Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 07/06/2023, 16:42 PM

Những điều cần biết về vấn đề trợ niệm lúc lâm chung

Trợ niệm cho người bệnh lúc lâm chung là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được hiểu như là cách chuyển hóa tâm thức của chúng sinh trong những giây phút cuối của cuộc đời.

Audio

Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, chương 4, phẩm 8, kinh Già, đức Thế Tôn dạy:

“Sinh mạng này ngắn thay, 

Trong trăm năm, rồi chết,

Nếu ai sống hơn nữa,

Rồi cũng chết vì già.”

Sinh, già, bệnh, chết là quy luật tất yếu, tùy theo nhân duyên, nghiệp quả mà hình thức sống chết có khác nhau. Có người chết nơi hoang dã, chết vì tai nạn giao thông, chết bất đắc kỳ tử... không người thân thuộc bên cạnh, không đủ nhân duyên gặp được bậc thiện tri thức khai thị trợ niệm lúc sắp lìa đời. Điều này đã được Ngài Tịch Thiên dạy rõ trong Nhập Bồ-tát hạnh:  

“Chết là đi giữa cô đơn

Giã từ thân thuộc bỏ luôn xác này

Độc hành phiêu bạt như mây

Đâu còn thù, bạn với ai ích gì!”. 

Đây là tình cảnh đang rất phổ biến trong xã hội, nghĩ đến thật đau lòng lắm thay! 

Trợ niệm lúc lâm chung đã được đức Thế Tôn và chư Thánh đệ tử của Ngài khéo léo sử dụng như là một phương thuốc tinh thần giúp người lúc lâm chung thoát khỏi nỗi lo âu, sợ hãi và tìm thấy được sự an lạc trong cái chết để tái sinh về một kiếp sống tốt hơn.

Trợ niệm lúc lâm chung đã được đức Thế Tôn và chư Thánh đệ tử của Ngài khéo léo sử dụng như là một phương thuốc tinh thần giúp người lúc lâm chung thoát khỏi nỗi lo âu, sợ hãi và tìm thấy được sự an lạc trong cái chết để tái sinh về một kiếp sống tốt hơn.

1. Trợ niệm là gì? 

Trợ niệm là công việc giúp người sắp lâm chung khơi dậy câu Phật hiệu, hướng tâm cầu sinh về cõi Phật, tức là giúp cho chúng sinh đó thành Phật.

 2. Mục đích của ban trợ niệm 

Ban trợ niệm ra đời dựa trên tinh thần “Ban vui cứu khổ” nghĩa là vận dụng lòng từ, không muốn nhìn thấy chúng sinh khốn khổ lúc lâm chung, đọa lạc vào ba đường ác. Với mục đích nương theo nguyện lực độ tha của chư Phật, trợ giúp người lúc lâm chung trong giây phút quyết định, có thể ghi nhớ và niệm danh hiệu Phật, nhờ đó mà tâm được an tịnh, không bị phiền não, tham luyến quấy nhiễu, một lòng cầu sinh Cực Lạc liền được chư Phật tiếp dẫn y như sở nguyện.

Trong kinh A-di-đà Phật thuyết chép rằng: “Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A-di-đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A-di-đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A-di-đà”. 

3. Ý nghĩa thiết thực của ban trợ niệm 

Trợ niệm cho người bệnh lúc lâm chung là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được hiểu như là cách chuyển hóa tâm thức của chúng sinh trong những giây phút cuối của cuộc đời. Người chưa hiểu đạo vì kẻ ăn xin bố thí chút thức ăn no lòng lúc đói khát vẫn được xem là có lòng từ.Huống gì kẻ tu nhân tịnh nghiệp, siêng niệm hồng danh Phật há lại thấy khổ mà không cứu sao? Cổ đức dạy: “Niệm Phật một câu phước sinh vô lượng. Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa”. Thế nên, nếu là người chuyên niệm Phật nên lấy câu Phật hiệu làm phương tiện cứu độ chúng sinh. Vì cứu người là tự cứu chính mình, giúp người niệm Phật cũng chính là giúp mình niệm Phật, giúp người vãng sinh Cực Lạc thành Phật cũng là gieo nhân thành Phật cho chính mình. Hiểu và làm được việc này thì chư Phật ba đời đồng khen ngợi, công đức thật vô lượng vô biên không thể nào suy lường được.

4. Phương pháp trợ niệm lúc lâm chung 

Trợ niệm lúc lâm chung đã được đức Thế Tôn và chư Thánh đệ tử của Ngài khéo léo sử dụng như là một phương thuốc tinh thần giúp người lúc lâm chung thoát khỏi nỗi lo âu, sợ hãi và tìm thấy được sự an lạc trong cái chết để tái sinh về một kiếp sống tốt hơn.

Lịch sử đức Phật có kể rằng: “Khi nghe tin vua Tịnh Phạn sắp mạng chung, đức Phật đã lên đường về lại quê nhà. Bên cạnh giường bệnh, đức Phật đã nhẹ nhàng cầm tay vua cha, dùng lời hòa kính khai thị khiến cho đức vua không còn lo sợ, buồn rầu nữa. Trong bảy ngày còn lại của đời người đức vua đã rất hạnh phúc khi được nhìn mặt, được nghe bài pháp chân thành tràn ngập lòng yêu thương từ nơi Thế Tôn, nhờ đó mà vua đã chứng được quả A-la-hán trước khi xả báo thân.” 

Tùy theo thời gian, hoàn cảnh, phương pháp tu tập mà sự trợ niệm cũng được phân chia theo hai hệ thống: 

a. Hệ thống Nam truyền 

Phương pháp trợ niệm trong hệ thống Nam truyền là những lời pháp thoại ngắn do chính đức Phật hoặc các vị Thánh đệ tử như ngài Xá-lợi-phất, ngài A-nan... trực tiếp khai thị. Nội dung khai thị cũng được uyển chuyển phù hợp với từng đối tượng, nhằm củng cố niềm tin kiên định đối với Tam bảo, giá trị của đời sống phạm hạnh, công đức của các việc thiện lành và sự xác quyết của Tam pháp ấn: Vô thường, Khổ, Vô ngã.  

Xuyên suốt trong hệ thống kinh tạng Nikaya có rất nhiều những bài thuyết pháp với nội dung như trên, trưởng giả Cấp Cô Độc là một trong những trường hợp đó.  

Khi bệnh trở nên trầm trọng, trưởng giả đã nhờ một người đi đến thành Xá Vệ, rừng Kỳ Đà đảnh lễ Thế Tôn xin được phép thỉnh tôn giả Xá-lợi-phất đến nơi mình đang ở. Tôn giả Xá-lợi-phất nhận lời rồi đến gặp và có lời khai thị cho ông Cấp Cô Độc về sự buông xả, không chấp thủ mọi vật trên tinh thần vô ngã. Kinh Trung bộ, kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc chép: “...Thưa Tôn giả Sariputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu.

Thưa Tôn giả Sariputta, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu con. Thưa Tôn giả Sariputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết chặt; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, con cảm thấy bị đau đầu một cách kinh khủng...” Cứ như vậy sự thống khổ về thân thể lúc tan rã khiến cho tâm của trưởng giả Cấp Cô Độc không thể nào an lạc.  

Tôn giả Xá Lợi Phất đã ân cần khai thị về sự không chấp thủ vào 6 căn, 6 trần cho đến 6 thức như sau “...Do vậy, này Cư sĩ hãy học tập như sau : “Tôi sẽ không chấp thủ con mắt, và tôi sẽ không có thức y cứ vào con mắt”. Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: “Tôi sẽ không chấp thủ tai, và tôi sẽ không có thức y cứ vào tai”. Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ mũi... y cứ vào mũi... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ lưỡi... y cứ vào lưỡi.... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ thân... y cứ vào thân... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ ý... y cứ vào ý... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ sắc... y cứ vào sắc... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ tiếng... y cứ vào tiếng... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ hương... y cứ vào hương... hãy học tập như vậy. Do vậy.... không chấp thủ vị... y cứ vào vị... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ xúc... y cứ vào xúc... hãy học tập như vậy. Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: “Tôi sẽ không chấp thủ pháp, và tôi sẽ không có thức y cứ vào pháp”. Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy...” 

Nhờ nghe bài pháp này của tôn giả Xá Lợi Phật và sự giảng dạy của Tôn giả A-nan, cùng với phước đức mà ông đã tích tụ trong những năm tháng làm người cư sĩ ngoại hộ bên cạnh đức Thế Tôn và Tăng đoàn nên sau khi thân hoại mạng chung ông được sinh về cõi trời Đâu Suất. Kinh cũng chép: “...Rồi Tôn giả Sariputta và Tôn giả Ananda sau khi giảng dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc với bài thuyết giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi cư sĩ Cấp Cô Độc, sau khi Tôn giả Sariputta và Tôn giả Ananda ra đi không bao lâu, sau khi thân hoại mạng chung liền sinh lên cõi Tusita (Đâu-suất thiên)...” 

Trên đây là một trong số những trường hợp tiêu biểu về trợ niệm lúc lâm chung được tìm thấy trong hệ thống kinh tạng Nam truyền. Qua đó cho thấy giá trị thực tiễn và ý nghĩa vô cùng to lớn của việc trợ niệm đối với những người đang trong giây phút cuối cuộc đời. 

Đối với hầu hết những chúng sinh có tu tập hay không tu tập nhưng chưa dự phần vào Thánh quả thì giây phút lâm chung rất cần có thiện tri thức bên cạnh khai thị nhằm chuyển hóa tâm thức một cách mãnh liệt để có thể không rơi vào những đường ác và tối thiểu cũng được tái sinh ở cõi người.

b. Hệ thống Bắc truyền

Trợ niệm lúc lâm chung trong hệ thống Bắc truyền phần nhiều được pháp môn Tịnh độ và Mật tông xiển dương.

 Mật tông căn cứ vào “Sáu pháp chuyển di tâm thức” của tổ sư Naropa và “5 giáo huấn chuyển di tâm thức” về cõi Tây phương Cực Lạc được đề cập đến trong Lời vàng của thầy tôi. Muốn thực hành những phương pháp kể trên cần phải có một bậc thầy đầy đủ năng lực tâm linh hướng dẫn, đồng thời phải trải qua một thời gian dài tu chứng thực hành từ bước căn bản như: Quy y và phát Bồ-đề tâm, các giai đoạn chuẩn bị, các giai đoạn phát triển và sau cùng là các giai đoạn hoàn thiện. 

Tuy nhiên theo pháp môn Tịnh độ phương pháp trợ niệm lúc lâm chung có phần đơn giản hơn nhưng không vì thế mà lơ là xem thường hoặc làm qua loa, chiếu lệ.  Việc thành lập ban trợ niệm phải được chọn lọc kỹ càng dưới sự hướng dẫn của ít nhất là một vị Thầy có đức độ, uy tín. Phương thức trợ niệm cũng phải phù hợp theo tinh thần chánh pháp Phật dạy. Để kết quả trợ niệm được thành tựu viên mãn cần phải phối hợp chặt chẽ các yếu tố sau:

Yêu cầu đối với người trợ niệm 

Ngày nay vấn đề thành lập và sinh hoạt của ban trợ niệm có nhiều thay đổi tích cực để thích nghi với hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có rất nhiều ban trợ niệm rơi vào tình trạng mất phương hướng xa rời với chánh pháp, làm mất tôn nghiêm, gây ảnh hưởng không tốt đến pháp môn tu tập.

Để làm trong sạch, vững mạnh nội bộ của ban trợ niệm, cần phải biết rõ những điều gì có thể dẫn đến sự tha hóa biến chất của một thành viên.

Những yếu tố cần thiết

Đồng thời củng cố, xây dựng cho tự bản thân mỗi thành viên những yếu tố tối thiểu cần thiết để hình thành nên tư cách của một người trợ niệm.  

Quy y và một lòng kính tin Tam bảo

Thọ trì năm giới cấm

Kính trọng Hòa thượng Bổn sư và các bậc tôn đức

Có lòng từ bi phục vụ chúng sinh không mệt mỏi

Kính nhường, thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ đối với mọi người

Có trách nhiệm đối với công việc Phật sự

Gia đình hòa thuận, hạnh phúc

Có uy tín trong cuộc sống

Làm tròn trách nhiệm với gia đình

Sức khỏe tốt, không bệnh truyền nhiễm

Những điều nên tránh

Không tự phụ, kiêu căng, cống cao ngã mạn

Không chê bai kinh điển Nam truyền (Phật giáo Nguyên thủy)

Không phỉ báng các pháp môn tu khác của Bắc truyền (Phật giáo Phát triển)

Không gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ

Không nhận quà biếu, tiền bạc do gia đình người được trợ niệm dâng tặng

Không được nói xấu, khinh miệt gia đình và người được trợ niệm

Yêu cầu đối với gia đình người được trợ niệm

Gia đình người bệnh là yếu tố không thể thiếu trong quá trình trợ niệm. Vì thế cần có những yêu cầu đặt ra để gia đình theo đó mà nhận biết được những gì nên và không nên làm, nhằm giúp cho người thân của mình có một chuyến đi xa an lành, thuận lợi.

Những điều cần thiết

Tỏ lòng nhiệt thành chăm sóc người bệnh

Ân cần khuyên nhủ, an ủi, động viện người bệnh vượt qua đau khổ do bệnh tật, nghiệp chướng

Chuẩn bị hậu sự một cách gọn gàng, chu đáo

Vệ sinh sạch sẽ phòng ở và cơ thể người thân

Sinh hoạt, đi lại, trò chuyện nhẹ nhàng, kín đáo

Nếu có điều kiện nên để người bệnh ở một phòng riêng, thoáng mát

Liên hệ và thỉnh mời ban hộ niệm tại các chùa gần nhất

Những điều nên tránh

Không nên lôi kéo người thân vào các cuộc tranh chấp tài sản

Không nên than khóc, buồn rầu trước mặt người thân

Không nên làm cơ thể và tinh thần người thân bị kích động mạnh

Không nên tổ chức ăn uống, tiệc tùng làm mất sự an lành của người thân

Không nên để chó, mèo hoặc các vật dụng có mùi khó chịu trong phòng người bệnh

Mối tương quan giữa ban trợ niệm và gia đình người bệnh

Để kết quả của việc trợ niệm được thành tựu như ý nguyện, đối với chuyên môn ban trợ niệm cũng cần phải nắm rõ những điều căn bản làm sao cho công việc tiến hành đúng như mục đích và ý nghĩa đặt ra.Song song, điều kiện cần thiết là sự hợp tác tích cực từ phía gia đình. Nếu gia đình không đồng thuận quan điểm thỉnh ban trợ niệm, chắc chắn việc tiếp sức cho người lúc lâm chung sẽ không như mong muốn. Thế nên, sự hợp tác nhịp nhàng giữa hai bên là điều vô cùng quan trọng.

Các việc cần làm trước khi trợ niệm

Ân cần hỏi thăm gia đình và tình trạng sức khỏe, tinh thần của người bệnh

Hỏi rõ nguyên nhân và quá trình thời gian lâm bệnh

Hỏi rõ sở thích của người bệnh

An ủi, khuyên thân nhân người bệnh đừng quá bi thương, tập trung niệm Phật

Dán tờ thông báo trước của phòng người bệnh với nội dung sau:

Ban trợ niệm tại chùa:....., do thầy....hướng dẫn

Thân nhân, bạn bè người bệnh không nên ra vào khu vực trợ niệm

Giữ không khí trang nghiêm, thanh tịnh không nên khóc than nơi trợ niệm

Đem hết tình thương một lòng trì niệm danh hiệu Phật giúp người bệnh vãng sinh Cực Lạc

Mọi thủ tục nhập liệm, tổ chức tang lễ nên cử hành sau 8 tiếng niệm Phật liên tục không gián đoạn

Kính mong tất cả mọi người hoan hỷ, trợ giúp

Các việc cần làm trong lúc trợ niệm

Thiết trí bàn Phật trang nghiêm (ảnh Tây Phương Tam Thánh) tùy theo không gian, hoàn cảnh gia đình

Mọi người đứng trang nghiêm, giữ khoảng cách vừa đủ để tạo không gian dễ chịu cho người bệnh

Quy y và đảnh lễ Tam bảo cho người bệnh

Đồng thanh niệm Phật với lòng cung kính

Sử dụng chuông mõ để trợ niệm nếu cần thiết, tiếng chuông mõ giữ nhịp cân bằng

Tiếng niệm không to, không nhỏ, không nhanh, không chậm, nhẹ nhàng, thanh thoát

Có thể ngồi niệm Phật (trên ghế) nếu thời gian niệm Phật kéo dài

Chia ra từng nhóm luân phiên trợ niệm để không tổn hao sức khỏe

Cách khoảng 30 phút nâng ảnh Phật đến gần người bệnh để họ nhìn rõ được kim thân Phật, Bồ-tát

Luôn quán sát và kiểm tra tư thế người bệnh

Giữ tâm trạng bình thản khi thấy có dấu hiệu vãng sinh

Các việc nên tránh trong lúc trợ niệm

Không nên quát tháo, lớn tiếng sai bảo gia đình người bệnh

Không chen lấn, giành chỗ, xô đẩy nhau lúc trợ niệm

Không đứng lên, ngồi xuống nhốn nháo trong lúc trợ niệm (nếu có việc cần thiết nhẹ nhàng ra ngoài)

Không tự ý đụng chạm vào cơ thể người bệnh

Không nên nghe điện thoại hoặc trò chuyện trong lúc trợ niệm

Các việc gia đình người được trợ niệm cần làm

Phân chia công việc và phối hợp nhịp nhàng.

Có niềm tin vào Tam bảo và ban trợ niệm.

Thường xuyên tiếp nước, khăn lau cho ban trợ niệm.

Người không có phận sự nên niệm Phật cùng ban trợ niệm.

Dùng tài sản của người bệnh làm các việc phước lành như: bố thí, cúng dường, phóng sinh, ấn tống kinh sách hồi hướng cho người bệnh.

Sau khi người bệnh quá vãng, thân nhân cũng nên duy trì việc làm trên đồng thời dâng những món chay, hoa quả, hương đèn thanh khiết cúng cho người quá vãng.

Trên đây chỉ nói sơ lược những điều căn bản để hình thành nên ban trợ niệm đủ và đúng tư cách. Những thành viên trong ban hộ niệm chính là những người con ưu tú của Tam bảo, làm công việc hết sức cao quý đó là giúp người vãng sinh, quy hướng Tịnh độ. Thế nên, ban trợ niệm không thể lơ là xem thường trách nhiệm mà cần phải nỗ lực tiến tu hơn nữa để làm tấm gương tốt cho các Phật tử noi theo.

Về phía gia đình những người được trợ niệm cũng nên ý thức về giây phút sau cùng trong cuộc đời của người thân mình.Đừng vì một chút luyến thương, than khóc mà khiến người thân yêu của gia đình vĩnh viễn ở mãi trong cõi khổ đau. Nếu là người con có hiếu, là người bạn đời có thủy chung, trong giây phút ngắn ngủi quan trọng đó hãy cùng ban trợ niệm dốc hết lòng thành, trợ niệm tiếp sức cho người lúc lâm chung được nhẹ nhàng siêu thoát.

Sau khi đã hoàn thành việc trợ niệm, từng thân nhân trong gia đình cũng nên tự giác nhắc nhở nhau siêng năng học Phật, tin sâu Tam bảo, thiết tha niệm Phật, làm nhiều việc thiện lành để hiện tại được an lạc, vị lai được vãng sinh Tịnh độ. Nhờ công đức đó cửu huyền thất tổ, cha mẹ nhiều đời cũng được vãng sinh về cõi an lành. Rất mong lắm thay!

* Trích từ "Những điều căn bản về Pháp môn Tịnh độ và trợ niệm lúc lâm chung"

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để niệm Phật trong chánh niệm?

Kiến thức 09:52 26/04/2024

Niệm sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật tưởng dễ mà không hề dễ chút nào. Bởi mỗi khi chúng ta khởi lên một câu Phật hiệu thì kèm theo đó là những vọng tưởng khởi lên. Bài viết với mong muốn giúp người học Phật tìm được sự nhất tâm trong câu niệm Phật.

Tôi là ai? Ta là ai? Chúng ta là ai?

Kiến thức 08:45 26/04/2024

Một câu hỏi tưởng như không cần thiết, nhưng thật ra là rất cần thiết cho đời sống có ý nghĩa của con người.

Từ bi và trí tuệ phải cân bằng

Kiến thức 08:00 26/04/2024

Trí tuệ và từ bi phải đi song đôi, phải cân bằng không được chênh lệch. Có trí tuệ mà thiếu từ bi là trí tuệ khô (càn tuệ), có từ bi mà không trí tuệ là từ bi mù quáng (si từ).

Tội là gì?

Kiến thức 07:57 26/04/2024

Tội lỗi là những điều bất thiện, những việc ác do chính mình nói, chính mình làm, chính mình suy nghĩ, chính mình gây ra, chính mình tạo tác, do thân khẩu ý của chính mình.

Xem thêm