Thứ, 25/03/2024, 11:36 AM

“Nhiều Phật tử đi chùa mà tâm chưa trụ”

Trò chuyện cùng Thượng toạ.TS Thích Huệ Pháp, trụ trì Chùa Pháp Sơn (Nha Trang) về ý nghĩa của việc tổ chức các khoá tu cũng như việc hoằng dương Phật pháp, hiện trạng của Phật tử... trong bối cảnh hiện nay.

Thượng toạ.TS Thích Huệ Pháp, trụ trì Chùa Pháp Sơn (Nha Trang).

Thượng toạ.TS Thích Huệ Pháp, trụ trì Chùa Pháp Sơn (Nha Trang).

PV: Nhân duyên khiến Thầy mua đất, lập chùa là gì? 

⁃ Thượng toạ Thích Huệ Pháp: Năm 2013 Thầy học xong, lấy bằng Tiến sĩ bên Ấn Độ xong về. Lúc đi học Thầy có ý định thành lập một ngôi chùa - mình muốn cuộc đời mình phải làm được một điều gì đó có ý nghĩa,  muốn tự tay mình lập nên cơ nghiệp. Thầy là đệ tử của Hoà thượng Trí Viên, trước khi viên tịch Sư phụ của Thầy có ý định giao cho Thầy chùa ở Hoà Tân, Cam Lâm nhưng Thầy muốn để cho quý huynh đệ ở đó nên không nhận và quyết tâm đi lập chùa.

Khoảng năm 2015 - 2016, Thầy mới tìm vào Khánh Vĩnh để mua đất nhưng tìm chỗ này, chỗ kia không mua được…Sau đó Thầy mới vào Đồng Bò, xã Phước Đồng thấy địa hình nhiều núi, thuận duyên khoảng 1 tháng sau Thầy đã mua đất ở đây.

Khoảng cuối năm 2016, Thầy bắt đầu lên đây cúng đất, xây dựng chùa. Chùa xây trong vòng 6 năm nay, để làm đường lên chùa, Thầy phải mở 4 con đường và đến con đường thứ 4 mới thành công. Ban đầu là trồng cây, gây rừng, lúc đó trên núi không có điện, phải dùng điện năng lượng mặt trời để sử dụng nước.

Cuối năm 2022, tỉnh đã có chủ trương cho phép thành lập chùa và chùa đã được quy hoạch vào đất tôn giáo. Cách đây hơn 1 năm, đã thiết kế xong chùa, dự tính chùa sẽ trở thành nơi phát triển du lịch tâm linh mà quan trọng là tổ chức các khoá tu. Năm nay, 2024, chùa sẽ bắt đầu thực hiện các khoá tu. 

PV: Vậy thưa Thượng toạ, lợi ích của việc tổ chức các khoá tu ở đây là như thế nào?

⁃ Trước đây, ở dưới chùa của Sư phụ Thầy, một năm cũng tổ chức 12 kỳ khoá tu, mỗi khoá tu khoảng vài trăm người. Lợi ích của các khoá tu mang lại rất là lớn.

Thứ nhất là hướng dẫn Phật tử đi theo Chánh Pháp. Thứ hai là có những khoá tu dành cho các em thanh thiếu niên, các em chỉ cần đến chùa nhìn Phật, niệm Phật là các em đã tạo duyên lành với Phật, sau đó, các em có thể đi học, đi làm… Khi lớn tuổi quay về thì cội nguồn, bồ đề tâm lúc ban đầu bắt đầu phát khởi sẽ giúp các em gắn bó với Phật giáo. Đồng thời, các em cũng được các anh chị hướng dẫn tụng kinh, niệm Phật, kỹ năng sống,…hướng các em tới Phật. Cho nên Thầy mong muốn xây được ngôi chùa để tổ chức các khoá tu.

Cư sĩ Thiện Đức - Trưởng Ban biên tập Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam trò chuyện cùng Thượng toạ.TS Thích Huệ Pháp.

Cư sĩ Thiện Đức - Trưởng Ban biên tập Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam trò chuyện cùng Thượng toạ.TS Thích Huệ Pháp.

PV: Bạch Thượng toạ, vậy chùa Pháp Sơn đang tu theo Tịnh Độ tông, việc tổ chức các khoá tu, hướng dẫn cho các em, các cháu thanh thiếu niên niệm Phật với kỳ vọng giúp họ khởi phát được Bồ đề tâm ở trong chủng tử của họ - khi tuổi còn ấu thơ. Theo thầy, khi Phật pháp thấm đẫm vào trong ký ức, tuổi trẻ của con người thì có tác động như thế nào đến việc hình hành nhân cách, đạo đức của các bạn ấy sau này?

⁃ Không chỉ riêng chùa Pháp Sơn, hiện nay có rất nhiều chùa khác cũng tu theo Tịnh Độ tông. Tịnh Độ tông không phải cứ lên chùa niệm Phật là Tịnh Độ tông. Tịnh Độ tông của Phật giáo Việt Nam nó không chỉ đơn thuần là việc niệm Phật mà ở nhiều chùa còn bao gồm cả việc trì tụng Kinh Pháp Hoa, lạy Bồ tát Quan Thế Âm, có các khoá tu về Thiền….tuy nhiên hơi hướng chuyên về hành trì nhiều.

Tịnh Độ tông ở Việt Nam khá phát triển, chọn lọc những điều tinh tuý của các pháp môn khác. Nhưng trong các khoá tu, việc hành trì ít lại mà chủ yếu dạy về các kỹ năng sống qua lăng kính của Phật giáo. Ví dụ: Khi về chùa các em sẽ được lí giải vì sao các em phải lau nhà, rửa chén, thức khuya, dậy sớm….Lí do được các Thầy giải thích là vì các em cần làm những điều đó là để báo hiếu cha mẹ….Trong các khoá tu, các Thầy sẽ lồng ghép các câu chuyện, các hạnh nguyện của các chư Phật, chư Bồ tát dẫn dắt các em bằng những hành động cụ thể như khi cha mẹ ốm đau các em quan tâm, chăm sóc bố mẹ, cố gắng học tập để bố mẹ vui….

PV: Thưa Thượng toạ, được biết, Thượng toạ có tuổi đạo khá lớn, được tấn phong hàng Giáo phẩm, sau chừng ấy năm tu tập Phật pháp, hành đạo, Thượng toạ có nhận xét gì về khả năng lĩnh hội Phật pháp của các Phật tử mà Thầy biết và điều gì ở Phật tử hiện nay khiến Thầy phiền lòng nhất?

⁃  Qua quá trình Thầy hành đạo, Thầy nhận thấy rằng Phật tử ở Việt Nam có xu hướng theo số đông và có một số vị có xu hướng hướng ngoại nhiều. Những năm gần đây, nhiều khoá tu mời các vị Chư Tôn đức ở nước ngoài về hướng dẫn tu tập. Điều này là rất tốt, tuy nhiên điều quan trọng là sự tu tập, sự nghe pháp. Khi Thầy nghe một số vị đó giảng pháp trên mạng hoặc người ta dịch lại rất đơn giản, bình thường. Trong khi đó ở Việt Nam, có khá nhiều các vị Chư Tôn đức giảng pháp nghe rất sâu sắc…Cũng có khá nhiều vị giảng hay nhưng họ không muốn xuất hiện nhiều trên truyền thông, vì ở bối cảnh hiện này, truyền thông như con dao hai lưỡi, nếu mình không khéo, không đúng thì sẽ có tác động không tốt…

PV: Thầy có nhận xét gì về việc số đông Phật tử mặc dù theo đạo Phật nhưng cái tâm vẫn còn rất mê tín, chấp trước thậm chí còn mù quáng?

⁃ Hiện nay, điều này ở các Phật tử vẫn còn rất nhiều đặc biệt là Phật tử nữ. Ngoài việc đi chùa họ vẫn còn đi lễ Thần, lễ Thánh, đi xem bói…cái tâm của họ không được trụ, tâm vẫn còn sân si, lời ăn tiếng nói không đúng chuẩn mực…

PV: Vậy thì việc này là do căn tính của Phật tử nói chung hay là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về đạo Phật?

⁃ Một số Phật tử hiện nay đi chùa thích tụng Kinh, niệm Phật hơn còn nghe pháp thì ít. Hằng năm Giáo hội có tổ chức các khoá học về giáo lý để các Phật tử về học nhưng số lượng Phật tử đi học rất ít. Thầy thấy ở Khánh Hoà 10 năm trước và 10 năm sau số lượng Phật tử đi học hầu như không thay đổi, vậy nên nhiều Phật tử không hiểu nhiều về giáo lý.

PV: Đứng trước hiện trạng một số Phật tử mê tín, mê lầm như vậy, là một tu sĩ Phật giáo, theo Thầy Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và các tu sĩ Phật giáo nói riêng cần làm gì? 

⁃ Về Giáo hội do có quá nhiều vấn đề phải giải quyết nên việc quan tâm về Phật tử có lẽ cần nhiều hơn nữa.Có nhiều chùa hoạt động rất mạnh, có chùa thì không có hoạt động gì. Cho nên điều quan trọng là ở cả hai bên, chư Tăng Ni đặc biệt là chư Tăng Ni trẻ phải có sự dấn thân để quảng bá Phật giáo đến với rộng rãi cộng đồng Phật tử cũng như người yếu mến đạo Phật. Ví dụ đơn giản như việc Chư Tăng khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông…Người tu sĩ cần làm gương cho người đời…

Hằng năm, Giáo hội có ra thông tư hướng dẫn đẩy mạnh tổ chức các khoá tu, tuy nhiên chỉ nổi bật ở một số chùa còn hầu hết ở các chùa khác ít tổ chức - điều này cũng tuỳ vào vị trụ trì ở mỗi chùa. Vậy nên chúng ta cần đẩy mạnh tổ chức các khoá tu cho cả thanh thiếu niên, trung niên, khi có các khoá tu đó thì họ sẽ về chùa nhiều hơn.

PV: Xin Thượng toạ cho biết: Như Thượng toạ nói ở ban đầu, về lâu dài, chùa Pháp Sơn ngoài là một tổ chức tôn giáo, tổ chức các khoá tu để xiển dương Phật pháp đến người mộ đạo, đại chúng, có thể đây sẽ là một địa chỉ du lịch tâm linh trong tương lai. Đặt trong một vị trí đẹp - ở một thành phố du lịch bậc nhất Việt Nam, Thầy thấy việc kết hợp du lịch tâm linh với việc phổ độ Phật giáo tới chúng sinh ngay tại chùa Pháp Sơn có những lợi lạc gì?

⁃ Thầy thấy có những điều lợi lạc là: Khung cảnh chùa Pháp Sơn ở trên núi cao, thoáng mát, trong tương lai nếu được đầu tư đúng mức sẽ thu hút được nhiều Phật tử, du khách về tham quan…Khi họ về tham quan, chúng ta sẽ xiển dương để họ có thể tham gia các khoá tu, từ đó có thêm Phật tử, giúp Phật giáo ngày càng phát triển. 

PV: Trong xã hội hiện nay, việc chúng ta xuất hiện trên mạng internet và các phương tiện truyền thông đại chúng, việc sư trụ trì, chư Tăng sử dụng mạng xã hội có vai trò quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp, vậy thì ở chùa Pháp Sơn công tác này đang diễn ra như thế nào, thưa Thầy?

⁃  Hiện nay, Thầy đang sử dụng Zalo, Facebook, đang là quản trị trang Phật giáo Khánh Hoà của Ban Trị sự. Đồng thời Thầy cũng là Trưởng Ban Thông tin - Truyền Thông của tỉnh. Tuy nhiên, phụ thuộc vào tính cách của mỗi người, đối với Thầy, Thầy đang ở trạng thái trung dung và không muốn...nổi tiếng, bởi cái gì cũng có hai mặt. Khi mình nổi tiếng đồng nghĩa với việc sẽ dễ bị “vạ miệng” như một số sự việc gần đây, khi các video bị cắt ghép về việc các Thầy nói về vấn đề cúng dường…Khi các video đưa lên chúng ta cần thận trọng và kiểm soát chặt chẽ…

PV: Xin cảm ơn Thượng toạ. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"

Phỏng vấn 11:25 17/12/2024

Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

Phỏng vấn 09:37 12/12/2024

Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.

Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”

Phỏng vấn 11:39 11/12/2024

Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…

Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây

Phỏng vấn 15:56 07/12/2024

Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.

Xem thêm