Người cha và bài kinh sám hối
Buổi chiều sau khi phụ mẹ lặt rau, bé Tâm ngồi học bài chờ ba đi làm về. Anh Trí bước vào nhà căng thẳng khác thường nhưng bé Tâm là đứa con gái 7 tuổi nào có biết chi. Bé lấy bài tập được điểm cao khoe rồi nhân tiện vòi vĩnh ba dẫn đi mua truyện tranh về đọc.
Anh Trí nhìn con bực bội, nói cộc lốc:
- Không được!
Bé Tâm đi theo năn nỉ:
- Con học giỏi, ba thưởng con nghe.
Anh Trí bỗng giận dữ la to:
- Đã nói không được, sao không nghe lời ba!
Anh đưa tay đánh mạnh vào mông con. Bé Tâm đau quá hét một tiếng, nhìn mặt ba đầy thịnh nộ, bé khiếp đảm ôm mặt khóc nức nở. Chị Hoa vợ anh Trí nhìn chồng ngạc nhiên, sững sờ, định bụng chút sẽ hỏi riêng chồng.
Lần đầu tiên bị ba đánh, bé Tâm ấm ức thấy ba rất đáng sợ. Buổi cơm chiều không khí nặng nề dẫu mẹ cố gắng gợi chuyện. Bé Tâm ngồi vừa ráng ăn chút ít cơm vừa thút thít. Anh Trí thỉnh thoảng nhìn con muốn nói chi đó nhưng cứ ngập ngừng.
Tình cha qua ngòi bút của một sư cô
Sau bữa cơm, dọn dẹp chén bát xong, chị Hoa rót ly trà xanh, lấy miếng kẹo mè mời chồng và rủ ra ngồi trước mái hiên nhà nói chuyện.
Từ tốn, chị Hoa hỏi anh Trí:
- Hôm nay anh hơi khác thường, con có làm chi đâu mà anh đánh con thế?
Anh Trí ngượng ngùng, ngồi trầm ngâm một lúc lâu mới lên tiếng:
- Hôm nay trong cơ quan có sự cố lớn. Nhân viên của anh đã không chấp hành quy định an toàn, làm hư dây chuyền sản xuất. Vì sự cố này một công nhân bị dây máy quất gãy cánh tay. Anh đã nhắc nhở nhân viên phải kiểm tra máy móc mỗi buổi sáng trước khi vận hành, thế mà... Không tức lên sao được!
Chị Hoa vẫn ôn tồn:
- Vậy là anh đem cái giận từ cơ quan về nhà, anh giận cá chém thớt rồi.
Anh Trí nhìn vợ gật đầu:
- Anh mất kiểm soát. Anh quên lời thầy dạy mỗi khi đi làm về, trước khi bước vào nhà, thở ba hơi dài, mỉm cười như Phật. Anh đánh oan bé Tâm. Tội nghiệp con.
Chị Hoa cầm tay chồng, mân mê an ủi:
- Nếu là em, chắc em cũng không làm chủ bản thân được. Thôi thì ngày mai anh dẫn con đi ăn kem, mua truyện tranh cho con để bù lại.
Anh Trí nhìn vợ, ánh mắt trìu mến, choàng tay ôm bờ vai chị Hoa, thì thầm:
- Việc đó dĩ nhiên sẽ làm, nhưng bù đắp bằng quà anh thấy sao sao em ạ. Không khéo con sẽ hiểu lầm, rồi sau này con lớn lên...
Thường mỗi tối sau khi học bài bé Tâm ra phòng khách coi ti-vi với ba mẹ rồi mới đi ngủ. Hôm nay chưa đến giờ, bé đã sớm đánh răng vào phòng. Suốt buổi chiều tối, bé thấy ba ngồi chỗ nào thì lánh xa chỗ khác. Nằm trên giường một đỗi, bé Tâm chưa ngủ được, bỗng nghe tiếng chân dừng trước phòng. Giọng anh Trí chậm rãi vọng vào:
- Tâm ơi, con ngủ chưa? Ba vào nói chuyện với con nghe.
Bé Tâm giật mình, không biết ba sẽ la chuyện gì nữa đây? Sợ sệt, lo lắng, bé lí nhí dạ rồi úp mặt xuống gối. Anh Trí đi vào, ngồi bên mé giường, lần tìm tay con ép giữa hai bàn tay, xoa nhẹ một lúc lâu, nhẹ nhàng lên tiếng:
- Tâm ơi, hồi chiều ba không đúng, đánh oan con. Ba xin lỗi con nghe!
Bé Tâm ngạc nhiên quá đỗi, nó không ngờ những lời nói ấy có thể thoát ra từ bậc cha mẹ. Hàng ngày đi học lắm lúc bạn bè làm sai cũng không chịu xin lỗi huống gì... Bé cuống lên, nhìn ba, nói gấp:
- Ba là người lớn không có sai. Con làm ba bực lên mà.
Vẫn dịu dàng vói con, giọng anh Trí trầm ấm:
- Ba không có lý do gì để đánh con như vậy. Nếu ba là ông vua có lỗi với em bé nghèo khó bán vé số ngoài đường thì cũng thành tâm xin lỗi con à. Huống chi là đứa con gái mà ba hết mực thương yêu. Làm sai thì ba phải có trách nhiệm xin lỗi. Mà con ơi, chưa tới giờ ngủ, con đi tụng bài kinh ngắn với ba được không?
Bé Tâm đã hết sợ ba, vui vẻ đáp ngay:
- Dạ được, nhưng sao vậy ba, hôm nay chưa phải ngày ăn chay mà?
- Thì để ba cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhắc nhở ba đừng làm sai. Tụng bài kinh sám hối mà con tụng mỗi Chủ nhật với Gia đình Phật tử trên chùa nha.
Anh Trí dẫn con gái rượu lên lầu trên, nơi có bàn thờ Phật đơn giản nhưng trang nghiêm. Thắp nén hương trầm dâng Phật, anh thỉnh nhẹ ba tiếng chuông. Trong tiếng ngân lan tỏa, anh ngồi xuống cạnh bé Tâm, thành kính cùng con đọc tụng:
Đệ tử kính lạy
Đức Phật Thích Ca…
Thành tâm sám hối
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành…
Bé Tâm quên chắp tay búp sen trước Đức Phật tự hồi nào. Bé kéo chiếc gối ngồi sát anh Trí hơn, rồi dựa hẳn vào người anh như những lần nhõng nhẽo. Trong tiếng kinh vang đều, bé cảm được sự cao cả của người cha. Sung sướng tràn trề, bé thấy gần gũi, thương yêu ba quá đỗi.
Nghe chuông ngân, chị Hoa len lén ra ngồi giữa cầu thang, dõi theo tiếng hai cha con tụng kinh. Chị xúc động mãnh liệt, thấy hạnh phúc chi lạ, cảm được mình may mắn có người chồng vĩ đại. Chị mong thời kinh chóng qua để tới ôm sau lưng anh thật chặt, dựa đầu vào vai anh, chân thành nói tiếng thương yêu. Cám ơn anh đã gieo vào con tình thương yêu sâu đậm, nhân cách sống cao cả chân thật. Mắt chị mờ nhạt, mũi sụt sịt. Khói hương trầm cay lắm chăng?
Truyện ngắn của Huyền Lam
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bịnh “trời cho”
Tư liệu 18:05 24/11/2024Đầu năm 1994 Giả tiên sinh, chồng Lý nữ sĩ bị bịnh ghẻ. Toàn thân anh nổi đầy ghẻ, vừa chảy mủ vừa nhức nhối khó chịu, đã chữa chạy khắp đông y tây y nhưng đều không thấy kết quả.
Trời thu, lá úa, vọng niệm vô thường
Tư liệu 09:11 24/11/2024Bài thơ “Cảnh mùa thu” của Thanh Sĩ (1928 – 1973) là viết theo thể thơ đường luật, vần bằng, tám câu. Với những câu tả cảnh đối nhau, tác giả giúp người đọc nhận thức rõ và sâu sắc về tính biến hóa vô thường ở vạn vật...
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Xem thêm