Một lần hộ niệm vãng sanh
Bằng tất cả tâm thành, tôi xin kể lại những điều tôi được chứng kiến tận mắt từ đầu đến cuối trong cuộc vãng sanh của cụ bà Nguyễn thị Nhật, pháp danh Diệu Minh, 86 tuổi, tại Telford, Pennsylvania – USA.
>Hộ niệm có làm người lâm chung được vãng sinh?
Tôi là một Phật tử cư ngụ tại miền Đông Bắc nước Mỹ, tiểu bang Pennsylvania. Tiếng là Phật tử nhưng thật ra tôi chỉ mới chập chững bước vào cửa đạo. Tôi biết rất ít về Phật pháp. Nhưng có lẽ nhờ nhân duyên đặc biệt nào đó từ đời trước nên tôi tin tưởng hết lòng vào pháp môn Tịnh độ. Còn nhớ lần đầu tiên khi mới bắt đầu tìm tòi học hỏi về Phật pháp đã gặp ngay pháp môn này, tôi mừng còn hơn bắt được vàng, không gì có thể so sánh được với nỗi vui mừng của tôi lúc đó, không gì có thể đánh đổi được giá trị của pháp môn Niệm Phật đối với tôi.
Tôi thầm nhủ: “Thì ra mình có thể thoát ly sanh tử ngay trong kiếp này, chứ không phải tu hành cả mấy tỉ tỉ kiếp mới có thể thành Phật như mình đã từng nghe từ trước và e ngại sẽ không làm được”. Kể từ đó, tôi miệt mài tìm hiểu về pháp môn Niệm Phật, say mê nghe những bài giảng về pháp môn này và cố gắng thu thập tất cả những điểm trọng yếu trong phương pháp tu tập để biết phải làm thế nào mới được vãng sanh Cực Lạc. Tôi ao ước mình sẽ được vãng sanh và thiết tha mong ước tất cả mọi người đều biết tu theo pháp môn này để tất cả đều được vãng sanh Cực Lạc. Tôi được nghe về phương pháp hộ niệm qua sách vở và băng dĩa, nhưng chưa bao giờ chứng kiến tận mắt. Vì thế, tôi thầm mong mỏi có một dịp nào đó mình sẽ được hộ niệm cho một người nào đó để họ được vãng sanh. Nhưng ở vùng này hình như không ai muốn chúng tôi hộ niệm trong lúc sắp lâm chung mà chỉ mời Ni sư đến sau khi người thân đã qua đời và chúng tôi chỉ được cơ hội đó theo quí Sư cô đi tụng niệm mà thôi. Cho đến một hôm…
Xin đừng làm người hấp hối, lâm chung hoang mang sợ hãi
Ni Sư cho biết là có một bà cụ đang nằm bịnh viện, bịnh trạng cũng khá trầm trọng và gia đình cho phép chúng tôi đến niệm Phật cho cụ. Chúng tôi mừng khấp khởi, vội vào bịnh viện thăm cụ và cùng với quí Sư cô niệm Phật cho cụ. Bà cụ lúc mê lúc tỉnh. Lúc mê thì nằm liệt ra không biết gì cả, khuôn mặt nặng nề trì xuống một cách méo mó và một con mắt thì bị xệ hẳn xuống; lúc tỉnh thì không nói được nhưng đau đớn rên rĩ, vung tay thật mạnh lên khỏi đầu như không còn chịu đựng nổi cơn đau. Nhìn cụ tôi thấy lòng xót xa, thương vô cùng nhưng không biết phải làm sao để giúp cụ, chỉ còn cách niệm Phật để cụ bớt đau. Vì mong ước được niệm Phật cho cụ vãng sanh nên tôi lo lắng đủ điều: tôi lo rằng nếu cụ mất trong bịnh viện thì chúng tôi sẽ không được phép niệm Phật cho cụ như ở nhà, và như vậy thì khó mà giúp cụ về Tây phương Cực Lạc được.
Tôi cứ thầm nói với cụ: “Cụ ơi! Cụ khoan chết nghe, cụ rán đợi cho đến lúc bác sĩ “chê” cho cụ về nhà rồi cụ hẳn chết, để chúng con có thể niệm Phật cho cụ suốt ngày đêm để cầu cho cụ được vãng sanh Cực Lạc”. Vào bệnh viện thăm cụ được vài ngày thì có một ngày cụ tỉnh lại, và cụ đã cố gắng nhép miệng niệm Phật theo chúng tôi. Cụ muốn chúng tôi niệm Phật cho cụ, chúng tôi rất mừng và khuyên cụ cố gắng niệm theo hay nghe chúng tôi niệm cũng được. Vài ngày sau, tức là ngày 10 tháng 11 năm 2008, cụ được xuất viện và về đến nhà vào buổi chiều, chúng tôi định bắt đầu từ ngày hôm sau đến nhà niệm Phật cho cụ mỗi ngày 1-2 tiếng đồng hồ. Nhưng vào khoảng 8 giờ tối hôm ấy, Ni sư gọi chúng tôi bảo rằng cụ đang hấp hối. Chúng tôi vội vã lên đường…
Hộ niệm cho người lâm chung thế nào là đúng cách và lợi ích nhất?
Lúc chúng tôi bước vào nhà thì cụ đã ra đi được một tiếng đồng hồ. Quí Sư cô đang ngồi bên cạnh giường niệm Phật cho cụ. Đôi mắt cụ nhắm nghiền, khuôn mặt cụ từ mắt trở xuống trông vàng nhợt nhạt, màu vàng của một cái thể xác không còn sinh khí. Vầng trán thì màu sậm hơn một tí, nhưng cũng khô khan một màu của người chết. Hai vành môi của cụ thâm đen và hở cách khoảng nhau gần bằng 1 inch. Cổ bên trái của cụ có một vết bầm đen và bầm đỏ lớn khoảng bằng bàn tay.
Chúng tôi ngồi xuống sau lưng quí Sư cô niệm Phật cho cụ. Chúng tôi hẹn nhau quyết định sẽ thức trắng đêm nay niệm Phật cho cụ suốt tám tiếng đồng hồ cho đến khi nhà quàng đến mới thôi. Chúng tôi thành tâm và tha thiết niệm Phật: cái tâm thành của một tấm lòng vì người khác mà hết lòng hết sức niệm để mong cho người được vãng sanh, mong cho tiếng niệm và tấm chân tình của mình thấu đến tâm từ bi của đức Phật A-di-đà để được sự cảm ứng; cái tha thiết của một tấm lòng mong cho người người được vãng sanh để cho người người được giải thoát, để cho cõi Ta-bà này bớt đau khổ, để cho mọi người sớm thành Bồ-tát, thành Phật rồi trở lại độ tất cả chúng sanh. Tôi thầm nguyện cầu đức Phật A-di-đà đại từ đại bi hiểu thấu lòng thành của chúng tôi mà phóng hào quang đến tiếp dẫn cụ về Cực Lạc.
Hộ niệm cho người lâm chung thế nào là đúng cách và lợi ích nhất?
Đêm đã về khuya, chúng tôi vẫn tiếp tục niệm, con cháu của cụ cũng đã tham gia niệm Phật với chúng tôi tự nãy giờ nên sự trợ niệm của chúng tôi mạnh hơn. Chốc chốc anh trưởng ban lại ghé vào tai cụ nhắc nhở cụ niệm Phật và nhất là khẩn cầu đức Phật A-di-đà đến tiếp dẫn. Chúng tôi cứ kiên trì và thành tâm niệm, niệm hoài niệm mãi không ngừng dù chỉ một giây, khi thật lớn tiếng, khi thì vừa vừa, khi nhanh khi chậm. Sau khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì thấy màu môi của cụ đã bớt thâm đen. Rồi một lúc sau màu vàng nhợt nhạt của phần dưới khuôn mặt từ từ thay đổi giống như màu da của một người sống, còn màu sậm của vầng trán thì từ từ nhạt dần để phù hợp với màu da của phần dưới khuôn mặt cho đến khi cả khuôn mặt cùng có một màu giống như người bình thường. Đôi mắt của cụ nhắm lại thẳng hàng với nhau và khép một cách nhẹ nhàng, thoải mái như đang ngủ chứ không phải bị sưng và bị xệ hẳn xuống một bên như lúc nằm trong bịnh viện. Hai vành môi của cụ nhạt dần màu thâm đen và từ từ khép gần lại, mỗi lúc một chút, thật ít đến độ mình không thấy rõ khép gần lại bao nhiêu, nhưng lại thấy rõ sự thay đổi khép lại mới thật là lạ. Vết bầm đen và đỏ ở cổ cũng đã phai nhạt đi phần nào.
Trong vòng hai đến bốn tiếng đồng hồ thì sự thay đổi rất là chậm. Từ bốn đến sáu tiếng đồng hồ thì sự thay đổi nhanh hơn một chút. Khoảng sau bảy tiếng đồng hồ thì làn da trên má của cụ bắt đầu mơn mởn ra và hơi săn lại. Vết bầm ở cổ đã nhạt đi rất nhiều. Còn đôi môi? Đôi môi cụ đã khép kín lại, không những khép kín lại thôi mà còn như đang mỉm cười… Nụ cười thật nhẹ nhàng, thoải mái, hoan hỉ. Nét mặt của cụ thật an lạc. Tôi ngồi mà nhìn ngang cũng thấy cụ đang mỉm cười, đứng dậy để nhìn thẳng vào mặt cụ cũng thấy cụ đang cười mỉm, rõ ràng là một nụ cười mỉm thật nhẹ nhàng, kín đáo, thanh thoát, đẹp không thể tưởng tượng, nụ cười mỉm chỉ đủ cho thấy cụ đang mỉm cười nhưng hai vành môi vẫn khép kín, đủ để thấy hai má lún đồng tiền của cụ. Các con của cụ bảo nhau: “Lạ quá! Sao bây giờ mẹ đẹp hơn cả lúc còn sống!”.
Cách hộ niệm lúc lâm chung thế nào cho đúng?
Chúng tôi vẫn niệm đều đều không ngừng nghỉ từ lúc bắt đầu cho đến bây giờ là đã gần 5 giờ sáng. Tự nhiên, anh trưởng ban của chúng tôi đang niệm đều đều bất ngờ thay đổi tốc độ và cường độ, niệm ào ào như vũ bảo và thật lớn tiếng. Chúng tôi cũng niệm theo như vậy nhưng tôi không hiểu tại sao và thầm thắc mắc: “Không biết ông này ổng thấy cái gì mà tự nhiên ổng làm ào ào như vậy”. Ngay lúc đó anh ấy thúc vào tay tôi bảo: “Giờ linh thiêng, niệm mạnh lên!”. Tôi sực nhớ lại, đúng rồi, từ 3 đến 5 giờ sáng là giờ linh thiêng. Tôi liền dùng hết sức, niệm nhanh và thật lớn tiếng với tất cả tâm thành, cả nhóm cũng làm theo. Tiếng niệm của chúng tôi sang sảng vang vang làm chấn động cả bầu không khí tĩnh mịch, ào ào như thác đổ, và hùng dũng như bất chấp mọi trở ngại…
Chúng tôi niệm như vậy có lẽ khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì nhà quàng đến. Thăm dò điểm nóng thì thấy hơi nóng xuất ra từ đỉnh đầu của cụ nên chúng tôi càng phấn chấn hơn, niệm liên tục không ngừng nghỉ cho đến giờ phút cuối. Lúc ấy tôi nhìn lại thì thấy vết bầm ở trên cổ của cụ đã nhạt mất đến khoảng 95% so với lúc đầu. Sau khi mọi việc đã xong xuôi, anh trưởng ban mới kể rằng lúc nảy anh đang niệm đều đều và cảm thấy như sắp ngủ gục thì tự nhiên hai tay anh run bần bật và có một sức mạnh nào đó từ trong tâm của anh thúc đẩy anh phải niệm thật hùng dũng và thật lớn tiếng như vậy.
Làm thế nào để được bình an khi chăm sóc bệnh nhân ung thư sắp lâm chung?
Nhân viên nhà quàng người Mỹ chỉ cử một người đến nên anh trưởng ban của chúng tôi phải phụ một tay khiêng cụ chuyển sang giường khác. Lúc ấy cơ thể của cụ vẫn còn mềm mại đến độ ông nhân viên ấy hỏi anh trưởng ban rằng đã chết bao lâu mà sao cơ thể còn mềm như vậy. Anh này bảo đã 9 tiếng rưỡi đồng hồ, ông ấy ngạc nhiên bảo là chuyện lạ mà ông chưa từng thấy bao giờ.
Vào ngày hỏa táng, tôi cầm một cánh hoa hồng màu tím nhạt đến trước mặt cụ, khấn rằng: “Thưa cụ, con biết chắc rằng cụ đã được vãng sanh, con xin phép được dâng cụ đóa hoa hồng này, xin cụ ban cho một kỳ tích nào đó để cho mọi người thấy mà tăng thêm lòng tin, phát tâm tinh tấn tu theo pháp môn niệm Phật và cầu vãng sanh để mọi người đều được Vãng Sanh Cực Lạc”. Khấn xong tôi nhẹ nhàng để đóa hoa hồng trên ngực của cụ chỗ gần cánh tay phải và sau đó nắp quan tài được đóng lại.
Sau khi hỏa thiêu, con cháu của cụ tìm được một số xương còn lưu lại, ngoài ra còn có đóa hoa hồng của tôi. Hoa vẫn còn giữ được màu sắc xanh của đài hoa, còn màu tím nhạt của cánh hoa thì bây giờ trở thành một màu tím tươi thắm hơn vì đóa hoa được ép nhỏ lại một cách cẩn thận, chỉ bằng một lóng của ngón tay út, dày khoảng 2 ly dưới hình dạng của một búp hồng mới hé mở để chỉ đủ cho thấy màu sắc tươi đẹp của cánh hoa bên trong. Hoa rất xinh, đẹp và cũng cứng như xá lợi. Nhiệt độ của lò thiêu nóng khoảng 3000 độ F, thế mà đóa hoa tươi mềm mại và mong manh của tôi, mặc dù rất dễ dàng bi tan vỡ trước một cơn gió thổi, nhưng lại không bị thiêu rụi thành tro mà còn giữ được hình dáng và màu sắc.
Khi lâm chung nên làm các việc gì?
Ôi! PHÁP PHẬT NHIỆM MẦU KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN! Chỉ có những ai tự mình uống nước thì mới biết được nước nóng hay lạnh. Hào quang của Phật tỏa chiếu khắp mười phương, tâm từ bi của Phật bao trùm cả vũ trụ, chỉ cần chúng ta biết Thức Tỉnh, Tu Tập và Quay Về…
Cực Lạc Tây Phương quê hương còn đó,
Sao dại khờ nở hờ hửng quay lưng?
Di Đà đợi - Từ Bi Tâm rộng mở,
Hào quang nương – ta mau trở về Nguồn.
Giờ phút cuối xin được Ngài tiếp dẫn,
Dưới chân Ngài nguyện hết dạ tu hành.
Một ngày kia khi ước nguyện đã thành,
Ta Bà khổ - ta xin hết lòng Độ.
Bằng tất cả tâm thành, tôi đã kể lại những điều tôi được chứng kiến tận mắt từ đầu đến cuối trong cuộc vãng sanh của cụ bà Nguyễn thị Nhật, pháp danh Diệu Minh, 86 tuổi, tại Telford, Pennsylvania – USA.
A-di-đà Phật! Con xin thành tâm cúng dường công đức này đến tất cả tam thế thập phương chư Phật, chư Bồ-tát, chư Hiền, Thánh, Tăng, nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho tất cả chúng sanh đều biết tu theo pháp môn Tịnh Độ và được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
* Vài dòng về tiểu sử của cụ bà Nguyễn Thị Nhật, pháp danh Diệu Minh:
Cụ sinh năm 1923 tại Hà Đông Việt Nam, mất ngày 10 tháng 11 năm 2008 tại Telford, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi
Sinh thời cụ là một người rất hiền lương, làm nghề buôn bán hàng vải. Cụ góa bụa từ năm 52 tuổi, một mình tần tảo nuôi chín đứa con cho đến ngày khôn lớn.
Cụ rất thành tâm và có lòng tin sâu đối với Phật pháp. Lúc còn ở quê nhà, cụ đi chùa lễ bái và dự những chuyến hành hương, nếu chùa chiền nào cần sự giúp đỡ, cụ lúc nào cũng sẵn sàng. Tâm từ thiện và lòng bố thí rất cao: bằng tiền tài, thực phẩm, quần áo... cụ thường xuyên giúp đỡ cô nhi viện của chùa và những người nghèo khổ. Ngay cả sau năm 1975, mặc dù gia đình đã suy sụp nhưng cụ vẫn tìm cách giúp đỡ những người khốn khổ, hoạn nạn hơn mình. Ở Mỹ, những ngày lễ chùa của cụ không bao giờ vắng mặt cụ. Và lúc nào đến chùa, dù bận cách mấy, cụ cũng rán tìm cho được Sư cô để ân cần dặn Sư cô là lúc nào cụ ra đi thì xin niệm Phật và tụng kinh cho cụ thật nhiều. Ở nhà, cụ niệm Phật theo thời khóa và hết lòng cầu vãng sanh Cực Lạc.
Cụ mất đi làm cho con cháu vô cùng thương tiếc, nhưng cụ đã được vãng sanh Tây phương Cực Lạc, để lại một tấm gương sáng cho mọi người và con cháu, khiến họ phát khởi lòng tin sâu đậm vào pháp môn Tịnh Độ mà tinh tấn tu tập để tất cả đều được vãng sanh Cực Lạc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm