Nhận tro cốt người mất vì Covid-19: Con trai bật khóc, người trao đau xót trước mất mát
3 người trong gia đình cùng là F0 đi cách ly tập trung. 2 người âm tính khỏi bệnh trở về, còn người chị không may đã mất vì Covid-19. Còn nỗi đau nào hơn, ông T. ôm ngực khóc khi nhận hũ tro cốt chị gái từ quân đội để lo hậu sự.
Người trao và người nhận đều đau xót vì mất mát quá lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
“Tối 3.8, chị A. ho khan suốt đêm, sáng 4.8 thì mất. Nằm cùng phòng cách ly mà không làm gì được, lực bất tòng tâm. Nay tro cốt chị được các anh bộ đội đưa về với gia đình, đó cũng là nguyện vọng của chị, chúng tôi không biết nói gì hơn…”, ông Nguyễn Anh T. (64 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) nghẹn lời. Hai dòng nước mắt thấm ướt cả khẩu trang của người đàn ông tóc bạc trắng.
Bật khóc khi thấy mẹ trở về
Trưa 9.8, trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Q.7, cùng dân quân tự vệ ôm hũ tro cốt của người dân Q.7 mất vì dịch Covid-19 trao tận tay người thân tại phường Tân Thuận Tây. Xe dừng trước căn nhà cổng sơn màu đen, có treo tấm bảng đỏ “gia đình đang có người cách ly y tế”, tổ công tác mặc bộ đồ bảo hộ, đi vào phía trong.
Nhận hũ tro cốt của chị gái, ký vào tờ giấy xác nhận, ông T. nghẹn đắng nói lời “cảm ơn” – hai từ vỏn vẹn nhưng đau đớn tột cùng. Trung tá Hừng động viện: “Đây là bổn phận của tụi cháu, xin chia buồn nỗi đau mất mát với gia đình”. Ông T. nức nở: “Mình chứng kiến chị A. trở bệnh nặng ra sao, rối bời lắm. Giờ tôi cũng còn hơi mệt nhưng xét nghiệm âm tính nên được về rồi, chị tôi thì giờ mới về đến đây với gia đình”.
Theo lời bà Phan Thị Mộc H. (62 tuổi, vợ ông T.), bà A. là chị ruột của chồng, sống cùng nhà và nằm cùng phòng cách ly với vợ chồng bà trên đường Nguyễn Văn Quỳ. Trong khu cách ly, bà H. là người chăm chị chồng, đến 3.8, bà A. trở nặng, ho khan suốt đêm và được chuyển đến khu bệnh nặng. Sáng 4.8 bác sĩ báo bà A. không qua khỏi.
Vừa đau đớn, vừa áp lực, vừa lo sợ, suốt mấy ngày ròng cả gia đình sốt ruột chờ ngày đón được bà A. về để lo hậu sự. Tới bây giờ, cả nhà vẫn đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà nên nếu không được địa phương mang tro cốt chị gái đến tận nhà, vợ chồng bà cũng không biết phải xoay xở thế nào.
Cũng trong chiều 9.8, Ban chỉ huy quân sự Q.7 đã mang hũ tro cốt của bà N.T.Q (72 tuổi, ngụ P.Bình Thuận) đến chùa Giác Huệ trao cho cho người nhà. Cố nén đau buồn, ông Nguyễn Văn Hai (50 tuổi) và em trai cầm sẵn trên tay cây nhang, tấm ảnh thờ hiếm hoi của mẹ đứng chờ trước cổng chùa, vừa nhìn thấy hũ tro cốt của mẹ, hai người đàn ông trung niên nức nở khóc.
“Sau bao ngày lo lắng, giờ chúng tôi mới đón được mẹ về một cách trang trọng. Hết dịch, tôi sẽ đón mẹ về lo chôn cất theo nguyện vọng”.
_Ông Nguyễn Văn Hai_
Ông Hai cho biết, mẹ ông phát hiện nhiễm Covid-19 và được đưa vào BV Phạm Ngọc Thạch điều trị. Sau 1 tuần, cả nhà nhận tin mẹ mất, nhưng không trực tiếp lo hỏa táng mà phải chờ địa phương thông báo. Suốt mấy ngày, cả nhà sốt ruột điện thoại tới lui hỏi thăm tình hình. Đến trưa nay, nhận tin từ Ban chỉ huy quân sự quận, hai anh em ông nhờ trao ở chùa để tiện việc thờ cúng.
“Sau bao ngày lo lắng, giờ chúng tôi mới đón được mẹ về một cách trang trọng. Hết dịch, tôi sẽ đón mẹ về lo chôn cất theo nguyện vọng”, ông tâm sự.
“Quá xót xa....Ôm trên tay những hũ cốt như vậy, chúng tôi rất đau xót cho những mất mát của bà con mình trước tình cảnh như thế".
_Trung tá Huỳnh Văn Hừng_
Trực tiếp đi trao những hũ tro cốt của người mất vì Covid-19 đến tận nhà dân, trung tá Hừng bộc bạch: “Quá xót xa. Nhận được tro cốt từ Bộ Tư lệnh TP, chúng tôi liên hệ ngay với gia đình để bàn giao. Nếu như chưa tìm được gia đình, người thân sẽ đặt trang trọng các hũ tro cốt tại phòng thờ của quận. Ôm trên tay những hũ cốt như vậy, chúng tôi rất đau xót cho những mất mát của bà con mình trước tình cảnh như thế”.
Hành trình đưa người mất vì Covid-19 về nhà
Từ ngày 7.8, Bộ Tư lệnh TP.HCM có tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ trao tro cốt người mất vì Covid-19 đến tận tay người thân. Từ 6 giờ sáng, 20 người trong màu áo lính có mặt tại Nhà tang lễ TP (Q.Bình Tân) bắt đầu công việc. 9 giờ sáng, chuyến xe đầu tiên trong ngày khởi hành đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để nhận tro cốt.
Theo chân tổ công tác đặc biệt này, PV ghi nhận, mỗi người một việc, từ việc làm giấy tờ, xác nhận, sắp xếp đến di chuyển các hũ tro cốt đều được thực hiện một cách trang trọng.
Trung úy Đỗ Minh Thủy cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, 3 tháng qua anh không về nhà. Thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan phòng chống dịch, nhưng 3 ngày qua, được giao thực hiện nhiệm vụ đưa tro cốt người mất vì Covid-19 về với gia đình khiến anh có những cảm xúc khó tả.
“Nhiệm vụ này đặc biệt thiêng liêng, trên tay chúng tôi là đồng bào không may mất vì dịch bệnh nên ai cũng đau xót và xúc động”.
_Trung úy Đỗ Minh Thủy_
“Nhiệm vụ này đặc biệt thiêng liêng, trên tay chúng tôi là đồng bào không may mất vì dịch bệnh nên ai cũng đau xót và xúc động”, anh Thủy chia sẻ.
103 hũ cốt được sắp xếp ngay ngắn phía sau thùng xe tải, 3 người bộ đội ngồi nhìn ra phía sau, tiếng còi cấp cứu réo rắt thỉnh thoảng vụt qua, trung úy Thủy lại thở dài. Anh và đồng đội cúi xuống, xếp lại tờ giấy thông tin bên ngoài các hũ tro cốt vừa bị gió thổi tốc lên.
Về đến Nhà tang lễ TP, các hũ tro cốt được đặt đúng vị trí, tuyệt đối không để nhầm lẫn, thất lạc trên các dãy bàn inox chia theo khu vực quận, huyện. Bàn thờ phía trước lúc nào cũng nghi ngút khói, cán bộ chiến sĩ thay phiên nhau liên tục đốt nhang, kính cẩn cúi mình trước đồng bào mất vì đại dịch.
Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết, sau khi đưa tro cốt người mất vì Covid-19 về đến Nhà tang lễ TP, cán bộ sẽ liên hệ địa phương làm sao nhanh nhất đưa bà con ở đây về với gia đình vì gia đình họ cũng đang rất mong chờ.
Theo thượng tá Tuynh, trường hợp người mất không phải ở TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP sẽ liên lạc với các tỉnh, thành theo giấy tờ thông tin của người mất, từ đó kết nối gia đình, tổ chức vận chuyển về nhanh nhất. Một vài trường hợp gia đình ở tỉnh, thành khác không lên được TP.HCM để nhận tro cốt người thân có thể nhờ người đến nhận giúp.
Đại úy Sử Tấn Phi Long, Chính trị viên đại đội trinh sát đặc nhiệm Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết, công việc của các chiến sĩ trong tổ công tác đặc biệt thường kết thúc vào 22 giờ mỗi ngày để bàn giao cho các quận, huyện.
“Dịch bệnh Covid-19 làm nhiều gia đình mất đi người thân yêu. Nhìn vào số lượng tro cốt người mất vì Covid-19 như vậy, tôi rất đau lòng, mong rằng người dân thực hiện nghiêm 5K, hạn chế ra đường để chung tay cùng TP chống dịch”, đại úy Long bày tỏ.
Nguồn: Báo Thanh Niên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm