Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 04/03/2015, 16:46 PM

Nghệ An: Gần một vạn người dự lễ cầu quốc thái dân an tại chùa Viên Quang

Sáng ngày 11/01/Ất Mùi (01/03/2015) tại chùa Viên Quang (Nam Thanh, huyện Nam Đàn) đã long trọng diễn ra Đại lễ cầu Quốc thái dân an mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự tham dự của gần 10 nghìn tín đồ phật tử xa gần, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp huyện đã tham dự Đại lễ.

 
Được biết, kể từ ngày UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định phục hồi chùa cho đến nay. Cứ vào dịp đầu xuân mới chùa Viên Quang đều tổ chức Đại lễ cầu Quốc thái dân an. Năm nay trong niềm hân hoan, vui mừng Chánh điện mới vừa hoàn thành. Được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, Ban Hộ tự chùa Viên Quang long trọng tổ chức Đại lễ cầu Quốc thái dân an xuân Ất Mùi năm 2015. Sáng ngày 10/tháng Giêng, TT.Thích Chân Quang đã tiến hành nghi lễ An vị tượng Phật thật trang nghiêm, long trọng, để hôm sau hợp thức tổ chức Đại lễ cầu Quốc thái dân an. 

Đi vào buổi lễ, khi 3 tiếng chuông vừa dứt, trong không khí tôn nghiêm và thành kính, tất cả Hội chúng đồng hát bài Tổ quốc Việt Nam và sau đó dành một phút mặc niệm để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Trước khi tiến hành những nghi thức quan trọng của buổi lễ, nói về Lễ cầu an, TT.Thích Chân Quang giải thích đây là hoạt động thường niên của các chùa nhân dịp đầu xuân năm mới. Nhiều chùa và phật tử có cái tâm rất lớn, không chỉ cầu an cho mình mà còn cầu cho tất cả chúng sinh. Việc làm này cho thấy đạo Phật thực sự có ý nghĩa khi mọi người dần dần buông bỏ hết sự quan tâm đến cá nhân, mà hướng đến cho tất cả mọi người. Đồng thời, khẳng định tinh thần đạo Pháp đang đồng hành cùng dân tộc, khi ta lấy cái uy linh của của đạo Pháp để cầu nguyện cho đất nước. Điều này nhắc nhở mọi người rằng khi ta đi theo đạo Phật, không được phép quên quê hương, đất nước, đồng bào, nghĩa là cái tự tình với đạo Phật gắn liền với cái tự tình đối với quê hương, đất nước.

Ngoài ra, Lễ cầu an là cơ hội giúp chúng ta tìm được sự linh thiêng từ chư Phật, chư Bồ tát. Qua đó giáo dục chúng ta về lòng yêu nước, dạy chúng ta biết gắn vận mệnh của đạo pháp với vận mệnh của dân tộc. Người nào có duyên tham gia Đại lễ cầu an thì tâm hồn ngày càng đẹp, lòng thành kính với Tam Bảo được tăng trưởng, đạo tâm được củng cố và lòng yêu nước ngày càng bền vững, phát triển.
 
 
Không chỉ vậy, Thượng tọa còn cho biết thêm, Lễ cầu an là ta dâng lên chư Phật những lời khấn nguyện. Có những lời khấn nguyện khiến động lòng trời, và cũng có những lời khấn nguyện không được linh ứng, nhưng không có nghĩa là không có giá trị gì. Nếu hiểu được luật Nhân Quả, hiểu về sự chứng ngộ của chư Phật, chư Bồ tát cao siêu đến thế nào thì ta sẽ giải thích được vì sao một lời khấn nguyện trở nên linh thiêng, mà có lời khấn nguyện lại tan biến trong hư vô. Theo đó, người nào có tâm hạnh, đạo đức và lời khấn nguyện cao thượng thì sẽ được linh ứng. Ngược lại, người khấn nguyện chỉ nghĩ cho cá nhân mình, chưa từng biết sống cao đẹp, chỉ biết đưa ra những lời cầu giả dối, tạm bợ thì sẽ bị lãng quên.

Nhân đây, Thượng tọa nhắc lại về nguồn gốc ra đời của dân tộc ta từ thời cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ, cho đến những cuộc chiến anh dũng, phi thường của dân tộc ta, chống lại sự xâm lược của các thế lực thù địch. Để từ đây, mọi người tham gia chương trình đều nguyện lòng tôn kính Phật, nguyện lòng yêu tổ quốc vô hạn, hứa sẽ mãi mãi thương yêu, giúp đỡ nhau, cùng chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp vào nền hòa bình chung của thế giới.
 
 
 
Mỗi lời khấn nguyện đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển bình yên của địa phương, của dân tộc. Tuy nhiên, lời khấn nguyện chỉ là giọt nước cuối cùng, chưa phải là sự bắt đầu. Để thay đổi vận mệnh đất nước, sự bắt đầu chính là công đức mà ta đóng góp từ rất lâu, thậm chí là nhiều kiếp. Theo luật Nhân Quả, ta gieo nhân gì thì gặt quả ấy. Vậy nên, sự phát triển của một đất nước lệ thuộc rất lớn vào luật Nhân Quả, chứ không phải chỉ có lời khấn nguyện không thôi. 

Nhìn lại sự phát triển của dân tộc, Thượng tọa khẳng định rằng: Vì chúng ta có đạo đức, sống chính nghĩa, nên đất nước ta mới được hòa bình, phát triển ổn định, bền vững. Nghệ An cũng là một trong những địa phương được các vị lãnh đạo hết sức quan tâm, không chỉ về mặt kinh tế, chính trị, giáo dục mà còn cả vấn đề tôn giáo. Nhờ vậy, Phật pháp ở đây đang từng bước hồi phục, biểu hiện là sự xuất hiện của Chánh điện chùa Viên Quang. Đây là lần đầu sau rất lâu nhiều năm qua, Nghệ An có được một ngôi chánh điện hoàn chỉnh, đường nét ghi dấu ấn “Kiến trúc chùa” của thế kỷ XXI này.

Với cách bố trí không gian hợp lý, nhìn vào Chánh điện chúng ta thấy nét đẹp mỹ thuật vừa chừng, nhìn vào biết là chùa nhưng vẫn thấy hiện đại vì các hoa văn vừa phải, thể hiện bằng hình mảng khối lớn, tinh tế, nhìn từ xa vẫn thấy được, và chùa có những mái cong thì chỉ hớt cong nhè nhẹ ở nơi góc mái, chứ không cong gắt. Hoa văn của mái được người kiến trúc sư lấy ý tưởng từ nơi tờ giấy bạc của ngân hàng quốc gia Việt Nam nên lạ mắt, thu hút mọi ánh nhìn. Đồng thời bên trong Chánh điện không có cột, trống hết nên việc hành lễ, thuyết giảng hay lễ bái rất dễ dàng vì không bị vướng cột. Lại còn đế cột hành lang cao nhìn nó hùng dũng, bền vững. Đặc biệt hơn, từ mái tới móng không một miếng dăm gỗ. Ý tưởng này góp phần hạn chế nạn phá rừng.

Ngoài ra, chùa có 2 con đường lài lài đi lên nhà Tổ dành cho người tàn tật đi xe lăn. Và hệ thống đèn dùng toàn đèn led, nhưng với cách bố trí cực kỳ hợp lý làm cho ánh sáng tỏa đều, về đêm lung linh hơn bao giờ hết mà vẫn tiết kiệm điện tối đa, Có thể nói đây là ngôi chùa xanh thật sự, chùa thân thiện với môi trường và rất Việt Nam. Chùa xây dựng để phục vụ lợi ích cho con người, chứ không chỉ để thờ phượng.
 
 
Một điều đặc biệt khác nữa là nơi bàn thờ Phật chỉ thờ một tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, chỉ chưng hoa, trái thiên nhiên, tuyệt đối không chưng các loại bánh hộp, chai nước, lon nước mang đủ nhãn hiệu, để tránh khi chúng ta lạy Phật là lạy luôn cả tiệm tạp hóa. Thiết nghĩ việc cúng kiến nghiêm túc càng làm tăng vẻ uy nghiêm của ngôi chùa. Như vậy, không quá khó để đem đến cho không gian ngôi chùa những nét đẹp giản dị mà thanh cao, gần gũi mà uy nghi, càng ngắm càng thấy lòng thanh thản và yên tĩnh. Thượng tọa hy vọng Chánh điện chùa Viên Quang sẽ là nguồn cảm hứng để các Chánh điện tại các chùa khác ở Nghệ An được ra đời to hơn, đẹp hơn, tiện lợi hơn. Khi đó, Nghệ An thực sự có một nền Phật pháp hưng thịnh. 

Còn nhà Tổ chùa Viên Quang thờ đến 3 vị Tổ, đó là Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Điều Ngự Giác Hoàng và rất đặc biệt đây lần đầu nhà Tổ chùa Việt Nam thờ Tổ Chử Đồng Tử, vì vào thời Vua Hùng Vương, Chữ Đồng Tử là một bậc Thánh đạo Phật Việt Nam đầu tiên đắc đạo, đem đạo Phật về Việt Nam, nên chúng ta tôn thờ. 
 
Tiếp đến, hướng về gần một vạn người tham dự đại lễ, Thượng tọa căn dặn rằng: Chúng ta thay mặt hơn 90 triệu người dân Việt Nam để kính lễ Phật, sám hối những nghiệp quá khứ của mình, hứa sẽ tu tập tinh tấn, làm những điều công đức tốt lành; hứa sẽ mãi mãi yêu nước, mãi mãi sống tử tế, yêu thương và chia sẻ với nhau, chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển, đóng góp vào sự phát triển văn minh của thế giới. Vì thế, chúng ta hãy khấn nguyện thật chân thành, nói những lời cao đẹp và phấn đấu cho những lời cao đẹp đó thành hiện thực. Chúng ta đừng coi thường tâm linh, khi mà ta đã thành tâm động được lòng trời thì có những điều kỳ diệu sẽ xãy ra. Ý nghĩa buổi Lễ nguyện cầu cho Quốc thái Dân an là như vậy. Những lời dạy chân thành của Thượng tọa đã làm xúc động bao trái tim của quý thiện nam tín nữ phật tử về dự lễ. Họ cảm thấy lòng mình thật thanh thản, vui tươi, phấn khởi, có thêm động lực hơn trong năm mới.

Tiếp theo, trong không khí ấm áp và tôn kính của buổi lễ, toàn thể Chư tôn đức tăng ni, cùng đông đảo phật tử, các vị đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An và quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về Lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện thật gọn nhẹ, nhưng có nhiều ý nghĩa thiết thực do TT.Thích Chân Quang biên soạn. 

Một nghi thức làm Lễ, bao gồm: Đọc lời kỳ nguyện, hát Khúc Tán Ca Tôn Kính Phật, đảnh lễ Tam bảo, tụng Kinh từ bi sám hối, tụng Sám cầu Quốc thái Dân an, cúng Quốc tổ, cúng thí thực, phục nguyện, v.v…

Đặc biệt, trong nghi thức cúng Quốc tổ, trước bàn thờ Quốc tổ, các vị lãnh đạo cấp cao đã tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của vị Chủ lễ. Hình ảnh các vị cán bộ biết lễ lạy Tổ tiên để xin anh linh của các vị Quốc tổ phù hộ cho Tổ quốc Việt Nam, khiến cho hàng nghìn người nhìn thấy thật sự cảm động. Thì với cái lòng thành ấy, với sức mạnh tâm linh này, hòa vào công lao của bao nhiêu người trong đất nước, mong rằng đất nước ta sẽ vững bước tiến lên, vượt qua những khăn khó mà được thới thịnh được bình an, hy vọng điều đó sẽ thành tựu. 

Sau đó, nhà chùa không quên thực hiện tục lì xì ngày tết. Tất cả mọi người đều hân hoan đón nhận một phong bao lì xì từ tay quý thầy, trong đó gửi gắm biết bao lời chúc tốt lành, tràn đầy đạo lý trong năm mới.

Kết thúc buổi lễ, nhà chùa đã tổ chức quy y cho hơn 300 thiện nam tín nữ tại Chánh điện mới.

Tóm lại, buổi Lễ thành công ngoài sức mong đợi của BTC. Đây không chỉ là buổi cầu Quốc thái dân an mà còn là dấu mốc ghi nhận sự hồi phục, phát triển của Phật giáo Nghệ An; là lời tri ân sâu sắc đến các cấp lãnh đạo, các phật tử, các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ, cúng dường để nhà chùa có thể hoàn thành tốt công tác phật sự, tổ chức thành công buổi Lễ cầu an.

Nhân đây, BTC cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người nhân dịp đầu xuân năm mới và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ quý báu của quý vị hơn nữa để nhà chùa có thể hoàn thiện nốt những cơ sở vật chất còn lại, hầu phục vụ cho việc tu tập, sinh hoạt của Chư tăng và các phật tử được tốt hơn, để xứng đáng là nơi nuôi dưỡng đạo đức tâm linh tín ngưỡng của người con Việt, đồng thời trở thành một ngôi chùa đúng tinh thần “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.  
 
 
Còn một điều đặc biệt cuối cùng, được biết, do bận đi công tác không về kịp cho Lễ cầu Quốc thái dân an vào buổi sáng, nên ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đến thăm và chúc mừng TT.Thích Chân Quang cùng tăng, ni, phật tử tại chùa Viên Quang vào lúc 20h cùng ngày. Đón tiếp ông Nguyễn Xuân Đường còn có ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch huyện Nam Đàn, và ông Cung - Chủ tịch xã Nam Thanh. Cả ba vị Chủ tịch đã thành kính dâng hương lễ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Điều Ngự Giác Hoàng, Chữ Đồng Tử ở nhà Tổ, lễ Phật trên Chánh điện, và tại ban bàn thờ Quốc Tổ.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm