Mười lý do phát tâm Bồ đề người học Phật cần hiểu
Tâm Bồ đề dù một lần trong đời chúng ta được phát cũng sẽ là hạt giống cho muôn kiếp về sau chúng ta có duyên thành Phật, để chúng ta ra khỏi luân hồi sinh tử.
Một là nhớ ơn nặng của chư Phật
Chư Phật ba đời đều vì chúng sinh mà hành Bồ tát đạo, trải qua vô lượng kiếp sinh tử, chịu bao khổ cực, không tiếc thân mạng để hóa độ chúng sinh. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật đã nhiều lần xả thân cứu giúp chúng sinh. Như câu chuyện Đức Phật xả thân cứu 5 mẹ con con hổ, cứu chim bồ câu… ân đức của Phật đối với chúng sinh thật vô lượng vô biên, khó để đáp đền.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Trong kinh chúng ta thường nghe các Bồ tát ngày xưa lấy máu làm mực, chẻ xương làm bút. Đó là chuyện có thật. Chúng ta thời nay cũng có người lấy máu để viết kinh, chẻ xương thì Thầy chưa thấy. Nhưng mà lấy máu, chích máu để viết kinh không phải chuyện nhỏ. Thế thì chúng ta thấy, hành động của vị Bồ tát bởi tâm đại bi là căn bản. Các Ngài sẵn sàng xả tất cả. Và ai thấy được điều này mới thấy tâm thương chúng sinh của Phật đối với chúng ta lớn lao vô cùng. Cha mẹ sinh cho cái thân, nhưng cái thân này đi trong luân hồi mà Phật mới giúp được chúng ta thoát luân hồi”.
Ơn đức của Phật đối với chúng sinh không đơn giản là đói cho ăn, khát cho uống; mà vì lòng từ bi, Đức Phật đã không quản gian khổ trong vô lượng kiếp để tìm ra con đường diệt hết đau khổ cho chúng sinh. Thâm ân sâu nặng của Phật thật không kể xiết. Đó là nhân duyên thứ nhất mà chúng ta cần phát tâm Bồ đề.
Hai là nhớ ơn sinh dưỡng của cha mẹ
Đức Phật dạy ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cao hơn trời biển. Chúng sinh trôi lăn trong luân hồi, trải qua vô lượng kiếp nên không chỉ có cha mẹ kiếp này mà còn có cha mẹ nhiều đời trước. Ngài Thật Hiền Đại sư dạy: “Thương thay cha mẹ sinh ta cực nhọc, mười tháng ba năm thai mang bú mớm, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt. Mới được thành người, đã đặt hy vọng tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Vậy mà nay ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, nhục hiệu Sa môn,…”.
Để quý Phật tử hiểu rõ về ân đức cha mẹ, Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Đây là Ngài nói về người xuất gia, những vị xuất gia thì phải nhớ ơn cha mẹ, những vị tại gia cũng phải nhớ ơn cha mẹ vô cùng lớn. Chúng ta đã từng nghe, từng biết vì nay báo đáp ơn cha mẹ, không chỉ cha mẹ đời này mà cha mẹ đời trước và nhiều đời trước của chúng ta. Vì ơn này chúng ta muốn báo đền để cha mẹ mình hết khổ. Cho nên mình phải phát tâm Bồ đề. Chúng ta thường chỉ nặng tình nghĩa với cha mẹ đời này mà nhiều khi cha mẹ đời trước cũng có mặt ở đây… Có khi ngay mẹ của mình đời trước đã ở đây nhưng mình thường không nặng tình với mẹ đời trước nhiều. Nhưng mẹ đời nào cũng vẫn thương con. Nên chúng ta phải vì cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp để phát Bồ đề tâm”.
Tu hành không phát tâm bồ đề chẳng thể thành tựu
Ba là nhớ ơn của Sư trưởng
Cha mẹ sinh cho ta thân mạng hình hài. Nhưng nếu không có người thầy thế gian dạy dỗ, chúng ta chẳng thể biết lễ nghi phép tắc, đạo đức làm người. Và cao cả hơn, không có Sư trưởng xuất thế gian răn dạy thì chúng ta chẳng thể thâm nhập, hiểu được Phật Pháp.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh: “Trong kinh Phật dạy, vị trí vai trò của người Thầy rất quan trọng. Ở đời cũng từng nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Trong đạo cũng thế, người đệ tử, người học trò phải thấy được vai trò người Thầy rất quan trọng. Người Thầy thay mặt Phật chỉ dẫn cho mình con đường tu hành. Đức Phật không phải lúc nào Ngài cũng thị hiện chỉ cho mình, mà phải thông qua người Thầy. Một người đệ tử đối với Thầy mà lừa dối, không chân thành, không cung kính thì người đệ tử ấy không tu một pháp nào chứng đạt được”.
Từ lời Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ, chúng ta thấy ân đức Thầy tổ rất sâu, rất nặng. Để đền đáp công ơn Thầy tổ, chẳng còn cách nào khác là chúng ta cần phát quảng đại tâm tu hành giải thoát giác ngộ.
Bốn là nhớ ơn của đàn na thí chủ
Sư Phụ dạy đây là ơn đức cần nhớ dành riêng cho người xuất gia. Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Đối với người xuất gia tu hành, trăm sự sinh hoạt đều nhờ vào thí chủ cúng dường. Cho nên người xuất gia phải biết tu hành đền ơn thí chủ. Người thí chủ nghĩ Tam Bảo là ruộng phước điền, trong đó có Tăng Bảo. Cho nên người ta nhịn ăn, nhịn mặc dành dụm tài vật lên chùa cúng dường thì mình phải biết đó là mồ hôi, nước mắt, có khi là máu, là tính mạng của người ta. Cho nên người xuất gia tu hành phải biết trân quý, gìn giữ tài sản Phật tử cúng dường và phải phát nguyện tu hành chân thật để hồi hướng phước báu cho người thí chủ. Vậy mình phải phát tâm rộng lớn, không thể đem tâm nhỏ hẹp được”.
Thế nào là chân chánh phát tâm Bồ đề?
Năm là nhớ ơn chúng sinh
Từ lời Phật dạy, chúng ta biết rằng, mỗi chúng sinh có vô số kiếp luân hồi. Kiếp được làm người, rồi làm trời, kiếp bị đọa trong súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ… Chúng sinh trải qua vô lượng kiếp nên có vô số thân và có vô số cha mẹ cùng thân bằng quyến thuộc. Nên tất cả chúng sinh trong pháp giới này đều có thể đã từng là cha, là mẹ của ta. Kiếp này chúng ta được làm người, còn cha mẹ, anh em các kiếp có thể đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh chịu nhiều thống khổ. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy: “Với cái nhìn của Phật Pháp, chúng ta biết nay có thể là con bò, con chó nhưng biết đâu kiếp trước là cha mẹ, thân quyến của mình… Cha mẹ đời trước của chúng ta cách đời nên không thể nhận ra được. Bây giờ, có khi mang lông, đội sừng, làm bò, làm trâu mình sao biết được. Ở đây Ngài nói: “Cha mẹ mình có khi gào thét trong địa ngục, ngất ngư trong ngã quỷ, thống khổ ai biết, đói khát kêu ai. Ta dẫu không thấy không nghe nhưng họ tất cầu cứu vớt”. Vong linh cha mẹ, thân quyến của mình đang khao khát mong mình đang ở kiếp người làm phước cho họ, cầu giúp cho họ…”.
Đây cũng là nhân duyên thứ năm mà chúng ta cần phải phát tâm Bồ đề.
Sáu là nhớ khổ của sinh tử
Ngài Thật Hiền Đại sư dạy rằng: “Ta với chúng sanh, bao kiếp đến giờ, ở mãi trong phạm vi sinh tử, chưa được siêu thoát. Không ở trong loài người thì ở trên loài trời, hết ở thế giới này thì ở thế giới khác, ra vào đủ cách, lên xuống liền liền. Thoáng cái làm trời, thoáng cái làm người, thoáng cái làm Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh….”.
Nhờ trí tuệ của Phật chúng ta biết rằng, từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta đã trải qua vô số kiếp tái sinh. Kiếp được làm người nhưng cũng có kiếp đọa làm súc sinh, ngạ quỷ. Vào cảnh khổ đau thì chịu bao thống khổ, vào cảnh sung sướng một chút thì đắm chìm không biết đường ra.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Chúng ta là dạng ngoan cố, ương bướng. Vào địa ngục tra tấn thì một lòng quyết chí tu hành, lên trần gian một chút có tí của, lại vẩn vơ chơi bời, thế rồi lại đọa… Cho nên mình không gặp Phật Pháp, không được giũa dạy, không nói cho gọi là “dóc tai” thì mình không nghe. Một tí dục lạc làm chúng ta mê man y như mấy anh nghiện. Cứ hứa cai suốt ngày nhưng rồi đâu lại vào đấy. Chúng ta cũng là dạng nghiện luân hồi. Bao nhiêu kiếp rồi mà chưa chịu thoát. Mình còn tệ hơn mấy chú nghiện thuốc phiện, vì mình nghiện luân hồi mãi chẳng chịu ra. Đức Phật lôi mãi, nói mãi không chịu ra, cứ thế mà say mê trong luân hồi. Đó là cái khổ sinh tử”.
Bảy là trọng linh tánh của mình
Mọi chúng sinh đều có Phật tính. Chư Phật và chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh như nhau. Nhưng vì chúng ta si mê, lầm lạc, quên mất bản tâm thanh tịnh nên mãi chìm đắm trong luân hồi.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải thêm lời của Ngài Thật Hiền Đại sư: ““Tâm tánh duy nhất mà mê ngộ một trời một vực lặng đi mà nghĩ mới thấy khả sỉ. Ngọc báu vô giá lún xuống bùn lầy mà nỡ coi như ngói gạch, không chút quý trọng”. Ý Ngài muốn nói chúng ta đem cái linh tánh quý báu vô giá này vùi xuống bùn vô minh mà không xót xa. “Hãy vận dụng vô lượng thiện Pháp mà đối trị vô biên phiền não”. Ngài khuyên chúng ta hãy vận dụng tất cả các thiện Pháp trong Phật đạo và đối trị tất cả tâm phiền não để tu tập. “Tu đức có công, tánh đức mới lộ. Bấy giờ thì như ngọc báu được rửa, treo trên phướn cao, ánh sáng rực rỡ, chói lấp tất cả. Thế mới gọi là không phụ sự giáo hóa của Phật, không phụ tánh linh của mình”. Mình cũng có viên ngọc vô giá như Phật tại sao mình lại là kẻ phàm phu, là kẻ nghèo khổ, đi trong luân hồi. Mình có quyền thành Phật tại sao mình không làm. Đó là ở chính mình có chịu tu hay không. Cho nên bây giờ mình vì quý trọng viên ngọc báu này phải phát tâm tu hành đừng để viên ngọc báu vùi trong bùn đen”.
Tám là sám hối nghiệp chướng
Ngài Thật Hiền Đại sư dạy: “…Hãy lấy Ngũ giới mà nói, thì mười người đã có đến chín kẻ vi phạm, bày tỏ thì ít mà giấu diếm lại nhiều. Ngũ giới chỉ là giới tại gia mà còn không giữ đủ, huống chi các giới Sa di, Tỳ kheo, Bồ tát, thôi thì khỏi nói. Hỏi cái tiếng thì nói là Tỳ kheo, hỏi cái thật thì hãy còn chưa đủ làm Ưu bà tắc, như thế mà không xấu hổ được sao…”.Chúng ta biết rằng, từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta đã tạo vô số tội nghiệp. Thân thì sát sinh, trộm cắp, tà dâm, khẩu nói lời vọng ngữ, ý thì si mê, sân giận, tham lam. Những điều bất thiện ấy, khiến thân ta tích tập vô số tội lỗi, ác nghiệp. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Bây giờ, chúng ta tự kiểm lại thân mình lang thang, lê thê đến ngày hôm nay trong cõi luân hồi tỷ kiếp. Thân này có nhiều đau khổ, phiền não thì biết rằng thân này là thân nghiệp chướng tội lỗi. Vậy thì cách nào để tiêu tội chuyển nghiệp cho nhanh? Có rất nhiều phương tiện nhưng trong đó phát quảng đại Bồ đề tâm là phương tiện tiêu trừ tội lỗi hết sức lớn”.
Chín là cầu sinh Tịnh độ
Trong kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy về lời phát nguyện của Đức Phật A Di Đà: “Khi con thành Phật, chúng sanh trong mười phương nghe danh hiệu con, nhớ nghĩ nước con, phát tâm Bồ đề kiên cố không thối lui, trồng các căn lành, hết lòng hồi hướng sanh về Cực Lạc, đều được toại ý…”.Từ đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng chỉ dạy: “Trong kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, nguyện thứ 19, Đức Phật dạy ai phát Bồ đề tâm, tu hành các công đức hồi hướng vãng sanh, khi lâm chung thì Phật và Thánh chúng sẽ đến đón. Tất cả các nguyện vãng sinh, hầu như nguyện nào, Phật cũng nói đến phát Bồ đề tâm. Cho nên phát Bồ đề tâm là một duyên rất lớn để chúng ta vãng sinh Tịnh độ. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng giải thích việc lành nhỏ nhưng với tâm Bồ đề thì việc nhỏ cũng thành phước lớn. Khi phước lớn thì chúng ta mới có thể chắc chắn vãng sinh Tịnh độ được. Đó là nhân duyên mà chúng ta nên phát tâm Bồ đề”.
Mười là làm cho Phật Pháp tồn tại lâu dài
Chúng ta biết rằng, giáo Pháp của Đức Phật sẽ trải qua 3 thời kỳ: chính Pháp, tượng Pháp và mạt Pháp. Khi hết thời kỳ mạt Pháp thì giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca sẽ không còn tồn tại trên trần gian. Là người đệ tử Phật, nhận được lợi ích từ Phật Pháp, chắc hẳn ai cũng mong muốn Phật Pháp sẽ tồn tại lâu dài. Thế nhưng nếu không có người thực hành lời Phật dạy thì Phật Pháp sẽ hoại diệt nhanh chóng.
Cho nên Ngài Thật Hiền Đại sư dạy rằng: “Mỗi khi nghĩ ngợi, bất giác rơi lệ. Thân làm con Phật mà ta không thể báo đáp ân đức của Ngài. Trong vô ích cho mình, ngoài vô ích cho người, sống vô ích đương thời, chết vô ích mai hậu. Trời cao cũng không che ta nổi, đất dày cũng khó chở ta được. Tội nhân cực trọng, phi ta thì ai. Vì thế mà đau đớn không thể nhẫn nổi, nhưng toan tính thì lại không thấy có cách gì khác hơn, nên quên ngay tư cách quê kệch, phát liền tâm chí rộng lớn. Như thế thì dẫu không thể vãn hồi mạt vận ngay lúc này, nhưng quyết có thể hộ trì Phật pháp trong mai sau”.
Từ lời dạy của Ngài, Đại đức Thích Trúc Thái Minh răn dạy: “Ngài khuyến khích chúng ta, xét đi xét lại mình đích thị là kẻ phàm phu. Nhưng nay hãy quên phàm phu của mình đi. Hãy phát tâm cho rộng lớn biến thành kẻ đại trượng phu. Phàm phu hay trượng phu đều ở cái tâm này”.
Đại đức cũng giảng thêm: “Mình nhờ Phật Pháp mà được thăng tiến, biết được chân lý thì mình mong cho Phật Pháp lâu dài, để cho con cháu mình, cho tất cả muôn loài đều được ơn nhờ. Muốn Phật Pháp được lâu dài, gọi là cửu trụ chúng ta phải phát Bồ Đề tâm”.
Bố mẹ - người nuôi dưỡng Tâm Bồ Đề cho em bé 4 tuổi hiến giác mạc
Từ 10 lý do cần phát Bồ đề tâm mà Ngài Thật Hiền Đại sư chỉ dạy cũng như qua lời giảng của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, là người đệ tử Phật, nếu chúng ta không phát quảng đại Bồ đề tâm thì thật sự hổ thẹn. Trải qua vô số kiếp luân hồi, đời nay giữa muôn vạn chúng sinh mà chúng ta có được thân người, được tu học Phật Pháp, biết bỏ ác làm thiện thì đó thảy đều nhờ rất nhiều nhân duyên, mà trong đó không thể không kể đến ân đức sâu dày, từ bi của chư Phật, ân đức giáo dưỡng của Thầy tổ, ân đức dạy bảo của cha mẹ…
Chỉ bao nhiêu ân ấy, chúng ta đã khó lòng đáp đền và cũng chỉ khi phát Bồ đề tâm, tu hành tinh tấn, mới mong báo đáp trọn vẹn thâm ân ấy. Mong rằng, mỗi người đệ tử Phật, khi đọc và hiểu được 10 nhân duyên này, chúng ta sẽ phát Bồ đề tâm thật dũng mãnh, kiên cố tu hành cho đến ngày thành tựu đạo quả giải thoát, cứu độ quần sinh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm