Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 13/06/2016, 12:49 PM

Những hoàng tử, công chúa có duyên với Phật giáo

Tư tưởng chủ đạo của đạo Phật là dạy con người hướng thiện, có tri thức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp yên vui trong hiện tại. Đạo Phật không công nhận có một đấng tối cao chi phối đời sống của con người, không ban phúc hay giáng họa cho ai mà trong cuộc sống mỗi người đều phải tuân theo luật Nhân - Quả, làm việc thiện thì được hưởng phúc và làm việc ác thì phải chịu báo ứng. 

Đạo Phật còn thể hiện là một tôn giáo tiến bộ khi không có thái độ phân biệt đẳng cấp. Đức Phật đã từng nói: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ như nhau, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”.

Ngoài ra, đạo Phật cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và không phân biệt giữa người tu hành và tín đồ, quan điểm của đạo Phật là “Tứ chúng đồng tu”, đó là tăng, ni, phật tử nam và phật tử nữ đều cùng được tu và nếu ai có quyết tâm đều có thể thành tựu như đức Phật.


Vợ chồng Hoàng tử Anh hành hương đến Vương quốc Phật giáo Bhutan và Nepal

Tháng 04 năm 2016, Hoàng tử William, Công tước xứ Cambridge và Công nương Kate Middleton đã có chuyến hành hương đến Vương quốc Phật giáo Bhutan.

Bhutan là Vương quốc nhỏ, nằm kín trong lục địa tại Nam Á nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, gần gấp đôi diện tích của Wales, với một xã hội hoàn toàn dựa trên nguyên lý Phật giáo, là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi nền Phật giáo Kim cương thừa vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Quốc giáo của đất nước này là Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa Drukpa, ngôn ngữ chính thức là Dzongkha.
Một nhà sư Bhutan chia sẻ thông tin về tu viện với vợ chồng Hoàng tử Anh
Trong chuyến viếng thăm Bhutan của mình, cặp đôi hoàng gia Anh đã có chuyến bộ hành đến tu viện Paro Taktsang hay còn biết đến với tên gọi tu viện 'Hang Hổ', được xây dựng từ năm 1962. Tu viện tọa lạc gần hang động nơi Guru Padmasambhava, người có công truyền bá Phật giáo đến với Bhutan, được cho là đã ngồi thiền 3 năm, 3 tháng, 3 tuần và 3 ngày vào thế kỷ thứ 8. Cặp đôi hoàng gia đã khởi hành chuyến bộ hành và băng ngang qua những phong cảnh đẹp tuyệt vời vào 10 giờ sáng, họ đến tu viện sau ba giờ đồng hồ và dừng lại cho một khoảng nghỉ ngơi.

Khi họ đã gần đến nơi, cách 1.000 bước và băng qua cây cầu bắc ngang một vực thẳm, những nhà sư đang chờ đợi bắt đầu buổi chào đón với âm nhạc đậm chất tôn giáo.

Cặp đôi đã đi bộ 5 giờ đồng hồ để đến được với tu viện.
Hai vợ chồng hoàng gia hoan hỷ khi đến được tu viện
Theo lời hướng dẫn của giám đốc bảo tàng quốc gia là ông Phuntesho Tashi, cặp đôi đã quay vòng xoay khấn nguyện mà theo truyền thống phật giáo ở Bhutan - được quan niệm có thể giúp diệt trừ đi những phiền não, trần lao.

Trong khoảng thời gian này, hoàng tử và công nương cũng sẽ thăm viếng một đất nước phật giáo khác là Nepal.

Bhumibol Adulyadej, một ông vua phật tử

Vua sinh ngày thứ hai 5/12/1927 tại bệnh viện Mount Auburn ở bang Masshachusetts, Hoa Kỳ. Ngài là con út của hoàng tử Mahidol và bà Sanwalya và là cháu trực hệ của vua Chulalongkorn (Rama V). Ngài có một chị gái là công chúa Galayani Vadhana và một anh trai là vua Ananda Mahidol (Rama VIII).

Sau khi tốt nghiệp khoa y ở đại học Harvard, hoàng tử Ananda trở về Thái Lan và qua đời sau hai năm làm vua. Lúc đó gia đình vua rời từ Hoa Kỳ sang Thụy Sĩ, nơi này vua tiếp tục học trung học và Ðại học tại trường Ecole Nouvelle de la Suisee Romande và đậu văn bằng cử nhân văn chương tại trường Gymase Classique Cantonal. Sau đó ông tiếp tục theo học khoa Luật và khoa học chính trị tại đại học Lausanme, tuy nhiên cái chết đột ngột của người anh trai, tức vua Ananda ở Bangkok đã làm thay đổi cuộc đời của ông, vì hoàng gia đã chọn ông là người kế vị.

Sau khi lên ngôi vào ngày 9/6/1946, ông trở lại Thụy sĩ để hoàn tất chương trình học vấn của mình. Năm 1950 ông trở về Thái Lan và bắt đầu với cương vị là quốc vương của nhân dân Thái Lan.

Hiến pháp của Thái Lan quy định rằng quốc vương phải là một phật tử và là người ủng hộ các tôn giáo trong nước. Vua Bhumibol đã hoàn thành nghĩa vụ này qua việc quan tâm và khuyến khích bảo vệ tất cả những truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Thái. Ngày 02/10/1956 (PL.2500), Bhumidol đã cử hành lễ xuất gia tại chùa Benchamabopetr và được vua sãi Thái Lan là trưởng lão Somdech Phra Vanarat truyền giới cụ túc và vua đã trở thành môt tỳ kheo với đạo hiệu là Bhumibalo. Sau khi thọ đại giới, ngài đến trụ trì chùa Emerald Buddha. Hết hạn 15 ngày, vua xả giới hoàn tục và trở lại với cương vị của mình.

Trước đó, vì muốn phát triển nền giáo dục Phật giáo, sau khi lên ngôi ,vua đã cho xây dựng hai trường đại học Phật giáo dành riêng cho giới tu sĩ theo học, một trong hai ngôi trường này là đại học Mahachulalongkorn tại Bangkok, quy tựu hàng ngàn tu sĩ trên khắp Thái Lan về học và cho đến ngày nay, đức vua vẫn là người tài trợ chính cho trường này.

Năm 1951, vua ủng hộ xây dựng bệnh viện phật giáo ở ngoại ô Bangkok dành riêng cho tu sĩ phật giáo đến chữa bệnh miễn phí. Năm 1952, vua chủ trương và ủng hộ tài chánh để ấn hành đại tạng Kinh tiếng Thái gồm 250 quyển (bộ Ðại Tạng này được vua Ananda khởi xướng phiên dịch từ Tạng Pàli ra tiếng Thái từ đầu năm 1946) và gần đây (1987) vua cũng là nhà tài trợ chính cho Trung tâm tin học của đại học Mahidol thực hiện bộ đĩa CD-ROM về Tam Tạng Thánh Ðiển Phật giáo

Nhìn chung, vua Bhumibol là một ông vua hộ pháp, ông khởi xướng và ủng hộ cho nhiều công trình lớn của Phật giáo Thái. Trong đời sống tâm linh, vua thọ trì pháp môn Thập Thiện Nghiệp Ðạo và hàng ngày cùng với hoàng hậu lễ Phật và tụng kinh trong điện phật tại hoàng cung.

Công chúa Thái Lan Mom Luang Rajadarasri Jayankura thăm chùa Huê Nghiêm-Việt Nam

Công chúa Thái Lan Rajadarasri Jayankura thuộc dòng dõi cháu chắt của vua Rama đệ tứ, nhà vua danh tiếng trong lịch sử, người được mệnh danh là “cha đẻ của khoa học và công nghệ hiện đại của Thái Lan”. Hiện tại, công chúa Jayankura đang giữ trọng trách chính là Lãnh sự danh dự của Cộng hòa Kosovo.

Ngày 13/01/2014, công chúa Thái Lan đi cùng đoàn phim “Đức Phật Thích Ca”-  là một tác phẩm về tôn giáo của điện ảnh Bollywood, sau khi được giải tại LHP Ấn Độ, nhà sản xuất Vinodh Seneviratne đưa bộ phim đi khắp nơi để chiếu cho các phật tử -sang thăm Việt Nam nhân dịp công chiếu bộ phim kỷ niệm sự kiện phim được giải trong LHP Ấn Độ mới đây. Bà cũng là một trong những người rất tâm huyết với bộ phim này.

Chiều ngày 14/01/2014, công chúa Hoàng gia Thái Lan Mom Luang Rajadarasri Jayankura cùng đoàn làm phim đã đến viếng chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM), đảnh lễ và vấn an HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM, viện chủ chùa Huê Nghiêm.
HT.Thích Trí Quảng tiếp Công chúa Thái Lan và các thành viên trong đoàn
Sau khi lễ Phật tại chánh điện, công chúa đã vấn an sức khỏe hòa thượng viện chủ và được hòa thượng hướng dẫn thăm chùa, nghe giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng ngôi đại hùng bửu điện, thuyết minh về những tôn tượng và những thắng cảnh được xây dựng trong khuôn viên chùa. 
Công chúa Thái Lan (quỳ, giữa) và đoàn cùng chư tôn đức tại chánh điện chùa Huê Nghiêm
Công chúa Thái Lan  Maha Chakri Sirindhorn tặng Phật tượng cho chùa Linh Quang - Bắc Kinh (Trung Quốc)

Ngày 12-4-2011, chùa Linh Quang - Bắc Kinh long trọng cử hành nghi thức tôn trí Kim thân Phật tượng do Điện hạ Thi Lâm Thông - Công chúa Thái Lan (Maha Chakri Sirindhorn) tặng.  
Công chúa Thi Lâm Thông - Thái Lan nghinh tống Kim thân Phật tượng Tố Khả Thái (Sukhothai) tặng chùa Linh Quang Bắc Kinh

Trưởng Lão Truyền Ấn, công chúa Maha Chakri Sirindhorn và Cục trưởng Vương Tác An đồng kéo tấm vải phủ trên Kim thân Phật tượng Sukhothai
Hiện nay cô đang phiên dịch một số kinh Phật, đối với các nhà học giả, các giới Phật giáo Trung Quốc, công chúa đều có mối quan hệ chặt chẽ. Mặc dù có một số bản dịch rất khó, nhưng cô sẽ cố gắng thử nghiệm phiên dịch. Đồng thời, cô đã bày tỏ về tương lai rộng lớn của hai nước trong sự giao lưu hợp tác thuộc lãnh vực tinh thần, có thể thông qua sự nỗ lực cùng nhau, đem di sản văn hóa Phật giáo thế giới đưa vào thế giới. Về phương diện này, Phật giáo Trung Quốc đã là tấm gương rất tốt.
Điện hạ Thi Lâm Thông (诗琳通) - công chúa vương quốc Thái Lan
Bhutan: Đặt tên hoàng tử theo nghi thức Phật giáo

Ngày 16-4 -2016, đất nước Bhutan ngập tràn niềm vui và hoan hỷ khi quốc vương làm lễ đặt tên con theo truyền thống Phật giáo.

Theo đó, toàn thể người dân của “xứ sở hạnh phúc” đã vân tập về cung điện hoàng gia để cầu nguyện và chúc phúc cho hoàng tử vừa chào đời vào tháng 2 của năm nay. 
Hoàng tử được đặt tên là Jigme Namgyel Wangchuck
Nghi lễ diễn ra trang trọng với sự tham dự của cựu vương Druk Gyalpo, chư tăng, ni tại ngôi chùa linh thiêng Machen Lhakhang tọa lạc trong hoàng cung.

Jigme Namgyel Wangchuck là tên mà hoàng tử vừa chào đời được đặt với ý nghĩa sẽ là một con người có đủ nghị lực, biết tu dưỡng thân tâm để kế nghiệp các bậc tiền nhân, vượt qua những thách thức, đưa đất nước Bhutan phát triển vững bền trên căn bản đạo đức Phật giáo.

“Đây là dịp toàn thể các thành viên của hoàng gia nhiều thế hệ hiện diện đông đủ để cầu nguyện và chúc phúc cho người kế tục. Tôi tin tưởng rằng, hoàng nhi sẽ sống một cuộc sống nhân bản trong ý niệm tận lực phục vụ cho đất nước, luôn rèn luyện nhân cách và duy trì mạch sống Phật giáo tại đất nước mà các bậc tiền nhân đã dày công gầy dựng, truyền bá hàng trăm năm qua” - đương kiêm Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck khẳng định. 
 
Hoàng tử Shotoku – Nhật Bản – phát triển Phật giáo trên đất nước mình

Theo những tài liệu biên niên  sử của Nhật Bản, Phật giáo chính thức được truyền vào Nhật Bản từ Triều Tiên  (Korea) vào năm 552 Tây Lịch (có tài liệu ghi là năm 538).

Thời gian đó, vua nước Bách Tế (Triều  Tiên) đã gửi một phái đoàn truyền giáo đến Nhật. Phái đoàn này đã được Nhật Hoàng đón tiếp một cách nồng hậu; phái đoàn đã dâng lên Nhật Hoàng một pho tượng Phật Thích Ca bằng vàng, một bộ kinh Đại Thừa, chuông mõ và các đạo cụ khác.

Tuy nhiên Phật giáo chỉ thực sự được tổ chức và truyền bá tại Nhật Bản là trong thời kỳ nhiếp chánh của Hoàng hậu Suiko.

Người kế vị  của bà, Thánh  Đức Thái Tử  (Shotoku 574-622) là  người có  công trong công việc cho tổ chức và truyền bá sâu rộng Phật Giáo. Nhà vua cũng được xem là "sơ tổ" Phật Giáo tại đây. Thánh đức Thái Tử đã ra công nghiên cứu và tuyên giảng ba bộ kinh Đại Thừa cho phật tử Nhật Bản; về sau những bài giảng này đã được san định  thành một bộ  Luận rất giá trị.
 
Sau khi lên ngôi Thái tử Shotoky đã ban  hành ngay một chiếu chỉ nhấn  mạnh: "Toàn dân Nhật phải kính ngưỡng và thọ trì Phật Pháp". Ông đã cho xây nhiều chùa chiền trên khắp đất Nhật. Một trong những  ngôi chùa nổi  tiếng thời đó nay vẫn còn lại là chùa Pháp Long (Horyji). Ngôi chùa này do chính Thái tử Shotoku đứng ra xây dựng vào năm 607 và được xem là ngôi chùa gỗ có tuổi thọ lâu nhất trên thế giới.

Huyền Trân Công chúa

Trần Huyền Trân Công chúa (1287 – 1340) (Huyền Trân Công chúa) con gái út của Đức vua Trần Nhân Tông và Hoàng hậu Khâm Từ. Trần Nhân Tông là bậc minh quân đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan đế quốc Nguyên Mông, đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Thắng giặc, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông rồi làm Thái thượng hoàng để giúp con vững chãi trên ngai vàng, sau đó Ngài xuất gia tu hành theo Phật giáo ở núi Yên Tử, mong tìm pháp tu theo Phật giáo phù hợp với căn cơ người Việt, để người người có đạo, qua triết lý đạo Phật, giáo hóa dân chúng, đoàn kết nhân tâm, vun bồi trí đức mà cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước. Trần Nhân Tông đã tìm ra phương pháp tu  phù hợp với căn cơ người Việt, đó là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử riêng có ở Việt Nam còn tồn tại tới ngày nay. Ơn công hạnh to lớn của Ngài với đời, với đạo, Ngài được nhân dân tôn vinh là Vua đời Vua đạo (Phật hoàng Trần Nhân Tông).

Khâm Từ Hoàng hậu là người hết mực nhân từ, đức độ, Hoàng hậu là con gái của Đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bậc khanh tướng lẫy lừng của triều Trần, được nhân dân tôn là Đức Thánh Trần. Vốn con nhà dòng dõi trâm anh, Huyền Trân công chúa là người mang đủ tố chất trác việt của cha, mẹ và nhờ được làm học trò của Văn Túc vương Đạo Tái, một trong những văn sĩ giỏi nhất thời bấy giờ nên trí, đức, dung nhan của công chúa luôn là niềm tự hào của cả hoàng tộc .

Năm 1301, Huyền Trân 14 tuổi, Thượng hoàng Trần Nhân Tông lúc đó đã là người xuất gia tu Phật theo hạnh đầu đà, Ngài chống gậy trúc đi khắp nơi để khuyên dân học Phật, từ bỏ mê tín. Trên đường du hóa, Ngài tới đất Chiêm Thành, với mong muốn kết tình hòa hiếu giữa hai dân tộc Việt- Chăm để cùng nhau chống giặc Nguyên Mông ở phương Bắc, là kẻ thù chung của cả hai dân tộc. Gặp Quốc vương Chiêm thành là Harijit, nghĩa là sư tử chiến thắng (người Đại Việt gọi tên là Chế Mân), Trần Nhân Tông rất có cảm tình với vị vua trẻ thông minh, dũng cảm cũng đã từng trực tiếp lãnh đạo quân dân Chiêm Thành đánh đuổi đội quân Nguyên Mông do Toa Đô cầm đầu. Quý trọng vị sư Đại Việt cũng đã từng là bậc minh quân xuất chúng hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông, nay lại mang tâm hòa hiếu đi đoàn kết lân bang, Chế Mân đã mời Trần Nhân Tông làm thượng khách ở Chiêm Thành trong 9 tháng, để tìm hiểu phong tục tập quán và chia sẻ Phật pháp với các vị sư Chiêm Thành. Trước khi về nước Trần Nhân Tông đã hứa gả con gái cho Chế Mân với mong muốn kết giao hai nước cùng nhau đoàn kết chống giặc ngoại xâm, hôn sự sẽ được tiến hành khi Huyền Trân tròn 18 tuổi ( có nghĩa là 4 năm sau).

Năm 1305, Huyền Trân 18 tuổi, Chế Mân cho sứ giả mang sính lễ và địa đồ, dân số hai châu Ô, Rí sang cầu hôn Huyền Trân.

Một năm sau, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của đất nước Chiêm Thành, hoàng hậu sẽ phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Vua Trần Anh Tông biết được nên sai tướng Trần Khắc Chung vờ sang viếng để cứu công chúa trở về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308), Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm (1309), dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng

Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã qui y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự

Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.

Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần" .

Thích Pháp Bảo
 (Tổng hợp) 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Người dân một số quốc gia Đông Nam Á đi chùa, cầu an dịp Tết cổ truyền

Ảnh 19:42 15/04/2024

Không khí lễ hội đón tết cổ truyền 2024 đang diễn ra sôi nổi tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Ngắm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer tại Sóc Trăng

Ảnh 13:16 05/04/2024

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước, vì thế cũng là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer, đặc biệt là kiến trúc tại các ngôi chùa.

Khai mạc triển lãm tưởng niệm 10 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch

Ảnh 18:30 01/04/2024

Chiều 31-3, triển lãm về cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã được khai mạc tại chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức).

Xuất gia báo hiếu, nghi lễ quan trọng nhất đời người ở Myanmar

Ảnh 11:00 17/03/2024

Hầu hết người dân ở Myanmar đều một lần trải qua nghi lễ Shin Pyu để lên chùa tu tập, báo hiếu cha mẹ.

Xem thêm