Lớp học đặc biệt của nhà sư trên chiếc bè giữa lòng hồ Trị An
Ở xóm vạn chài giữa lòng hồ Trị An có một chiếc bè rất đặc biệt. Đó không phải nơi sinh sống của ngư dân mà là lớp học tình thương của Đại đức Thích Chơn Nguyên - người dìu dắt từng cảnh đời bé thơ.
Tấm lòng nhân ái của người đàn ông 76 lần hiến máu cứu người
Những cây bút, quyển vở, những tiếng "chờ a cha, mờ e me nặng mẹ..." là điều mà trước đó các bé chưa bao giờ biết tới. Hầu hết các bé là con cháu đồng bào Việt kiều nghèo từ Biển Hồ, Campuchia, về mưu sinh ở làng bè xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai).
"Là con ngư dân nghèo khó, quanh năm bọn trẻ chỉ biết tấm lưới, con cá. Cái ăn còn thiếu, nên chuyện học hành cũng chẳng có. Tôi nghĩ mình phải giúp cuộc đời các bé tươi sáng hơn" - Đại đức Thích Chơn Nguyên.
Dìu dắt từng cuộc đời
Sáng đầu tuần, chiếc xuồng máy lạch tạch từ xa chở ba đứa trẻ tấp vào bè, rồi lần lượt mấy chiếc khác cũng rẽ nước tới.
Có một chiếc xuồng chèo chở bốn em vừa cập bến mà người chèo là một... cậu học sinh 8 tuổi. Mặt mũi lấm lem, đứa nào cũng đeo cặp, bước lên bè chạy giỡn rôm rả bởi chưa đến giờ học.
Vừa kêu học trò không được chạy nhảy trên bè, thầy Thích Chơn Nguyên (chùa Liên Sơn) cho biết đang thời điểm nước dâng cao, học sinh đến lớp bằng 6 chiếc xuồng do ông cấp, có khi tụi nhỏ tự chèo xuồng đến hoặc cha mẹ đưa tới. Mỗi buổi đi học, em nào giữ xuồng sẽ rước những bé còn lại.
Hằng ngày, người thầy giáo đặc biệt 41 tuổi mặc áo nhà sư này sắp xếp tươm tất việc ở chùa trước khi chạy xuồng máy đến lớp học ở làng chài.
Thầy Nguyên kể duyên "gieo con chữ" cho các em trong một lần ông đến thăm cuộc sống người dân và làm thiện nguyện, rồi tình cờ thấy nhiều trẻ ở đây ngày qua ngày theo gia đình lênh đênh mưu sinh trên mặt hồ.
Thương những cảnh đời bé thơ đến một con chữ bẻ đôi cũng không biết, thầy bắt đầu nghĩ chuyện mở lớp dạy cho bọn trẻ.
"Lúc đầu tôi dạy 5 bé ở bè một hộ dân. Sau đó, nhiều bé khác cũng tìm đến học, nên tôi cố gắng mua hẳn cái bè lớn để "mở trường". Dự phòng lớp dần đông hơn, tôi mua 3 bè, bè lớn nhất là bè chính đang làm lớp học này" - thầy Nguyên kể.
Buổi sáng tôi có mặt trên bè, lớp học đặc biệt có hơn 20 học sinh, mà bé nhỏ nhất mới 6 tuổi, lớn nhất 15 tuổi. Thầy Nguyên như "con thoi" lúc dạy toán, khi dạy tiếng Việt tùy theo độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Cuối tuần sẽ có một cô giáo là cộng sự của thầy ở TP.HCM đến dạy phụ.
Các bé được học mỗi tuần 6 ngày (trừ thứ hai), bắt đầu từ 8h sáng. Buổi trưa ở lớp, thầy Nguyên chuẩn bị sẵn cơm, canh và sữa cho học sinh, ăn trưa xong chúng ngủ tại bè để chiều học đến 4h. Mọi chi phí ăn uống, sách vở, khám chữa bệnh... cho các bé đều do thầy Nguyên và nhà hảo tâm đóng góp.
Chia sẻ cách dạy đối với lớp học có nhiều độ tuổi và trình độ chênh nhau, thầy Nguyên tâm sự: "Tôi dạy theo từng năng lực mỗi bé, chứ không dạy kiểu lấy thước đo chung cho tất cả. Quan trọng là khả năng hòa nhập và tiếp thu của các bé. Tôi không kiểm tra định kỳ mỗi tháng hay mỗi tuần, mà đánh giá năng lực qua từng buổi học".
Tôi hỏi khả năng tiếp thu của bọn trẻ thế nào, thầy nhẹ nhàng trả lời: "Ổn, nhanh nữa là đằng khác!".
Đang cặm cụi suy nghĩ cách giải bài tập toán lớp 5, Nguyễn Văn Nam (15 tuổi) cho biết em theo học từ lúc lớp mới mở.
"Học ở đây, em thấy vui, dễ hiểu lắm, cái nào không biết là thầy chỉ liền" - Nam nói em cố gắng biết chữ thông thạo để đủ tuổi sẽ vào xí nghiệp làm công nhân.
Đây cũng là điều thầy Nguyên hi vọng học trò mình có thể dùng kiến thức đã học dưới bè để lên bờ tìm con đường tươi sáng hơn.
Dạy từng kỹ năng sống
Ngôi chùa dạy miễn phí 6 thứ tiếng
Không chỉ xóa mù chữ, thầy Nguyên còn đào tạo thêm một số kỹ năng cơ bản, giúp các em phát huy thế mạnh của bản thân.
"Ví dụ bé nào giỏi giao tiếp, tôi sẽ tạo điều kiện khơi dậy khả năng đó để bé có cơ hội tỏa sáng ở nhiều môi trường. Còn nếu bé nào yếu kỹ năng sống, tôi sẽ luyện hết mức để bé tiến bộ từng chút" - thầy Nguyên khẳng định kỹ năng sống rất quan trọng, nhất là những đứa trẻ nghèo truyền đời quanh quẩn trên sông nước.
Mỗi tháng hai lần các bé được chở lên chùa để học và thực hành các kỹ năng sống. "Tôi phải quan tâm từng bé, tùy theo tâm sinh lý, tác động gia đình để có cách dạy bảo phù hợp đi vào trái tim, khối óc bé. Tôi tâm niệm không chỉ đơn giản là dạy cái chữ mà đào tạo cả các kỹ năng sống cho hiện tại và tương lai mai này" - thầy nhấn mạnh.
Cứ như vậy một thời gian, hầu hết các bé đều ổn về đọc, viết, tính toán cơ bản cùng kỹ năng sống. "Khi thông thạo con chữ, tính toán rồi, em nào lớn lên muốn đi làm thì đi, còn muốn học thì tiếp tục học".
Không giống trong trường, ở lớp học đặc biệt này, thầy Nguyên không thể yêu cầu học trò đi học đúng giờ hay thường xuyên, cũng không thể bắt các em về nhà phải làm bài tập.
"Bởi khi vừa ra khỏi lớp, có đứa vừa cởi cái áo trắng là nhảy ngay xuống thuyền đi đánh lưới với cha mẹ rồi. Thậm chí chúng còn không kịp về nhà".
Thầy Nguyên kể thêm có khi phụ huynh không cho con đến lớp vì phải đi đánh lưới kiếm cơm phụ cha mẹ, nên lúc đầu hễ cứ học xong là thầy phát cho mỗi bé 2kg gạo mang về để hôm sau lại được đi học.
"Tôi xem tụi nhỏ như con cháu để yêu thương, chăm lo, chứ không đơn thuần chỉ là người thầy dạy cái chữ rồi thôi" - thầy Nguyên nhẹ nhàng tâm sự.
Tuy thương học trò, thầy Nguyên cũng có một số quy định chặt chẽ ở lớp như không chửi thề, không xả rác, không quậy phá, nói vài lần không nghe sẽ bị dừng học...
Chỉ tay vào cậu bé đang giỡn ở góc bè, thầy nói: "Bé này hiếu động, quậy nhất lớp, từng bị dừng học một lần. Bé theo bạn đến lớp học ké, nhưng mấy đứa kia không cho đi chung xuồng nên quá giang người dân đến đây đứng ngoài cửa sổ nhìn vào lớp. Sau đó cha mẹ bé cũng tới, thấy thương quá nên tôi cho bé vào lớp học lại và cố dạy bảo bé".
Mỗi ngày khi học xong các em đưa nhau về bè, còn thầy Nguyên cũng lái xuồng về chùa. Đó là khi ánh chiều đã loang trên mặt hồ mênh mông...
Cha và con cùng học chữ
Không chỉ dạy trẻ nhỏ, lớp của thầy Nguyên còn xóa mù chữ cho cả người lớn. Có thời điểm lớp lên đến 70 học trò với đủ lứa tuổi từ già tới trẻ, cha và con chia ra học tại 3 bè.
Anh em kiểm lâm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai cũng đến phụ thầy dạy cho người lớn. Vừa rồi, ăn tết xong, một số người đọc viết thành thạo đã lên bờ tìm kế sinh nhai.
Không chỉ xóa mù chữ, thầy Nguyên còn có mục tiêu xóa nghèo cho bà con xóm vạn chài ở ấp 5, xã Thanh Sơn.
Hiện thầy đang hỗ trợ gạo, mắm muối và một số thứ cần thiết cho nhiều hộ dưới bè. Trước đó, thầy đã giúp một số hộ rời bè, tạo công ăn việc làm để họ có thể hòa nhập tốt trên bờ.
Diệu Quí - Tuổi Trẻ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm