Mỗi bước tiến tu đều đem lại an lạc (I)
Tất cả chúng ta tu Phật, từ hàng tại gia cho tới những vị xuất gia đều muốn đạt được những lợi ích thiết thực trong cuộc sống. Vì vậy hôm nay tôi sẽ nói đề tài mỗi bước tiến tu đều đem lại an lạc cho mình và mọi người.
Nhiều Phật tử tu năm mười năm, lại than tu càng lâu phiền não càng nhiều. Những lời than đó khiến mọi người ngạc nhiên. Lý đáng tu lâu thì phiền não nhẹ, sao tu lâu phiền não lại nhiề u? Âu là tại chúng ta không nắm bắt được nền tảng của sự tu hành. Vì không nắm bắt được nên trên đường tu cứ chạy theo hơn thua, phải quấy, được mất, rốt cuộc tăng trưởng phiền não.
Nếu tu đúng với tinh thần Phật dạy thì không như thế, mà mỗi bước tiến tu đều là mỗi bước an lạc cho bản thân và cho mọi người
Phật tử đến với đạo Phật đều phát nguyện qui y Tam bảo. Qui y Tam bảo được sự an lạc, vui vẻ gì mà chúng ta qui y? Đó là bước thứ nhất người vào đạo phải biết. Trong những buổi qui y, quí Hòa thượng thường nhắc: “Qui y Phật rồi khỏi đọa địa ngục. Qui y Pháp rồi khỏi đọa ngạ quỷ. Qui y Tăng rồi khỏi đọa súc sanh”. Như vậy chúng ta bước chân vào đạo là đã tiến lên một bước trên đường thoát khổ. Phật dạy chúng sanh luân hồi trong lục đạo, trong lục đạo có ba đường ác và ba đường lành. Ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba đường lành là người, a-tu-la và trời. Khi bước chân vào đạo Phật, qui y Tam bảo, Phật tử tu tập đúng theo lời Phật dạy sẽ tránh được ba đường ác.
Tại sao qui y Phật rồi khỏi đọa địa ngục? Vì Phật là bậc giác ngộ sáng suốt, khi Phật tử đã phát tâm qui y Phật, nguyện từ đây cho tới cuối đời, đi theo con đường Phật đi là con đường giác ngộ, sáng suốt. Địa ngục là chốn u minh tối tăm, chúng ta qui y Phật thì đang đi trên con đường sáng nên không rơi vào chỗ tối tăm. Người phát tâm qui y Phật có một định hướng tiến lên con đường giác, không tuột xuống chỗ mê lầm tối tăm nữa. Đó là ta chọn được một con đường đem lại sự an lạc cho mình.
Kế đó, qui y Pháp khỏi đọa ngạ quỷ. Ngạ quỷ là loài quỷ đói. Tại sao quy y Pháp rồi khỏi đọa vào loài quỷ đói? Vì trong kinh Phật nói, đức Phật từng thấy những loài quỷ lang thang khổ sở nơi này chốn nọ, không có trụ xứ nào an ổn hết. Trong kinh A-hàm kể, một hôm ngài Mục-kiền-liên đang đi, Tôn giả liền dùng thiên nhãn quán sát trong hư không, thấy có những chúng sinh thân hình to lớn mà bị ghẻ lở, côn trùng đục khoét nên họ phải la lên trong hư không. Thấy vậy Ngài về bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, con thấy những chúng sanh khổ đang lang thang ở trong hư không”. Phật nói: “Ta cũng thấy như vậy, nhưng không nói vì nói không ai tin”, không biết thì không tin. Bởi nhìn thấy như vậy nên sau này tìm mẹ, Ngài thấy mẹ đang đọa vào loài quỷ đói, lang thang khổ sở ghê lắm.
Nhưng tại sao lại sanh làm ngạ quỷ? Trong kinh Phật nói ai có tâm gian tham, bỏn sẻn, hiểm độc là nhân của loài quỷ đói. Chúng ta qui y Pháp là pháp từ bi. Pháp đưa đến sự giác ngộ. Tiến trên con đường từ bi giác ngộ, nhất định khỏi đọa làm loài quỷ đói lang thang. Đó là kết quả thứ hai khi qui y.
Đến thứ ba, qui y Tăng khỏi đọa làm súc sanh. Súc sanh như trâu, bò, lợn, dê, ngựa... Những con đó hiện tại mắt chúng ta thấy biết được. Trong ba đường khổ chúng ta thấy được loài súc sanh, còn quỷ đói và địa ngục mắt phàm phu không thấy.
Khi qui y với Phật, Pháp, Tăng rồi chúng ta tránh được ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Chỉ bước đầu tiến lên con đường tu, quí vị thấy đã cứu vãn cho mình khỏi rơi vào ba đường khổ, đem lại sự an vui cho bản thân. Nếu lỡ rơi xuống địa ngục khổ biết mấy hay làm loài ngạ quỷ khổ tới bậc nào. Phật tử bước vào đạo, chỉ cần phát nguyện qui y Tam bảo là đã vươn lên một bước, giảm bớt đau khổ trong những con đường hiểm nguy.
Như vậy qui y Tam bảo là việc quan trọng hay tầm thường? Rất quan trọng. Có người nào muốn xuống địa ngục đâu, vì địa ngục là chỗ đáng sợ nhất, đáng ghê gớm nhất. Không muốn tới địa ngục thì chúng ta phải theo Phâït, đi đường giác ngộ sáng suốt mới không rơi vào chỗ tối. Điều này rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ.
Qui y Pháp là pháp từ bi giác ngộ, tâm không còn bỏn sẻn, hiểm độc thì không rơi vào loài ngạ quỷ. Qui y Tăng, Tăng là những vị tu hành thanh tịnh, Phật tử sẽ được chư Tăng hướng dẫn, chỉ dạy cho biết đạo lý chân thật không còn mê lầm. Quí Phật tử được nghe phân tích rõ cái gì thiện, cái gì ác, cái gì tội, cái gì phước, cái gì tà, cái gì chánh ... nên hết si mê, khỏi đọa làm súc sanh.
Bước đầu chúng ta tu là qua được ba con đường hiểm nguy. Nếu không khéo tu, ba con đường đó sẽ làm chúng ta đau khổ chẳng những năm mười năm, hai ba mươi năm, mà cả một kiếp ngạ quỷ. Làm ngạ quỷ tuổi thọ dài hơn con người. Tuổi thọ con người chưa tới một trăm tuổi, tuổi thọ ngạ quỷ cả ngàn tuổi, khổ dài đăng đẳng. Cho nên bước vào đạo, qui y chân chánh, Phật tử đã vượt qua ba ải hiểm nguy rồi. Như vậy có phải chúng ta đang đi trên con đường an lạc không? Đó là một lẽ thật, lâu nay quí vị ít quan tâm.
Sau khi qui y, chư Tăng sẽ dạy Phật tử giữ năm giới. Giới thứ nhất không được sát sanh. Sát sanh đối với cư sĩ là không được giết người trong ba trường hợp: tự tay giết, dùng miệng xúi bảo kẻ khác giết, thấy nghe người ta giết mình vui mừng. Đó là phạm tội sát sanh. Giữ được giới không sát sanh, trong xã hội gặp nhau mọi người đều an ổn, không ai sợ ai cả. Chúng ta giữ giới này, khi lên phi cơ chắc ít bị xét, vì không có gì để sợ. Còn bây giờ khó khăn là tại vì có những người phạm tội sát sanh đáng sợ.
Người tu Phật không bao giờ giết người, chẳng những không giết người mà còn cứu người. Tại sao? Bởi vì người Phật tử đặt sanh mạng chúng sanh lên trên, không nỡ gây đau khổ cho chúng sanh. Tinh thần đạo Phật chú trọng tâm cao thượng, không muốn làm đau khổ ai. Tự mình không làm khổ ai, không gây tang tóc cho người, thì bản thân rất an ổn, người chung quanh cũng an ổn. Chỉ cần giữ giới không sát sanh là thiên hạ thái bình rồi.
Giới thứ hai không trộm cướp. Nếu Phật tử ở gần kẻ trộm cướp có lo không? Chắc đi đâu cũng hồi hộp. Xóm làng có người giữ giới không trộm cướp thì nhà nhà không cần đóng cửa. Bản thân kẻ trộm cướp luôn luôn lo sợ bị bắt, vì khi bị bắt họ bị đánh đập rất khổ sở. Chúng ta giữ giới không trộm cướp thì người nhẹ nhàng, thảnh thơi, hàng xóm láng giềng cũng thảnh thơi. Như vậy từng bước đi của mình đem lại an lạc cho mình, cho mọi người.
Giới thứ ba không tà dâm. Trong gia đình người chồng, người vợ không tà dâm thì vợ chồng tin tưởng, thương mến nhau. Nếu ngược lại thì sao? Gia đình đó bất hạnh, chẳng những bất hạnh cho cha mẹ, mà cả con cái nữa. Người biết giữ giới không tà dâm, bản thân được an ổn, gia đình hòa vui mà mọi người chung quanh không sợ, không lo thói xấu ấy lây tới gia đình họ. Giữ giới thứ ba thì an ổn hạnh phúc cho mình và cho người.
Giới thứ tư không nói dối. Dối gạt mới nghe coi như nhẹ, nhưng sự thật nó là nguyên nhân dẫn tới sự tan vỡ khổ đau. Trong gia đình người vợ nói gạt người chồng, người chồng dối người vợ, con dối cha... thì gia đình đó không có hạnh phúc vì không ai tin ai hết. Không tin mà sống chung còn gì khổ hơn! Sống trong gia đình không tin nhau thì ngoài xã hội có ai tin mình không? Cũng mất hết lòng tin. Như vậy sống giữa muôn triệu người mà như sống ở sa mạc, không ai tin mình. Ta nói không ai thèm nghe, không ai thèm biết, đó là gây khổ cho mình. Khi quen dối gạt, gặp ai họ cũng sợ mình dối gạt, không muốn nghe ta nói, đó là gây khổ cho người. Nên giữ được giới không nói dối, bản thân chúng ta sống hòa vui, tin yêu trong gia đình. Kế đến đem lại sự tin yêu cho xóm làng và mọi người một nguồn an lạc chung.
Giới thứ năm không uống rượu. Giới này bên nam sợ lắm. Nói tới giới thứ năm ít có ông nào dám thọ, cứ nói để dành đó. Nhưng sự thật chúng ta có một điều lầm lẫn lớn. Ở thế gian có ai muốn trí tuệ càng ngày càng mờ tối không? Người nào cũng muốn thông minh, sáng suốt. Thế mà khi uống rượu say, lúc đó trí tuệ làm sao? Quí vị thấy những người say đi ngoài đường có hơn gì người điên đâu. Những kẻ ấy tự đánh mất cái cao quí nhất của mình là trí tuệ, có đau lòng không! Cho nên uống rượu mạnh, uống say là làm cho trí tuệ suy sụp, tự mình làm khổ mình. Người tránh uống rượu mạnh, uống say là nuôi dưỡng trí tuệ, càng già càng thông minh sáng suốt.
Đạo Phật là đạo giác ngộ, giác ngộ thì đòi hỏi trí tuệ, mà mình làm lụn bại trí tuệ thì có phải phản bội lại đạo giác ngộ không? Quí vị thấy một người uống rượu say lè nhè nói bậy, mọi người chung quanh rất phiền. Chính bản thân người đó khổ, còn làm phiền những người chung quanh khổ nữa. Ngày nay giới uống rượu phải mở rộng thêm một chút nữa. Đó là không hút á phiện, xì ke, ma túy. Vì rượu còn nhẹ hơn á phiện, xì ke, ma túy. Thời đức Phật chưa cấm vì không có, nhưng bây giờ có thì phải cấm thêm. Cấm thêm như vậy để đem lại sự an ổn cho cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước.
Như vậy chỉ cần mỗi chúng ta giữ năm giới là đem lại hạnh phúc thực sự cho bản thân, cũng như láng giềng, xã hội đều được tốt đẹp. Một điều tốt đẹp lớn lao như thế mà chúng ta không quí trọng, không cố gắng thực hành, đó là một thiệt thòi. Chẳng những tốt đẹp trong hiện tại, mà còn tốt đẹp luôn cả vị lai. Người qui y Tam bảo, giữ năm giới Phật gọi đó là tu Nhân thừa Phật giáo, tức giáo lý đưa một con người tốt sang một con người tốt hơn. Phật tử từ khi qui y trở về sau giữ tròn năm giới, khi bệnh nặng sắp mất, có người hỏi anh chị chết rồi đi về đâu, quí vị trả lời tôi sẽ trở lại làm người bằng hoặc tốt hơn bây giờ.
Phật dạy giữ giới không sát sanh, đời sau tuổi thọ dài. Giữ giới không trộm cướp đời sau sanh ra có nhiều của cải. Giữ giới không tà dâm, đời sau sanh ra đẹp đẽ trang nghiêm. Giữ giới không nói dối, đời sau sanh ra nói năng lưu loát, nói ra ai cũng quí, cũng tin. Giữ giới không uống rượu, không hút á phiện, xì ke, ma túy, đời sau sanh ra trí tuệ sáng suốt. Năm điều đó có lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Như vậy chúng ta còn tiếc gì không chịu qui y, không chịu thọ trì ngũ giới.
Tôi đặt câu hỏi, nếu Phật tử hiện đời được sống lâu, có chút ít của..., quí vị muốn đời sau bằng như vậy hay thua, hay hơn? Ai cũng muốn hơn, đâu muốn thua. Nếu chúng ta giữ giới không sát sanh thì đời sau tuổi thọ dài, nhưng không giữ giới thứ hai là không trộm cắp, thì sống dai mà nghèo, quí vị chịu không? Sống dai mà không gạo ăn thì sống làm gì. Giữ giới thứ nhất, giới thứ hai luôn mới được sống dai và có của. Nhưng giới thứ ba không giữ thì giàu có, sống dai, nhưng sanh ra mặt mày xấu xí, không ai thèm ngó, quí vị chịu không? Chắc chán chết. Như vậy giới thứ ba cũng không thể thiếu được.
Tới thứ tư nếu chúng ta không giữ giới nói dối, đời sau sanh ra câm ngọng, quí vị chịu không? Được sống dai, có của, đẹp đẽ mà nói không được hoặc nói ngọng cũng không thể được. Như vậy giới thứ tư cũng phải giữ cho kỹ, để đời sau ăn nói lưu loát, mọi người tin tưởng, mới có giá trị.
Bây giờ được bốn giới rồi, còn giới chót là giới không uống rượu, không hút á phiện, xì ke, ma túy. Nếu chúng ta không giữ giới này thì sanh ra được sống dai, có của, đẹp đẽ, nói năng lưu loát, nhưng ngu ngốc học bài không thuộc, quí vị chịu không? Cũng không chịu. Cho nên phải giữ giới thứ năm không uống rượu, không hút á phiện, xì ke, ma túy.Như vậy thiếu một giới là chưa đủ tư cách làm một người tốt. Ngay đời này chúng ta giữ năm giới là giữ tư cách một con người tốt, khi nhắm mắt trở lại chúng ta càng tốt hơn. Cho nên tu là đem lại niềm an vui cho mình, mà còn mang lại lợi ích cho rất nhiều người. Vì vậy, trong đạo Phật bắt buộc Phật tử tu phải giữ năm giới. Nhiều Phật tử bây giờ đi chùa lạy Phật, chớ không chịu giữ giới. Như vậy không thể gọi là tu, không đủ tư cách trở lại làm con người.
Chặng thứ nhất, Phật tử qui y Tam bảo tránh được ba đường ác. Chặng thứ hai giữ năm giới thì thành con người tốt trong xã hội, một con người xứng đáng ở ngày mai. Phật tử làm tròn bổn phận của mình, lúc sắp nhắm mắt có sợ không? Không sợ. Bởi vì xe cũ xấu, xe mới tốt hơn thì bỏ xe cũ để được xe mới, ta sẵn sàng bỏ, có gì sợ? Không sợ chết thì có gì đau khổ. Rõ ràng chúng ta tu đem lại sự an lạc trong cuộc sống hiện tại, cho tới giờ nhắm mắt cũng được bình an, không lo, không sợ gì hết. Thân này già yếu bệnh hoạn chưa đầy đủ phước, mình tu đời sau có phước hơn, đẹp đẽ hơn, có gì lo buồn. Bỏ cái xấu được cái tốt nên vui vẻ. Người tu sống vui và chết cũng vui. Đó là nguồn an lạc thật sự mà ít ai để ý tới. Người ta cứ nghĩ qui y, thọ giới coi bộ ràng buộc quá, nên không muốn thọ. Như bên nam không cữ uống rượu là quí vị chấp nhận đời sau ngu hơn đời này rồi! Có ai muốn điều đó không? Chắc không ai muốn điều đó. Đã không muốn tại sao chúng ta lại làm?
(Còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm