Ngày Quốc tế hạnh phúc: Hạnh phúc sinh ra từ cái nhìn tích cực
Lần đầu tiên tôi nghe Thầy nói “happiness is here and now” (hạnh phúc bây giờ và ở đây) vào năm 2005. Tôi giật mình với một “định nghĩa” mang tính nhắc nhở này. Trước đó tôi đã từng nghĩ hạnh phúc là phải có cái này, cái kia - những điều kiện tiện nghi, thuận lợi, thuộc về ngũ dục thế gian.
Mình bị lệ thuộc vào cái bên ngoài để có hạnh phúc - thực chất chỉ là niềm vui nhỏ, ngắn, lại hàm chứa cả nguy cơ của khổ đau ấy lâu ngày dài tháng - nên quen lối tư duy lệ thuộc. Và vì vậy, trên hành trình nghĩ rằng mình đang đi tìm hạnh phúc, kiến tạo hạnh phúc ta lại gặp những khổ đau nhiều hơn, trôi lăn trong biển tử sanh đó.
À, thì mình từng nghĩ rằng sẽ có thật nhiều tiền bạc để có thể an tâm sống vui với tuổi già cùng người thân, muốn làm gì thì làm. Để rồi ta “cày cấy” bất chấp, cả sức khỏe và không ngại va chạm, gây nên những món nợ với chúng sinh khác, người khác. Những hãm hại nhau để sống, những giành giật để có… nhằm phục vụ cho ý niệm khẳng định bản thân, để hạnh phúc về sau, cuối cùng lại là nhân đưa tới mất mát, khổ đau lớn hơn, theo luật nhân-quả tất yếu.
Sống hạnh phúc theo lời Phật dạy
Nhiều người vì suy nghĩ hạnh phúc gắn liền với danh, sắc, tài… đã trở nên buông thả, đã đánh mất cái mình đang có là sức khỏe, sự bình an nơi tâm, mái ấm của mình đang có. Những thứ đó lẽ nên phải giữ gìn ta lại phung phí, cho đến khi đánh rơi. Khi mất rồi người ta mới biết nó quý, lẽ thường ấy nhân gian khó tránh.
“Hạnh phúc bây giờ và ở đây” giống như tiếng chuông nhắc ta thở biết mình thở, nhắc người biết mình đang ở đâu và “có” gì ngay hiện tại. Chỉ cần biết mình đang “có” gì và trân quý, ngay cả đó là một bất như ý. Bởi vì, thực ra, bất như ý cũng là một sự thật mà ta đã từng gieo, mình nhận về là tất yếu rồi. Và cũng bởi, đây cũng là cơ hội hay để ta rèn luyện tâm mình, xem nó chộn rộn hay yên bình, lo lắng hay điềm tĩnh.
Năm 2020, 2021, nhân loại nhìn về Covid-19 với nhiều sắc thái, có người đã biết ơn anh bạn này vì đã nhắc nhở họ nhiều thứ, từ sự vô thường đến đối diện với nó; từ lối sống buông lung, vô kỷ luật đến hậu quả nó mang về; từ việc dừng lại bớt sự lao đi để cảm nhận giá trị của một đời sống tĩnh lặng; trong đó có cả giá trị của thanh lọc môi trường liên hệ đến thanh lọc thân, tâm…
Bình an trong tâm là điều quan trọng nhất, vì từ đó giúp ta không chạy theo cảnh vui-buồn bên ngoài, gió đời không làm mình nghiêng ngả. Đó là bình an kiến tạo từ sự dừng lại, nhìn sâu vào tự thân, vào mọi biểu hiện bên ngoài bằng mắt thương, bằng sự thấu hiểu (nhân-duyên-quả), để tích cực tư duy như vừa rồi. Nếu nó là quả đắng mình gieo thì vui nhận, nếu đó là nhân-duyên bất thiện, một trắc trở người “tặng” cho mình thì cũng thương nhận, “cảm ơn vì bạn đã giúp tôi vững chãi hơn”. Vàng để đạt đến giá trị cao phải qua nhiều nước lửa, cũng như để có pho tượng sắc sảo đá phải trải qua hành trình đục đẽo của người thợ lành nghề.
Tư duy tích cực không làm thay đổi hoàn cảnh đang là nhưng sẽ ngay lập tức thay đổi thọ cảm của ta về điều mình đang trải, giúp mình cân bằng lại, bình an.
Những cái nhìn, cách sống ấy được Phật dạy một cách kỹ càng trong đời sống của Ngài cũng như quá trình hoằng pháp. Vấn đề là chúng ta có học, có hành, có hiểu đúng để làm đúng, kiên trì, bền chí đến cuối cùng, và mỗi ngày hay không. Nếu đã thấm giáo nghĩa thì việc hành trì lời Phật dạy là hạnh phúc thực sự ngay khi ứng dụng, chứ không ép mình khó nhọc để được kết quả gì cả. Nhà thiền gọi “hạnh phúc là hành trình chứ không phải là đích đến” chính vì như vậy. Hành trình ấy chính là cái thấy, cái biết ngay “bây giờ và ở đây”…
Từ tháng 6-2012, Liên Hiệp Quốc lấy ngày 20-3 làm ngày Quốc tế hạnh phúc. Năm 2014, lần đầu tiên ngày Quốc tế hạnh phúc được tổ chức ở Việt Nam với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Năm nay, 2021, ngày này trùng hợp ngay kỷ niệm ngày Đức Phật xuất gia (8-2 âm lịch), đối với Phật tử toàn cầu quả là ngày hạnh phúc, nhắc nhở đời sống bình an kiến tạo ngay bây giờ và ở đây, từ cách mình nhìn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy nhẹ nhàng với bản thân, hãy tin rằng bạn xứng đáng
Sống an vui 17:30 22/12/2024Bóng tối lớn nhất không phải là những gì ta đối diện bên ngoài, mà là cách ta nhìn nhận chính mình trong tấm gương của cuộc đời. Nó không đến từ thế giới xung quanh, mà từ những lời tự trách, những suy nghĩ tiêu cực, và những nghi ngờ sâu kín mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí.
Uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày có lợi ra sao?
Sống an vui 16:03 22/12/2024Nước táo đỏ và kỷ tử là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, dưới đây là 4 lợi ích của việc uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày.
Chuyển hóa năng lượng tắc nghẽn bằng trọn vẹn nhận biết
Sống an vui 07:45 22/12/2024Để chuyển hóa năng lượng, ta không cần phải làm điều gì quá lớn lao, ta chỉ cần thường xuyên trở về với sự nhận biết và an trú trong nó. Điều này có thể giống như một quá trình đơn giản, nhưng lại là chìa khóa để mở ra những thay đổi lớn lao.
Thân bệnh, tâm không bệnh
Sống an vui 07:40 22/12/2024Một khi thân bệnh mà tâm không bệnh, thì dù thân bệnh nặng cũng không vì vậy mà khổ...
Xem thêm