Thế nào là chân chánh phát tâm Bồ đề?
Một lòng trên cầu Phật đạo là nhiệm vụ thứ nhất khi muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy, thì mọi ý nghĩ trước sau đều phải tập trung tất cả vào đạo Phật không một giây phút lãng quên, càng không thể giữa đường lùi bước.
Lại nữa trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm do Pháp sư Diễn Bồi Dịch trang 65-67, Đại sư Tỉnh Am có dạy: “Đã không cầu lợi dưỡng tiếng tăm, lại không tham dục lạc quả báo, chỉ vì giải thoát sinh tử, vì giác ngộ Bồ đề mà phát tâm, phát tâm như vậy, gọi là “chính” lại nữa: “Một lòng trên cầu Phật đạo, một dạ dưới hóa độ chúng sinh. Nghe đường Phật dài xa, không sinh lùi khiếp; thấy chúng sinh khó độ, không sinh chán mỏi. Như trèo núi cao muôn nhẫn ắt phải trèo đến đỉnh; như lên tháp chín tầng, ắt phải lên đến ngọn. Phát tâm như thế, gọi là “chân”.
Phát tâm tà tướng đã nói xong, bây giờ nói về phát tâm chân chính. Phát tâm nói ở đây và phát tâm nói ở trên, hoàn toàn trái ngược nhau, ở trên xuất phát từ tham cầu lợi dưỡng, thích được nổi tiếng… loại phát tâm nói dưới đây, đã không tham cầu lợi dưỡng, lại không thích tiếng tăm; ở trên xuất phát từ tham cầu dục lạc hiện thế, quả báo vị lai… ở dưới, đã không tham cầu dục lạc hiện thế, lại không mong chờ quả báo vị lai, một lòng một dạ, chỉ vì giải thoát sinh tử, vì giác ngộ Bồ đề mà phát tâm tu hành. Phát tâm như vậy gọi là “chính”. Phát tâm để liểu sinh thoát tử, mới nhìn, hình như chỉ để giải thoát chính mình, nhưng thật ra mục đích duy nhất của việc học Phật, là để giải quyết vấn đề lớn về sinh tử, sinh mệnh này tiếp teho sinh mệnh khác, hình thành một dòng chảy sinh mệnh tiếp nối nhau không ngớt. Dòng chảy sinh mệnh này chìm nổi trong bể khổ tử sinh. Đó chính là nổi thống khổ cực lớn!
Chỗ khác nhau lớn nhất giửa Phật Giáo và các tôn giáo khác, chính là ở vấn đề lớn này. Bất cứ một tôn giáo nào khác, trong giáo lý của họ, xưa nay chưa từng chỉ cho người ta cách giải quyết vấn đề sinh tử như thế nào, thậm chí dạy người ta cầu trường sinh, như Đạo Giáo ở Trung Quốc, hoặc dạy người ta cầu vĩnh sinh bất tử, như Đạo Cơ Đốc hiện nay. Theo chính nghĩa Phật pháp, chúng sinh ở thế gian này, trừ phi không sinh, chứ đã sinh thì không thể không tử. Nếu muốn không chết, trước hết phải không sinh.
Cái gọi là trường sinh, vĩnh sinh, nói thẳng ra chỉ là lừa dối người ngu mà thôi. Từ xưa đến nay có ai đã từng thấy người nào trường inh hoặc vĩnh sinh? Vẫn cứ là sinh rồi tử, tử rồi sinh, sinh tử không ngừng. Vì vậy, người học Phật chân chính, tuyệt đối không phải là để cầu trường sinh, vĩnh sinh, chỉ phát tâm để giải thoát sinh tử, chỉ phát tâm để cầu chứng vô thượng Bồ đề. Ngày nào chưa đạt mục tiêu đó thì ngày đó còn không ngừng theo đuổi mục tiêu đã nói trên.
Phát tâm Bồ đề tâm có hai nhiệm vụ lớn: Một là trên cầu Phật đạo để tự lợi, hai là dưới là hóa độ chúng sinh. Một lòng trên cầu Phật đạo là nhiệm vụ thứ nhất khi muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy, thì mọi ý nghĩ trước sau đều phải tập trung tất cả vào đạo Phật không một giây phút lãng quên, càng không thể giữa đường lùi bước. Một dạ dưới hóa độ chúng sanh là thuộc nhiệm vụ thứ hai. Khi muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, thì phải một lòng một dạ hóa độ chúng sinh quyết không một chút lòng nào vị kỷ.
Có điều là, khi đã phát tâm, phải tiến tới làm cho nó kiên cường, cho dù có lúc “Nghe nói đường Phật dài xa, không sinh lòng lùi khiếp”, trước hết phải thừa nhận mình vẫn là một phàm phu khổ não, bắt đầu từ điểm là phàm phu cho đến điểm cuối cùng chứng được Phật quả, ở giữa là một con đướng xa vời gian khổ. Nói “đường Bồ đề xa lắc” là như vậy. Con đường Bồ đề đi từ phàm phu đến Phật quả là rất dài, không thể đi hết trong thời gian ngắn. Người phát tâm Bồ Đề, không thể vì nghe nói đường Bồ đề xa dài mà sinh lòng khiếp sợ lùi bước, mà phải có một dũng khí vô tỉ, phát huy tinh thần dũng mãnh vô úy, khắc phục mọi khó khăn, bài trừ mọi chướng ngại, với ý chí chưa đạt mục đích chưa thôi, đi hết cái lộ trình Bồ đề xa lắc đó.
Còn nữa, “thấy chúng sinh khó độ, không sinh lòng chán nản mỏi mệt”. Chúng sinh nói về số lượng thì vô lượng vô biên, nhiều không sao tính xuể, nói về mặt căn tánh, thì mỗi người có một căn tính khác nhau. Chúng sinh thuần lương, cố nhiên dễ độ hóa, nhưng đa số là cương cường ngang nghạnh. Gặp những chúng sinh cương cường ngang nghạnh ấy, không những không tiếp thụ sự giáo hóa của ta, mà lại còn có thể buông lời lăng nhục. Thậm chí chân đá tay đấm, gặp những chúng sinh như vậy, người hành đạo Bồ Tát phải chịu đựng được thử thách, quyết không những không vì thế mà nảy sinh lòng chán nản mỏi mệt, mà còn phải sinh lòng thương xót, cảm thấy những chúng sinh này ngu si thái quá, ta không cảm hóa thì còn ai đến cảm hóa cho? Từ đó mà tìm phương kế để giáo hóa, phải làm để cho chúng sinh đó chịu sự giáo hóa mà đi lên con đường Phật thì mới thôi. Giả định vì chúng sinh khó hóa độ mà sinh lòng chán mỏi, thậm chí không giáo hóa chúng sinh nữa thì ta không thể nào hoàn thành được cái bản nguyện hóa độ chúng sinh, đó là một điều vô cùng đáng tiếc.
Để kiên định tâm nguyện, bây giờ xin nêu một thí dụ: “Như trèo núi cao vạn nhẫn ắt phải trèo đến đỉnh”. Cao vạn nhẫn là để nói độ cao của núi. Theo cách xưa ở nước ta, tám thước là một nhẫn, vạn nhẫn là tám vạn thước. Núi cao vạn nhẫn là núi cao tám vạn thước. Như chúng ta trèo núi, không thể vì thế núi cao vút mà nảy sinh lòng khiếp sợ lùi bước. Để có thể mở rộng tầm mắt, phải lên đỉnh cao, thì mới có thể nhìn được toàn cảnh bốn bên. Giả dụ trèo lên lưng chừng núi rồi lùi xuống, thì muôn vàn cảnh sắc, làm sao thưởng thức được.
Qua đó ta liên tưởng đến những tấm gương tu hành của các vị Bồ Tát phát tâm Bồ đề chân chính. Bồ Tát là những nhân vật sống động và hiện thật trong cõi đời của chúng ta. Sự tích của các Ngài chúng ta biết ít, dù sự thị hiện của các Ngài thì vô số. Song lẽ, kinh Phật dạy rằng, những vị Bồ Tát ấy vốn mang ý nghĩa tượng trưng để dạy ta phản tỉnh, bắt chước theo gương sáng của các Ngài. Sau đây là một vài vị Bồ Tát chính giúp ta suy tư về gương sáng của các Ngài.
+ Bồ Tát Phổ Hiền: Gọi là Bồ Tát của Đại hạnh, vì Ngài đại biểu cho tinh thần tinh tấn, tu mọi pháp môn không nhàm mỏi, không gián đoạn, không giới hạn. Ngài thường được hình dung cởi con voi trắng sáu ngà. Voi là biểu tượng cho tính chắc thật, bước đi vững vàng của công hạnh tu trì. Sáu ngà voi tượng trưng cho sáu Ba la mật căn bản.
+ Bồ Tát Văn Thù: Gọi là Bồ Tát của Đại trí, vì Ngài tượng trưng cho nhân tu là lòng tín chân thật, và quả tu là trí huệ bát nhã. Ngài vừa là mẹ của đức tin mà cũng là mẹ của trí huệ. Đức Văn Thù thường được thấy ngồi trên con sư tử. Sư tử, vị chúa sơn lâm trượng trưng cho tâm vô úy. Khi trong tâm không còn tư tưởng hắc ám, được trí huệ chiếu sáng thì cõi lòng sẽ hết sợ hãi. Tay Ngài có lúc cầm cuốn kinh Bát Nhã, có lúc cầm gươm trí huệ, có lúc lại cầm cây như ý. Như ý là một pháp khí đại biểu cho quyền uy, muốn gì được nấy, hết sức tự do tự tại; do đó nó tượng trưng cho trí huệ bát nhã, khiến ta được tự tại không bị phiền não bức bách. Học gương của Ngài là học cách tu hành trong mọi hoàn cảnh, phiền não nghiệp chướng.
+ Bồ Tát Quán Âm: Ngài đại biểu cho lòng đại bi vô hạn, sẳn sàng cứu khổ cứu nạn, mà không phân biệt người tốt xấu. Ngài là tấm gương để ta học cách phát triển giáo hóa tha nhân. Thông thường ta thấy đức Quán Âm tay cầm bình nước cam lộ, tay cầm nhành dương chi. Bình cam lộ, tương truyền có thể chứa trọn nước trong bốn biển: nó tượng trưng cho mức độ sâu rộng của lòng đại bi, có thể bao hàm mọi tâm thái. Nước cam lộ là nước đại bi, có thể dẹp tan lửa sân hận. Nhành dương liễu mểm mại là đặc tính hiền từ, như nhuyến, đem lại thanh tịnh, trừ bệnh độc. Học gương Ngài là bắt chước lòng đại bi, thương yêu chúng sinh vô điều kiện.
+ Bồ Tát Di Lặc: Ngài đại biểu cho lòng hiền từ, nhu nhuyến, bao dung, làm chổ dựa cho tât cả chúng sinh, khiến ai cũng cảm nhận sự ấm cúng và tình thương chân thật. Ngài là tấm gương để ta học cách đối xử với chúng sinh. Tuy đức tướng của Ngài Di Lặc đầy đủ 32 tướng như Phật, như thông thường ta thấy Ngài dưới hình dáng của Bố đại hòa thượng: Một vị Tăng bụng tròn, tay nắm quạt, tay xách bị, dạo khắp nơi. Bụng tròn của Ngài là biểu thượng cho lòng bao dung, hiền từ. Có bài thơ tán thán Ngài rằng:
“Độ dại năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự.
Khẩu khai thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhẫn”.
Nghĩa là: Bụng lớn có thể chịu đựng, tha thứ những việc mà thiên hạ khó tha thứ. Miệng rộng hay cười, cười những việc đáng cười của thế nhân. Học gương tốt của Ngài là học lòng bao dung, từ hòa vô lượng.
+ Bồ Tát Địa Tạng: Ngài tượng trưng cho lòng hiếu thảo và tánh kham nhẫn vô biên đối với chúng sinh. Ngài là đại biểu của đại nguyện ba la mật. Thường thường, Ngài tay cầm tích trượng, tay cầm ngọc châu. Tích trượng có 12 vòng vàng, khi tung nó phát ra tiếng kêu loảng xoảng, rung động và phá tan cửa địa ngục. Tích trượng là đại biểu cho trí huệ phá tan 12 nhân duyên sinh tử. Ngọc châu của Ngài có thể chiếu soi cõi hắc ám địa ngục, khiến chúng sinh chịu khổ, khi thấy ánh sáng sẽ lập tức theo đó thoát ra khỏi cõi đen tối u minh. Ngọc châu chính là biểu tượng của trí huệ chiếu thấu cõi lòng phiền não u ám của chúng ta. Học gương đức Địa Tạng là học gương hiếu thảo với tất cả chúng sinh. Thường tự soi sáng cõi lòng, cũng như hy sinh bản thân để thành tựu kẻ khác.
+ Bồ Tát Đại Thế Chí: Ngài đại biểu cho sức tinh tấn, kiên trì tu tập. Trong khi đức Quán Âm tượng trưng khía cạnh độ sinh nhập thế của Pháp môn Tịn Độ, đức Thế Chí tượng trưng cho khía cạnh chuyên tu xuất thế. Ngài thường cầm đóa sen, tượng trưng cho sự tu hành thanh tịnh, ngay trong cõi ô trược tịnh nhiễm. Học gương Ngài là học đức vô úy, không bắt chước những tấm gương xấu, những ảnh hưởng của kẻ xấu quanh mình. Mình chỉ chịu ảnh hưởng bởi những người hay những chân lý nào mình muốn mà thôi. Đó gọi là sức mạnh ý chí. Một khi đã quyết định tu hành thì mình giữ vững chí hướng không nghi ngờ, bỏ bê nữa. Đó chính là tinh thần của đức Đại Thế Chí.
Tóm lại, người tu học Phật pháp, cần phải chọn cho mình những tấm gương sáng, noi theo đó học hỏi phát tâm Bồ đề, thì mới có thể gọi là phát tâm chân chinh. Người phát tâm chanh chính là cực kỳ qúy hóa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm