Người Huế
Nhân duyên xoay vần, tôi quyết định xuống tóc xuất gia năm 28 tuổi, chọn Huế làm nơi tu học.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, tốt nghiệp đại học rồi đi làm. Xuất gia xong, tôi thi tuyển vào chương trình thạc sĩ ngành quản lý văn hóa của Đại học Khoa học Huế.
Sống và tu hành tại đây, tôi gặp người bạn vong niên đã 100 tuổi. Tháng trước, mưa to, nước lụt khắp nơi, tôi lội gần hai cây số để vào xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, thăm Mệ.
Thoáng thấy bức bình phong bằng lá xanh rờn, tôi gọi to: "Mệ ơi". Người trong nhà đồng thanh đáp lại bằng tiếng "dạ". Cụ bà 100 tuổi đang ngồi khâu gối bên cửa dừng lại, nhẹ đặt chiếc gối lên bàn, chậm rãi với cây gậy, khom lưng đứng lên, bước ra cổng với nụ cười từ hòa.
Mệ là Công Tôn Nữ Trí Huệ, cháu nội hoàng tử Miên Lâm, chắt nội vua Minh Mạng.
Lúc còn nhỏ, mệ Trí Huệ ở nhà phụ cha làm nghề thuốc Bắc. Tròn 17 tuổi, Mệ được vào cung để học may vá, thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác. Sau đám tang của cha mình (1955), Mệ Trí Huệ tới phủ Kiên Thái Vương để cảm ơn Hoàng Thái hậu Từ Cung và được Đức bà mời ở lại phủ làm việc.
Ban đầu, Mệ chỉ làm may cơ bản, đồ ăn và chăm lo hương khói trong phủ cũng như Đại nội. Một lần, được Đức bà Từ Cung dẫn vào Thế Miếu - nơi thờ các vua triều Nguyễn, nhìn thấy mấy cái trái dựa trên ban thờ bị hỏng, Mệ nhận sửa và may gối trái dựa cung đình. Từ đó đến nay, Mệ là nghệ nhân duy nhất lưu truyền nghề làm gối trái dựa cung đình ở nước ta.
Lần nào tôi tới thăm cũng thấy Mệ đang làm gối, nhiều lúc quên ăn uống, ngủ nghỉ. Ở tuổi đời một thế kỷ, mắt Mệ vẫn có thể xâu kim, tay vẫn khéo léo may từng mũi chỉ trên vải thô. Làm tới đâu, Mệ giới thiệu với tôi và bạn đi cùng tới đó, chỗ này may ra sao, chỗ kia nhồi bông, sắp xếp lá gối thế nào.
Gối Mệ may trước kia để dâng trong cung cho vua, hoàng hậu, các phi tần hoặc để trang trọng tại những nơi thờ cúng. Sau này, chiếc gối cung đình được nhiều người biết tới và đặt Mệ làm.
Rồi Mệ kể tôi nghe chuyện rèn những cung quy khi ở cạnh vua chúa, về khoảng thời gian sống và làm việc cho Hoàng thái hậu Từ Cung từ khi Đức bà còn ở trong thành nội cho tới lúc thời thế xoay vần, phải ra ngoài thành mua nhà riêng để sống mà vẫn duy trì nề nếp và lễ nghi.
Cha Mệ là ông Nguyễn Phúc Hường Dẫn, người dưới thời vua Duy Tân xây dựng binh quyền để chống Pháp. Ông bị địch bắt giam, bị khép tội chết, có người thân với vua Khải Định xin bảo lãnh mới thoát tội, và gia đình bị "lưu đày" về chính nơi đang ở hiện nay.
Chuẩn bị xong cơm trưa, Mệ gọi tất cả đại gia đình gồm con trai, con dâu, các cháu và chúng tôi ngồi vào bàn. Mệ đã ăn chay trường gần sáu mươi năm. Thỉnh thoảng, tôi thấy Mệ tủm tỉm cười, chỉ cho cháu nhỏ từng chi tiết vi tế như cầm đũa, cầm muỗng. Giọng Mệ rõ ràng, chậm rãi. Cả bữa cơm không có lấy một tiếng chén đĩa va chạm ồn ào.
Đến nhà Mệ nhiều lần, có lần ở chơi cả nửa ngày, chưa khi nào tôi nghe thấy ai to tiếng trong giao tiếp. Mọi người đều nói với âm lượng chỉ đủ nghe. Đi lại không quá nhanh, cách sinh hoạt, bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Sau nhiều biến cố dòng tộc và chứng kiến sự đổi thay lịch sử đất nước, ở Mệ vẫn giữ phong thái nhẹ nhàng, ung dung nhưng không cao cách, ngay cả thời thất thế, Mệ vẫn không cầu cạnh ai, "giấy rách phải giữ lấy lề".
Chú Thiện - con trai Mệ - dù bị khuyết tật ở chân từ nhỏ nhưng mỗi ngày vẫn đạp xe 30-40 km đi bán vé số, bất kể mưa hay nắng, đến giờ trưa chú lại về ăn cơm cùng gia đình. O con dâu cùng các cháu, ban ngày lo cơm nước, ruộng vườn hay đi giúp việc hoặc bán đồ tại chợ, đến tối lại cùng nhau quây quần may gối để kịp giao cho khách. Mỗi dịp lễ, Tết, gia đình vẫn làm các loại bánh mứt, món ăn truyền thống.
Nhiều người hay nói văn hóa Huế phong phú, độc đáo chẳng nơi nào có được. Thế nhưng, văn hóa Huế gồm những gì, độc đáo ở đâu, cung cách sống và ứng xử của người Huế đặc biệt thế nào, không phải ai cũng biết.
Hiểu đặc điểm của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, lịch sử một vùng đất, biết được những gì đã được họ duy trì nhiều thế hệ và định hình theo năm tháng, chúng ta mới xác định được nét riêng của vùng văn hóa ấy.
Trước khi đến Huế, ý niệm trong tôi về miền đất này là xứ sở trầm buồn, cổ kính, với trang phục cung đình, áo dài và thức ăn đặc trưng cay, mặn, ngọt. Nhưng không chỉ có vậy.
Tôi đã sống và tìm hiểu về Huế qua nhiều buổi điền dã, thăm hỏi, khảo sát. Mỗi người, mỗi câu chuyện là một mảnh ghép để tôi thêm hiểu cuộc sống và con người xứ Thần Kinh. Là một tu sĩ, tôi không bao giờ cho phép mình đánh giá người khác. Nhưng là một người sống ở Huế, nghiên cứu văn hóa Huế, tôi tự hỏi, chúng ta có đang nhìn nhận đủ về xứ Huế?
Theo tôi, nét Huế chính là sự nhẹ nhàng, thanh lịch của người Huế. Đó còn là lòng yêu nước, tinh thần hiếu hòa, trọng lễ nghĩa. Họ coi trọng các giá trị tinh thần, ý thức riêng về bản sắc ngôn ngữ, giọng nói, nếp sống tôn ti trật tự. Nói như vậy không có nghĩa là vẻ đẹp này không có ở vùng đất khác, vùng quê khác, có điều ở Huế, nó được hội tụ đậm đặc theo cách riêng. Các nét đặc trưng trên rất dễ để nhìn ra, rất dễ để cảm nhận ở người Huế. Chúng khiến tôi cho rằng đó là một loại "ưu thế" của đất kinh kỳ.
Người Huế sống hoài cổ nhưng không bảo thủ, lạc hậu. Có thể cách họ tiếp nhận cái mới cần phải có thời gian để thẩm thấu, nhưng ấy là quá trình đón nhận một cách cẩn trọng. Họ hài hòa áp dụng truyền thống tinh túy và điều mới vào cuộc sống. Ngay trong việc làm gối cung đình, trước đây Mệ chỉ làm vài mẫu cơ bản, nhưng giờ đây, gối của Mệ thêm hiện đại như mẫu gối mùa xuân, mẫu gối Giáng sinh.
Cách người Huế sống thường kín đáo trong lời ăn tiếng nói nhưng không thủ cựu. Gia đình Huế sống phép tắc, có trên có dưới, nhưng điều đó không đi ngược với truyền thống chung và văn minh của xã hội hiện đại. Người cha, người chồng giữ vị trí quan trọng nhưng không bắt tất cả thành viên gia đình phải theo mình. Chú Thiện không bao giờ áp đặt suy nghĩ của mình, luôn lắng nghe Mệ và vợ, con.
Ai đã một lần tới Huế, hẳn sẽ thấy người Huế sống rất hiền lành, ưa làm việc phước, thường xuyên đi lễ chùa để tích đức cho cháu con. Thêm một điều tôi thấy, họ sống rất nghị lực. Câu "chặp quên i" nghĩa là lâu rồi cũng quen hay được họ dùng khi có điều bất như ý. Tinh thần đó cũng đã hun đúc nên văn hóa xứ này.
Trước khi đánh giá văn hóa một vùng miền, ta phải tìm hiểu kỹ về nơi đó. Và bảo tồn từ đâu nếu không phải từ những con người tích hợp đậm đặc văn hóa Huế như Mệ Trí Huệ và nhiều gia phong khác của đất Kinh kỳ?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi
Góc nhìn Phật tử 08:40 24/11/2024Cuộc sống giống như nhịp điệu của cơn mưa. Khi những giọt nước rơi từ trên trời, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ướt át, lạnh lẽo và trầm lắng.
Hạnh phúc nơi tự thân
Góc nhìn Phật tử 08:20 24/11/2024Đức Phật là bậc tỉnh thức, đã phá trừ tất cả mọi tham đắm, mọi sự ràng buộc ở thế gian để tìm ra được chân như. Người đã đốt lên ngọn đèn trí tuệ, giúp người mê trở về nẻo chánh, và dẫn dắt nhân sanh vượt qua được đau khổ của trần gian, đi đến cuối đoạn đường huy hoàng thanh thoát.
Đối diện với cái chết của người thân
Góc nhìn Phật tử 15:10 23/11/2024Nhìn thấy người thân qua đời cũng là lúc ta nhận ra sự vô thường và tạm bợ trong cuộc sống. Cái chết khiến ta hiểu rõ hơn về giá trị của từng giây phút sống và tình yêu thương xung quanh mình. Nó khơi dậy những suy tư về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và những ước mơ ta muốn thực hiện.
Thiền và tập tạ
Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.
Xem thêm