Những ngày mới an nhiên
Rồi cái ngày ấy cũng đã tới, tôi gặt được quả ngọt từ những nhân lành đã gieo trồng. Từ khi bỏ nghề mổ heo đến nay tâm hồn tôi được thanh thản, bình an, không còn mơ thấy ác mộng, cũng không còn gì để lo sợ.
Tại sao làm việc thiện nhưng chưa gặp quả lành?
Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, nhà lại nghèo, cả gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng. Cuộc sống quanh năm chỉ xoay quanh chuyện lo miếng cơm manh áo cho cả nhà. Cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám khiến chúng tôi chẳng dám nghĩ đến một ngày nghỉ ngơi để đến chùa lễ Phật, chăm lo cho đời sống tâm linh của mình. Vả lại ngày ấy, nhà chúng tôi cách xa chùa quá. Thời thơ ấu, tôi không được nghe âm thanh của tiếng chuông chùa thanh thoát mỗi sớm mai, có lẽ vậy mà trong quãng đời về sau tôi cứ mãi chìm đắm trong bóng tối của tội lỗi và vô minh.
Thời gian trôi đi, tôi cũng giống như bao người con gái khác, được cha mẹ gả chồng khi đến tuổi đôi mươi. Tôi về nhà chồng, cũng chẳng có được nghề nghiệp gì trong tay. Gia đình bên chồng, trước đây vốn làm nghề mổ heo, nhưng lúc tôi về thì đã không còn làm nữa. Bố mẹ cho vợ chồng tôi ra ở riêng nên chúng tôi phải tự kiếm kế mưu sinh. Vì cả hai đều không có nghề nghiệp nên anh quyết định mua heo về sang lại cho mối kiếm lời. Tiền lời kiếm được từ công việc này cũng khá, chỉ khoảng vài ba năm sau vợ chồng tôi đã tích góp mua được một căn nhà ở chợ xã. Từ đó, mỗi ngày chồng tôi mua bán càng nhiều, công việc thuận lợi, anh bắt đầu nảy ra ý định làm lò mổ heo. Nói là làm, anh mua heo về mổ thịt, một phần thịt đem bỏ mối cho bạn hàng, một phần tôi đem bán lẻ ở chợ. Việc làm ăn ngày càng khấm khá. Nhưng tôi nào ngờ, đây cũng chính là khởi đầu cho những tháng ngày đau khổ về sau của gia đình chúng tôi.
Vài năm sau, cơ thể tôi phát bệnh. Dù rằng trong cuộc đời ai rồi cũng phải bệnh, nhưng có lẽ bệnh của tôi lại kỳ lạ hơn cả. Trong lúc đang mang bầu đứa con gái, cổ tôi nổi một cục bướu, phải khăn gói lên thành phố để mổ. Ca mổ diễn ra thành công và tôi dần hồi phục. Đáng lẽ ra tôi phải biết ơn sự may mắn này, biết dừng lại đúng lúc thì cuộc đời tôi về sau đâu đến nỗi ngập chìm trong đau khổ đến vậy. Tôi không hay biết gì về quả báo đang cận kề. Vợ chồng tôi vẫn tiếp tục mua bán và mổ heo như trước.
Thời gian sau, tôi mang bầu thêm một bé trai. Đến ngày sinh nở, tôi không thể sinh bình thường được nên bác sĩ phải mổ bắt con ra. Sau ca mổ, thời gian ba tháng đầu ở cữ tôi thấy sức khỏe mình có phần yếu đi nhiều, tuy vậy tôi vẫn cố gắng làm việc bình thường. Không lâu sau, tự nhiên tôi bị băng huyết, lúc ấy tôi cảm giác như là tim mình có ai buộc thắt lại, toàn thân co rút rồi ngất xỉu. Người nhà đưa tôi vào bệnh viện, qua ngày hôm sau mới tỉnh lại. Lúc này, tôi bàng hoàng khi bác sĩ cho biết tôi phải tiếp tục mổ để lấy khối u trong người. Trong ca mổ đó, tôi bị mất máu rất nhiều, mười phần sống thì xem ra tôi chỉ còn một phần hy vọng. May mắn sao, tôi dần hồi phục lại được. Nhưng thân thể tôi lúc này đã yếu đi rất nhiều, lại thêm trong cuộc sống gia đình bao nhiêu sóng gió ập đến. Tôi hằng ngày phải chứng kiến đứa con trai yêu của mình lên cơn động kinh, một tháng ba, bốn lần. Tôi đưa con đi khám nhiều nơi, bác sĩ cũng điều trị cho uống thuốc nhưng không thấy thuyên giảm. Lòng tôi đau khổ tột cùng. Một mặt thì bệnh tật giày vò, một mặt con trai đau bệnh, mặt khác vợ chồng tôi cũng có nhiều bất hòa, mâu thuẫn, gia đình xào xáo không yên.
Chồng tôi bắt đầu sinh ra ăn chơi, nhậu nhẹt, bỏ bê công việc, nhiều khi cũng không thèm về nhà, anh giao lại mọi thứ cho tôi gánh vác. Gánh nặng mưu sinh lại đè nặng lên thân thể yếu ớt, bệnh tật của tôi. Ấy thế mà tôi vẫn chưa tỉnh ngộ, tôi lại tiếp tục tự mình dấn thân vào con đường sát sinh tạo nghiệp. Vì chồng thường xuyên vắng nhà, đích thân tôi lại đi mua từng con heo về thuê người giết thịt đem bán. Vì cuộc sống mưu sinh phải kiếm tiền, nên tôi phải đích thân làm việc này, nhưng thực sự tinh thần tôi lúc này đã có nhiều hoang mang, lo sợ. Tôi không hiểu vì sao cuộc đời mình lại cứ chồng chất khổ đau. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, đôi lúc tôi thoáng nghĩ, phải chăng đây là quả báo hiện tiền mà mình và gia đình phải gánh chịu do việc giết hại chúng sinh. Suy nghĩ này vẫn chỉ là một khúc mắc lớn trong đời, thực sự tôi chưa có nhân duyên nào để hiểu được nguyên nhân sâu xa của những đau khổ ấy. Vì thế, tôi vẫn chưa từ bỏ nghề buôn bán và giết mổ heo.
Khi mẹ tôi qua đời, giống như bao gia đình khác, tôi đến chùa thỉnh quý sư cô về làm tang lễ cho mẹ. Lúc ấy, tôi chưa được xem sách Phật, không hiểu gì về sát sanh, nghiệp báo nên đã giết năm con heo để lo đám tang cho mẹ. Cứ nghĩ như vậy là có hiếu với mẹ, ai ngờ đâu đó lại là việc làm bất hiếu. Sư cô biết chuyện liền khuyên gia đình không nên giết heo như vậy, người mất đi không được hưởng gì từ việc cúng tế này, ngược lại người sống phải gánh chịu quả báo nặng nề. Nghe xong, tôi thấy trong tâm bồi hồi, sợ hãi. Tôi nói: “Vậy cho con xin làm trai Tăng được không? Con nghe nói nếu làm trai Tăng thì sẽ cứu được người mất đó phải không?”. Sư cô nói, làm trai Tăng thì người chết được hưởng ba phần, người sống được hưởng bảy phần. Sau đó, tôi đã làm lễ cúng dường trai Tăng để hồi hướng công đức cho mẹ. Thời gian trước khi mẹ mất, thỉnh thoảng tôi cũng có đến chùa, nhưng thường thì chỉ đến cúng kiếng, ăn bữa cơm chay rồi vội vã ra về. Kể từ sau khi mẹ mất, tôi thường xuyên đến chùa để tụng kinh cầu cho mẹ được siêu thoát. Mặc dù đi chùa thường xuyên nhưng tôi vẫn chưa từ bỏ nghề giết mổ heo.
Một hôm nọ, tôi nằm mơ một giấc mơ hãi hùng, khiến tâm can càng thêm lo sợ. Tôi mơ thấy những người phụ việc khiêng một con heo lên bàn đâm vào cổ nó rồi quăng xuống sàn. Nhưng lạ thay, khi nhìn lại con heo nằm đó tôi lại thấy đó chính là đứa con trai của mình. Giật mình tỉnh dậy, lòng hoang mang, kinh hãi, tôi quyết định thu xếp mọi việc rồi dẹp luôn lò mổ.
Báo ứng hiện đời: Món ăn quán miết giáp - Rót nước vào mai ba ba
Tôi đã bỏ nghề mổ heo nhưng nghiệp báo vẫn chưa thể dứt, nó vẫn tiếp tục hành hạ thân xác tôi mỗi ngày. Tôi thường xuyên thấy trong người không khỏe, đi siêu âm xét nghiệm mới biết mình bị u nang ác tính, phải mổ thêm lần nữa. Trong thâm tâm tôi rất đau khổ, lo sợ không biết vì nguyên do gì mình lại bị mổ xẻ nhiều như vậy. Sau ca mổ, bác sĩ chỉ định phải điều trị 8 liều hóa chất, mà mỗi liều đều có giá không hề rẻ. Mới điều trị được liều đầu tiên tôi đã cảm thấy trong người nóng nảy, bứt rứt khó chịu, tóc trên đầu rụng hết. Được khoảng một tháng, bác sĩ cho phép tôi về nhà ăn uống, bồi dưỡng trong một tuần rồi quay lại điều trị tiếp.
Lại nói về chuyện gia đình, trước đây, khi còn buôn bán heo, vợ chồng tôi có một trang trại nuôi heo cách nhà một cây số, sau này đã nghỉ hẳn, chỉ còn một con heo nái để cho đứa con gái nuôi. Trong thời gian ở nhà nghỉ dưỡng sức, một đêm nọ, tôi nằm mộng thấy một con heo mẹ, nó nói: “Con ơi, lại bỏ màn cho mẹ đi, muỗi cắn mẹ dữ lắm!” Tôi nhìn kỹ lại vẫn chỉ là một con heo sao lại nghe thấy tiếng mẹ tôi ở đó. Tôi kêu lên: “Trời ơi, sao vậy mẹ?” Con heo mới nói: “Mẹ đã thành con heo rồi!” Tôi hoảng sợ giật mình tỉnh dậy, lúc ấy đã 12 giờ khuya. Sáng hôm sau, tôi bần thần không yên, bảo chồng chở lên thăm vườn, thăm nhà. Chồng thấy tôi bệnh tật, tinh thần yếu đuối, cứ nghĩ chắc tôi không qua khỏi nên cũng chiều ý tôi. Vừa đến nơi, thấy con heo nái nằm y hệt như con heo tôi nằm mộng tối qua. Tôi bước tới bên nó vừa khóc, vừa niệm Phật, đau lòng tôi nhớ đến lời sư cô nói hôm đám tang mẹ, nếu mình giết thịt những con vật để cúng trong đám tang thì khả năng người chết sau này sẽ phải đầu thai thành những con vật đó. Tôi về nhà, trong lòng buồn bã và lo sợ. Vài ngày sau, tôi nghe tin con heo ấy tự nhiên bỏ ăn rồi chết. Lòng tôi càng thêm đau khổ! Đến lúc này, trải qua bao nhiêu đau đớn về thể xác và những khủng hoảng về tinh thần, tôi quyết định bỏ nghề mổ heo.
Hết thời gian nghỉ, tôi lại khăn gói lên thành phố tiếp tục điều trị bệnh. Mỗi lần vô thuốc là mỗi lần thân thể tôi càng thêm yếu ớt. Tôi tưởng chừng như tấm thân mình chỉ đang thoi thóp sống từng ngày. Nhưng dù đau đớn, mệt mỏi thế nào, tôi cũng quyết đi tìm chùa lễ Phật. Phước duyên là hôm đó tôi gặp được thầy trụ trì. Từ mấy câu thăm hỏi ban đầu, câu chuyện của tôi cứ tiếp diễn. Như cởi mở được lòng mình, tôi kể thầy nghe mọi chuyện, đó cũng như một lời sám hối, một lời thú tội về tất cả mọi tội nghiệp mà tôi đã gieo, để đến hôm nay phải mang thân bệnh khổ cùng cực. Nghe xong thầy nói: “Con có thấy không, gieo nhân nào gặt quả nấy, con có thấy đau khổ hay không? Bây giờ con có sợ chết không?” Tôi khóc, tôi sợ chết lắm chứ, nỗi đau đớn và sợ hãi đã giày vò tâm can tôi bao lâu nay. Như hiểu được tâm tư ấy, thầy nhẹ nhàng nói: “Là ai rồi thì cuối cùng cũng phải chết thôi! Nhưng mà có điều, bản thân con bây giờ phải công phu niệm Phật, thực hành những lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày, sám hối những tội lỗi mình gây ra trong quá khứ. Vậy thì khi chết mới không bị đọa lạc vào những cảnh khổ trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh”. Thầy kiên trì ngồi giảng giải cho tôi về những giáo lý căn bản trong nhà Phật. Tôi nghe xong hiểu rằng Nhân quả như hình với bóng, luôn cận kề bên mình không đâu xa. Hiểu được tất cả mọi nguồn cơn nỗi khổ đau của mình, tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn và quyết tâm thực hành những lời dạy của thầy.
Ở bệnh viện, tôi nằm chung phòng với nhiều người, mỗi người một bệnh, mỗi người một hoàn cảnh éo le, họ ngồi lại với nhau than thở, khóc thương cho số phận. Còn tôi đã hiểu lời thầy rồi, còn khóc làm gì nữa, tôi ngồi quay mặt vào tường niệm Phật, cứ đến giờ thì đi làm hóa trị. Mỗi lần hóa trị, tôi lại càng cảm nhận rõ ràng hơn nỗi đau đớn của những con heo bị đem lên bàn mổ là như thế nào, vì tôi liên tưởng tới nỗi đau mà bản thân tôi phải chịu đựng bây giờ. Thân thể tôi như có lửa đốt bên trong, nóng nảy, bứt rứt vô cùng. Nhưng biết rằng đây chính là hậu quả mà tôi phải nhận lãnh, nên tôi kiên tâm đối mặt với nó.
Giữa những kỳ hóa trị, tôi cũng được bác sĩ cho phép về nhà nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Những khoảng thời gian về nhà, tôi cũng chỉ muốn tới chùa để công phu niệm Phật như lời thầy dạy. Có một lần đến chùa mà không có sư cô ở chùa, tôi tự mình lên tụng kinh, tình cờ thấy được quyển Nhân quả ba đời. Tôi cầm lên đọc, đến đoạn những con heo kể về quá trình con người giết thịt nó, từ lúc bắt về, trói buộc, gông cùm rồi đến lúc nó bị đâm như thế nào. Càng đọc tôi càng nghẹn ngào không biết nói gì hơn! Tôi đem chuyện trong sách về nhà nói cho chồng nghe, nhưng anh không tin vào điều đó, cả gia đình cũng không ai tin. Chỉ có tôi là hiểu hết mọi nguồn cơn nỗi thống khổ này mà thôi! Tất cả là do một tay tôi gây ra, đứa con trai tôi bệnh tật cũng là do tôi gây ra, bản thân tôi bệnh hoạn giày vò cũng chính tôi gây tạo. Tôi còn biết trách ai?
Sau bảy tháng tôi đã vô được sáu liều thuốc, còn hai liều nữa mới kết thúc đợt hóa trị, tuy vậy bác sĩ cho biết tôi phải lên bàn mổ thêm lần nữa. Lần mổ thứ năm này, tôi không còn than trách ai nữa, tôi chỉ cầu nguyện mẹ Quan Thế Âm một điều: “Xin Mẹ cứu con, cho con được sống thêm một thời gian nữa, vì nay con đã hiểu Phật pháp nên xin mẹ cho con cơ hội được tu hành, nhờ công đức này mà hồi hướng hết cho chúng sinh”. Phát nguyện xong tôi không còn thấy sợ, cũng không kêu than nữa, chỉ để tâm vào câu niệm Phật.
Chớ nói lời làm tổn thương người, ác khẩu ắt chiêu mời quả báo
Sau những tháng ngày đau đớn và lo sợ, tôi cũng được vô đủ tám liều hóa trị, kết thúc hành trình một năm bảy tháng điều trị căn bệnh ung thư. Thân thể tôi bây giờ như một nhành cây khô, cạn kiệt sức lực. Tôi phát nguyện ăn chay và thường xuyên đến chùa để học và thực hành theo lời Phật dạy. Khi đã nhìn thấy được con đường đạo, tôi không còn thấy sợ hãi như trước nữa. Vì có lẽ trên đời này bệnh tật, đau khổ không đáng sợ bằng khi bản thân mình sai mà không hay biết. Còn tôi nay đã có ánh sáng của Phật pháp soi tỏ thì không còn lo sợ mình đi lầm đường nữa. Tôi cứ tự nhủ lòng kiên tâm vững chí tu tập tinh tấn, đến một thời khắc nào đó, khi đã đủ nhân duyên, phước đức tôi sẽ xoay chuyển được nghiệp quả của mình hiện tại.
Rồi cái ngày ấy cũng đã tới, tôi gặt được quả ngọt từ những nhân lành đã gieo trồng. Từ khi bỏ nghề mổ heo đến nay tâm hồn tôi được thanh thản, bình an, không còn mơ thấy ác mộng, cũng không còn gì để lo sợ. Điều nhiệm mầu hơn là chính bản thân chồng tôi trước kia ăn chơi, bỏ bê gia đình vợ con, mà nay cũng biết ứng dụng học theo lời Phật dạy. Trước kia anh là người ngang tàng là thế, mà nay anh trở nên một người đàn ông đàng hoàng, biết phát tâm đi chùa lễ Phật, lại còn tham gia Khóa Tu Phật Thất. Anh phát tâm hàng tháng trích ra một số tiền để thăm viếng những người đau bệnh, những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi chồng biết quy y Tam Bảo thì hằng ngày đều khuyến khích, động viên tôi đến chùa tu tập để mọi người trong gia đình ai cũng biết học theo lời Phật dạy. Cứ như thế, gia đình tôi mỗi ngày đều được hòa thuận, an vui.
Cuộc sống êm đềm trôi đi, không lâu sau tôi nhận thấy cơ thể mình có dấu hiệu không được khỏe, cứ hay cảm sốt hoài, cũng không biết là bệnh gì. Lúc ngồi niệm Phật, cảm nhận đầu mình hơi nhức nhức ở chỗ nào đó, sờ lên mũi thì thấy một cục u nổi lên, mới đầu nhỏ, vài ngày sau đã sưng căng lên. Đi bệnh viện khám, bác sĩ bảo tôi có một cái nang mới mọc. Bác sĩ dặn tôi về nhà uống thuốc theo đơn, nửa tháng sau quay lại để mổ lấy ra. Khoảng thời gian uống thuốc chờ mổ nang cũng là lúc tôi tham dự tu Phật thất ở chùa Như Thành. Mỗi ngày niệm Phật tôi đều cố gắng thực hành như lời hướng dẫn trong cuốn sách Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư. Cứ như vậy, mười lăm ngày trôi qua, một đêm nằm ngủ tôi thấy cái mụn trên mũi nó chỉ bằng như hạt đậu ván lồi ra ngoài thịt da. Sáng sớm hôm sau tôi tỉnh dậy công phu như thường ngày, lúc rửa mặt, sờ lên thấy cái mụn không còn nữa. Thật kỳ diệu làm sao! Một sự nhiệm mầu mà bản thân tôi đã nhận được kể từ khi biết đến Phật pháp. Ánh sáng của đạo Phật đã chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn và thân thể tôi. Từ một người si mê, lầm đường, ngày ngày sống trong những cơn ác mộng và nỗi đau đớn nơi thân thể bệnh hoạn, nay tôi thấy như mình được sinh ra thêm một lần nữa. Kể từ đó tôi tin sâu nhân quả, càng tinh tấn hơn trên con đường tu học của mình.
Nhân vật: Phật tử Diệu Minh
Nhận định của thầy Thích Chân Tính
Qua câu chuyện của cô Diệu Minh, tôi có mấy ý sau: Thứ nhất là vấn đề quả báo của việc sát sinh. Trong giới sát đức Phật dạy người làm nghề sát sinh hiện đời và đời sau sẽ bị những quả báo như: thường hay đau bệnh nhất là bị những bệnh nan y, hai là chết yểu, ba là quả báo đền mạng, giết vật thì bị vật giết lại hoặc bị làm súc vật để cho người hoặc những loài vật lớn hơn ăn thịt. Phần quả báo của việc sát sinh này, bản thân cô ngay hiện tại đã nhận lãnh, chẳng hạn như bệnh ung thư, nhiều lần bị mổ gần như sắp chết, ngủ thường gặp những cơn ác mộng; chồng lo ăn chơi, không quan tâm gia đình; con cái thì bệnh tật phải chạy chữa nhiều nơi.
Thứ hai là vấn đề báo mộng, theo tôi, người chết đã bị đọa làm heo thì không thể về báo mộng được. Tuy nhiên, trong trường hợp này có lẽ do cô Diệu Minh cũng có căn lành nhiều đời nên được chư vị Bồ Tát, chư Long Thiên, chư Hộ Pháp phương tiện báo mộng để cô thấy rõ được nhân quả mà biết quay đầu. Nhiều người quan niệm người chết sẽ được làm người trở lại, súc vật chết thì làm súc vật trở lại. Còn với quan điểm của đạo Phật, những người làm ác có thể đọa làm thú vật, ngược lại thú vật cũng có thể trở lại làm người. Trong vòng luân hồi sinh tử lục đạo này người thân ăn nuốt lẫn nhau không thể biết được, ông bà cha mẹ chúng ta khi chết bị đọa làm thú vật, con cháu ăn ông bà cha mẹ, đôi khi con cháu giết thịt ông bà cha mẹ mà ăn nhưng cũng không biết. Vậy nên, là người Phật tử đã thọ Tam Quy, trì Ngũ giới thì không nên làm nghề sát sinh. Trong kinh Tăng Chi Bộ II đức Phật có dạy người cư sĩ không nên làm năm nghề: 1. buôn bán khí giới; 2. buôn bán nô lệ (nô lệ ở đây là buôn bán người); 3. buôn bán thịt; 4. buôn bán rượu; 5. buôn bán thuốc độc. Trong kinh này, đức Phật dạy nghề buôn bán thịt còn không nên làm, huống gì là làm nghề sát sinh. Là người Phật tử chúng ta càng phải dứt khoát không làm những nghề trên.
Ngày xưa, bản thân tôi chưa hiểu Phật pháp, chưa biết nhân quả, nếu ai thuê chúng tôi 50 ngàn đồng để đập 10 con chó chắc chắn rằng chúng tôi sẵn sàng làm mà không hề run tay, làm để lấy tiền ăn chơi mà không biết đến nhân quả tội lỗi. Nhưng bây giờ, đã hiểu Phật pháp, đã tin sâu nhân quả nếu ai có thuê tôi một tỷ đồng mà đập vào đầu con chó chúng tôi cũng dứt khoát không làm. Bởi một tỷ đồng rồi cũng ăn tiêu hết, dù ăn không hết thì chết cũng không đem theo được; còn cái tội đập đầu con chó thì dù đời này hay đời sau chúng ta cũng sẽ bị quả báo. Như trường hợp của cô Diệu Minh đây, làm ra bao nhiêu tiền bạc cũng đổ hết vào bệnh tật. Tiền bao nhiêu rồi cũng hết, nhưng quả báo đọa vào Tam đồ ác đạo thì đời đời đau khổ.
Tưởng tượng nếu có ai lấy dao đâm nhẹ vào tay, hoặc lấy tay cấu vào thôi, chúng ta cũng kêu lên rồi. Lửa để gần đã nóng chịu không nổi huống chi lửa đốt thân ta? Chỉ mới đau đớn nhẹ đã không chịu được, huống chi đọa vào địa ngục nước sôi lửa cháy, biết bao đau đớn dồn dập vào thân thể. Làm nghề sát sinh để có đồng tiền hưởng thụ đời này mà đời đời chúng ta phải đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu biết bao nhiêu cảnh khổ. Ăn chỉ một đời nhưng quả báo chúng ta chịu đau khổ nhiều đời, phải trả cái nợ đau bệnh, chết yểu hoặc làm thân thú vật. Cái nào lợi cái nào hại, quý vị nên nghĩ kỹ. Trên thế giới, mỗi ngày người ta đều giết thịt thú vật để làm thức ăn, nếu đem gom lại một chỗ thì xương và thịt chất cao như núi, máu chảy có thể thành sông. Rồi hai ngày, ba ngày, năm ngày, mười ngày,… trôi qua, không biết núi xương thịt và máu những loài vật ấy nhiều đến thế nào! Vậy mới thấy rằng, hằng ngày nghiệp sát của con người ở thế gian này tạo ra quá lớn, lòng oán hận của súc vật ngập trời, oan oan tương báo này khiến cho thế giới không lúc nào yên, chiến tranh không dứt, thiên tai địch họa tràn lan… Người xưa đã nói:
Nhất thiết chúng sinh vô sát nghiệp,
Thập phương hà xứ động đao binh.
Gia gia hộ hộ đồng tu thiện,
Thiên hạ hà sầu bất thái bình.
Nghĩa là: “Hết thảy chúng sinh không có nghiệp sát hại, mười phương nào có nổi đao binh. Mỗi nhà, mỗi chỗ đồng tu thiện. Thiên hạ lo gì chẳng thái bình”. Mong rằng quý Phật tử đã thọ Tam quy và Ngũ giới thì phải cố gắng giữ gìn giới sát để hiện đời và đời sau luôn được an vui hạnh phúc, góp phần xoay chuyển thế giới ngày một tốt đẹp.
(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 12)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
Xem thêm