Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 25/11/2022, 09:45 AM

Người mẹ làm 'đôi mắt' đưa con đến trường

Mười năm trước, khi chào đời cô bé Bảo Oanh đã không nhìn thấy ánh sáng, nhưng bóng tối không khiến em sợ sệt bởi luôn có mẹ đồng hành.

Đôi tay vịn cột gỗ, Cà Thị Bảo Oanh lần đi từ từ xuống từng bậc thang nhà sàn, bên dưới mẹ dựng sẵn xe máy đứng chờ. Chị Khoàng Thị Chính vội gạt chân chống, chạy đến dìu con gái ngồi lên xe. Sau câu hỏi "Ngồi chắc chưa con?" và cái gật đầu từ Oanh, chị Chính nổ máy chạy thẳng đến trường.

"Có hôm đi làm xa, con tự đi học một mình bị ngã, tôi hoảng hồn bỏ việc chạy về. Bây giờ bận cỡ nào cũng ráng đưa con đến trường", người mẹ 30 tuổi nói.

Ngôi nhà sàn gỗ rộng chừng 40 m2 của gia đình Oanh nằm ở con dốc thuộc bản Mường Toong 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé. Bé Bảo Oanh là con lớn trong gia đình có hai chị em. Hoàn cảnh đã khó khăn, thêm người bố nghiện ma túy, mọi gánh nặng đè lên đôi vai gầy của chị Chính.

Chị Khoàng Thị Chính đưa con gái bị mù đến tận trường tiểu học Mường Toong, sáng 24/10. Ảnh: Minh Tâm.

Chị Khoàng Thị Chính đưa con gái bị mù đến tận trường tiểu học Mường Toong, sáng 24/10. Ảnh: Minh Tâm.

Chị Khoàng Thị Chính là người dân tộc Thái, nhà nghèo nên chỉ được học tới lớp 8. Năm 2010, Chính đi lấy chồng. Những tưởng cuộc sống sẽ đỡ vất vả, nào ngờ gia đình chồng càng khổ hơn. Mẹ chồng mất sớm, bố chồng nghiện nặng đang cải tạo ở huyện, để lại hai đứa em mù. Vợ chồng Chính thay bố mẹ lo các em ăn học.

Năm 2012, Chính và chồng dựng tạm ngôi nhà tre dọn ra riêng. Thời gian này cô bé Oanh chào đời được gần 3 kg. Dù thấy con khỏe mạnh bụ bẫm nhưng người mẹ trẻ vẫn bất an khi nhìn vào đôi mắt vô hồn của con. "Được tầm một tháng, mắt cháu vẫn mở đau đáu, mình nói chuyện nhưng con không có phản ứng gì cả, thực sự rất lo", chị Chính kể.

Gắng gượng đến khi con một tuổi, chị thấy mắt con to ra khác thường, sợ ánh sáng và cứ nheo lại. Thấy không ổn, người mẹ đi vay tiền nhà ngoại đưa con đi khám ở Điện Biên. Bác sĩ chẩn đoán cô bé bị mù bẩm sinh, nhưng không rõ nguyên nhân. "Thật sự tôi không thể tin con sẽ mù vì nó vẫn khỏe mạnh từ khi mới sinh ra", mẹ Oanh đôi mắt ửng đỏ nói.

Trở về nhà, Chính vẫn nuôi hy vọng tìm lại ánh sáng cho con. Chị đi làm thuê đủ nghề, tích góp một ít, vay thêm hàng xóm được 10 triệu đưa con xuống Hà Nội khám. Kết quả vẫn như lần trước.

"Đứng trước bệnh viện tôi ôm con khóc, rồi nghĩ mình là người mẹ vô dụng, sinh con ra làm gì để con khổ cùng mình", chị Chính cầm vạt áo đã sờn màu lau nước mắt đang chảy, nhớ lại.

Từ ngày đó, Chính chấp nhận sự thật. Chị tập nhắm mắt đi lại trong nhà để hiểu cảm giác và cách sinh hoạt của người mù, chuẩn bị cho những tháng ngày đồng hành cùng con.

Năm cô bé được hai tuổi, Chính cho đi học mẫu giáo. Được vài buổi thấy tội con khi chỉ ngồi co ro một góc, không thể vui chơi cùng bạn bè. Chị quyết định để con ở nhà. Ban ngày, Oanh chơi với cô chú cũng bị mù bẩm sinh trong nhà, mẹ đi lên nương. Chiều tối trở về, chị dành thời gian tập cho con tự tắm, tự ăn và giúp con cảm nhận các vật dụng trong nhà.

Bảo Oanh phải ghé mắt sát tập vở để viết bài, trưa 24/10. Ảnh: Minh Tâm.

Bảo Oanh phải ghé mắt sát tập vở để viết bài, trưa 24/10. Ảnh: Minh Tâm.

Mất đi đôi mắt nhưng bù lại, Bảo Oanh có giọng hát rất hay. Lên ba tuổi, cô bé thích múa hát, bập bè đòi đi học. Chính đành cho con đến trường. "Ở mẫu giáo con đã đi thi hát được giải nhất. Tôi vui lắm. Từ đó, tôi nghĩ dù có nghèo đến mấy cũng cho con đi học", người mẹ bộc bạch.

Kể từ đó, cứ 4h30 sáng hàng ngày, chị Chính dậy nấu cơm cho hai đứa nhỏ và chồng. Sau đó, chị chở con đến trường. Dắt Oanh vào tận lớp chị mới an tâm rời đi. Buổi chiều, người mẹ lại cùng chiếc áo bảo hộ lao động lấm tấm vôi vữa ở công trình hớt hải về đón con. Cứ như thế, gần 8 năm đưa con đến trường, mỗi bước đi của Bảo Oanh luôn có bóng dáng của mẹ. Dù không thể nhìn rõ mọi vật xung quanh, nhưng em luôn yên tâm vì có mẹ là đôi mắt của mình.

Oanh kể có hôm mẹ đi làm xa, không kịp đón, cô bé tự bám theo sau bạn học về nhà. "Có lần em bị ngã, trầy cả chân tay, từ đó mẹ không dám để em tự đi một mình", cô bé lớp 5 trường tiểu học Mường Toong, nói.

Làm việc vất vả là vậy, tối đến, chị Chính vẫn dành 30 phút ôn toán và đọc cho con viết chữ. "Tôi sợ trên lớp con không nhìn thấy sẽ khó tiếp thu được bài học", chị nói.

Chính kể, hai đứa con là niềm an ủi lớn trong đời chị. Dù không nhìn thấy nhưng Oanh rất thương mẹ, biết rửa chén, phụ mẹ quét nhà. "Mỗi lần mệt mỏi, con cứ hát cho nghe. Bao nhiêu cái cực mình thấy được giải tỏa", chị bày tỏ.

Bảo Oanh phải ghé mắt sát tập vở để viết bài, trưa 24/10. Ảnh: Minh Tâm.

Bảo Oanh phải ghé mắt sát tập vở để viết bài, trưa 24/10. Ảnh: Minh Tâm.

Bốn năm tiểu học, Oanh luôn đạt giải nhất cuộc thi hát ở trường. Cô Hà Thị Duyên (32 tuổi), giáo viên chủ nhiệm kể, mỗi lần Oanh đi thi, chị Chính luôn có mặt cổ vũ cho con. "Ở vùng cao này, phụ huynh người dân tộc đa phần chỉ lo đi làm, ít ai đồng hành, thương con như chị Chính", cô nói.

Hôm 20/11, Bảo Oanh tham gia văn nghệ ở trường nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chị Chính để dành một ít tiền mua tặng con đôi giày mới. "Tôi muốn con thật xinh khi lên sân khấu. Năm nào cô giáo chủ nhiệm cũng hỗ trợ trang điểm cho con. Tôi làm mẹ nhưng dốt chuyện đó lắm. Chỉ biết động viên con thôi", Chính phân trần.

Đã hơn một tháng nay, bố Oanh bỏ đi Hà Nội. Chị Chính cũng can đảm nộp đơn ly hôn chờ ngày ra tòa. Chị bảo đây là cách tốt nhất để chị tập trung lo cho con.

Lâu lâu, Oanh lại thủ thỉ với mẹ: "Con muốn đi học hát. Sau này lớn con sẽ hát kiếm tiền nuôi mẹ". Thương con, chị lặng lẽ rơi nước mắt nghĩ về tương lai.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương

Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024

Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.

Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo

Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024

Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.

Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần

Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024

Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.

Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học

Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024

Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Xem thêm