Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 18/07/2023, 10:30 AM

Những sự thay đổi nhiệm màu khi tin sâu Tam Bảo

Đây là những trải nghiệm chân thật của một Phật tử qua nhiều năm. Viết những dòng này chỉ một mục đích duy nhất là chia sẻ câu chuyện của mình để thấy sự gia hộ nhiệm màu của Tam bảo và thể hiện niềm kính tin Phật pháp trên tinh thần tri ân và báo ân.

Audio

Tôi sinh ra trong gia đình truyền thống Phật giáo, bà nội là Phật tử thuần thành. Nhưng từ nhỏ đã sống trong hôn nhân không hạnh phúc của ba mẹ nên tính tôi khá nhạy cảm, càng để ý kĩ những phản ứng, thái độ của người xung quanh với mình. Đặc biệt tôi cảm nhận khá rõ ràng mối quan hệ của nhà nội và mẹ mình có phần gượng gạo, khó khăn. Điều đó như 1 vạch ngăn vô hình giữa tôi với họ hàng bên nội. Lúc nhỏ gia đình tôi có truyền thống cuối tuần tụ họp về nội 1 ngày, nhưng trái với không khí sôi động đông đúc, tôi lúc nào cũng thấy căng cứng hết người vì không thoải mái và chỉ muốn nhanh chóng kết thúc buổi họp mặt để về nhà. 

Lớn hơn chút nữa vào tuổi niên thiếu, chuyện giữa ba mẹ cuối cùng cũng không thể lành lặn, cộng thêm khó khăn tài chính và xung đột gia đình, cả nhà tôi chia rẽ thành ba mảnh, mỗi người chơ vơ một nơi. 18 tuổi, tôi từ tiểu thư sống quen trong chăn ấm nệm êm bước ra phòng trọ một mình với nước mắt lăn dài mỗi đêm và thương tổn tan nát trong lòng. Oán trách, thất vọng và sân hận như con thú dữ cắn xé tâm hồn tôi mỗi ngày. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Có một may mắn lúc đấy là dù được tự do không còn chịu sự quản thúc kềm cặp của ba mẹ nhưng tôi không sa đoạ vào những thói hư ăn chơi cho quên đau khổ mà luôn tự dặn mình không được hư, không được thác loạn để người ta càng khinh thường cười chê. Sau này tôi mới nhận thức được quả đó là do vun trồng ít căn lành đời trước nên đời này gặp khó mà không sa vào đường ác xấu, chứ lúc đó chỉ đơn thuần không muốn mình bị mất phẩm giá dù bị lăn lóc tự lập từ sớm. 

Có lẽ cũng nhờ ít thiện căn còn lại, lúc khó khăn nhất là lúc cơ duyên đến với Phật pháp của tôi trở nên mạnh mẽ nhất. Tôi được gặp các thầy, được thành Phật tử, được đi chùa làm công quả, được các cô Phật tử lớn tuổi thương yêu chỉ dẫn, được sư phụ khai thị và giảng giải rất nhiều điều gút mắc và nội kết trong lòng. Quả thật là chúng sanh cang cường khó độ, lúc đầu tôi rất bất mãn và chống đối những lời thầy dạy dỗ, rõ ràng mình cũng xinh xắn ưa nhìn, gia đình học thức khá giả, tại sao lại nói là nghiệp nặng sâu dày? Ân sư không những ghét bỏ mà còn kiên nhẫn chuyển hoá tôi từng bước. Lời thầy như nước, mà lòng tôi như đá tảng (cứng đầu và nội kết sâu dày), mỗi ngày thầy rót nước pháp vào tai, đến khi thấy ngang ngược chướng khí sắp nổi lên là thầy liền đổi phương pháp, áp chế cơn sân giận của đứa đệ tử còn nhiều tập khí, giờ nhìn lại bản thân phải tự nói quá trình mài dũa tâm tính là tôi là quãng thời gian quá dày công của sư phụ. 

Nhưng rồi thì nước chảy đá mềm, tôi bắt đầu hiểu sâu hơn về nghiệp quả nhân duyên (khi áp vào bản thân mình). Tôi siêng năng sám hối thành khẩn và tinh tấn công phu, cũng không ngại đường xa cực công, chỉ một lòng muốn được theo đạo tràng làm Phật sự. Kể ở đây không phải kiêu ngạo khoe khoang, mà là để mọi người thấy được quá trình đến với đạo của tôi thay đổi theo giai đoạn. Từ chống đối nghi ngờ sang hiểu và bắt đầu thực hành, và từ những an vui nhỏ bé mà các thực tập mang lại mới khiến tôi tin tưởng vào Pháp. Nói như vậy không có nghĩa là trước kia tôi không tin, mà là ngày trước, Phật pháp là tôn giáo vĩ đại tuyệt vời, nhưng xa rời với tôi. Đau khổ hay vui sướng cuả tôi không liên hệ gì đến Phật, vì tôi nhỏ bé quá, đâu có xá gì so với vạn vạn chúng sanh. Nhưng từ khi thâm nhập vào giáo lý vi diệu và tìm được an vui trong việc thực hành giáo pháp, tôi mới chân chính được sinh ra trong ánh sáng Phật Pháp. Thời điểm đó, tâm tôi vẫn khổ vì chuyện gia đình, áp lực tài chính, học hành, thân tôi vẫn cực vì loay hoay học cách sống một mình, nhưng tôi đã ít nhiều tự tin hơn vì tôi có chỗ nương dựa là niềm tin vào Tam bảo. 

Với niềm tin trên nền tảng thực nghiệm, tôi càng chí thành và kiên định trong việc thực tập giáo pháp, và đạt được những chuyển biến không thể giải thích được trong cuộc sống: 

Về đại gia đình: Cùng với thời gian, tôi càng hiểu được nhân duyên nghiệp quả thì càng bớt oán trách và sân giận, cũng hoá giải khúc mắc với người thân. Từ đó tình thương bắt đầu phát triển, tôi đã có thể ôm anh chị em của ba mình tâm sự thâu đêm, sự thân – gần này phải mất hơn 30 năm để đạt được, nhờ vào sự gia hộ của tam bảo chuyển biến và tháo gỡ nội kết trong tôi. 

Về ba: Vào năm ông 60 tuổi, bất ngờ bị bạo bệnh phải nhập viện và tiến hành đại phẫu. Khối u to đến mức một bàn tay chứa không hết và chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ báo gia đình chuẩn bị tâm lí cho tình huống xấu nhất. Suốt một tuần hậu phẫu, tôi miên mật niệm chú Dược sư vào những chai nước truyền của ba với sự thương xót vô hạn và niềm tin vào tam bảo như chiếc phao cứu sinh duy nhất. Vì ở trong bệnh viện không thể lập ban thờ trang nghiêm đúng pháp nên  bao tâm tư tôi dồn vào từng lời từng câu trì chú, để nếu ba hết duyên hết số ở cõi này thì mong ba được đi nhẹ nhàng. Một tuần trời dài như thế, chính bác sĩ đọc kết quả cho tôi cũng hết sức ngạc nhiên, vậy mà không phải là ung thư. Bây giờ sau khi xuất viện hơn 1 năm, ba tôi đã khoẻ mạnh hoàn toàn, không những thế những vết đồi mồi trên ngừoi khi ông nhuốm bệnh cũng đã tan mờ đi gần như không còn. Tôi chỉ có thể xác quyết một điều Phật pháp quả thật bất khả tư nghì, kết quả bệnh của ba tôi không khác nào kì tích mà tôi được trực tiếp chứng kiến rõ ràng sự cảm ứng gia hộ của chư Phật. 

Về mẹ: Phải nói, mẹ tôi là một người đau khổ vì tính cách và khẩu nghiệp của bà, thời điểm sau tan vỡ với ba, mẹ dốc hết tài sản đầu tư làm ăn muốn cho mọi ngừoi thấy bà có thể sống tốt hơn. Đáng tiếc, những đường làm ăn của mẹ không phải là chánh mạng, thế nên từ đầu tôi đã cực kì phản đối, nhưng mẹ vẫn cố chấp lao vào, nên gây ra những mâu thuẫn giữa mẹ con và giữa mẹ với cả nhà ngoại. Quãng thời gian đó mẹ tôi như biến thành người khác, sân giận vô chừng và nóng nảy cực kì, khiến con cháu vừa thấy mặt là chạy mất dạng vì sợ bị la vô cớ. Tôi lúc ấy tuổi nhỏ vô năng, không thể khuyên ngăn cũng không thể phụng dưỡng, chỉ có thể âm thầm tụng kinh bái sám hồi hướng, mong một ngày mẹ buông bỏ chấp niệm mà quay về nẻo chánh.

Thật may là tới duyên tới thời, mẹ tôi sau bao lần mất tiền đến phá sản (lần 2) mới chính thức ngừng mê. Ngày mẹ chấp nhận rằng mình mất tiền tỉ để bán li cafe thu lại tiền lẻ, tôi vui mừng đến chảy nước mắt. Tôi biết số tiền tỉ mà mẹ trắng tay cũng là để tiêu nghiệp, nếu mẹ còn cầm những đồng tiền tà mạng, tôi nghĩ cái giá mà mẹ phải trả có lẽ sẽ còn ghê gớm hơn nhiều. Đến nay đã vài năm trôi qua, mẹ đã sớm vui với cuộc sống đơn giản mà nhẹ đầu, sáng bán hàng chiều về chăm ngoại, tối lại rủ hàng xóm đi chùa lạy Phật, bình dị mà an lành. 

Về bà ngoại: Trước dịch covid bà ngoại tôi vốn đã tai biến 3 lần, bà lẫn rất nặng, ăn uống vệ sinh phải nhờ cậu mợ và mẹ tôi chăm sóc. Khổ chồng khổ, bà dính covid và bị đưa vào viện dã chiến cách li gần 20 ngày. Ngày về, bà tôi mắt trắng dã, không còn nhìn ra con cháu, toàn thân da bọc xương, lở loét hoại tử. Gia đình tôi thậm chí đã chuẩn bị hậu sự cho bà. Gia đình là Phật tử nên những ngày sau đó có thỉnh quý thầy và đạo tràng tới tụng kinh Di Đà cho bà, mong đoạn đường cuối của bà được nhẹ nhàng bớt đau đớn.

Thế nhưng kì lạ thay, sau khoảng 1 tuần miên mật trì tụng mỗi tối cùng sự chăm sóc hết lòng của cả nhà, sức khoẻ bà tôi tiến triển bất ngờ, các vết lở dần khô da, ánh mắt cũng dần có hồn hơn. Thấy vậy, quý thầy hướng dẫn gia đình tôi mỗi tối thắp nhang ở bàn thờ gia tiên, tụng kinh sám hối oan gia trái chủ và hồi hướng cho bà. Vì vừa sau dịch, cả nhà đều bận đi làm rồi chăm sóc nấu nướng cho bà, tôi tự nguyện mỗi chiều đều chí thành lạy sám hối, liên tục trong vòng 49 ngày. Trong thời gian đó bà tôi liên tục có những thay đổi tốt một cách thần kì mà bất kì ai trực tiếp chứng kiến đều không thể giải thích được. Hiện tại dù bà không đi đứng được, không nói chuyện được nhưng tinh thần và sức khoẻ rất tốt, có thể nhận ra con cháu và nghe hiểu được mọi chuyện. Đương nhiên đó cũng là một loại nghiệp hành thân, nhưng thôi thì trong nghiệp còn có phước, bà còn ở bên để con cháu phụng dưỡng là cái ơn đối với con cháu rồi. 

Về bản thân: Do quá ám ảnh từ cuộc hôn nhân của ba mẹ, cộng thêm việc sợ bị mất phước nếu buông thả mình vào những mối quan hệ không hậu không hữu, tôi luôn thành kiến với cuộc sống hôn nhân và đề phòng những mối quan hệ khác phái. Nhưng rồi tôi gặp người bạn đời hiện tại, trải bao thời gian và thử thách anh vẫn song hành và kiên trì ở bên. Chúng tôi cùng làm lễ hằng thuận dưới sự chứng minh và lời huấn từ của sư ông, sư phụ. Một nỗi sợ thầm lặng khác cuả tôi là về quan hệ nhà chồng – nàng dâu, thế nhưng may mắn đủ phước duyên, tôi được ba mẹ và chị chồng thương yêu như con gái trong nhà, đó là một cái ơn lớn mà tôi dặn mình phải biết ghi tạc mà hết lòng đối đãi với gia đình chồng.

Tuổi trẻ nhiệt huyết hiếu thắng, tôi lại muốn khẳng định bản thân nên sau khi lập gia đình cũng lơ là không chăm chút, chỉ muốn phấn đấu cho sự nghiệp. Tuy chồng cũng kiên nhẫn ủng hộ, nhưng sau thời gian say với vài thành công ban đầu, tôi nhận ra rằng mình không thật sự an lạc với những điều này. Những niềm vui phù phiếm trong công việc mau để lại dư vị trống rỗng mà những tiêu cực thì tồn rất lâu làm cạn kiệt tinh thần và cả thể lực. Đang lúc chơi vơi thì tôi biết mình có thai, sợ rằng stress sẽ làm bé bị ảnh hưởng, tôi quyết định dừng tất cả để tập trung an dưỡng. Thời gian đó tôi cũng chuyên tâm chép kinh Địa Tạng mong được gia hộ cho 2 con. Trộm vía bé sinh ra và lớn lên trong thuận lợi và tình yêu thương của cả gia đình. Tôi cũng tìm lại được công việc mà bản thân yêu thích nhưng bị bỏ quên từ lâu do chạy theo gánh nặng tiền bạc từ trẻ. 

Mãi đến tối qua, khi cho bé về thăm đại gia đình, khi thấy cả nhà quây quần cười nói, con và cháu tôi đùa vui giỡn nghịch hồn nhiên thoải mái, tôi chợt ngẩn ra, có phải đây là thành tựu và mong ước thầm kín của tôi từ thời thơ dại? Tôi đã đi một quãng đường rất dài để từ đứa trẻ trong rón rén và ngộp ngạt của gia đình, niên thiếu mâu thuẫn và cách li gia đình, cho đến tuổi trung niên mới tìm được hơi ấm gia đình, là nhờ ánh sáng của Phật pháp soi rọi và gia hộ, cho tôi tĩnh lặng những sân giận, buông bỏ những chấp trước, tháo gỡ những vướng mắc, tha thứ những sai lầm, bao dung những khác biệt để khi vén mây mù trong tâm, tình thân luôn hiện hữu. Ngồi phía sau cả nhà đang cười nói là bà nội tôi đã lẫn, cả cuộc đời bà sống thăng trầm qua bao sự việc nhưng không rời câu niệm Phật, cũng đã có thể thấy được quả ngọt của câu Nam mô A Di Đà Phật!. 

Viết những dòng này tâm tôi hoàn toàn an bình và hoan hỉ, một thứ cảm xúc thanh thản biết ơn mà tôi thấy may mắn vì có Phật để quay về nương tựa trong đời. Mong rằng trải nghiệm của tôi là sự khích lệ với những đạo hữu còn đang chơi vơi trong cuộc sống. Thật lòng đôi khi tôi cũng lo lắng mơ hồ vì bây giờ an vui quá, sợ biến cố bất ngờ lại ập xuống, nhưng rồi tự trấn lòng, dẫu đường luân hồi trắc trở, quay đầu lại luôn có Phật đứng chờ. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Hội luận: Xả bỏ chướng ngại (4)

Góc nhìn Phật tử 15:00 06/05/2024

Thiện ác nếu nhìn thấu đáo em sẽ thấy mọi thứ đều khác. Tình thương yêu (thiện) có thể biến thành ghen tuông, hận thù (ác) mọi năng lực sáng tạo của con người cũng vậy các loại hung khí (ác) nếu biết dùng cho nhu cầu sinh hoạt lại là (thiện).

Sống trong ảo tưởng, mê mờ, khi ấy khổ đau sẽ trói buộc

Góc nhìn Phật tử 14:12 06/05/2024

Sống ở đời, chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau, dù ít hay nhiều. Bởi thân thể ta đau nhức là khổ, giận hờn là khổ, tiếc thương cũng khổ… Có rất nhiều yếu tố làm cho ta khổ, nhưng chung quy mọi khổ đau đều xuất phát từ chính mình.

Bình yên

Góc nhìn Phật tử 10:45 06/05/2024

Cuộc đời này, chính là bỏ bớt rườm rà để trở thành đơn giản, bỏ đi hận thù để trao gửi yêu thương. Bình yên chỉ đến khi ta biết trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống.

Sống đẹp cùng Tứ nhiếp pháp

Góc nhìn Phật tử 09:58 06/05/2024

Thực hành Tứ nhiếp pháp, cảm hóa người khác sống thiện lành thì xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn, khổ đau...

Xem thêm