Ly tướng (Phần 3)
Trong vạn pháp, bất cứ pháp nào cũng có Tướng và Tánh luôn luôn liên hệ tương duyên tương nhiếp dính mắc vào nhau, không tách rời riêng lẻ ra được. Không có Tướng đứng một mình, không có Tánh đứng một mình, do đó gọi là hai.
Phân biệt Tướng với Tánh
Hai thanh sắt ở đường rày xe lửa trông xa thì chúng sẽ gặp nhau ở điểm chân trời, trong thực tế chúng là hai đường song song không bao giờ gặp nhau. Nhìn mặt biển yên lặng người đi tắm thấy mặt biển phẳng nằm ngang như mặt tờ giấy để trên mặt bàn, khoa học không gian chụp hình trái đất thấy mặt biển cong giống như mặt đất liền bọc xung quanh trái đất hình khối cầu như vỏ trái cam bọc kín ruột trái cam. Tướng là hình hai thanh sắt đường xe lửa gặp nhau, Tánh là chúng không bao giờ gặp nhau vì chúng song song với nhau. Tướng của mặt biển là mặt phẳng nằm ngang, Tánh của mặt biển là cong bọc lấy khối cầu.
Trường hợp dẫn chứng này về hình học phẳng và hình học không gian quy kết cho bài học quán chiếu như sau: Tướng chỉ là Sự Thật tương đối, là Giả Đế nên có tên gọi rõ ràng là Giả tướng. Tánh mới là Sự Thật tuyệt đối, là Chân Đế nên có một tên gọi rõ ràng là Chân tánh. Ý thức và giác quan của con người chỉ có khả năng tiếp nhận được Tướng của vạn pháp, chỉ có Trí tuệ con người mới đủ khả năng nhận ra được Tánh của vạn pháp. Trong cuộc sống hàng ngày, người Vô Mình chỉ tiếp nhận được Tướng, người Giác Ngộ mới có đủ Trí tuệ nhận ra Tánh.

Ảnh minh họa.
Cùng một con dao, người thợ rừng coi đó là phương tiện chặt cây và phòng thân chống lại thú dữ, kẻ đạo tặc coi là phương tiện uy hiếp nạn nhân để đòi tiền khảo của, nạn nhân lại coi đó là phương tiện đe dọa mạng sống của mình. Tự con dao không hề chứa sẵn một vọng niệm vọng thức nào như chặt cây, uy hiếp, đe dọa mạng sống.
Những vọng niệm vọng thức này có sẵn trong tâm thức của ba nhân vật nói trên. Đó là những giả tướng hư vọng không có thực chất, tích lũy huân tập trong tâm thức từ lâu của ba nhân vật khác nhau trong hiện kiếp và nhiều tiền kiếp, hội với duyên Vô Minh của mỗi người tạo nên nghiệp chướng làm cho chúng sanh trôi nổi trong biển Khổ thế gian. Trường hợp dẫn chứng này cho thấy Ly Tướng là pháp môn thiết yếu giúp cho hành giả giải thoát mọi nghiệp chướng ở thế gian.
Cùng là một con tôm, lúc còn tươi sống có màu xanh, ăn thấy tanh; lúc chiên chín có màu đỏ, ăn thấy thơm ngon; lúc để quá lâu có màu xỉn và mùi thỉu, không ăn được. Đó là pháp tướng cụ thể hữu hình tức con tôm. Nhìn thấy tôm tươi nghĩ đến dân chài lưới, nhìn thấy tôm chín nghĩ đến bữa ăn ngon, nhìn thấy tôm thiu nghĩ đến vi trùng bệnh tật. Những ý nghĩ này là pháp tướng trừu tượng vô hình. Trường hợp con tôm, pháp tánh là vật tánh, sống dưới nước, dùng làm thực phẩm cho con người. Sự phân biệt pháp tướng trừu tượng vô hình tức hiện tượng tâm lý với pháp tánh có phần tinh vi tế nhị như sau: Tướng thuộc đối thể của nhận thức đồng thời cũng thuộc chủ thể đóng vai nhận thức. Trong khi đó Tánh bao giờ cũng chỉ ở đối thể của nhận thức. Người sơ tâm dễ nhầm lẫn ở điểm này.
Cùng một đối thể của nhận thức là người phụ nữ để ngực trần hay mặc áo quá hở hang đứng trước ba nhân vật khác nhau: Một em bé đang khát sữa. nhìn thấy mẹ để ngực trần liền sanh tâm niệm đòi bú. Một người phái nam háo sắc liền sanh tâm tà bất chánh. Một nghệ sĩ như nhà điêu khắc hay họa sĩ liền nghĩ đến người mẫu cho tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Ở đây trường hợp người phụ nữ để ngực trần khác với trường hợp con dao và con tôm: Con dao vô tri giác, con tôm không có phản ứng gì đối với con người đóng vai chủ thể nhận thức trong khi người phụ nữ là linh vật có cảm tánh nên có phản ứng như âu yếm bồng con cho bú, cảm thấy e thẹn trước con mắt người khác phái có tà tâm, cảm thấy hãnh diện đóng vai người mẫu tạo nên tác phẩm nghệ thuật.
Sự phân biệt Tướng vá Tánh có phần tinh vi phức tạp hơn: Tánh ở người phụ nữ khi đóng vai đối thể nhận thức trước mắt của ba nhân vật khác nhau chỉ là Một giống nhau, đó là Nhân tánh phái nữ, không mang sẵn những ý niệm âu yếm bồng con cho bú, e thẹn trước con mắt người khác phái hay giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Thái độ để ngực trần là một hình sắc làm cho người phụ nữ đóng thêm vai trò pháp tướng trừu tượng vô hình, tạo nên cảm ứng tâm linh ở ba nhân vật nhận thức khác nhau. Trước cùng một đối thể của nhận thức vừa là Tánh vừa là Tướng, ba nhân vật chủ thể của nhận thức có ba phản ứng tâm lý khác nhau, tức ba pháp tướng trừu tượng khác nhau.
Một trường hợp đặc biệt để phân biệt rõ ràng Tướng và Tánh trong lịch sử Phật học: Lục Tổ Huệ Năng (638-713), Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa, một môn đệ của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Trước Huệ Năng. Thiền tông Trung Hoa mang sắc thái Ấn Độ, do đó Huệ Năng được coi như Sơ Tổ khai sáng ra Thiền tông Trung Hoa. Huệ Năng đã ngộ đạo khi nghe thấy một vị tăng tụng kinh Kim Cang đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Diễn nghĩa: Hãy để cho tâm mình không bám dựa vào một thứ gì thì sẽ tự khởi sanh Tâm Giác Ngộ, ý nói giữ cho Tâm Vô Nhiễm thì Giác Ngộ.

Ảnh minh họa.
Cùng là tiếng tụng kinh, Huệ Năng nghe thì ngộ đạo, kẻ phàm phu vọng tâm có nghe tụng bao nhiêu lần cũng không đạt đến sự ngộ đạo. Lý do: Tuy có nghe tụng kinh, Huệ Năng không chấp vào âm thanh lời kinh mà chỉ thọ nhận pháp tánh của câu kinh, nghĩa là không thọ nhận lời kinh mà chỉ thọ nhận ý kinh. Âm thanh lời kinh là hình thức, pháp tướng cầu kinh. Ý kinh diễn tả nội dung điều Phật dạy là pháp tánh câu kinh. Nghe lời để chỉ nhận ý, nhận ý rồi thì rời bỏ lời, đó là Ly Tướng để Nhập Tánh.
Một Phật tử lễ Phật là tạo đủ Tam Nghiệp: Thân nghiệp là chắp tay cúi đầu vái lạy, Phật học gọi là Thân lễ; khẩu nghiệp là miệng niệm kinh hay niệm chú, Phật học gọi là Khẩu lễ; ý nghiệp là tâm quán tưởng đến Pháp thân Như Lai, tỏ lòng kính mộ và tri ân, Phật học gọi là Tâm lễ. Pháp tướng là Thân lễ và Khẩu lễ, Pháp tánh là Tâm lễ. Nếu lễ Phật mà chỉ câu chấp chăm chú vào Thân lễ và Khẩu lễ thì chưa phải là người đã phát nguyện quy quy Phật vì lý do đã chấp vào Giả tướng lễ Phật, chưa thực chứng được Chân tánh lễ Phật.
Trong tất cả những trường hợp vừa kể dẫn chứng sự phân biệt Tướng và Tánh, quy kết lại đưa đến một nhận xét căn bản, thiết yếu, không thể thiếu được trên con đường Giải Thoát: Trong vạn pháp, bất cứ pháp nào cũng có Tướng và Tánh luôn luôn liên hệ tương duyên tương nhiếp dính mắc vào nhau, không tách rời riêng lẻ ra được. Không có Tướng đứng một mình, không có Tánh đứng một mình, do đó gọi là hai. Tuy nhiên, Tướng và Tánh tương duyên tương nhiếp để tạo thành một Pháp duy nhất, do đó gọi là MỘT. Tóm lại, tuy Hai mà Một, tuy Một mà Hai. Đó là lý Nhất Như, còn gọi là Lý Bất Nhị. Đó là Thắng Đế, là Chân Lý Tuyệt đối trong Phật học.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu
Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu
Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu
Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu
Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm