Kính ngưỡng Tam Bảo
Tôi theo ngoại đi chùa từ tấm bé, khi ấy tôi chừng 4-5 tuổi gì đó thôi. Hôm đó là một ngày đẹp trời trong cái tháng 7 âm hay có nhiều giông bão, tôi theo ngoại đi chùa cùng với mấy bà con trong xóm.
Trên đường đi ngoại luôn dặn tôi một câu rằng: đến đó con đừng có nghịch ngợm gì nhé. Tôi ngoan ngoãn vâng lời ngoại để ngoại yên tâm về thằng cháu lâu nay nó cũng hay hiếu động. Nhưng ở gia đình thì khác, đây là chốn thiền môn, chốn linh thiêng, chốn tôn nghiêm thì mình phải khuôn phép đấy nhé. Ngoại dặn tôi thêm vài điều như vậy.
Với quãng đường hơn 3 cây số, thi thoảng mỏi chân, thấy tôi la oai oái, ngoại chiều chuộng lại cõng cho đi một đoạn. Thế rồi với hơn một giờ đồng hồ chúng tôi cũng đã đến được chốn linh thiêng ấy.
Cảm giác đầu tiên khi bước qua cổng chùa khiến tôi như khựng lại. Nó như làm tôi lạnh toát cả sống lưng. Đó là sự u tịch, trầm mặc, thinh không, bao phủ một gam màu tối và vô thanh khiến ai lần đầu tiên đến đây cũng phải rợn gai ốc. Những tán cây xum xuê, những bóng lá um tùm, những khoảng sân viên gạch đã xỉn màu; những khoảng tường rêu phong loang lổ, những ổ mối, tổ kiến chạy vệt dài tạo thành bao đường gân chằng chịt bên góc cổng chùa đã xám xịt với thời gian. Bước sâu vào bên trong ta đã nghe thoang thoảng đâu đây là hương trầm và tiếng mõ lúc khoan lúc nhặt. Tất cả đã làm cho lòng ta như trùng xuống và hiển hiện về thứ triết lý vô ngôn, không cần lời giải thích rằng: Thế nào là từ bi, thế nào là bác ái? Thế nào là khổ đau, thế nào là hạnh phúc? Thế nào là nhân quả, thế nào là vị tha? Thế nào là cõi ta bà, là niết bàn hay mười tám tầng địa ngục?... Tất cả đều vang lên ở một chữ “Tâm”. Tâm tĩnh thì lòng sáng, tâm động thì lòng dạ bất an, bấn loạn. Thế nên, khi ta bước tới cửa phật là để hồn được lắng xuống, để tâm được tĩnh tại, để lòng được bình an và có như thế thì trí mình mới sáng được.
Vào đầu những năm 1980, khi ấy ngoại tôi chừng hơn 50 tuổi. Một cái tuổi chưa phải là đã già. Nhưng do lao lực, do dầm xương dãi nắng nhiều nên trông ngoại chẳng khác nào bà lão bảy, tám mươi. Ngoại chăm đi chùa là bởi trong lòng luôn dâng lên niềm tin yêu và kính ngưỡng Tam bảo. Thời bấy giờ ít các cụ đi chùa lắm, chùa làng, chùa xã bị phá gần hết, chỉ còn chùa huyện nên phải đi bộ hơi xa. Nơi ấy sư trụ trì quý bà tôi lắm, lúc nào cũng xưng hô chị em (vì sư trụ trì kém bà tôi 6 tuổi). Thế nhưng bà tôi mỗi khi gặp sư đều cúi lạy và xưng thầy với con. Đó là sự hiếu kính với bậc chân tu mà người mộ đạo chúng ta đều phải làm khi hành lễ. Lần đầu tiên tôi được gặp sư bà nên ngoại làm gì tôi đều làm theo như vậy. Khi ngoại chắp tay cúi đầu mô Phật, kèm theo cụm từ “con bạch thầy ạ”, khi ấy tôi cũng làm theo tương tự như vậy. Vị sư đã khen rằng, tôi mới bé vậy mà biết lễ phép là ngoan lắm đấy. Sư thầy với từ ban thờ Phật một chiếc bánh khảo bằng vuông lòng bàn tay và đưa cho tôi. Bảo rằng: thầy cho, con ăn đi. Xong rồi sư hỏi: con tên là gì. Tôi thưa, con tên Dũng ạ. Vậy ta ban cho con pháp danh là Mạnh Dũng nhé. Tôi dạ vâng với sư và chưa hiểu pháp danh là gì cho lắm. Khi đủ lớn khôn tôi mới hiểu pháp danh là tên pháp trong đạo hiệu của nhà Phật, khi mình đến cửa Phật để được làm lễ quy y.
Lần đó tôi với ngoại và một số bà đi cùng đã ngủ lại qua đêm ở chùa để sáng sớm mai nghe nói là được đón một vị Hòa thượng từ trên tỉnh về rất sớm. Trong đêm ấy có khoảng ba bốn chục người nghỉ lại. Sư trụ trì đã dẫn cả đoàn người đi đến từng pho tượng để giới thiệu về tên của từng vị. Nào là: tượng Đức Ông, Đường Tam tạng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Quan Âm Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni, Ngọc Hoàng Đại Đế, Di Lặc, Phật Tổ, Phật bà nghìn mắt nghìn tay….Những vị tượng được sắp đặt rất trang nghiêm, sạch sẽ. Nhìn bức nào cũng toát lên vẻ đẹp nhân từ của lòng từ bi. Dưới mỗi pho tượng là mỗi bệ đá hay tòa sen đều khắc năm tạc nên bức tượng. Qua lời giới thiệu của sư thầy, thì pho nào tạc gần đây nhất cũng phải cách chúng ta hàng 300 năm.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi được cung đón vị Hòa thượng, nghe đâu từ trên tỉnh về. Chúng tôi xếp thành 2 hàng dọc từ nhà Tổ theo lên nhà thờ Phật để rước Hòa thượng đăng đàn lễ phật và thuyết pháp. Khi Hòa thượng bước qua bục cửa thì ai nấy đều chắp tay và niệm Nam mô A Di Đà Phật. Hòa thượng với gương mặt uy nghiêm, tươi sáng; ánh mắt nhân từ, đôi tai phúc hậu; bước đi khoan thai trong bộ áo cà sa thật nền nã. Khi Hòa thượng đã an tọa nơi bảo điện có rất nhiều tượng phật thì tất cả chúng tôi đều quy tụ chật cứng trong gian phòng. Ngồi 2 bên Hòa thượng là 2 sư thầy chắc ở độ tuổi trung niên. Còn với Hòa thượng tôi đoán tầm trên 80 tuổi. Mặc dù người rất đông, nhưng khi ấy thật là trang nghiêm, đến hơi thở cũng thật là nhẹ. Ai cũng chắp tay hướng về Tam bảo.
Sau khi sửa soạn xong, Hòa thượng nói một câu: Xin phép quý phật tử ta bắt đầu hành lễ nhé. Thế là một hồi chuông vang lên, tiếng tụng kinh, gõ mõ nối theo sau không ngớt trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Khi tất cả các bài cúng đã xong, Hòa thượng chuyển sang phần thuyết pháp. Trong rất nhiều lời dạy, tôi chỉ nhớ mỗi một điều, Hòa thượng cũng nhấn mạnh là quên gì thì quên, miễn các con nhớ cho một điều này thôi nhé. Dù đến được với chùa, hay vì công việc, vì cuộc sống bận rộn mà các con không có điều kiện để thường xuyên lui tới được cửa chùa thì 6 viên thuốc bổ này các con phải luôn giữ nó để làm cẩm nang trong đời cho mình. 6 viên thuốc bổ đó là: “Nam mô A Di Đà Phật”. Quả thực, 6 viên thuốc bổ ấy thật là linh nghiệm, nó đã theo tôi suốt 40 năm trong đời. Từ khi được Hòa thượng ban cho, tôi luôn xem nó là một báu vật, là thứ cẩm nang quý để mình sử dụng thường xuyên chứ không cớ gì những khi ta gặp hoạn nạn mới đem ra để dùng. Nhưng ta thấy rõ nét nhất là nó rất linh nghiệm mỗi lần ta gặp nạn. Khi tôi bị vấp ngã, bị đớn đau, bị thương tích đầy mình, miệng thường lầm rầm 6 từ thần dược ấy, ngay lập tức tôi thấy mình bớt đau đớn đi. Nói như thế sẽ có người lập luận rằng, với những người có công ty bị phá sản, có chức vụ bị bãi miễn, cách chức hoặc lớn hơn là dính vào vòng lao lý, khi này, 6 viên thuốc bổ kia liệu có linh ứng không. Vâng, bảo ngay lập tức thì không thể làm được. Nhưng về lâu về dài, tôi tin là sẽ làm được. Cho dù đến mức ta không thể làm lại được thì ta vẫn giữ một đức tin rằng: Thế giới này không có thứ vật chất hữu hình nào là trường cửu cả. Vậy ta hãy tập buông bỏ với những thứ gì nó đến với mình hôm nay rồi ngày mai nó lại nhẹ nhàng ra đi. Có tu tập được điều đó thì ta mới trở thành chính quả. Có thể nhiều bạn bảo rằng, nói thì dễ nhưng làm thì khó, xin thưa quả đúng là như vậy thật. Nhưng 6 viên thuốc bổ khi ta biết sử dụng vào thời khắc này thì lòng ta cũng dịu đi nhiều phần lắm đấy.
Triết học từng nói: Ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đấy, đau chỗ nào dịt thuốc chỗ ấy. Giáo lý nhà phật cũng không nói về một thần dược nào đó để ta chữa lành vết đau (cả thể xác và tâm hồn) được cả. Tuy nhiên, nếu ta có đức tin thì tất cả mọi thương đau dần dà cũng sẽ tiêu tan.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Phạm Văn Dũng; giáo viên Trường THCS Cầu Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm