Muốn gặp những điều tốt lành thì mình phải sống cho tốt
Bài báo “Đám tang không xem giờ tốt xấu ở Hữu Bằng” gây sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Vì vậy, chúng tôi có cuộc trò chuyện với cụ Phan Văn Cửu, 96 tuổi, hiện cao tuổi thứ ba trong xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) để làm rõ thêm những nội dung bạn đọc quan tâm.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Mặc dù tuổi cao nhưng cụ Phan Văn Cửu còn minh mẫn, vẫn đánh đàn, làm thơ. Cụ Cửu nguyên là cán bộ văn hóa xã Hữu Bằng nhiều năm. Chúng tôi đặt câu hỏi: Hữu Bằng không xem ngày giờ tốt xấu là chuyện rất lạ với nhiều địa phương khác trong cả nước, xin cụ cho biết quy định này có từ bao giờ?
Cụ Cửu cho biết: Không phải người làng Hữu Bằng không xem ngày giờ tốt xấu. Những việc như cưới gả, dựng nhà, di chuyển mồ mả… người ta vẫn xem ngày giờ tốt xấu. Có người thì quan niệm “chẵn cát, lẻ hung”, có người thì tự xem lịch vạn sự, cũng có người đi nhờ thầy bói. Xem như thế để thể hiện sự trân trọng đối với việc đó thôi, chứ không câu nệ lắm, dân làng vẫn lấy sự thuận lợi làm chính. Nhưng riêng việc tang thì không xem ngày giờ.
Theo phong tục xưa nay, việc xem ngày giờ nhập quan, hạ huyệt rất quan trọng nhưng người làng Hữu Bằng không xem, mà không thấy áy náy, vì sao như vậy? Cụ Cửu nói: Cá nhân tôi thì không thấy việc xem ngày giờ đó quan trọng. “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” giờ một người qua đời đã được Trời định rồi, nếu coi ngày giờ là quan trọng thì giờ chết là quan trọng nhất, còn ngày nhập quan, an táng là các khâu nghi lễ do con người chọn thôi, sao ảnh hưởng đến người chết và con cháu được.
Hơn nữa, hiện nay ngoài các Phật tử quy y ở chùa, thì hầu như nhà ai cũng có kinh sách nhà Phật, đọc nhiều đọc ít thì ai cũng hiểu rằng nhà Phật không quan niệm có ngày tốt ngày xấu, giờ tốt giờ xấu, mà vạn sự tùy duyên. Nhà Phật đề cao nhân quả, tốt hay xấu do mỗi người tự tạo ra, đâu phải lấy chuyện chọn ngày giờ tốt mà thay đổi được. Muốn gặp những điều tốt lành thì mình phải sống cho tốt, từ bi hỷ xả, đừng làm những điều không tốt, yêu thương, thông cảm lẫn nhau thì sẽ tốt đẹp…
Theo đạo Phật thì sống gửi thác về, tất cả đều vô thường, nên thuận theo tự nhiên, mà làm lễ tang thôi, bày đặt xem ngày xem giờ làm gì, đó là chuyện vô ích, gây phiền phức, khổ sở không đáng có.
Vì sao các việc khác thì có xem ngày giờ mà việc tang lại không xem? Cụ Cửu nói: Những việc cưới cheo, dựng nhà là việc chủ động của mỗi gia đình, nên làm ngày nào gia đình tùy chọn, nhưng việc tang là việc bị động, phải phiền đến dân làng rất nhiều, do đó phải theo lệ làng. Người làng Hữu Bằng nói chung rất ngại khác người, ai cũng muốn bình thường như mọi gia đình khác, nên không có chuyện đám tang nhà giàu có mà hoành tráng hay kéo dài hơn đám tang nhà nghèo. Đám tang nhà nghèo ở đây thường đông hơn các đám khác vì nhiều người quan tâm.
Khi có người nằm xuống, gia chủ hầu như không phải lo lắng gì nhiều mà họ mạc, anh em, bà con hàng xóm xúm vào giúp đỡ. Người thì đi mua áo quan, người lo huyệt mộ, chị em phụ nữ thì lo nước uống, người đi mua áo khăn, người đi lấy lồng kính… Mọi chuyện mua bán sau đám tang mới thanh toán cũng được. Đám tang thì rất đông, nhưng chỉ có trầu nước. Nhà ai cũng thế, thật sự là bình đẳng, chan hòa. Do đó, không xem ngày giờ tốt xấu thành lệ làng từ lâu lắm rồi.
Cụ Cửu cũng cho biết: Xưa kia cũng có những tục lệ lạc hậu như cúng khao quan, yểm bùa, rồi con dâu, con gái phải lăn đàng rất mất vệ sinh, con trai đội mũ rơm… nhưng thấy không hay là dân làng tự bỏ, cũng không có chuyện phải cưỡng ép hay xử phạt mới bỏ những hủ tục đó. Thấy cái gì hợp lý là dân làng thay đổi thôi. Truyền thống của làng như vậy.
Ngày xưa, mỗi đám tang lại làm một nhà táng giấy rất tốn kém, nhà giàu thì nhà táng đẹp, nhà nghèo thì nhà táng sơ sài, nên từ những năm 1948-1949 các cụ trong làng đã cho làm nhà táng khung gỗ, tám mái, trang trí bằng sắt vẽ bên long bên hổ, thủy ba, hoa lá rất đẹp, để cả làng dùng chung. Trước đây, chúng tôi dùng cỗ đòn 16 người khiêng, trang trọng nhưng nặng nề vất vả quá nên khoảng mươi năm gần đây chúng tôi thay bằng xe tang, cũng rất đẹp mà nhẹ nhàng hơn trước nhiều…
- Cụ có nói rằng ngoài các Phật tử quy y ở chùa, thì hầu như nhà ai cũng có kinh sách nhà Phật, theo cụ thì Phật pháp có ý nghĩa như thế nào với phong tục và đời sống của dân làng ạ?
- Tôi nghĩ rằng những lời Phật dạy có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của người dân, theo truyền thống thì chỉ phụ nữ quy y Tam bảo, là Phật tử, nhưng nói chung dân làng cũng nhiều ít hấp thu tư tưởng nhà Phật. Và tôi nghĩ là theo đúng lời Phật dạy thì cuộc sống càng giản dị, đơn sơ thì càng tốt, nếu mọi người ý thức được việc giảm sát sinh, giảm uống rượu, giảm tiêu xài hoang phí thì ích lợi nhiều mặt – cụ Cửu nói.
Cụ Cửu cũng cho rằng, đám tang ở Hữu Bằng trang trọng mà đơn giản, ít tốn kém và bình đẳng nhưng cũng có những vấn đề chắc phải thay đổi. Ví dụ như gần đây vòng hoa nhiều quá, rất lãng phí; đám tang thì không ăn uống nhưng để đáp lại thịnh tình của dân làng thì lễ 49 ngày hay giỗ đầu nhiều nhà làm lớn, thành cái lệ không hay. Cụ Cửu tin rằng đến lúc nào đó thấy bất hợp lý thì dân làng sẽ lại thay đổi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm