như thế, lẽ ra tôi nên giữ im lặng và cho qua mọi chuyện thì hơn. Nhưng có một con quái vật giống như con quái vật của bố đã xui khiến và ra lệnh cho tôi mở miệng. Đến tận lúc xuống xe, tôi vẫn áy náy vì đã nói ra những thứ không thể lấy lại, hệt như một kẻ xấu tính. Mẹ tháo dây mũ bảo hiểm rồi đưa cái nón cho tôi, không nói một lời.
Tôi quỳ bên bàn thờ trong chánh điện để viết sớ cầu siêu cho mẹ. Lúc ghi tên mình trong phần dành cho tang chủ, tôi mới sực nghĩ ra trước giờ mình chưa bao giờ biết được mẹ cầu nguyện gì cho bản thân. Những lần cầu an cho gia đình, mẹ luôn để tên tôi, bố và bà ngoại trước tiên.
Những lần tôi ốm đau, thi cử, cũng một tay mẹ ở cạnh nâng đỡ, cầu nguyện để tôi yên tâm. Những thất cuối cùng của ngoại, mẹ suốt ngày mở quyển kinh A Di Đà để cầu cho ngoại được vãng sanh Cực lạc. Nhưng liệu mẹ có cầu nguyện gì cho bản thân mình không? Và nếu có, thì mẹ xin cho mẹ được những thứ gì nhỉ? Bình an, sức khỏe hay có thêm chút tiền để lo cho tôi?
Tôi chưa từng gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc mở miệng xin điều gì đó cho mình. Việc cầu nguyện cho bản thân bao giờ cũng quá dễ dàng với tôi. Tôi chỉ không biết mình sẽ cầu xin điều gì cho một ai đó khác ngoài mình, và cầu xin như thế nào. Là mẹ chỉ dạy cho tôi mỗi cách cầu nguyện cho chính mình hay tôi chỉ học được vỏn vẹn điều đó từ những gì mẹ nói?
Tôi không nghĩ rằng mình đã ích kỷ đến mức nào cho tới cuộc phẫu thuật thứ hai của mẹ. Khi bác sĩ mở khẩu trang ra và lấy tay chùi nhẹ mồ hôi đọng trên khóe miệng để né tránh ánh nhìn thắc thỏm chứa đựng bao khẩn thiết của tôi, chỉ để nói những câu tôi không đời nào muốn nghe nhất, rằng tình hình không mấy khả quan, rằng tôi phải chuẩn bị tinh thần, rằng rất có thể đây là lần sau cuối tôi còn được nhìn thấy mẹ, rằng tôi phải nhanh lên không thì không kịp. Tôi hỏi lại bác sĩ:
- Không kịp gì cơ bác?
Tôi chạy như bay đến bàn thờ tạm bợ sau nhà xác, nơi những người nhà bệnh nhân thường lui tới trong khi chờ đợi. Tôi sợ nhà xác hơn sợ mất mẹ sao? Tôi quỳ xuống và thưa thỉnh với trời Phật, bỏ qua bản thân mình trong lời cầu nguyện mà chẳng hay biết.
Nghĩ lại thì tôi đã cầu nguyện cho chính mình quá đủ rồi, có khi tôi làm thế vì vẫn còn chút ích kỷ nghĩ cho mình, bởi tôi chỉ còn mẹ là người thương yêu tôi nhất trên đời.
Tôi chưa từng hình dung trong đầu mẹ sẽ nguyện xin những gì cho chính mình. Trong đầu tôi chỉ toàn những nghi hoặc và đố kỵ dành cho cái tên của bố. Nếu không thì là ước muốn ích kỷ những mong mẹ chỉ được cầu nguyện cho riêng mình tôi. Tôi chẳng thể hiểu nổi mẹ khi mẹ viết tên bố vào tờ sớ thì giờ đây, tôi cũng chẳng còn cơ hội để biết được những ước muốn của mẹ dành cho chính bản thân.
Suốt buổi lễ cầu siêu, tôi nhìn mãi vào khuôn mặt bất động của mẹ dưới chân Đức Phật, những mong bằng cách đó tôi có thể có được câu trả lời cho riêng mình, nhận ra mình đã quá trễ. Gạt bỏ khỏi đầu suy nghĩ rằng mình chỉ đang quá tuyệt vọng mới chọn tin vào cách ngốc nghếch nhất trần đời này cho bằng được, trong làn hương khói phưởng phất của một sáng mùa thu, tôi hy vọng mẹ có thể nghe được lời cầu nguyện của mình, cả câu hỏi lẫn lời xin lỗi.
Chẳng phải mẹ đã từng nói rằng chỉ cần thành tâm thôi sao?
Nguồn: Báo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm