Ma khẩu nghiệp
Ma khẩu nghiệp - Người tu thiền đời sau phải thận trọng nghiêm nhặt. Bởi loại cuồng chướng này, chẳng những làm cho chúng ta chẳng kiệm ngôn, dưỡng đức mà còn khiến cho tâm chúng ta tán lăng xăng.
Ma khẩu nghiệp – người tu thiền đời sau, phải thận trọng nghiêm nhặt. Bởi loại cuồng chướng này, chẳng những làm cho chúng ta chẳng kiệm ngôn, dưỡng đức, mà còn khiến cho tâm chúng ta tán động, lăng xăng.
Ma không phải là ma quỷ hiện hình mà những gì làm trở ngại trong sinh hoạt bình thường của chúng ta đều gọi là ma cả.
Hay trong công phu tu hành, những chướng duyên khiến cho chúng ta chùng chình không tiến được, đó là ma.
Tuy nhiên nói ma đây cũng là một cách nói.
Bởi khi còn thấy có phương tiện áp dụng tu hành, còn thấy những sự việc chung quanh để vượt qua... Còn thấy như vậy cũng chính là ma. Công phu đến chỗ rốt ráo thì không còn thấy có công phu gì hết.
Người này tự tại, làm chủ hoàn toàn. Không có ma quỉ nào thắng mình hay mình thắng nó nữa. Chỉ vì chúng ta chưa đạt đến trình độ ấy nên còn phải biện ma.
Biện ma để làm gì?
Để trong giai đoạn còn yếu chúng ta đủ lực tỉnh.
Tỉnh để nắm được cơ hội, phương tiện, nhân duyên tích cực và áp dụng trước. Bởi vì ta còn yếu, còn dở nên mới có sự lựa chọn như vậy.
Đối với những người đã triệt để thì có thể nói nắm cát biến thành vàng hay nấu cát thành cơm. Đối vối hạng người này, khỏi phải nói ma mị gì nữa, cảnh duyên nào cũng là phật sự.
Bất cứ những trở ngại nào cũng là điều kiện cần thiết để hoàn thành công phu.
Chúng ta nếu gặp trở ngại liền thụt lùi, gặp khó khăn thì không tiến được. Cho nên cái nhìn của chúng ta còn mang tính hời hợt bên ngoài.
Đến khi công phu vững vàng, có thực lực thì chúng ta vui vẻ trầm tĩnh trước mọi duyên thuận cũng như nghịch.
Giống như Thiện Tài đồng tử thấy mọi cây cỏ đều là thuốc cả.
Hiện tại con mắt của chúng ta còn trong cảnh vực nhị nguyên, trăm điều ngàn thứ ngổn ngang. Cho nên rất kỵ nói càng nói bướng. Mà phải hiểu chúng ta cần hạ thủ công phu trong từng phút giây, từng tâm niệm. Được vậy, sự tu hành mới mong thành tựu.
Ma này là cuồng chướng.Cuồng vì người này mờ mịt rối rắm, đảo loạn đến mức độ gọi là cuồng, rồi đi đến loạn.
Người tu mà chẳng kiểm điểm ngôn ngữ của mình, mặc ý cao đàm hùng biện, làm tổn thần lao niệm, sẽ mất thiền định chân chính.
Ở trên nói rằng loại ma cuồng chướng tức là đối với những người tu hành chẳng kiểm điểm được ngôn ngữ của mình, mặc ý cao đàm hùng biện, làm tổn thần lao niệm.
Chữ tổn tức là tổn hoài, lao là quá nhọc cho nên lao lự.
Nếu như tâm vững, tâm sáng, tâm làm chủ được thì chúng ta lại thành công từ những lao lự đó.
Nhân sao mà khẩu nghiệp có lỗi lớn như thế?
Bởi hay đàm huyền thuyết diệu, giảng giáo nói tông.
Khoe mình đắc ngộ, chê người ngu mê.
Luận chỗ hay dở, nói điều phải quấy của người.
Ngâm ca thi phú, nói bừa những việc không đâu.
Bình nghị những việc hưng phế xưa nay của quốc gia.
Xưa thì cho là người hiền mà ngu, nay thì bảo là người hung mà giỏi.
Toàn những việc chẳng dính líu gì về mình mà cứ gân cổ tranh luận.
Lại vô cớ khen chê việc hơn thua của người.
Phô diễn các cảnh dục lạc, khiến người sinh đắm trước.
Bàn cãi những chuyện bất bình, làm cho kẻ nghe phát phẩn.
Trước mắt thì công kênh đề cao, sau lưng lại chê bai biếm nhẽ.
Đó là những lời nói lợi hại làm mất chính định của người.
Người tu thiền đời sau, phải thận trọng nghiêm nhặt. Bởi loại cuồng chướng này, chẳng những làm cho chúng ta chẳng kiệm ngôn, dưỡng đức, mà còn khiến cho tâm chúng ta tán động, lăng xăng.
Thế nên những kẻ sơ cơ, phải ngừa phòng khẩu nghiệp của mình lắm lắm. Đây nêu lên câu hỏi nhân sao khẩu nghiệp có lỗi lớn như thế?
Lỗi lớn ở trên là một loại cuồng chướng khiến cho người tu hành không làm chủ được, cứ mặc tình cao đàm hùng biện... làm tổn thần lao niệm, mất chính định.Bởi hay đàm huyền thuyết diệu, điều này rất trở ngại cho việc tu hành của mình.
Bởi thường người ta nói được mà làm chưa được.Giống như có những thức ăn ngon mình diễn tả tỉ mỉ nhưng chưa hề được ăn.
Trong đạo lý rất kỵ loại ngôn ngữ chuyên diễn tả hình thức nhưng không tải nổi đạo lý.
Rõ ràng ngôn ngữ không tải nổi đạo lý.
Ví dụ quí vị ngồi thiền được an lạc thế nào, quý vị không làm sao dùng ngôn ngữ để diễn bày được những an lạc đó một cách trọn vẹn.
Có những lúc mình nhìn trời nhìn mây, thấy thống khoái vô cùng. Nhưng nói lại cho huynh đệ nghe thì nói không đến được. Hoặc có nói được thì người bạn mình cũng chưa chắc đã hiểu được.
Vì vậy trong nhà thiền có câu:
“Chẳng gặp kiếm khách thôi trình kiếm. Không phải nhà thơ chớ hiến thơ”.
Do đó những điều này chúng ta chỉ nói được với thầy mình thôi. Bởi vì thầy đã nắm được sở trường sở đoản, đường đi nước bước ra sao rồi...
Còn kẻ cứ cao đàm hùng biện thì không có lợi gì.
Chỉ làm loạn tâm mất chính niệm, mất thiền định mà thôi.
Tuy nhiên trong sáu điều hòa kính có hai điều “kiến hòa đồng giải, ý hòa đồng duyệt”.
Về tâm, chúng ta có những hiểu biết những nhận định hay thì huynh đệ có thể ngồi lại trao đổi, bàn bạc. Nếu ai còn yếu kém thì huynh đệ giúp nhau cùng tiến.
Bàn bạc như thế có lợi, nhưng nhớ cũng vừa phải thôi. Chớ cao hứng nói nhiều quá thành ra nói rỗng, cuối cùng chẳng có ích lợi mà còn bị hao thần tổn lực.
Giảng giáo nói tông.Khoe mình đắc ngộ, chê người ngu mê.Giảng kinh thuyết pháp mà khen chê thì cũng là một loại cuồng chướng.
Ví dụ phạm vi của chúng ta là tu thiền, cho nên chỉ cần bàn bạc đi sâu vào phạm vi của mình thôi. Nói thiền, suy nghiệm lý giải thiền, mà để cho vọng tưởng, ngôn ngữ cuồng loạn phóng qua các tông khác đã là có lỗi rồi.
Huống lại không có sở trường mà còn gây sự lỉnh kỉnh bất hòa, tổn thương đến các tông phái thì thật là họa lớn. Cho nên chúng ta phải dè dặt kiệm ngôn đối với những việc bàn luận bên ngoài. Đừng để mất thì giờ và gây hại vô ích như thế.
Luận chỗ hay dở, nói điều phải quấy của người.
Ngâm ca thi phú, nói bừa những việc không đâu. Lại có những người văn hay chữ tốt, theo sở trường đó rồi ngâm vịnh. Cả ngày ngâm vịnh, ngâm giỏi thì ra thi, tán tụng, ca ngợi... đều không hợp với tinh thần thanh tịnh giác ngộ. Nói những đều không đâu, không căn cứ.
Bình nghị những việc hưng phế xưa nay của quốc gia.
Đây là nguy cơ.
Có một vị tăng tu thiền trong rừng sâu rất cam khổ. Trải qua đôi ba năm như vậy, vị này thấy mình có chút tự tại. Bấy giờ những người đi rừng lấy củi mới gặp vị Tăng này. Thầy nói chuyện gì cũng đúng với các sự việc xảy ra. Không bao lâu, tiếng lành đồn xa, mọi người kéo vào rừng tìm thầy. Quả thật ông thầy nói gì cũng siêu xuất hết.
Thiên hạ ùn ùn đem thức ăn lên cho thầy. Thầy khỏi phải đi kiếm thức ăn nữa, chỉ ngồi đó mà nói đạo lý...
Cuối cùng thầy động đến chuyện các nhà lãnh đạo quốc gia. Ông này hay, ông kia dở... Nói một thời gian thì thấy quân lính áp lại bắt thầy.
Người ta nói thần khẩu hại xác phàm là vậy.
Nhân vô thập toàn, dù anh thông minh cỡ nào, là thần đồng chăng nữa cũng chỉ khôn ngoan trong một phạm vi giới hạn thôi, chứ không thể biết hết trùm đời.
Chính đức Phật sau khi giác ngộ, Ngài không nói ta là chúa tể gì cả. Ngài chỉ bảo: Ta thấy chúng sinh qua lại trong nhiều đời, như người ngồi trên cao nhìn xuống ngã ba đường thấy mọi thứ sinh hoạt rõ ràng. Vậy thôi.
Xưa thì cho người hiền mà ngu, nay thì bảo người hung mà giỏi.
Tuy nói như thế nhưng chỗ ngu, hiền, hung, giỏi cũng không phân định được.
Bây giờ khoa học tiến bộ, người ta phát minh điện tử cho tới năng lượng, hoặc vượt ngoài năng lượng. Chúng ta không thể phủ nhận được sự thông minh, học hỏi đó của con người. Nhưng cũng không nên vì thế mà ta những lời cả quyết không hay. Bởi vì thời nào cũng có người hiền kẻ dữ cả.
Tóm lại không có gì hoàn toàn, nghiệp riêng, chủng tử riêng, nên mỗi cái nhìn cũng riêng khác. Kiến giải, tập tục và sự giáo dục của mỗi người không ai giống ai.
Chỉ có Phật mới nhìn thấy thấu suốt được tất cả. Phật nói mỗi chúng sinh đều bị chướng nghiệp tập khí che lấp nên không nhận ra được chân tính của mình.
Mà chướng nghiệp tập khí tự mình gầy dựng từ thân, miệng, ý của mình chứ không ai khác. Cho nên hình tướng mỗi người, không ai giống ai. Quan niệm, tư tưởng cũng vậy, không ai giống ai.Từ đó mà có kiến chấp cố thủ cái của mình là hơn hết. Vì vậy, trước mắt chúng ta phải tu cái miệng của mình cho kỹ.
Lại vô cớ khen chê việc hơn thua của người, phô diễn các cảnh dục lạc, đây là một cái nguy. Khiến người sinh đắm trước, bàn cãi những chuyện bất bình, làm cho kẻ nghe phát phẩn.
Ngày nay, có những điệu nhạc hay các hình tượng phô diễn cảnh dục lạc, chúng ta không nên theo những loại như vậy.
Trên mặt nhị nguyên cần phải chọn lựa nơi thanh tịnh để trang nghiêm đạo hạnh trước.
Là Thiền sinh, chúng ta bước vào cửa thiền, sống trong nhà thiền, học tập với Thiền sư, thì không được tiếp cận các thứ tạp nhạp bên ngoài. Lo trưởng dưỡng đạo tâm, sống được với ông chủ của mình rồi thì, sau đó tiếp cận với ngoại cảnh trần mới không sợ nó rùa quyến kéo lôi. Người tỉnh táo sáng suốt đòi hỏi phải có sự lựa chọn như thế.
Tóm lại, khẩu nghiệp là loại ma chướng làm trở ngại việc tu hành của chúng ta, nên cần phải thận trọng.
Trích trong: Mười Điều Biện Ma
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Diệt trừ phiền giận
Kiến thức 22:19 23/11/2024Đức Phật dạy, với tất cả các hạng người ở đời, nếu tiếp cận với thái độ tích cực, chúng ta đều có thể trải tâm từ đến tất cả, dù người ấy còn nhiều vụng về, chưa dễ thương về hành động, lời nói hay tâm ý, ta vẫn có thể thương được.
Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo
Kiến thức 19:00 23/11/2024Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Xem thêm