Những câu chuyện hùng biện ly kỳ của tôn giả Ca Chiên Diên
Được tôn xưng là đệ tử có tài năng hùng biện giỏi nhất trong số các đệ tử của Phật Thích Ca, cho tới tận ngày nay, những tín đồ cửa Phật vẫn truyền tụng cho nhau nghe về những cuộc tranh luận ly kỳ của tôn giả Ca Chiên Diên trong việc hoằng hóa Phật pháp của ông trên khắp mọi miền Ấn Độ.
Tại thôn Di Hầu, nước A-bàn-đề (Avanti) miền Nam Ấn, có một gia đình giàu có dòng Bà-la-môn, được dân chúng toàn thôn kính nể. Tôn giả Ca-chiên-diên đã xuất sanh từ gia đình ấy. Phụ thân Tôn giả là quốc sư đương thời. Gia đình có nhiều đất đai rộng lớn, kẻ ăn người ở cả trăm, quyền thế, tài phú, là bậc đại nhơn gia đệ nhất của cả nước.
Tôn giả Ca Chiên Diên vốn tên gọi là Na-la-đà, con thứ hai của quốc sư Ca Chiên Diên. Ca Chiên Diên là họ, về sau Tôn giả nổi tiếng nên mọi người dùng họ để thay tên gọi.
Ca ca của Tôn giả cũng là một người thông minh, anh tuấn, hào sảng, ban đầu theo cha xuất gia làm Bà-la-môn, sau đi tham học khắp các nước, trải qua nhiều nơi, bái phỏng nhiều minh sư, cho nên thông đạt rất nhiều thứ học thuật, học rành nhiều tài nghệ.
Tranh luận về sự bình đẳng với quốc vương Mathura
Kể từ ngày tin theo Đức Phật, Ca Chiên Diên có khi tu học trong tăng đoàn của Phật, có khi 1 mình đi ngao du giáo hóa các nơi.
Phương pháp giáo hóa của Ca Chiên Diên không giống với cách giáo hóa của tôn giả Phú Lâu Na, 1 người cũng rất có tài ăn nói, được tôn xưng là người đệ tử thuyết pháp giỏi nhất của Đức Phật.
Khi Phú Lâu Na thuyết pháp, ông thường là tập hợp hàng ngàn tín đồ đến nghe, còn tôn giả Ca Chiên Diên thì ngược lại. Ông thích thuyết pháp riêng cho từng người.
Chuyện kể rằng, 1 hôm Ca Chiên Diên 1 mình 1 bát băng rừng vượt núi tới đất nước Mathura xa xôi ở tận vùng phía Tây để giáo hóa.
Khi đến Mathura, Ca Chiên Diên không vội vào thành mà đi khắp nơi xem xét dân tình, phong tục địa phương, lề lối sinh hoạt tập quán của nước này xong xuôi mới vào thành bái kiến Quốc vương.
Quốc vương Mathura thấy Ca Chiên Diên bèn hỏi: “Tôn giả! Tôi nghe nói ngài vốn dòng dõi Brahman (Bà la môn), đó là 1 chủng tộc cao quý nhất, còn Phật Đà là dòng Kshastriya (Sát đế lợi), mà nay ngài lại tin theo ông ta, làm đệ tử ông ta, thiệt là chẳng ép uổng lắm sao?”
Ca Chiên Diên nghe thấy Quốc vương nói vậy thì vẫn bình tĩnh và đáp: “Thưa Đại vương! Chuyện đó chẳng những không ép uổng gì hết, mà trái lại, tôi cảm thấy rất hân hạnh được làm đệ tử bậc đại thánh Phật Đà”.
“Lạ thật! Từ bỏ dòng dõi thanh tịnh cao quý để làm đệ tử 1 người dòng Sát đế lợi, thật là chẳng ai hiểu nổi”.
Biết ông vua này thủ cựu, Ca Chiên Diên ôn tồn giải thích: “Thưa Đại vương! Ngày xưa tôi là Bà la môn tôi cũng nghĩ như Đại vương. Nhưng sau khi nghe Phật Đà giáo thị, tôi mới biết đó là nhận thức sai lầm.
Trong xã hội chia ra giai cấp Bà la môn, Sát đế lợi, Vệ xa, Thu đà la, còn trên nghề nghiệp thì chia thành tôn giáo, chính trị, thương nghiệp, nông công.
Điều ấy không sai, nhưng từ đó mà nói rằng có chủng tộc cao quý, có chủng tộc thấp hèn thì thật là chẳng đúng chút nào.
Người trong dòng dõi nào cũng có thiện có ác. Hiện tại trong chủng tộc Bà la môn nhiều người làm những điều ác, nếu như vẫn nói rằng họ cao quý thì chẳng phải là sai lắm sao?”
Trước những lời lẽ thuyết phục của Ca Chiên Diên, quốc vương nước Mathura chợt như tỉnh ngộ. Quốc vương vui vẻ nói với Ca Chiên Diên: “Thì ra là như vậy.
Ở đất nước này, nhà tù chỉ nhốt toàn chủng tộc Thu đà la, còn những người thuộc dòng Bà la môn phạm pháp thì không sao cả. Hèn gì, xã hội hỗn loạn, nhân dân ta kêu thán như vậy”. Nói xong, Quốc vương Mathura yêu cầu Tôn giả cho mình được quy y Phật pháp.
Đồng thời, nhà vua ra lệnh đại xá, thả hết những tù nhân dòng Thu đà la, chỉnh đốn lại chính trị, bỏ luôn luật pháp bất công, không phân biệt giai cấp, giữa người và người đều chịu 1 quốc pháp như nhau.
Từ đó toàn cả nước vui mừng, nhân dân lạc nghiệp. Ai nấy đều cảm kích sự giáo hóa của tôn giả Ca Chiên Diên.
Tranh luận với những bậc trưởng thượng
Ca Chiên Diên theo đức Phật, tuyên bố chủ trương “Bình đẳng giữa bốn chủng tộc”. Điều ấy khiến nhiều Bà-la-môn không chịu được. Hễ gặp cơ hội họ liền tìm Ca Chiên Diên chất vấn, họ nghĩ rằng “Không triệt hạ Ca Chiên Diên thì các Bà-la-môn từ nay không cất đầu lên nổi”.
Tôn giả Ca Chiên Diên rất giỏi biện luận, không kể người đó là Bà-la-môn quyền uy đến đâu, khi gặp mặt, Tôn giả chỉ dùng vài lời ngắn gọn, không nói dài dòng lôi thôi, đều khiến kẻ vấn nạn phải vui vẻ khâm phục.
Một hôm, Tôn giả ở trong nước Ba-la-nại, cùng với các Tỳ-kheo đồng học thọ thực trong trai đường, tinh xá nằm bên ao Ô-nê. Có một Bà-la-môn, niên kỷ thuộc hàng trưởng thượng, biết Tôn giả đang ở đấy liền đến khiêu chiến. Lão Bà-la-môn chống gậy, làm thinh đứng bên cạnh Ca Chiên Diên, ý ông ta tưởng rằng: Ca Chiên Diên thấy mình đến chắc sẽ đứng dậy nhường chỗ ngồi. Nào dè ngoài ý dự đoán của lão, Ca Chiên Diên chẳng thèm nhìn đến ông, Bà-la-môn đợi hồi lâu bèn nổi giận, lớn tiếng trách:
- Các ngươi là giống gì? Đối với người già cả như ta tại sao không đứng dậy nhường ghế ngồi hử?
Các Tỳ-kheo một phen thất kinh, lắm vị đứng lên định nhường chỗ cho Bà-la-môn ngồi. Chỉ có Ca Chiên Diên chẳng nao núng chút nào, nói với Bà-la-môn nọ:
- Ông là người nào mà đến đây lớn tiếng ầm ĩ? Chúng ta có phép cung kính của chúng ta, nhưng mà ở đây không có ai là trưởng thượng và tiền bối.
Lão đạo sĩ Bà-la-môn nổi giận, quơ gậy chỉ vào cái đầu bạc của mình, nộ khí xung thiên la lên:
- Già cả như lão đây không phải là trưởng thượng hả? Không đáng cho người cung kính hả?
- Ông ấy à? Ông không đáng gọi là già lão, cũng không đáng thọ sự cung kính của chúng tôi! Ca Chiên Diên nói một cách khi dễ.
- Tại sao ngươi khi người quá vậy?
Lão Bà-la-môn nổi giận lôi đình, lấy gậy chỉ chỏ Ca Chiên Diên. Đối lại, Ca-chiên-diên rất điềm tĩnh, từ tốn nói:
- Tôi thấy cử chỉ và lời nói của ông thô tháo như thế, tôi mới nói ông không đáng gọi là người lớn, không đáng cho người ta kính trọng. Đừng kể là Bà-la-môn, dầu cho tám, chín chục tuổi, tóc bạc răng rụng mà không chân chánh tu đạo, đắm chìm trong trần sắc, không bỏ được phiền não, tham sân tật đố, người đó chỉ đáng gọi là thiếu niên. Như các người tuổi trẻ hai mươi quanh đây, da dẻ còn tươi nhuận, đầu tóc đen nhánh, nhưng họ đã thoát khỏi sự trói buộc của ái dục, không còn tham cầu nơi thế gian, không có chút xíu ý niệm bất bình sân hận. Được như vậy, chúng ta mới gọi người đó là bậc trưởng thượng, là bậc lão túc, đáng được tất cả chúng ta cung kính.
Lão Bà-la-môn nghe nói xong, chẳng biết trả lời lại thế nào, làm thinh đi ra.
Thuyết minh lý vô thường
Ca Chiên Diên biện tài vô ngại, nghị luận già dặn không ai sánh kịp, trong Tăng đoàn cũng như ngoài xã hội, danh cao vòi vọi không ai không biết.
Đức Phật rất thích các đệ tử lỗi lạc, chỉ cần có chút khả năng cũng được nêu lên tán dương. Ca Chiên Diên là một thánh đệ tử phi thường, đức Phật mỗi khi nhìn thấy hoặc nghe nói đến tên tôn giả đều rất hài lòng. Cho nên một hôm Ngài đến giáo hóa nước A-bàn-đề, bèn bảo Tôn giả thay Ngài giảng nói đạo lý vô thường cho tứ chúng.
Ca Chiên Diên đảnh lễ đức Phật trước sau mới nói:
“Các vị đại thiện tri thức! Tất cả mọi sự tụ hội đều có lúc ly tán, có sanh ắt có tử, có thành thì có hoại, các pháp hữu vi trên thế gian dù cho sơn hà đại địa, sum la vạn tượng cũng không thoát khỏi pháp tắc vô thường!
Các vị hãy nhìn xem, mùa xuân trăm hoa đua nở, một trận gió thu thổi tới liền biến thành cảnh tượng lá vàng rơi lả tả, vốn là tuổi trẻ mặt đẹp sắc hồng, trải qua năm tháng liền thành da nhăn tóc bạc, già nua lụm cụm.
Làm người nếu quả như không thoát khỏi sự vô thường thì cái sinh mệnh ngắn ngủi này thiệt là cô độc và bi ai lắm. Như giọt sương đọng trên cành, vừa lúc mặt trời lên chiếu rọi muôn ngàn tia sáng, nó đã tan biến theo bóng đêm.
Quyến thuộc, ân ái mà đến lúc già chết cũng không ai thay thế được. Con cháu hiếu thuận, trong lúc ông bà xuôi tay nhắm mắt cũng chỉ biết vây quanh người mà khóc kể, khóc đến mấy cũng không níu được vô thường, cũng không làm ông bà sống lại.
Kim ngân tài bảo cũng chẳng nương cậy được vững bền. Qua một cơn thiên tai, hỏa hoạn liền mất hết giá trị. Danh vọng quyền thế cũng không thật, trên thế gian có vương hầu nào không từng bị lật đổ?
Không rõ lý vô thường sẽ bị màu sắc rối ren của thế gian lừa đảo. Kìa là thiên nhiên núi xanh sông biếc, kìa là loài người sức khỏe tráng kiện, đây xã hội, đèn hồng rượu lục, mấy thứ ấy mới nhìn qua thật thú vị vô cùng, mà cũng thật là cạm bẫy hại người, vì đã chứa sẵn sự vô thường lo sợ.
Suy nghĩ kỹ mà xem, thế gian chỉ có vô thường là trên hết, nơi nơi đều là hư ngụy, giả dối lừa đảo. Chỉ có chân lý nhân quả và nghiệp lực mỗi người tạo tác là không hư ngụy, không dối gạt thôi. Nhân quả và nghiệp lực như bóng theo hình, dù sống dù chết chúng đều theo dính bên ta.
Vì thế, thưa các vị đại thiện tri thức! Người tu chúng ta cần phải có tinh thần khiêu chiến với con ma vô thường. Theo lời chỉ dạy từ bi của Phật-đà, chúng ta cần phải nỗ lực khẩn thiết tu tập, nhận thức được bộ mặt thật của chính mình, phá tan thế gian vô thường, chứng đắc sinh mệnh vĩnh cửu. Chúng ta không cầu sống, mà cũng chẳng bị chết!”
Lời chỉ dạy thống thiết của Tôn giả, nghĩa lý phân minh làm cảm động tất cả tứ chúng trong hội. Thay Phật thuyết pháp, chỉ có Ca-chiên-diên biện tài nghị luận, mới đầy đủ tư cách ấy, mới được vinh dự ấy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm